TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Tỉnh lị Vĩnh Yên từng là trung tâm buôn bán quan trọng đối với người dân địa phương

9:39 11/04/2018

Tỉnh lị Vĩnh Yên nằm cách Hà Nội 54 km, cách Việt Trì 19 km. Đây là trung tâm buôn bán quan trọng đối với người dân địa phương. Ngoài ra, nơi đây còn có trạm thuế quan, đồn lính khố xanh, văn phòng Sở Giao thông công chính, trạm bưu điện và một nhà ga xe lửa.

tinh vinh yen

Tỉnh Vĩnh Yên năm 1907

Trong cuốn “Niên giám hành chính, thương mại và kỹ nghệ” hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, ký hiệu S 189, trang 542 – 543 có bài viết về tỉnh Vĩnh Yên, cung cấp một số thông tin về ranh giới, dân cư, đơn vị hành chính… của tỉnh năm 1907. Chúng tôi dịch nguyên văn và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn bộ nội dung bài viết.

Dân số: Tỉnh Vĩnh Yên có 182.300 người Việt, 42 người Âu, 20 người Hoa, 15 người Thổ và 810 người Mán.

Đơn vị hành chính:

Phủ

Huyện

Số

tổng

Vĩnh Tường

Bạch Hạc

10

96

Bình Xuyên

7

42

Lập Thạch

14

86

Tam Dương

10

65

Yên Lạc

8

67

Tổng số:

46

356

 

Tỉnh lị Vĩnh Yên

Ranh giới: Ranh giới của tỉnh được xác định như sau: phía Bắc và phía Đông Bắc giáp các tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên; phía Nam giáp sông Hồng; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Ninh và Phù Lỗ; phía Tây giáp sông Hồng và sông Lô.

Đường giao thông: Sông Hồng và sông Lô được coi là ranh giới tự nhiên của tỉnh và là tuyến đường mà giới thương lái bản xứ sử dụng nhiều nhất. Trạm Bạch Hạc nằm đối diện với Việt Trì là điểm tập kết duy nhất tàu sà lúp của Công ty Vận tải đường sông – vốn thường xuyên qua lại trên hai con sông này để phục vụ giao thông.

Về đường bộ, Việt Trì có một số tuyến đường chạy ngang dọc khắp tỉnh. Tuyến Thái Nguyên đi Tuyên Quang chạy qua phần phía Bắc của tỉnh và một số tuyến khác dẫn đến Phù Lỗ và Bắc Ninh. Ngoài ra, tất cả những trạm nhỏ của tỉnh được nối liền với tỉnh lị thông qua một vài tuyến đường mà xe cộ có thể lưu thông được.

Hiện nay, tuyến đường sắt Hà Nội – Vân Nam chạy xuyên tỉnh tính từ biên giới Phù Lỗ (Phúc Yên) đến Bạch Hạc, vượt qua sông Lô bằng cầu sắt sang Việt Trì. Tại Vĩnh Yên, có 4 ga là: Hương Canh, Vĩnh Yên, Hướng Lại và Bạch Hạc.

Sản vật: Vĩnh Yên có nhiều loại cây trồng đặc trưng của vùng châu thổ Bắc Kỳ. Ngoài ra, dân bản xứ còn trồng khá nhiều sắn, nhất là ở các khu vực xung quanh như Lập Thạch, Tam Dương và Bạch Hạc.

Cây dâu cũng được trồng với số lượng lớn, chiếm diện tích khoảng 300 héc ta.

Người Mường sống ở vùng núi, chủ yếu trồng cây thuốc lá có chất lượng tương đối tốt

Lâm sản mang lại nguồn lợi đáng kể cho người dân nơi đây. Ngoài các loại cây lấy gỗ quý hiếm như: gụ, lim, tại các khu rừng của tỉnh, người ta còn trồng cánh kiến, bạch đàn, cây lấy nhựa (đặc biệt là cây chàm, một loại cây khá phổ biến), hoa trà…

Vùng Tam Đảo còn có một vài mỏ quặng nhưng người ta chưa đánh giá được chính xác giá trị của những mỏ này.

Vĩnh Yên: Tỉnh lị Vĩnh Yên nằm cách Hà Nội 54 km, cách Việt Trì 19 km. Đây là trung tâm buôn bán quan trọng đối với người dân địa phương. Ngoài ra, nơi đây còn có trạm thuế quan, đồn lính khố xanh, văn phòng Sở Giao thông công chính, trạm bưu điện và một nhà ga xe lửa.

Chính quyền bản địa tỉnh gồm:

Mai Trung Cát, Tuần phủ

Lê Trung Ngọc, Án sát

Kiều Oánh Mậu, Đốc học

Vũ Duy Kiểm, Tri phủ Vĩnh Tường

Nguyễn Chước, Tri huyện Tam Dương

Lê Chước, Tri huyện Lập Thạch

Hoàng Ngọc Lieu, Tri huyện Bình Xuyên

Đàm Quang Phương, Tri huyện Yên Lạc

Phạm Gia Thuy, Bang tá Bạch Hạc

Nguyễn Huu Dinh, quản lý Sở Bưu Điện và Điện Báo1

 

Nguồn:

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Niên giám hành chính, thương mại và kĩ nghệ, phần I, năm 1907, S 189, tr. 385, 542-543

 

NGUYỄN HIỀN

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

1. Tên người trong tài liệu (tiếng Pháp) viết không dấu, do có một số tên hiện chúng tôi chưa tra cứu được chính xác (in nghiêng) nên chúng tôi để nguyên tên viết không dấu như bản gốc.

Liên Hệ Phòng Đọc

891490 truy cập

127 trực tuyến

Liên kết Website