TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Vua Bảo Đại quy định phải có phương tiện cứu hộ công nhân tại các công trường lao động

1:32 28/04/2019

Cách đây tròn 81 năm ngày 7 tháng 4 năm 1938 vua Bảo Đại trong một bản Dụ đã đặt ra yêu cầu bắt buộc các công trường phải có phương tiện cứu hộ tại chỗ cho công nhân và người lao động.

Trước đó dưới triều Nguyễn, việc người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, công trường hầu như không có bất cứ quy định gì về chế độ cứu hộ hay bảo hiểm. Khi sảy ra tai nạn lao động hầu hết đều do công nhân tự phát cứu chữa và tùy thuộc vào lương tâm và trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Vì vậy có thể nói đây là văn bản pháp quy đầu tiên quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của chủ và công nhân đối với an toàn lao động tại Việt Nam.

01-5-003Bản Dụ ngày 7 tháng 3 năm Bảo Đại 13 (tức 7/4/1938) về việc bắt buộc các công trường phải có phương tiện cứu hộ cho công nhân và người lao động Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn

Bản Dụ viết bằng tiếng Pháp gồm 6 điều khoản, trong đó quy định những vấn đề cơ bản sau:

– Tại mọi công trường công hoặc tư, nằm cách 1 cơ sở y tế hoặc trạm cứu hộ trên 5km, chủ sử dụng lao động phải tự bỏ kinh phí (về cả nhân sự và trang thiết bị) để cung cấp phương tiện cứu hộ và thiết bị điều trị cho công nhân hoặc người lao động.

– Đối với công trường có số công nhân hoặc người lao động từ trên 50 đến dưới 200 người, chủ sử dụng lao động phải duy trì trong hộp chuyên dụng kín và chống ẩm, các loại thuốc cần thiết để băng bó khẩn cấp trong trường hợp tai nạn lao động trước khi đưa người bị nạn đến bệnh viện.

– Trong hộp cứu hộ cần có các vật dụng tối thiểu như: bông băng cá nhân theo quy chuẩn của quân đội, cồn sát trùng.

– Đối với công trường có số công nhân hoặc người lao động trên 200 và dưới 500 người, chủ sử dụng lao động phải đặt tại công trường 1 trạm y tế có y tá được Chánh Sở Y tế chấp thuận và có đủ thuốc và dụng cụ băng bó theo quy định của cơ quan y tế cũng như phòng cách ly cho người mắc bệnh truyền nhiễm.

– Đối với công trường số công nhân hoặc người lao động trên 500 người, chủ sử dụng lao động phải dựng tại công trường một trạm xá lưu động do 1 thầy thuốc hoặc bác sĩ người Đông Dương điều hành với sự hỗ trợ của các y tá. Trạm xá này phải đủ thuốc và dụng cụ băng bó theo quy định của Sở Y tế cũng như buồng bệnh để chăm sóc người ốm và người bị thương cần đưa đến bệnh viện cũng như để cách ly nếu cần.

– Người bệnh được đưa đến các trạm xá lưu động này được miễn phí tiền thuốc, được nuôi ăn và điều trị bằng tiền của chủ sử dụng lao động. Ngoài ra các cơ sở y tế thường trực có thể tiếp nhận khoảng 2% bệnh nhân nội trú. Buồng bệnh và khu vực phụ cận phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ.

Trong bối cảnh những năm gần đây việc mất an toàn lao động đang có chiều hướng gia tăng, mặc dù nhà nước đã có rất nhiều quy định về an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên theo báo cáo của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội từ năm 2006 đến 2016, con số tai nạn lao động trung bình là 6.000 vụ/năm, thậm chí năm 2017 cả nước đã xảy ra 8.956 vụ. Không cần nói cũng biết hậu quả về tinh thần và vật chất nghiêm trọng như thế nào đối với toàn xã hội.

Nhân ngày Quốc tế Lao động mồng 1 tháng 5, chúng tôi xin giới thiệu bản Dụ này của vua Bảo Đại ra đời đã hơn 80 năm nhưng thiết nghĩ giá trị của nó vẫn mang tính thời sự rất cao./.

Nguyễn Thu Hoài – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Liên Hệ Phòng Đọc

891555 truy cập

148 trực tuyến

Liên kết Website