TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Phố đi bộ quang Hồ Gươm được hình thành như thế nào trong lịch sử

9:08 18/03/2019

Không gian quanh Hồ Gươm từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn của Hà Nội. Đặc biệt, từ khi Phố đi bộ quanh Hồ Gươm ở Hà Nội chính thức được khai trương[1]thì không gian nơi đây càng trở nên tưng bừng, đầy sắc thái. Sự kiện này không chỉ làm nức lòng người dân sống tại thủ đô mà còn làm nức lòng người dân các tỉnh khác trên khắp đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ không có nhiều người, nhất là những người thuộc lớp trẻ hiện nay, biết được con phố đó hình thành thế nào trong lịch sử. Dưới đây là vài nét cơ bản về sự hình thành con phố đó.

1

Tháp Hòa Phong, ảnh trong Connaissance  de l’Indochine, N.1, 1917.

Theo điều 9 của Công ước ngày 6-2-1874 và điều khoản phụ kèm, người Pháp được triều đình Huế nhường cho một khoảng đất trên bờ sông Hồng để xây dựng chỗ ở cho Công sứ và đội hộ vệ với diện tích là 5 mẫu (2,5 ha)[2]. Đó là một khoảng đất rộng hình chữ nhật nằm dọc, có các cạnh dài hai bên là con đê trong (nay là các phố Lê Thánh Tông và Trần Thánh Tông) và bờ sông Hồng; các cạnh ngắn là các con đường được đắp cao (ngày nay là đoạn đầu phố Tràng Tiền cho đến phố Nguyễn Công Trứ). Tháng 10-1875, Pháp bắt đầu khởi công xây dựng các công trình kiên cố trên khu nhượng địa, với một con đường đi xuyên dọc trong khu sau này trở thành phố Nhượng địa (rue de la Concession) và nay là phố Phạm Ngũ Lão.

2

Phố Nhượng địa, ảnh Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’Outre mer – ANOM).

Để thực hiện mục đích xây dựng Hà Nội thành một thành phố châu Âu, việc đầu tiên mà chính quyền thuộc địa Pháp làm là mở một con đường nối khu nhượng địa với khu vực Trường Thi và Hoàng thành cũ. Con đường này sau đã trở thành các phố đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, bao gồm 3 phố:

1. Phố Pháp Quốc (rue de France)

Phố này bắt đầu từ cổng Pháp Quốc (Porte de France) vốn là cổng phố Hàng Khay, đoạn từ chỗ giao nhau giữa phố Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư đến Nhà hát Lớn, được xây dựng vào khoảng năm 1886-1888 (năm 1945 phố Pháp Quốc đổi tên thành phố Đồn Thủy, nay là một đoạn của phố Tràng Tiền). Theo mô tả của Hocquard (một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp), cổng này được xây bằng gạch “với kiến trúc đơn giản nhưng có vẻ oai nghiêm cân xứng, lộ ra trong một bức tường dày được bao quanh một cái lan can mở ra giữa hai trụ vòm phía trên mỗi trụ có một con sư tử[3]. Cổng này bị dỡ bỏ vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7-1886 cùng với các cọc gỗ và các ụ đất bao quanh khu nhượng địa theo quyết định của Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ ngày 8-6-1886[4].

3

Cổng Pháp Quốc. Phía trước là Rue des Incrusteurs (phố Tràng Tiền – Hàng Khay thời Pháp thuộc), phía sau là Khu nhượng địa. Ảnh trong Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888) của André Masson xuất bản tại Paris,1929.

2. Phố Paul Bert[5].

Phố này bắt đầu từ Nhà hát Lớn đến hết phố Hàng Khay (người Pháp gọi là phố Incrusteurs), được xây dựng vào khoảng 1886-1888, đầu năm 1945 đổi tên thành phố Tràng Tiền – Hàng Khay. Năm 1949 phố Paul Bert được chia thành 2 đoạn: đoạn thuộc phố Tràng Tiền cũ (không bao gồm phố Hàng Khay) sáp nhập với phố Đồn Thủy lấy tên là phố Pháp Quốc, nay là một đoạn của phố Tràng Tiền; đoạn còn lại đổi tên thành phố Anh Quốc (Great Britain Street), năm 1951 vẫn giữ nguyên tên phố Anh Quốc, nay là phố Hàng Khay.  

3. Phố Borgnis Desbordes[6].

Phố này được xây dựng từ trước năm 1890, bao gồm cả Camps des Lettrés (Trường Thi). Năm 1945 đổi tên thành phố Tràng Thi, năm 1949 đổi tên thành phố Mỹ Quốc (United States Of Amécica Street), nay là phố Tràng Thi.

Trong quá trình mở con đường nối khu nhượng địa với khu vực Trường Thi và Hoàng thành cũ, khi xây dựng qua khu vực hồ Hoàn Kiếm (người Pháp gọi là Petit Lac tức Hồ Nhỏ để phân biệt với Grand Lac-Hồ Lớn tức Hồ Tây), chính quyền thuộc địa quyết định giữ lại khu vực quanh Hồ với chiều rộng ít nhất là 20 mét[7]. Và các phố xung quanh Hồ đã được hình thành, đó là các phố:

1. Đại lộ Francis Garnier[8].

Đây là một trong những phố được xây dựng đầu tiên, có quyết định xây dựng từ năm 1884 với tên gọi ban đầu là đại lộ quanh Hồ Nhỏ (boulevard autour du Petit Lac) hoặc đại lộ Hồ Nhỏ (boulevard du Petit Lac) hay đại lộ ven Hồ (boulevard du Lac), nhưng đến tháng 4-1885 mới được phác thảo. Dự toán cho việc xây dựng đại lộ này được lập ngày 1-7-1887, với tổng kinh phí là 2.000 francs[9].

Năm 1888, Hội đồng Thành phố bỏ phiếu tán thành chi 2.000 francs để sớm hoàn thành đại lộ này nhưng một vài chủ đất ở khu vực này đã đòi bồi thường quá cao nên Thành phố đã mất nhiều thời gian trong quá trình trưng dụng. Đại lộ quanh Hồ Nhỏ được bắt đầu xây dựng trước năm 1891 ở xung quanh hồ Gươm, khi hoàn thành được đặt tên là đại lộ Francis Garnier, năm 1945 được sáp nhập với đại lộ Beauchamps[10]đổi tên thành phố Lê Thái Tổ, năm 1951 tách khỏi đại lộ Beauchamps và đổi tên thành đại lộ Đinh Tiên Hoàng, nay là phố Đinh Tiên Hoàng.

4

Đoạn đường ven hồ Gươm phía đại lộ Bauchamps (nay là phố Lê Thái Tổ) mang tên “La promenade des journalistes”. Đoạn đường này được mở sau khi có quyết định ngày 22-8-1886 của Phó Công sứ Pháp ở Bắc Kỳ cho phép xây dựng một con đường rộng 10 mét xung quanh Hồ Gươm. Ảnh trong L’Etrême-Orient của Paul Bonnetain, Paris, 1887.

2. Đại lộ Beauchamps.

Đại lộ này được mở trước tháng 4-1891, năm 1945 sáp nhập với đại lộ Francis Garnier thành phố Lê Thái Tổ, năm 1951 tách khỏi đại lộ Francis Garnier và đổi tên thành đại lộ Lê Thái Tổ (nay là phố Lê Thái Tổ). Trong khi mở con đường này, đền thờ vua Lê Thái Tổ đã được giữ nguyên, Thành phố chỉ lấy đi một phần rất nhỏ ở phía trước để mở đường[11].

3. Đoạn giáp ranh giữa đại lộ Francis Garnier và đại lộ Beauchamps về phía đông – bắc thành phố là Place de Cocotier[12] (khoảng năm 1900 đổi thành quảng trường Négrier[13], năm 1949 rồi đổi thành quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước là nhà ga tầu điện Bờ Hồ, nay là khu vực đài phun nước Bờ Hồ)[14].

Một điều phải thừa nhận rằng, trước khi người Pháp mở con đường quanh Hồ Gươm, thì hồ “chỉ như một cái ao, xung quanh là các nhà gianh của người bản xứ” mà trong các hình ảnh còn lưu lại thì người dân ở quanh đấy thường ra ven hồ để giặt dũ và rửa rau, vo gạo. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng con đường đó, ở giai đoạn đầu, người Pháp đã phá hủy nhiều di tích của HàNội như chùa Phổ Giác, chùa Báo Ân… Nhưng sang đến giai đoạn sau, khi thi công đoạn cuối con đường nối đại lộ Francis Garnier với quảng trường Cocotier thì tình hình có khác đi, do có sự can thiệp của Trường Viễn Đông Bác cổ ở Hà Nội.

Được sự tư vấn của Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ,với Nghị định ngày 24-11-1906 của quyền Toàn quyền Đông Dương, Đền Ngọc Sơn và Tháp Bút Hồ Hoàn Kiếm đã được đưa vào danh mục các công trình lịch sử ở Hà Nội. Đến năm 1937, khi đoạn cuối con đường nối đại lộ Francis Garnier với quảng trường Cocotier, chùa Bà Kiệu có nguy cơ bị chuyển đi nơi khác để lấy đất làm đường thì ngày 7-9-1937, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ đã gửi Công văn số 3197 lên Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử đối với đền Bà Kiệu vì công trình này có giá trị về mặt kiến trúc mà mặt chính của nó được xây theo kiểu Tàu. Nhưng Đốc lý Hà Nội đã không ủng hộ đề nghị xếp hạng di tích đền Bà Kiệu của Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ. Giải pháp được Thống sứ Bắc Kỳ đưa ra là, nếu Trường Viễn Đông Bác cổ góp một phần kinh phí vào việc chuyển đền để mở rộng đường thì Thành phố sẽ đồng ý xếp hạng di tích lịch sử cho đền Bà Kiệu[15]. Không có đủ tài liệu để chứng minh giải pháp đó có được thực hiện hay không song sự tồn tại của chùa Bà Kiệu ngày nay cho thấy sự can thiệp của Trường Viễn Đông Bác cổ trong việc giữ gìn một di sản của Hà Nội ở quanh Hồ Gươm đã thành công.

Lịch sử hình thành phố đi bộ quanh Hồ Gươm đã được tài liệu lưu trữ chứng minh rất rõ. Việc giữ gìn, bảo vệ những di tích lịch sử quanh Hồ đã trở thành trách nhiệm của mọi công dân thủ đô nói riêng, nhân dân cả nước nói chung ngày nay và mãi mãi mai sau.

TS. Đào Thị Diến

———————————————————————

Chú thích

[1] Phố đi bộ quanh Hồ Gươm chính thức khai trương từ ngày 1-9-2016.

[2] Do sự bất lực của nhà Nguyễn mà đại diện là Trần Đình Túc, thực tế khu nhượng địa này đã lên tới 15,5 héc-ta.

[3] Claude Bourrrin, Le vieux Tonkin, Hanoï, 1941, tr. 16.

[4]Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin(RST), hs: 01.

[5]Paul Bert (1833-1886) vốn là thày thuốc, nhà sinh vật học và là chính trị gia người Pháp; từng giữ chức Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ từ năm 1885, chết ở Hà Nội trong dịch tảcuối năm 1886.

[6]Gustave Borgnis Desbordes (1839-1900), sĩ quan cấp tướng trong quân đội viễn chinh Pháp, đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh thuộc địa, đặc biệt là ở Nam Kỳ và Sudan thuộc Pháp, từng ở Nam Kỳ những năm 1868-1871, ra Bắc Kỳ năm 1884, chết tại Hà Nội ngày 18-7-1900.

[7]RST, hs: 5830.

[8]Francis Garnier (1839-1873), sĩ quan hải quân Pháp, từng giữ chức quan cai trị thành phố Chợ Lớn năm 1863, tham gia phái đoàn thăm dò sông Mê Kông năm 1866, chỉ huy vụ đánh thành Hà Nội năm 1872, bị giết ở trận Cầu Giấy năm 1873. Đã viết một số sách: “La Cochinchine française en 1864”, “Voyage d’exploration en Indo-chine, effectué pendant les années 1866, 1867 et 1868”, “Atlas du voyage dexploration en Indo-Chine: effectué pendant les années 1866, 1867 et 1868 par une Commission française” (2 tập)… 

[9]RST,hs: 2792.

[10]Laurent Beauchamps, Đốc lý Hà Nội từ 23-6-1891 đến 10-5-1893.

[11]RST, hs: 56737.

[12]Trong quá trình khảo sát để xây dựng ga tàu điện trung tâm cho thành phố, người Pháp thấy khu vực này có rất nhiều cây cọ mà họ lầm tưởng là dừa nên đặt tên là Place de Cocotier (Quảng trường Cây Dừa). 

[13]François Oscar de Négrier (1839-1913), tướng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ năm 1883-1884, chỉ huy đánh chiếm Lạng Sơn, Đồng Đăng trong các năm 1884 và 1885, 2 lần bị thương trong trận Lạng Sơn ngày 28-3-1884 và 1885.

[14] Quảng trường này hiện nay vẫn chưa có biển báo tên.

[15]RST, hs: 73514/02. 

Liên Hệ Phòng Đọc

956372 truy cập

18 trực tuyến

Liên kết Website