TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Nghề gốm ở Bát Tràng qua nghiên cứu của người Pháp

10:15 10/05/2017

Tạp chí Kinh tế Đông Dương số tháng 9-10 năm 1912 cho đăng nghiên cứu của A.Barbotin, Hiệu trưởng Trường Nghề Hà Nội, về nghề gốm truyền thống ở Bắc Kỳ, trong đó ông mô tả chi tiết các công đoạn làm gốm của những người thợ thủ công tại làng nghề Bát Tràng.

 Xin lược dịch giới thiệu với độc giả.

Gốm Bát Tràng hầu hết được làm từ đất sét, men lót bằng đất cao lanh và tráng men. Sản phẩm gốm Bát Tràng gồm có:

1. Bát đĩa, chum thóc, thùng nước, bình vôi, chén uống rượu.

2. Ấm trà bằng đất đỏ mịn.

3. Bình lọ hình dáng đẹp mắt, trang trí dạng đắp nổi, tráng men rạn.

4. Gạch lát, ống nước và sản phẩm tương tự.

LÀM BÁT ĐĨA

Thấu đất: Đất dùng để tạo dáng là đất sét từ làng Cổ Điển, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên hoặc làng Giâu, huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây.

Đôi khi người ta chỉ dùng loại đất Cổ Điển, có khi pha với 1/3 đất Giâu, loại thứ 2 này chất lượng thấp hơn.

Đất sét được đổ vào bể và ngâm nước. Chất bẩn được loại bỏ kiểu thủ công. Sau khi nhào dưới chân, đất được xếp thành từng ụ nhỏ hình nón gần các bàn xoay. Tại đây, đất được nhào một lần nữa bằng cách thái đi thái lại bằng dụng cụ cắt gồm một sợi dây căng trên một khung cong như compa.  

Tạo hình (chuốt gốm): Gốm được tạo dáng trên bàn xoay. Thợ gốm lấy một nắm đất, vò bằng 2 tay, tách đất làm đôi, hợp lại làm một, vò một lần nữa, sau cùng đặt lên bàn xoay. Bát đĩa tạo dáng xong được xếp cạnh nhau trên giá đỡ gần lò nung. Sản phẩm mộc được hong khô trong bóng râm, sau đó đem phơi nắng, thỉnh thoảng đảo đầu giá đỡ.

Ủ vóc: Sản phẩm mộc được đem đi ủ vóc để hoàn thiện các đường viền và tạo độ dày phù hợp.

Ủ vóc là công việc của nam giới.

Bàn xoay cũng giống như ở công đoạn chuốt gốm nhưng nhỏ hơn.

Giữa bàn xoay đặt một mâm cặp (mandrin), trên úp bát. Người thợ gốm đập bẹt đáy bát bằng một tấm ván nhỏ, tạo hình trôn bát từ bên ngoài bằng cật tre, sau đó khoét lòng bát và cuối cùng nhanh chóng hoàn thiện dáng bát.

Phụ nữ chỉ phụ trách việc xoay gốm. Họ xoay khoảng 300 bát nhỏ mỗi ngày.

Việc ủ vóc được giao cho nam giới, mỗi ngày từ 6 đến 700 bát nhỏ.

Một vài sản phẩm như bình vôi, ấm trà…còn có phụ kiện như vòi, quai được làm rời, sau đó gắn vào thân bằng đất mềm.

Sau khi ủ vóc, sản phẩm tiếp tục được hong khô trong lán, sau đó để ra ngoài trời trên các giá đỡ khổ lớn.

Tráng men lót: Đất dùng để làm đồ gốm Bát Tràng sau khi nung sẽ có màu đỏ. Để che đi màu sắc này, người ta nhúng sản phẩm vào hỗn hợp cao lanh đặc có màu trắng xanh, đó là công đoạn tráng men lót.

Đất dùng để tráng men lót là đất cao lanh từ vùng Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Đất cao lanh ở đây có màu trắng hơi hồng, được cho vào cối giã rồi rây cát. Người ta cho bột đất vào một bể hình chữ nhật, đổ nước và quấy đều bằng chàng. Cát nặng hơn đất sét nên lắng xuống đáy hố. Đất sét nổi lên phía trên được múc ra bằng gáo dừa.

Thợ gốm – người làm công việc tráng men lót – đặt cạnh mình một chậu đầy hỗn hợp đất Đông Triều. Người thợ cầm cái bát và vừa múc hỗn hợp này vừa xoay bát. Hỗn hợp đất được rải đều trong lòng bát, phần còn dư được đổ lại vào chậu. Lúc này, người thợ gốm phải chạy đi chạy lại trong phòng sấy.

Sau khi công đoạn này kết thúc, người thợ lại lấy sản phẩm để thực hiện việc tráng men lót, nhưng ở phía ngoài.

Trang trí: Họa tiết trang trí, đa số là những đường chỉ nhỏ hoặc hình vẽ đơn giản, được tiến hành trên sản phẩm sau khi tráng men lót hoặc tráng men.

Cái bát đặt ở giữa mâm xoay của một bàn xoay nhỏ kiểu dáng đặc biệt.

Người thợ gốm, tay phải cầm bút lông đã chấm mực, vẽ các đường chỉ quanh cái bát đang xoay trên bàn xoay. Một người thợ khác, tay trái cầm bát, và nhanh nhẹn vẽ lên đó một bức tranh đơn giản. Bút lông để vẽ đường chỉ là bút lông dẹt còn bút lông để vẽ tranh là bút lông tròn.

Màu sắc được dùng để vẽ là màu đại thanh bán tại các cửa hàng của người Hoa ở Hà Nội.

Tráng men: Men gốm Bát Tràng là loại kiềm thổ. Đó là hỗn hợp silic, nhôm và kiềm – hóa lỏng và trong suốt ở nhiệt độ mong muốn – thêm đất cao lanh đã loại cát và gio một vài loại cây.

Gio được gọi tên theo nơi xuất xứ: gio Hải Phòng, gio Quế hoặc gio Lường.

Gio Hải Phòng được sản xuất ở vùng phụ cận thành phố, từ vỏ sú vẹt.

Gio Quế đến từ làng Đinh Xá, cách Phủ Lý khoảng 5 cây số. Làng này làm đồ gốm, đặc biệt là nồi niêu, và sử dụng một số loại cây trong khu rừng lân cận (sùng, dây lân, cứt sắt giò) làm củi đốt. Ở trạng thái tự nhiên, loại gio này rất trắng nhưng thường bị pha với tro rơm hoặc các loài cây khác.

Gio Lường xuất xứ làng Lường, tỉnh Hà Nam. Người làng này không làm gốm nhưng đốt vỏ một số cây để lấy tro.

Việc chế men như sau. Bột cao lanh hòa vào nước để loại cát (lần cân), sau đó múc hết đất sét nổi phía trên đem rây bằng vải lụa để thu được đất sét mịn.

Tro cũng hòa nước, rây để thu được một thứ bột nhão màu xám.

Sau đó, người ta trộn lẫn hai loại theo tỷ lệ bằng nhau để làm men và nhúng sản phẩm vào hỗn hợp.

Nung đốt: Đồ gốm được nung trong lò tiết diện hình chữ nhật (dài 12m, cao 2.60m, rộng 3.60m). Đáy lò hơi dốc về phía trước. Vòm lò được đỡ bằng nhiều cột chum vại chồng lên nhau. Vòm lò có đục lỗ – dùng để ủ ở cuối công đoạn nung. Vòm được xây tại chỗ bằng hỗn hợp đất gồm 60% đất làng Cổ Điển và 40% vụn từ sản xuất xi măng. Để xây vòm, người ta dựng một vòm tre lên toàn bộ bề mặt; trên vòm nện đất sét nhão và bố trí một số mạch để giãn nở, sau khi nung, những mạch này sẽ được trét lại bằng đất. Vòm dựng xong được nung tại chỗ.

Tường lò làm bằng gạch vuông từ loại đất nhão giống như vòm lò và được nung chín trước khi xây tường.

Ở đáy lò có ống khói, tách rời với lò bằng một bức tường trổ cửa ở phía dưới. Như vậy, lò được thông hơi nhờ phần đáy, ngọn lửa nào vươn cao lên phía vòm lò đều sẽ bị kéo xuống.

Ống khói được mở bằng hai cửa hình tròn. Phần dưới ống khói có dạng phòng vuông, trên tường đặt giá để xếp đồ nung.

Xếp lò: Có thể xếp lò bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo đồ nung.

Bát đĩa được xếp vào các hốc tường chồng lên nhau, tạo thành từ 2 viên gạch vuông dựng đứng và 1 viên nằm ngang. 

Các khoanh đất sét được dùng để kê gạch tạo độ cân bằng.

Ở mỗi hốc, người ta xếp khoảng ba chục bát.

Bát nhỏ và những sản phẩm khác được cho vào các hộp hình trụ bằng đất nung, thành phần giống như gạch vuông, và xếp lồng vào nhau.

Các chồng bát trong hốc cũng như trong trụ được xếp vào lò nhưng tránh các chỗ trống tương ứng với cửa vòm.

Về việc xếp đồ vào lò, người ta đặt loại lớn xuống đáy, loại nhỏ ở gần lối vào, tương tự như trong 1 chồng.

Mỗi mẻ nung khoảng 60.000 bát hoặc sản phẩm khác nhau.

Điều chỉnh lửa nung: Khi xếp lò xong, người ta bịt phần trên cửa và đốt củi ở cửa lò. Người ta bắt đầu bằng lửa nhỏ rồi mạnh dần lên và duy trì ngọn lửa trong khoảng 48 giờ.

Trong thời gian này, các lỗ hổng trên vòm được bịt lại bằng gạch.

Sau 48 tiếng nung, người ta mở ra một hàng lỗ và nhét vào đó những mẩu gỗ nhỏ để ở mỗi hàng lỗ đều có 1 bát nung thử, đục lỗ ở giữa, sao cho có thể móc lên dễ dàng để kiểm tra kết quả nung đốt.  

Người ta đốt củi ở hàng lỗ đầu tiên cho đến khi những sản phẩm xếp phía dưới chín hẳn.

Sau đó, hàng lỗ này được đóng lại và hàng tiếp theo mở ra, cứ thế cho đến khi hết lò.

Gốm nung xong được để nguội 48 tiếng rồi dỡ.

Việc nung gốm cần 4 nam. Còn trên lò có 10 công nhân, 2 phụ trách theo dõi bát nung thử. Ngoài ra, còn có 1 thầy bói để xem khói. Trước khi đốt lò, người ta sửa soạn cho thầy một bữa ăn thịnh soạn, và trong quá trình nung, tùy theo tình trạng khói, thầy sẽ can thiệp bằng một loạt cầu thần chú, để công việc suôn sẻ.

SẢN PHẨM KHÁC BẰNG ĐẤT ĐỎ

Ở Bát Tràng, người ta còn sản xuất nhiều đồ gốm tinh xảo hơn những loại trên đây. Đó là các ấm trà và sản phẩm xinh xắn với lớp men màu đỏ rất đẹp.

Nguyên liệu được làm từ đất làng Cổ Điển và cát – cặn từ quá trình hòa tan cao lanh – theo tỷ lệ 3 đất 1 cát.

Men được chế từ đất sét Cổ Điển nhão và một ít sỏi đỏ.

BÌNH LỌ KHÁC

Sản phẩm khác nữa là lọ tráng men rạn hoặc men trơn, trang trí hình đắp nổi, hình rồng hoặc hình hoa.

Nguyên liệu gồm đất sét nâu trộn với cát bãi.

Việc chế men như sau:

– Men trơn: trộn 10 phần trấu với 2 phần vôi bột sau đó ủ trấu cho đến khi cháy hết. Phần tro thu được thì hòa vào nước, rây sạch để cho ra một loại bột nhão, trộn thứ bột nhão này với cao lanh đã tách cát theo tỷ lệ bằng nhau.

– Men rạn: quy trình tương tự, chỉ khác nhau về tỷ lệ: đốt 10 phần trấu và 4 phần vôi; trộn 5 phần bột tro nhão và và 8 phần cao lanh.

Sau khi nung, loại men này tạo ra một mạng lưới các vết rạn trên bề mặt sản phẩm.

Để làm nổi bật những vết rạn này, người ta nhúng sản phẩm vào nước mực Tàu.

Bùi Thị Hệ 

Theo archives.gov.vn

Theo A.Barbotin, La poterie indigène au Tonkin, Bulletin économique de l’Indochine no98, septembre-octobre 1912, tr.675-685.  

Ký hiệu tra tìm TC 22

Liên Hệ Phòng Đọc

918827 truy cập

241 trực tuyến

Liên kết Website