TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Hội Hợp Thiện với hoạt động vì người nghèo

3:20 27/05/2016

Hội Hợp Thiện thành lập năm 1906 theo sáng kiến của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi cùng các ông Đỗ Đình Đắc, Nguyễn Tường Phượng… là một trong những tổ chức từ thiện tích cực nhất ở Hà Nội nói riêng và Bắc Kỳ nói chung trong những năm đầu thế kỷ XX.  

Hội Hợp Thiện thành lập năm 1906 sau khi được Thống sứ Bắc Kỳ cho phép tại nghị định ngày 09 tháng 7 cùng năm. Hội đặt trụ sở tại số 125 đường Henri d’Orléans (nay là đường Phùng Hưng), Hà Nội.

Nơi quy tụ những tấm lòng bác ái

Trong số những tên tuổi làm nên uy tín của Hội Hợp Thiện, phải kể đến nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, người ngay từ thập niên 1910 đã “đứng đầu một thuyền đội ngót ba chục chiếc tầu, hiệu cờ phấp phới trên khắp các ngọn sông Bắc Kỳ; đốc suất một quân đội non nghìn rưởi người làm công đủ các bậc các hạng; quản trị một cái tài sản tới mấy triệu bạc; giao thiệp với mấy nhà buôn trong hai thế giới, thơ từ điện tín với mấy hãng lớn ở Ba-li (Paris), Luân-đôn (Londres), Đông Kinh (Tokio), Nữu Ước (New York)”. Thương cảm với những số phận bất hạnh, ông Bạch Thái Bưởi đã cùng các ông Vũ Quang Huy, Đỗ Đình Đắc, Nguyễn Tường Phượng….thành lập Hội Hợp Thiện để chung tay giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn.

Hội được quản lý bởi một Hội đồng Trị sự gồm 21 thành viên, được bầu lại hàng năm bởi Đại hội đồng. Hội đồng Trị sự giám sát việc thực hiện các dự án từ thiện và tập trung công tác thu chi.

Báo cáo tổng kết ngày 26 tháng 7 năm 1934 cho biết Hội đã thu hút được số lượng thành viên đông đảo là 938 người.

1 tru so HHT

Trụ sở của Hội Hợp Thiện

Với tôn chỉ hành động vì người nghèo

Theo bản điều lệ sửa đổi ngày 05/12/1932, Hội tự đề ra nhiệm vụ:

– Chôn cất tử tế những người chết vô thừa nhận;

– An ủi những số phận bất hạnh bằng mọi hình thức;

– Phát triển tinh thần tương thân tương ái và từ thiện;

– Thành lập và duy trì các dạ lữ viện cùng các khu phụ trợ kèm theo như trại tế bần, nhà ở giá rẻ, nhà ăn bình dân, văn phòng giới thiệu việc làm…

– Sáng lập – tùy theo tình hình tài chính của hội – các công trình từ thiện và cứu tế xã hội khác như dưỡng đường, trại phong, nhà hộ sinh, nhà trẻ…

– Kêu gọi xây dựng và hỗ trợ phát triển những công trình nói trên;

– Tổ chức – với sự cho phép của chính phủ – các lễ quyên góp, ủng hộ hoặc sự kiện khác, nhằm hỗ trợ nạn nhân gặp tai ương như hỏa hoạn, bão lụt, nạn đói…

Kinh phí hoạt động của Hội lấy từ niên liễm của các thành viên, đóng góp của các nhà hảo tâm, trợ cấp của thành phố Hà Nội và các sự kiện quyên góp do Hội đứng ra tổ chức. Cũng theo báo cáo tổng kết năm 1934, quỹ dự trữ của Hội tại Ngân hàng Đông Dương ở thời điểm đó là trên 12.342 đồng.

Và những dự án đậm giá trị nhân văn

Hoạt động của Hội xoay quanh hai nội dung chính là độ tử và tế bần.

Về hoạt động độ tử, theo số liệu năm 1934, Hội đã xây dựng được hai nghĩa trang với tổng diện tích 45 mẫu tại các làng Mai Động và Quỳnh Lôi, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông; một nghĩa trang thành phố cho người bản xứ ở Bạch Mai kèm theo đó là một số xe tang, súc vật kéo, dụng cụ tang lễ và quan tài cho người chết vô thừa nhận. Ngoài ra, các đại lễ cầu siêu tập thể cũng nằm trong chương trình hoạt động của hội.

Về hoạt động tế bần, Hội tổ chức phát tiền và nhu yếu phẩm vào một số giai đoạn trong năm và những khi xảy ra thiên tai. Những dự án tế bần lớn của hội phải kể đến dạ lữ viện (asile de nuit) và bình dân phạn điếm.  

Dạ lữ viện được khởi công xây dựng năm 1932 tại đường Soeur Antoine (nay là phố Hàng Bột), Hà Nội. Ngày 04 tháng 12 năm 1933, vua Bảo Đại đã tham dự lễ khánh thành chính thức dạ lữ viện, khi đó hoàn thiện được khoảng 2/3.  

Dạ lữ viện là nơi tiếp nhận người nghèo không phân biệt độ tuổi và giới tính. Viện cung cấp cho mỗi người nghèo một chỗ nghỉ ngơi miễn phí trong vòng 7 đêm liên tiếp.

Viện mở cửa từ 19 giờ đến 21 giờ trong giai đoạn từ 01/4 đến 30/9 và từ 18 giờ đến 20 giờ trong giai đoạn từ 01/10 đến 31/3. Tuy nhiên, những người về muộn do công việc hoặc do yêu cầu của ông chủ, có thể được vào nghỉ ngoài những khung giờ quy định trên đây. Riêng những người do cảnh sát dẫn đến được vào viện bất kỳ giờ nào trong đêm.

Dạ lữ viện còn bố trí một phòng đọc mở cửa từ 19 giờ đến 20 giờ vào mùa hè và từ 18 giờ đến 20 giờ vào mùa đông với sách, báo miễn phí cho những người ngủ lại viện. Đồng thời, nếu ngân sách cho phép, viện còn phát cháo, cơm hoặc đồ ăn khác vào những khung giờ trên đây.

Bên cạnh đó, dạ lữ viện cũng tổ chức một văn phòng giới thiệu việc làm. Với danh sách người xin việc và thông tin việc làm được cập nhật mỗi tuần, văn phòng đã mang lại nghề mưu sinh cho trên dưới 200 người từ thư ký, lái xe đến giúp việc và phu phen.  

2

Dạ lữ viện của Hội Hợp Thiện

Còn bình dân phạn điếm thì được báo Trung Bắc Tân Văn, số ra ngày 17/3/1940 gọi bằng cái tên “nơi cực lạc của những kẻ đầu đường xó chợ”.

Bình dân phạn điếm được xây dựng tại khu đất gần chùa Phổ Giác, nay là phố Ngô Sĩ Liên, Hà Nội. Mục đích xây dựng bình dân phạn điếm là để “giúp đỡ người nghèo và anh em lao động có nơi ăn uống sạch sẽ, vệ sinh, bằng cách cung cấp những bữa ăn đầy đủ, ngon lành và rẻ tiền”.

Ngoài ra, phạn điếm còn là nơi “giáo dục cho đám bình dân cho biết những phép vệ sinh thường thức, cách lịch sự thông thường trong khi ăn uống. Cần luôn luôn nhắc nhở cho họ câu châm ngôn: Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Maket bình dân phạn điếm của kiến trúc sư Võ Đức Diên được Trung Bắc Tân Văn nhận định là “một tòa nhà một tầng, ba lớp đồ sộ dựng ở trên một bãi đất rộng có thể chứa được hàng vài trăm đầu: đấy, cái chỗ mà nay mai đây, anh em nghèo khó của chúng ta, sẽ dừng gót đầy cát bụi để ăn nghỉ trong những ngày mưa tầm tã, lạnh thấu đến xương”.

Không dừng lại ở Hà Nội, tầm ảnh hưởng của Hội Hợp Thiện đã lan rộng ra nhiều tỉnh Bắc Kỳ và những cơ sở của hội đã trở thành nơi nương náu cho rất nhiều số phận bất hạnh ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

BÙI HỆ

Tài liệu tham khảo

1.Nam phong tạp chí số 29 năm 1919.

2. Trung Bắc Tân Văn số 3, ngày 17/3/1940.

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, các hồ sơ MHN 5902, 5903; RST 3072.

Liên Hệ Phòng Đọc

953195 truy cập

64 trực tuyến

Liên kết Website