TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Giới Thiệu về Phò mã Đô úy Nguyễn Hanh

8:30 16/03/2018

Ông Nguyễn Hanh sinh năm (1833-1886) tại làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên. Ông là con của Chưởng vệ Nguyễn Quý (1796-1852) gốc người làng Bồi Dương, tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa và bà Ngô Thị Khoáng (1799-1839) người làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên.

Ông Nguyễn Bái thuộc đời thứ 14 của họ nguyễn làng Vân Dương, cư trú tại Thành phố Huế. Vì ở xa không có điều kiện đến đọc tài liệu tài phòng Đọc nên ông đã viết thư nhờ chúng tôi tìm hiểu công lao và sự nghiệp của tổ tiên, những người đã đóng góp sức lực, trí tuệ cho dân, cho nước dưới triều Nguyễn. Trong đó có, Phò mã Đô úy Nguyễn Hanh, thuộc đời thứ 9 họ Nguyễn làng Vân Dương. Sau quá trình khảo sát khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chúng tôi đã tìm được khoảng 145 văn bản có nội dung liên quan đến vị quan này, góp phần bổ sung cho tư liệu dòng họ Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phò mã Đô úy Nguyễn Hanh vốn sinh ra trong gia đình quan võ, đến năm 19 tuổi, năm Tự Đức thứ 4 (1851), ông lấy công chúa thứ 47 con gái vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Hòa Thận. Sau đó, ông giữ chức Quản cơ sung Hiệp quản Trung vệ doanh Thần Cơ. Theo sắc phong do Hoàng đế Tự Đức ban tặng ngày 12 tháng 6 năm Tự Đức thứ 4 (1851) có viết rằng: “Vâng trời nối vận, Hoàng đế ban chế rằng: Trẫm nghĩ: Đạo của quốc gia lập chính, người hiền phải dùng, điển chế quân vương thưởng khen, thưởng đến hậu duệ. Con dòng nhớ đến, chiếu báu ban ra.

Này khanh, Nguyễn Hanh, là con của Thự Cẩm y vệ Chưởng vệ, chuyên quản túc trực các đội Nguyễn Quý: Tráng chí kiếm gươm, nam nhi hùng khí. Đời đời trung trinh giữ tiết, hiền tài không một tại gia hiên, nối nghiệp thao lược gia truyền, vũ bị am tường nơi quân luật. Không thẹn cha ngươi, tâm thành chất phác. Thưởng công nên cử cựu chương, tập ấm thêm dày ân điển. Nay đặc thụ (Minh nghĩa Đô úy), Phò mã Đô úy, ban cho cáo mệnh. Ngõ hầu kính nối tổ nghiệp, tôn thân khắc ghi nỗi lòng, trị lý việc công, thần tử hiển danh phụ chính. Kính vâng mệnh lớn, là phước của ngươi. Kính thay!”1

 

anh1

Sắc phong Phò mã Đô Úy Nguyễn Hanh

Nguồn: Tài liệu dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Bái cung cấp

 Châu bản Tự Đức tập 148, tờ 85 ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức 15 (1862) có nhắc tới Nguyên Phò mã Đô úy Nguyễn Hanh: “…Nay vâng được Châu phê: Trước đây các Phò mã trật Tòng tam phẩm giáng bổ, nay đã cho giữ chức Chánh tứ phẩm, không thể giáng cấp thêm, vì vậy nguyên Chánh tứ phẩm mà giáng bổ, truyền cho tra cứu cải chính làm Chánh tứ phẩm mới được, từ sau chiếu theo lệ đó mà thực hiện. Khâm thử. Bộ thần tuân phụng tra xét rõ ràng, trước đã giáng bổ Phó quản cơ trật Tòng tứ phẩm sung các vệ Trung tả, Bảo nhất thuộc doanh Thần Cơ. Hiệp quản nguyên là Phò mã Nguyễn Hanh, Lê Thuận Lý nay xin cải bổ chức Quản cơ trật Chánh tứ phẩm nhưng sung các vệ, từ Hiệp quản đến các cai trước đã có chỉ giáng bổ làm Phó quản cơ, từ sau chiếu theo lệ đó mà thực hiện. Bộ thần tuân tra rõ ràng, xin cung nghĩ phụng thượng dụ: Trước đây giáng bổ Phó quản cơ sung Hiệp quản các vệ Trung tả, Bảo nhất thuộc doanh Thần Cơ. Nguyên Phò mã đô úy Nguyễn Hanh, Lê Thuận Lý, nay truyền đều sửa đổi bổ chức Quản cơ nhưng sung quản các vệ và mãi mãi lấy đó làm lệ. Còn như các viên trước đã có chỉ giáng bổ Phó quản cơ nay chuẩn cho miễn án”2.

anh2

Châu bản Tự Đức tập 148, tờ 85 vê việc Phò mã Nguyễn Hanh xin cải bổ chức cho quan viên.

 Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia I

“Chuẩn cho Hậu quân Đô thống phủ Đô thống kiêm Chưởng Trung quân quản võ thần phò mã tập ấm là Nguyễn Hanh thăng thự Đô thống phủ Chưởng phủ sự Thống chế; thự Hữu quân Đô thống sung Quản lĩnh Thị vệ đại thần kiêm quản. Anh danh, Giáo dưỡng là Hồ Văn Hiển thực thụ Thống chế; quyền Chưởng Tả quân kiêm Chưởng Tiền quân, quản võ học đường là Đinh Tử Lượng thăng thự Tả quân Đô thống; Cấm binh Vệ úy thự Chưởng vệ quyền Chưởng Vũ lâm Hữu dực là Ngô Tất Ninh thăng thự Chưởng vệ, lại thự Thống chế. (Ngoài ra, văn bản thực thụ, hoặc thăng thụ tam, tứ, ngũ phẩm 28 người, lại thự Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự lĩnh Tổng đốc Thanh Hóa là Tôn Thất Thế, Bố chính Nguyễn Khoa Luân, nguyên Án sát Lê Cơ sở can giáng điệu, đều cho miễn cả. Võ ban thăng thụ, hoặc thăng thự, hoặc thực thụ từ tòng nhị phẩm đến tòng tứ phẩm gồm 23 người; nguyên được giáng chức khai phục 2 người). Đều dụ đó là đặc ân, cũng có ý nghĩ đến người có công khó nhọc và tài năng làm việc lâu hay chóng”. (Theo sách Đại Nam Thực Lục – Chính biên, Tập 9, Đệ Ngũ kỷ- Quyển V)3.

Nguyễn Hanh là một vị quan có tài năng xuất chúng, võ nghệ tinh thông, làm việc mẫn cán được mọi người tin dùng, đến năm Tự Đức 23 (1870), ông giữ chức Đề đốc Kinh thành. Châu bản Tự Đức tập 268, tờ 301 ngày 27 tháng 12 năm Tự Đức 27 (1874): “Bản phúc của Bộ Binh về việc: Ngày mùng 2 tháng này, quyền Đề đốc Kinh thành Nguyễn Hanh vâng lệnh xin các viên quản vệ Võng thành thuộc tiêu đó, dâng 1 sách tấu xin thăng trật. Bộ thần xét thấy Ngô Đức Vịnh vào tháng 9 năm Tự Đức 24 được thăng thụ chức Quản cơ sung Hiệp quản vệ đó đến nay đã được 3 năm, trong thời gian đó không có lỗi gì. Quan Đề đốc là người mẫn cán, xuất thân là một người tài giỏi, võ nghệ tinh thông được mọi người yêu mến xin thăng thụ làm Vệ úy vệ Võng Thành, cũng là tuân theo chỉ chuẩn, xem xét giải quyết đã thoả đáng hợp lý, xin chuẩn y”.4

anh3

Châu bản Tự Đức tập 268, tờ 301 ca ngợi tài đức của Đề đốc Kinh thành Nguyễn Hanh.

Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia I 

Quan Đề đốc Kinh thành Nguyễn Hanh đã có đóng góp rất lớn đối với triều Nguyễn, ông góp một phần không nhỏ của mình vào việc xây dựng cầu đường, bến cảng như  trong Châu bản Tự Đức 27 tập 258, tờ 152 hoặc Châu bản Tự Đức tập 258, tờ 102 đã nêu rõ ràng rằng phủ thần Thừa Thiên Nguyễn Hanh đã trình bày các lý lẽ của mình để xin đắp đê Lộ Châu để phòng thủ cửa biển Thuận An. Hay sau khi đi kiểm tra các cây cầu trong phủ hạt, cây cầu nào bị hư hỏng ông đã cung cấp vật liệu và thuê dân công, thợ thuyền đến để tu sửa như cây cầu Lim thuộc xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy. Đặc biệt hơn, ông cho tu sửa tòa bia ở núi Ngự Bình thuộc xã An Cựu hiện nay vẫn còn lưu giữ. Châu bản Tự Đức 26 (1873), Châu bản Tự Đức tập 409, tờ 253 nêu rõ điều này: “Bộ Công tâu: Ngày tháng 7 năm nay, nhận được tư văn của thần phủ Thừa Thiên Nguyễn Hanh trong đó trình rằng một toà nhà bia ở núi Ngự Bình thuộc địa phận xã An Cựu và một cây cầu gỗ bên tả ngạn sông Lợi Nông, đã xem xét thấy gỗ lạt đều đã bị hư hỏng, nghĩ nên chi xuất tiền công mua vật hạng tu bổ và sức dự trù số dân phu cần thuê là 60 tên và 3 người thợ, theo lệ chi cấp tiền lương làm việc trong 1 tháng hoàn thành. Số gỗ lạt cần dùng chiếu theo giá mua, số vật liệu cần dùng thì lãnh dùng, kê tư bộ xem xét. Bộ thần phụng xét các điều tập tấu trình bày đã phái viên Chủ sự bộ thần là Trần Doãn Khanh phúc khám xét. Sau đó căn cứ viên đó trình rằng 2 cây cầu và nhà bia đó có sự hư hỏng như vậy vần chi vật hạng tu bổ và sức kê cứu các khoản cần dùng cùng giá cả thấy đều đã phù hợp, xin chuẩn y. Duy công việc tu bổ 2 nơi đó không nhiều mà nguyên dự trù thuê dân thợ và thời hạn làm việc có hơi cao. Vì vậy toà nhà bia cần thuê 15 người dân và 2 người thợ làm việc trong 25 ngày, tổng số tiền chi là 44 quan 1 mạch 40 văn và 14 phương 5 bát gạo. Cây cầu gỗ cần thuê 10 người dân và 1 người thợ làm việc trong vòng 20 ngày, tổng cộng số tiền cần chi là 22 quan 6 mạch 40 văn và 7 phương 10 bát gạo. Xin do phủ đó chiếu số thuê, lãnh vật hạng tu bổ sao cho xong đúng hạn và chắc chắn…”5.

anh4

Bia trên núi Ngự Bình, xã An Cựu, phường An Cựu,  thành phố Huế.

Nguồn: Ảnh ông Nguyễn Bái cung cấp

Phò mã Đô úy Nguyễn Hanh là một vị quan anh minh, ông đã kinh qua rất nhiều chức vụ khác nhau như: Phò mã Đô úy, Lãnh binh tỉnh Nghệ An, Vệ úy quyền Chưởng vệ doanh Thần cơ. Chưởng vệ lãnh Đề đốc Kinh thành, Hậu quân Đô thống phủ Đô thống sung Phó sứ Hải Phòng, ở chức vụ nào ông cũng luôn đảm nhiệm tốt. Sắc phong do Hoàng đế ban tặng ngày ngày 13 tháng Giêng năm Đồng Khánh 1 (1886) là minh chứng rõ ràng cho điều đó: “Vâng trời nối vận, Hoàng đế ban chế rằng: Trẫm nghĩ: Kính nghiêm quân bị, võ tướng là nanh vuốt của vua, công trạng tuyên dương, quốc gia coi thần như thủ túc. Gặp thời lành đến, chiếu báu rộng ban. Này khanh, Vệ úy Quyền lãnh chưởng vệ Nguyễn Hanh:

Kiếm thương nghiệp giỏi, gươm bén Can –Tương. Giáo mác xông trận, chống chọi dẹp loạn. Tích chứa binh thư thao lược, bôn ba giáp sắt đâu mâu. Đêm ngày gắng gỏi, sau trước đều chăm. Ngày nay nối nền thái bình, sao quên võ tướng, riêng khanh am hiểu  quân luật, tài dùng sửa sang. Nay đặc biệt thực thụ Hùng uy Tướng quân, Chưởng vệ, ban cho cáo mệnh. Ngõ hầu đôn đốc nhung binh, soái trướng tạo hùng hùng tráng khí, hằng ngày tập trận, doanh trại bày lẫm lẫm hùng phong. Nên trọng chức trách, để mãi danh thơm. Kính thay!”6

anh5

Sắc phong của vua Đồng Khánh ca ngợi công đức của ông Nguyễn Hanh

Nguồn: Tài liệu dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Bái cung cấp

Như vây, theo chúng tôi khảo sát tài liệu trong kho Châu bản triều Nguyễn được Lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cũng như trong các sách sử Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định  Đại Nam hội điển sự lệ và tài liệu sắc phong của dòng họ Nguyễn đã ghi rõ công trạng của ông. Đặc biệt qua tài liệu Châu bản triều Nguyễn là minh chứng chân xác nhất về công lao của Phò mã Đô úy Nguyễn Hanh đối với nước với dân.

Tài liệu tham khảo:

  1. Sắc phong dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Bái cung cấp.
  2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức tập 148, tờ 85.
  3. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ ngũ kỷ, quyển V, Nxb Giáo dục, 2002.
  4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức tập 268, tờ 301.
  5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức tập 409, tờ 253.
  6. Sắc phòng dòng họ Nguyễn do ông Nguyễn Bái cung cấp.

 

Hoàng Nguyệt

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Liên Hệ Phòng Đọc

953365 truy cập

89 trực tuyến

Liên kết Website