TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Đôi nét về sự ra đời của cảng Cam Ranh

3:11 04/01/2017

Cam Ranh nằm ở vị trí chiến lược cả về quân sự lẫn dân sự, tại khu vực vịnh nước sâu nhất Đông Nam Á. Cảng Cam Ranh ra đời nhằm mục đích phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương.

 Cang Cam Ranh

Cảng Cam Ranh

Pierre Sauvaire, tên đầy đủ là hầu tước Pierre François Sauvaire De Barthélemy (10/05/1870) sinh ra và lớn lên ở Paris. Với sự trợ giúp của người chú Wilfried, Pierre cùng bạn đồng niên De Subervielle chu du khắp thế giới nhưng không may, De Subervielle qua đời ở Hồng Kông do cảm thương hàn. Pierre Sauvaire, khi đó là bá tước De Barthélemy một mình rong ruổi khám phá những vùng đất mới, xa hơn, khắc nghiệt hơn.

Trong chuyến viễn du năm 1892, Pierre Sauvaire đi qua vùng đất Đông Dương và phát hiện những tiềm năng to lớn của vùng đất này. Năm 1894 và năm 1896, ông trở lại Đông Dương cùng hai người bạn là Jean de Neufville và Alfred Herbet- trợ tá quan cai trị các hầm mỏ Bồng Miêu. Năm 1898, Pierre Sauvaire được Sở Học chính Đông Dương giao khảo sát vùng đất của người Thượng cùng với trung uý pháo binh Marsay phụ trách đo vẽ địa hình và Paul Cabot thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên phụ trách phác hoạ các loài chim, động vật có vú thu thập được trong hành trình. Khi tiến hành khảo sát, Pierre nhận thấy vị trí bấp bênh và hiểm nguy của cảng biển chiến tranh Sài Gòn, đồng thời phát hiện những tiềm năng tuyệt vời, trong đó có tương lai trở thành cảng số 1 ở Viễn Đông của Cam Ranh.

“Đứa con tinh thần” tốn kém

Trong nhật ký, Pierre Sauvaire viết: “Vịnh Cam Ranh xứng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt trong số các trọng điểm kinh tế  về khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Ăn sâu 27km vào trong đất liền, với những chỗ cao trung bình 400m, độ sâu từ 20 đến 14m, vịnh có hai điểm nước ngọt lớn ở phía bắc và nam, qua phân tích có hàm lượng calcaire thấp, thuận tiện trong vận tải. Nằm ở vị trí cách 3.000-7.000 dặm trong tuyến hàng hải thương mại Hồng Kông- Singapore, các tàu có thể neo đậu an toàn trong vịnh. Chúng ta nên nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nam Trung Kỳ dẫn từ Sài Gòn-Khánh Hoà đến Ba Ngòi, điểm nằm sâu trong vịnh. Cam Ranh có rất nhiều điểm tương đồng với quân cảng Bizerte của Tunisia, đặc biệt là nguồn hải sản dồi dào. Tách biệt và ít dân sinh sống, chúng ta chưa tính tới việc sử dụng vịnh hợp lý, mới chỉ thành lập trạm hành chính Bình Thuận và Khánh Hoà. Cam Ranh là điểm duy nhất tại Đông Dương có thể xây dựng các kho dự trữ than và thành cảng trung chuyển. Công việc trước tiên là mở tuyến đường giao thông nối cảng Cam Ranh với các điểm trên bờ giúp chuyên chở hàng hoá được thuận tiện. Trong khi chờ đợi, nên thiết lập một kho trung chuyển đường dài tại đây giúp tàu bè có thể neo trú khi biển động, tạo thêm sức hút hàng hải cho khu vực này”.

Nhờ mối thâm giao với các gia đình quý tộc Pháp lâu đời, Pierre Sauvaire   vận động con cháu của những gia đình quý tộc tham gia xây dựng đồn điền ở Đông Dương, đặc biệt là ở các bờ biển nam Trung Kỳ. Pierre Sauvaire chọn vịnh Cam Ranh làm điểm xây dựng đồn điền, năm 1901 ông đề nghị được cấp nhượng địa trên bờ vịnh để xây trại nuôi cá theo mô hình ở Terre Neuve (thuộc Canađa ngày nay) và ngày 18/10/1901, đề nghị này được chấp thuận với nhượng tạm thời rộng 7.500 hécta. Mục tiêu của Pierre Sauvaire không nhằm làm giàu do gia tài thừa kế khá lớn mà muốn xây  cảng biển tại đây, ông cùng cộng sự Arthur Henri de Pourtalès bắt tay vào việc xây dựng một nhà máy, khu nhà ở cho người Âu và người bản xứ, các cầu tàu, đê, đường sá, bãi tập kết than, kho, xưởng sửa chữa và kho tạm giữ dọc bờ vịnh. Ông ta còn cho lập đội tàu gồm một xà lúp, 5 xà-an, hai ghe thuyền và một tàu đi biển. Vùng đất Cam Ranh khi ấy còn khá nghèo, không hấp dẫn các thương thuyền, không có đường xe cộ đi lại được, không có đường sắt. Lau sậy bao vây vịnh ở tứ phía. Nhưng đổi lại, đây là vùng nước sâu với các điểm trú ẩn an toàn và rộng. Không chút do dự, bá tước Barthélemy bắt tay vào công việc, một công trình to tát tưởng chừng không thể thực hiện được, bởi để thi công công trình, cần huy động nhân lực vật lực và trên thực thế không mấy ai trong Sở Địa lý Pháp biết đến cái tên Cam Ranh. Ông bắt đầu vạch những địa điểm cần xây dựng cho dự án. Bá tước cùng với Pourtalès từng bước thiết lập trung tâm hoạt động: đánh bắt và phơi cá, các ruộng muối ở Trại Cá, khai thác rừng ở Ba Ngòi, trông dừa, xây kho dự trữ than. Ngày 22/05/1907, các vùng đất do bá tước Pierre Sauvaire khai khẩn trở thành nhượng địa vĩnh viễn. Trở lại Paris năm 1914, Pierre Sauvaire tuyên bố phát hiện thấy một dải cát đen chứa nhiều sắt ở Cam Ranh. Ông nhiều lần tìm cách thu hút sự quan tâm của giới cầm quyền Pháp. Ngay từ đầu, các thuỷ thủ hiểu và đồng quan điểm với ông nhưng tiếng nói của họ không đủ trọng lượng thuyết phục giới chức. Pierre Sauvaire muốn cho giới chức thấy quy mô rộng lớn cũng như lợi ích mà công trình này mang lại song không thành công. Giới chức đón tiếp ông bằng nụ cười lịch sự và khi ông vừa rời khỏi, toàn bộ hồ sơ bị quẳng xếp xó với những đánh giá xem đây là dự án mơ mộng hão huyền, giàu chất tiểu thuyết lãng mạn của một người lắm tiền nhiều của ăn không ngồi rồi. Không ai còn nghĩ tới dự án to tát ấy. Cuộc chiến Nga-Nhật nổ ra. Cạn kiệt sau một hành trình quá dài, đội tàu của Sa hoàng (gồm cả tàu chiến lẫn một số tàu buôn) dưới sự chỉ huy của đô đốc Zinovy Rozhestvensky cần tiếp tế khẩn cấp. Không mấy khó khăn, đội tàu của Hoàng gia Nga dễ dàng vào và neo đậu trong vịnh. Sự kiện đã gây tiếng vang lớn, bình minh hy vọng lại ló lên trên vịnh Cam Ranh, nhưng do rắc rối ngoại giao, đội tàu của quân Nga buộc phải nhổ neo ra khơi tiến về nơi quyết định số phận thảm bại của họ (trận đánh Tsushima diễn ra ngày 27–28/05/1905).

Cam Ranh bỗng chốc nổi tiếng. Dự án của bá tước De Barthélemy, lúc này đã thành hầu tước, lại khiến giới chức Pháp quan tâm, nhưng vấp phải thái độ phản đối của một số nhân vật thế lực như Thủ tướng Emile Combes, anh em nhà Bộ trưởng Bộ Hải quân Charles Camille Pelletant. Im lặng lại bao trùm dự án cảng Cam Ranh. Không nản lòng, hầu tước De Barthélemy dốc hết gia sản đầu tư cho dự án. Thời gian ở lại Pháp, ông tiến hành nhiều cuộc họp, cầu viện đến sự trợ giúp của Liên đoàn Hàng hải và Thuộc địa nhằm phổ biến thông tin đến đông đảo công chúng, giúp họ biết nhiều hơn về vùng đất cùng dự án xây dựng cảng của ông. Năm 1914, đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra, De Barthélemy được tổng động viên,  vào quân đội với cấp bậc đại uý, bị thương nặng và bị liệt. Vĩnh viễn không thể cử động được, De Barthélemy buộc phải ở lại Pháp. Tuy vẫn nuôi niềm tin với “đứa con tinh thần”- từng ngốn tới gần 8 triệu quan, nhưng Pierre nản lòng trước sự nhu nhược của một số chính khách nên quyết định bỏ cuộc. Sự ra đời của thành phố Đà Lạt, công trình xây  tuyến đường sắt Nha Trang-Phan Rang giúp Pierre thêm hy vọng, tiếp tục dùng ngòi bút và tiếng nói xúc tiến dự án. Năm 1935, cảng Cam Ranh ra đời. Bất chấp sức yếu, De Barthélemy vẫn trở lại Đông Dương, không đi tàu biển do hành trình kéo dài, ông chọn máy bay và quyết định nhường một phần nhượng địa của ông cho Hải quân Pháp phục vụ xây dựng cảng.

Giấc mơ của hầu tước người Pháp dần thành hình hài. Phần thưởng cho nỗ lực của De Barthélemy đang đến gần nhưng ông không có cơ hội hưởng thành quả. Ngày 09/11/1940, hầu tước hầu tước De Barthélemy, Huân chương Chiến tranh, Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội tinh đã trút hơi thở cuối cùng tại Aubagne trong ngôi nhà của con cháu.

Nguồn: Indochine Hebdomadaire Illustré 1943

Ngọc Nhàn

Theo Tạp chí Văn thư Lưu trữ

Liên Hệ Phòng Đọc

916350 truy cập

306 trực tuyến

Liên kết Website