TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Địa giới hành chính tỉnh Ninh Bình thời thuộc Pháp qua tài liệu lưu trữ

2:43 26/05/2017

Theo “Đồng Khánh địa dư chí”, tỉnh Ninh Bình có phía đông giáp huyện Đại An, tỉnh Nam Định; phía tây giáp huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa; phía nam giáp địa giới hai huyện Tống Sơn và Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; phía bắc giáp hai huyện Thanh Liêm và Chương Đức, tỉnh Hà Nội; phía đông nam giáp cửa biển Chính Đại thuộc huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Phía Tây Nam giáp địa giới huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa; phía đông bắc giáp huyện Ý Yên và Phong Doanh, tỉnh Nam Định; phía tây bắc giáp huyện Mỹ Lương, tỉnh Sơn Tây và châu Đà Bắc, tỉnh Hưng Hóa.

Dưới triều Đồng Khánh, tỉnh Ninh Bình gồm 2 phủ , 7 huyện.

*Phủ Yên Khánh: Gồm các huyện  Yên Khánh, huyện Yên Mô, Gia Viễn và Kim Sơn.

*Phủ Nho Quan: Gồm các huyện Phụng Hóa, Lạc Yên, Yên Hóa.

Trung tâm hành chính Nho Quan, tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Nghị định ngày 15 tháng 2 năm 1898[1] của Toàn quyền Đông Dương. Tuy nhiên, sau 24 năm thành lập, với Nghị định ngày 16 tháng 2 năm 1922[2] của Toàn quyền Đông Dương, trung tâm hành chính Nho Quan bị xoá bỏ.

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương tiếp tục ra Nghị định lập trung tâm hành chính Phát Diệm tại huyện Kim Sơn, phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Nhưng cũng như Nho Quan, năm 1922 Thống sứ Bắc kì đã ra Nghị định[3]  xoá bỏ trung tâm hành chính Phát Diệm của Ninh Bình.

Huyện Gia Khánh được thành lập từ Nghị định ngày 17 tháng 3 năm 1908[4]  của Thống sứ Bắc kì. Huyện Gia Khánh được hợp thành từ các tổng thuộc huyện Gia Viễn: La Mai, Quán Vinh, Kỳ Vỹ, Đa Giá và từ các tổng của huyện Yên Khánh: Yên Phong, Vũ Lâm, Dương Vũ, Thiện Trạo. Ngoài ra, tổng Yên Vân của huyện Yên Mô được sáp nhập vào phủ Yên Khánh.

Địa giới hành chính các làng xã thuộc tỉnh Ninh Bình có nhiều thay đổi theo Nghị định ngày 26 tháng 5 năm 1924[5]  của Thống sứ Bắc kì. Theo nghị định, xã Quang Sỏi, thuộc tổng Quỳnh Lưu, phủ Nho Quan được sáp nhập vào tổng Đàm Khánh của huyện Yên Mô.

Xã Hoài An thuộc tổng Vân Trình, huyện Gia Viễn được sáp nhập vào tổng Vô Hốt, phủ Nho Quan.

Các xã Phú Lai, Thác La thuộc tổng Lạng Phong, phủ Nho Quan được sáp nhập vào tổng Yên Lạc cùng phủ.

Xã Châu Sơn tổng Lạng Phong, phủ Nho Quan được sáp nhập vào tổng Vô Hốt cùng phủ.

Xã Tư Ân tổng Văn Luận thuộc phủ Nho Quan được sáp nhập vào tổng Quỳnh Lưu cùng phủ Nho Quan.

Thôn Phượng Các, xã Lai Các thuộc tổng Văn Luận, phủ Nho Quan, được sáp nhập vào xã Sào Lâm cùng tổng.

Thôn Đồng Trạo thuộc xã Yên Lão tổng Văn Luận phủ Nho Quan được sáp nhập vào xã Thường Sung cùng tổng.

Phường Yên Thị xã Phúc Am, tổng Yên Phong thuộc huyện Gia Khánh được sáp nhập vào xã Trực Độ cùng tổng.

Xã Tuy Lộc tổng Tuy Lộc, huyện Kim Sơn được tách thành 2 xã riêng biệt : xã Tuy Lộc và xã Hoá Lộc.

Theo cuốn “Địa dư các tỉnh Bắc Kì” năm 1930, địa thế Ninh Bình được xác định như sau: Tỉnh Ninh Bình là tỉnh ở về phía nam xứ Bắc Kỳ. Tỉnh ấy Bắc giáp Hà Nam, Đông giáp Nam Định và Vịnh Bắc Kỳ, Nam giáp Thanh Hóa (Trung Kỳ), Tây giáp Hòa Bình.

Ninh Bình có một miền đồng bằng và một miền núi khác hẳn nhau:

+ Về phương Đông có một miền đồng bằng là miền đất phù sa, có phủ Yên Khánh.

+ Về phía Nam và phía Tây thì có một miền núi, có phủ Nho Quan. Miền ấy có một dãy núi chính và một dãy núi nhỏ đi về phía Nam, người Tây gọi là dãy Thanh Hóa, phân biệt giới hạn Trung Kỳ với Bắc Kỳ.

Tỉnh lị và các phủ huyện của tỉnh Ninh Bình những năm 1930 được chia làm:

+ 2 phủ: Nho Quan và Yên Khánh

+ 4 huyện: Gia Khánh, Gia Viễn, Yên Mô và Kim Sơn

+ 48 tổng và 376 làng.

Tỉnh lị cách Hà Nội 114 km theo đường xe lửa, ở trên hữu ngạn sông Đáy, lập từ năm Gia Long nguyên niên (1802), ở một nơi phong cảnh rất đẹp.

Theo bản tiểu dẫn ngày 1 tháng 2 năm 1933 của quan Tuần phủ ở tỉnh Ninh Bình  thì  phía đông nam tỉnh Ninh Bình giáp biển và huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Phía đông bắc của tỉnh giáp phủ Nghĩa Hưng, huyện Phong Doanh (Ý Yên)  của tỉnh Nam Định. Phía tây nam giáp huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa và cuối cùng là phía tây bắc giáp huyện Thanh Liêm và Châu Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam cùng với tỉnh Hòa Bình.

Bản tiểu dẫn cũng ghi chép diện tích của tỉnh Ninh Bình là khoảng 860 km2.

+ Phủ Nho Quan có giới hạn phía đông giáp huyện Gia Viễn, phía tây giáp tỉnh Hòa Bình; phía nam giáp phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; phía bắc giáp châu Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam. Diện tích phủ Nho Quan vào khoảng 150 km2.

+ Huyện Gia Viễn có giới hạn phía đông giáp huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; phía tây giáp phủ Nho Quan; phía nam giáp huyện Gia Khánh; phía Bắc giáp huyện Thanh Liêm và châu Lạc Thủy của tỉnh Hà Nam. Diện tích Gia Viễn khoảng 200 km2.

+ Huyện Gia Khánh có giới hạn phía đông giáp huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định; phía tây giáp huyện Yên Mô; phía nam giáp phủ Yên Khánh; phía bắc giáp huyện Gia Viễn. Diện tích huyện Gia Khánh vào khoảng 89 km2.

+ Phủ Yên Khánh có giới hạn phía đông bắc giáp phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; phía nam giáp huyện Kim Sơn và Yên Mô; phía tây giáp huyện Gia Khánh và Yên Mô. Diện tích của Yên Khánh là 137 km2.

+ Huyện Yên Mô có giới hạn phía đông giáp huyện Kim Sơn; phía nam giáp huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa và giáp huyện Kim Sơn; phía tây giáp phủ Nho Quan và huyện Gia Khánh, phía bắc giáp phủ Yên Khánh. Diện tích huyện này khoảng 165 km2.

+ Huyện Kim Sơn có giới hạn phía đông giáp phủ Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định; phía tây giáp huyện Nga Sơn của Thanh Hóa; phía bắc giáp phủ Yên Khánh và huyện Yên Mô. Diện tích huyện vào khoảng 124 km2.

 

NGUYỄN TRANG

 

1.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, BOIF 1898, tr 296-297

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, JOIF 1922, tr 320

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, BAT 1922, tr 226

4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, BAT 1906, tr 42-43

5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, BAT 1924, tr 1528

 

Liên Hệ Phòng Đọc

952324 truy cập

312 trực tuyến

Liên kết Website