TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Bạch Thái Bưởi, doanh nhân khởi xướng phong trào người Việt dùng hàng Việt 100 năm trước

8:16 24/05/2018

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Bộ Chính trị phát động năm 2009 nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhưng mấy ai biết rằng slogan này đã có từ cách đây 100 năm, bắt nguồn từ câu nói “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam” của một doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 – Bạch Thái Bưởi.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (08/7/1875-22/7/1932) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Ông nổi tiếng là một trong bốn người Việt Nam giàu nhất đầu thế kỷ 20 “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”. Không chỉ vậy, ông còn được biết đến là một doanh nhân có tinh thần dân tộc và khát vọng cải tạo xã hội.  Trong “cuộc chiến thương mại” đầu thế kỷ 20, ông đã đánh bại các nhà tư sản Pháp, Hoa, mở đầu phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” còn dư vọng đến ngày nay.

Khởi nghiệp bằng việc đi làm thuê cho một hãng buôn của Pháp ở Hà Nội, Bạch Thái Bưởi bắt đầu quan tâm đến việc kinh doanh và nung nấu chí hướng kinh doanh để thoát nghèo.

Gặp dịp chính quyền thuộc địa xây cầu sông Cái (còn gọi là cầu Doumer, nay là cầu Long Biên), Bạch Thái Bưởi trúng thầu cung cấp tà-vẹt cho tuyến đường sắt Hải Phòng- Vân Nam. Khi con đường sắt đã hoàn thành, nắm bắt được nhu cầu đi lại chính của dân ta là đi lại trên sông nước, Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là “cấm kị” với người Việt: kinh doanh vận tải đường sông. Sở dĩ nói là cấm kị bởi lúc đó, đây là lĩnh vực độc quyền khai thác của tư bản người Pháp. Bắt đầu bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long của một hãng tàu có tên là A.R.Marty vừa hết hạn hợp đồng với chính phủ, ông đã cho tàu chạy hai tuyến đường: Nam Định- Hà Nội và Nam Định- Bến Thủy (Vinh). Lúc này, ông đã phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp và người Hoa. Trong cuộc chiến thương mại không cân sức này, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ tới một thứ vũ khí mà người Hoa không thể có, đó là tinh thần dân tộc, lòng tương thân tương ái của người Việt. Ông cho rằng, mình là người Việt Nam, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao người Việt lại không ủng hộ mình. Để khơi gợi tinh thần đó, ông đổi tên các con tàu mua được từ đổi thủ nước ngoài bằng các tên hiệu gắn liền với niềm tự hào lịch sử dân tộc như Khoái Tử Long, Đinh Tiên Hoàng, Bạch Đằng, Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Lê Lợi, Hàm Nghi. Trên tinh thần người Việt giúp đỡ nhau để chấn hưng nền kinh tế, ông tổ chức các đoàn diễn thuyết trên các bến tàu, nêu rõ thiệt thòi của người Việt, cổ vũ tinh thần đồng bang. Kết quả là, khách bỏ đi tàu của người Hoa và chuyển sang đi tàu của người Việt. Từ sự thành công đó, ông đã thâu tóm các đội tàu của các công ty Pháp và Hoa bị phá sản.

Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, Bạch Thái Bưởi không chỉ là một doanh nhân giàu lòng tương thân tương ái mà còn là một doanh nhân không ngừng học hỏi, học hỏi ngay cả đối thủ cạnh tranh với mình. Năm 1914, ông đã làm đơn xin được sang Hồng Kông, Ma- cao và Quảng Châu để nghiên cứu học hỏi và mở rộng thị trường kinh doanh.

 

anh1

Thư của Bạch Thái Bưởi gửi Công sứ Nam Định ngày 18/11/1914 xin được sang Hồng Kông, Ma-cao và Quảng Châu để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường kinh doanh.

Nguồn: TTLTQG I, RST/23983/02

Để từ đó vào năm 1915, ông đã quyết định mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của A.R.Marty, một trong những xưởng đóng tàu đầu tiên ở Hải Phòng, đây là sự kiện đáng chú ý trong tầm nhìn của Bạch Thái Bưởi. Sau 7 năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sữa chữa tàu và mở chi nhánh ở nhiều nơi.

Đến năm 1916, Bạch Thái Bưởi đã lập công ty mang tên Giang hải luân thuyền Bạch Thái Bưởi, công ty với lá cờ hiệu màu vàng có hình chiếc mỏ neo và 3 ngôi sao đỏ.

anh2

Cờ hiệu của Công ty Giang hải luân thuyền Bạch Thái Bưởi thành lập năm 1916.

Nguồn: Ảnh gia đình ông Bạch Thái Bưởi cung cấp

Ngày 07/9/1919, công ty Bạch Thái Bưởi đã hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, thi công. Con tàu Bình Chuẩn chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng, cập bến Sài Gòn ngày 17/9/1920. Sự việc này được xem là sự kiện tượng trưng cho “Phong trào chấn hưng thường trường cổ động thực nghiệp” của giới tư sản Việt Nam lúc đó. Bạch Thái Bưởi được giới tư bản mệnh danh là “Chúa sông Bắc Kỳ”. Những lời kêu gọi hàm chứa tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu đồng bào của ông đã trở thành “băng-rôn” cho các cuộc cạnh tranh giữa giới chủ người Việt với giới chủ tư bản người Hoa và người Pháp: “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”.

anh3

Giấy mời Thống sứ Bắc Kỳ tới dự lễ hạ thủy tàu Bình Chuẩn vào ngày 07/9/1919 của Bạch Thái Bưởi.

Nguồn: TTLTQGI, RST/13810/01

Từ lợi nhuận thu được từ kinh doanh hàng hải, Bạch Thái Bưởi tiếp tục đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như khai thác mỏ, đấu thầu thu thuế chợ, kinh doanh bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, in ấn. Có lẽ đóng góp quan trọng thứ hai sau kinh doanh hàng hải của Bạch Thái Bưởi là văn hóa. Ông đã đầu tư xây dựng “Công ty in và xuất bản Bạch Thái Bưởi”. Năm 1921, Bạch Thái Bưởi cho ra đời tờ nhật báo mang tên “Khai hóa nhật báo” với tôn chỉ: “Một là giúp đồng bào ta tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau… mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng chính quyền Bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân…” .

Việc xông pha trên mặt trận kinh tế đầy khôn ngoan và bản lĩnh của Bạch Thái Bưởi đã giúp cho người Việt tự tin hơn trên thương trường. Những thành công, thất bại của ông và những doanh nhân thế hệ trước, là những bài học bổ ích cho ngày nay. Bởi ngoài kinh doanh, Bạch Thái Bưởi còn tạo nên giá trị văn hóa lớn cho người Việt đầu thế kỷ trước mà mục đích cuối cùng là cổ suý tinh thần làm giàu, vì dân giàu nước mới mạnh

Ngoài đầu tư kinh doanh các lĩnh vực, Bạch Thái Bưởi còn tham gia chính trường (như tham gia hội đồng dân biểu và kinh tế, là ủy viên của Hội đồng thành phố Hà Nội)

Con người và tài năng của Bạch Thái Bưởi còn được Chính quyền Bảo hộ công nhận bằng việc trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh năm 1922. Trong đó Chính phủ Pháp ca ngợi những đóng góp của ông cho chính nhân dân và đất nước mình:

anh4

Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho Bạch Thái Bưởi.

Nguồn: TTLTQGI/RST/70886/2-3

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh doanh dưới chế độ thuộc địa, Bạch Thái Bưởi luôn bị các thế lực thực dân chèn ép và đã có lúc phải đứng trước nguy cơ phá sản. Cái chết đột ngột của Bạch Thái Bưởi vào ngày 22/7/1932 đã chấm dứt sự nghiệp của một nhân vật được người đương thời đánh giá là “một bậc vĩ nhân”, “một đấng trượng phu” trên thương trường của người Việt Nam thời mất nước.

Ý chí phấn đấu của Bạch Thái Bưởi đáng được coi là tấm gương tạo nên một phẩm chất, một phong cách của doanh nhân Việt Nam ở mọi thời đại và đặc biệt có ý nghĩa trong thời hội nhập hiện nay.

Nguồn:

1.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 4073

2.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 10510

3.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 13810

4.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 23983

5.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 23984

6.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 70886

7.Ảnh và tư liệu do gia đình cụ Bạch Thái Bưởi cung cấp

 

NGUYỄN HẰNG

TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA I

Liên Hệ Phòng Đọc

918961 truy cập

302 trực tuyến

Liên kết Website