TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

300 A – Dấu ấn một thời (Kỳ I)

2:24 30/08/2018

 

Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tiền thân là Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng, thành lập năm 1962 bằng Nghị định của Hội đồng Chính phủ. Từ khi thành lập đến nay Cục Lưu trữ nhà nước nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Trong kháng chiến chống Mỹ, Cục Lưu trữ đã trải qua thời kỳ khó khăn gian khổ, phải sơ tán tài liệu lên An toàn khu tại Việt Bắc. Tại đây mặc dù cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn nhưng những cán bộ của Cục Lưu trữ vẫn luôn lạc quan yêu đời, tận tâm với công việc để bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ quốc gia.

Kỷ niệm 57 năm ngày thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Ngô Thiếu Hiệu, một trong những cán bộ đầu tiên của ngành Lưu trữ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, người từng gắn bó và trải qua những ngày tháng khó khăn nhất của Cục Lưu trữ. Đây là những hồi ức được ghi lại sau chuyến về nguồn thăm lại Kho lưu trữ tài liệu xưa tại 300A nay thuộc xã Tuân Lộ huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

K5- 300A

Hang núi, nơi bảo quản tài liệu của Kho Lưu trữ TW trơng thời gian sơ tán

Đội Tự vệ 300 A 1972

Đội tự về của Kho Lưu trữ TW

NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN CỦA CỤC LƯU TRỮ – PHỦ THỦ TƯỚNG

Cục Lưu trữ-Phủ thủ tướng (dưới đây viết tắt là CLT-PTT) được thành lập theo Nghị định 102-CP ngày 04/9/1962 của Hội đồng Chính phủ. Những cán bộ đầu tiên được điều về công tác ở Cục từ một số nơi như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có ông Trần Văn Nguyên, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được bổ nhiệm Cục trưởng CLT-PTT và ông Lê Xuân Phương về làm Trưởng phân kho tài liệu tiếng Pháp thuộc Kho Lưu trữ trung ương. Từ phòng Lưu trữ Văn phòng TW Đảng Lao động Việt Nam có các ông Vũ Dương Hoan, Trưởng phòng được bổ nhiệm Cục phó CLT-PTT; ông Võ Xuân Viên về làm Trưởng phòng chế độ nghiệp vụ của Cục; ông Nguyễn Xuân Tranh; ông Phạm Thân; ông Nguyễn Tiến Lợi…Từ Văn phòng Phủ Thủ tướng có ông Tạ Văn Nho và ông Nguyễn Văn Ấn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hành chính quản trị của CLT-PTT; ông Trần Văn Khuông phụ trách Lưu trữ Văn phòng Phủ Thủ tướng về làm Trưởng phân kho tài liệu sau Cách mạng thuộc Kho Lưu trữ trung ương; ông Nghiêm Xuân Phác và hai ông Nguyễn Văn Tỉnh, Đoàn Kiểm từ Vụ Pháp chế; ông Nguyễn Xuân Nung và ông Võ Văn Đàng từ Văn phòng kinh tế Văn phòng Phủ Thủ tướng; ông Lê Đình Diệm từ Văn phòng Chủ tịch phủ và một số cán bộ nhân viên khác. Đa số những cán bộ này lớn tuổi, phần lớn đã qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tuy nhiên chưa một cán bộ nào được đào tạo về chuyên ngành lưu trữ.

Cục CLT-PTT mới được thành lập, công việc rất mới mẻ, cán bộ ít và chưa có nghiệp vụ chuyên môn lưu trữ, khó khăn bộn bề. Trụ sở Cục chưa có, cấp trên dự kiến giao cho Cục một trong hai nơi để làm trụ sở là: trụ sở của Cục chuyên gia trực thuộc PTT trên phố Quán Sứ và cơ sở thứ hai sau này được lấy làm trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trên phố Nguyễn Thái Học. Do không phù hợp với Lưu trữ nên Cục không nhận. Còn Kho Lưu trữ Đông Dương trong khuôn viên Thư viện Quốc gia thuộc Bộ Văn hóa vẫn do Thư viện Quốc gia quản lý, đến năm 1970 mới bàn giao toàn bộ tòa nhà kho 4 tầng cho Cục Lưu trữ quản lý. Cục hoạt động trong những ngày hòa bình không nhiều, không phải đến ngày 05/8/1964, khi đế quốc Mỹ mang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc XHCN, mà ngay từ đầu tháng 4/1964 Phủ Thủ tướng đã có những văn bản quan trọng chỉ đạo đất nước nói chung và Lưu trữ nói riêng phải chuẩn bị và tiến hành những công việc cần thiết về phòng không nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ và bảo vệ tài liệu lưu trữ. Bác Hồ rất quan tâm đến bảo vệ tài liệu lưu trữ của quốc gia. Bác chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng tìm một địa điểm ở ATK (An toàn khu) tại Việt Bắc để sơ tán tài liệu lưu trữ lên đó. Thực hiện Chỉ thị của Bác và đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Cục đã cử một số cán bộ lên huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang để tìm; trong số này có ông Tạ Văn Nho, Trưởng phòng Hành chính quản trị của Cục. Ông Tạ Văn Nho từng là cán bộ công tác lâu năm ở Phủ Thủ tướng từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc đó Văn phòng Phủ Thủ tướng mang mật danh “Ban Kiểm tra 12” đóng trụ sở ở Đèo De Tân Trào, nên ông Nho khá thông thạo địa hình nơi đây. Huyện Sơn Dương có vị trí chiến lược quan trọng, phía Nam có đường xuống huyện Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc, có đường qua sông Lô sang Việt Trì tỉnh Phú Thọ, phía đông qua đèo Khế xuống Thái Nguyên, phía Bắc thông sang khu ATK Định Hóa Thái Nguyên, phía Tây-Bắc lên thành phố Tuyên Quang, sang huyện Chiêm Hóa và liền đó là huyện Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn cũng là căn cứ của Cách mạng. Ở huyện Sơn Dương, đoàn tìm được 5 nơi cụ thể về phía Bắc đèo Khuôn Do thuộc xã Phúc Ứng có 4 địa điểm là K1 ở sâu và xa, đi lại có nhiều khó khăn nên không được chọn, K2 và K3 đi lại thuận tiện hơn, gần đường giao thông chạy ngang qua xã Phúc Ứng được chọn để sơ tán tài liệu lưu trữ đưa từ Hà Nội lên, những K này nhỏ, hẹp nên được chọn làm điểm sơ tán ban đầu. Sau này khi đã tập trung về một nơi thì K3 được Lưu trữ Tổng cục Địa chất sử dụng. Cách K2 và K3 khoảng hơn một cây số gần bờ sông Phó Đáy là K4 cũng được chọn để tạm thời sơ tán tài liệu. Nơi này địa hình tương đối bằng phẳng, không đảm bảo cho việc bảo mật. Trên khu đất của K4 cán bộ nhân viên của Cục khai phá làm nương tăng gia sản xuất trồng ngô, lạc, sắn và K4 sau này được bàn giao cho Bộ Văn hóa. Phía Nam đèo Khuôn Do thuộc xã Tuân Lộ cũng thuộc huyện Sơn Dương có một hang đá lớn có rất nhiều dơi sinh sống, hang nằm trọn trong một ngọn núi, phát triển đi lên theo triền núi dốc nghiêng có lẽ khoảng 50 hay trên 50 độ. Trong kháng chiến chống Pháp có một đơn vị của Cục Quân giới Bộ Quốc phòng đã từng đồn trú ở đây. Vì vậy K5 được Cục chọn làm cơ sở chính để tập trung tài liệu đang sơ tán phân tán ở K2, K3 và K4 về. Chính phủ cho đầu tư xây dựng trong hang dơi K5 một nhà Kho Lưu trữ kiên cố vững chắc để sơ tán tài liệu của các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội.

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Khoa Sử thuộc Đại học tổng hợp Hà Nội, tôi, anh Nguyễn Hữu Thời, chị Bùi Thị Nguyệt Ánh cùng anh Vũ Hữu Vân tốt nghiệp khoa Hóa Đại học tổng hợp và anh Hoàng Gioong, người dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn tốt nghiệp khoa tiếng Pháp thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội cùng được phân về CLT-PTT nhận công tác. Trước đó mấy tháng, anh Đỗ Ngọc Phác, anh Võ Văn Sáu và vợ là chị Trần Thị Hữu Hiếu là những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Đại học Lưu trữ từ Liên Xô về nhận công tác ở Cục. Lần đầu tiên những anh chị em chúng tôi là những sinh viên tốt nghiệp đại học trong, ngoài nước về lưu trữ và những lĩnh vực khác nhau được điều về CLT-PTT góp phần nâng cao chất lượng cán bộ và làm thay đổi bước đầu cơ cấu đội ngũ cán bộ của Cục và các đơn vị trực thuộc.

Tiếp theo các năm sau đó, rất nhiều anh chị em sinh viên tốt nghiệp đại học hay trung cấp của các trường đại học hay trung cấp trong nước và nhiều anh chị em tốt nghiệp đại học Lưu trữ từ Liên Xô và CHDC Đức được tăng cường về cho Cục và các đơn vị trực thuộc. Năm 1967, Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội biệt phái anh Nguyễn Văn Thâm, Nguyễn Văn Hàm, Lê Văn In là sinh viên năm  cuối sang CLT-PTT lúc này ở 300A, sau là 300B để học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về lưu trữ. Tốt nghiệp, anh In được phân về Phòng Chế độ nghiệp vụ CLT-PTT nhận công tác; các anh Nguyễn Văn Thâm, Nguyễn Văn Hàm được giữ lại trở thành cán bộ đào tạo lưu trữ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng lúc này có trụ sở tại 31 Tràng Thi, khu Hoàn Kiếm, Hà Nội là kho Lưu trữ 4 tầng được nhà cầm quyền Pháp xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng năm 1924. Tuy nhiên cơ sở này chưa hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Cục. Mãi đến năm 1970, Bộ trưởng Bộ văn hóa và Bộ trưởng Phủ Thủ tướng chia khu khuôn viên 31 Tràng Thi thành trụ sở của hai cơ quan là Thư viện Quốc gia và Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Cây đa được lấy làm ranh giới giữa hai đơn vị. Một hàng rào được xây dựng dọc theo nhà kho Lưu trữ 4 tầng ra đến đường Tràng Thi và một cổng mới được mở để vào khu đất của CLT-PTT được gắn số 31B.

NHỮNG NGÀY ĐẦU TẠI 300A

Ngày đầu đến Cục nhận công tác, chúng tôi được ông Dương Công Minh, cán bộ tổ chức của phòng Hành chính quản trị của Cục tiếp. Thời điểm này đại đa số cán bộ nhân viên của Cục đang làm việc tại nơi sơ tán của Cục ở ATK Việt Bắc. Trong buổi gặp, ông Minh nói đại ý: Các anh chị được chọn về Cục công tác là sự tin tưởng của cấp trên. Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng là cơ quan có trách nhiệm bảo quản giữ gìn một khối lượng lớn tài liệu lưu trữ của Quốc gia, trong này có nhiều tài liệu chứa đựng những bí mật của Nhà nước, nên trách nhiệm của các anh chị là lớn và nặng nề. Nghe ông Minh nói, chúng tôi thấy mừng thì ít mà lo thì nhiều. Sau đó ông Minh bảo chúng tôi đem hành lý tư trang đến tập trung tại căn hộ tập thể của Cục ở gác 2 nhà tập thể của một số gia đình cán bộ nhân viên Văn phòng Phủ Thủ tướng tại 111 Quán Thánh, Ba Đình.

Vài ngày sau có xe đưa chúng tôi lên nơi sơ tán của Cục. Để tránh máy bay Mỹ và cũng để giữ bí mật, vào chiều tối xe đưa chúng tôi qua phà Chèm hướng lên nơi sơ tán. Do xe đi ban đêm nên chúng tôi không thể nhận biết đường đi thế nào, chỉ biết tới khuya thì đến nơi, trời tối như mực, không một ánh đèn, nơi sơ tán được cây cối che phủ kín, chỉ thấy rừng và cây um tùm.

Mới lên nơi sơ tán, còn lạ lẫm lại không quen biết ai, nên tôi chỉ dám đi trong phạm vi sơ tán của cơ quan. Sát ngoài đường cái là ngôi nhà của gia đình Cục trưởng Trần Văn Nguyên, đi sâu vào là mấy căn nhà của Tiểu đội công an nhân dân vũ trang có nhiệm vụ canh gác bảo vệ tài liệu lưu trữ sơ tán lên đây suốt ngày đêm, vào tiếp là cửa hang dơi, bên trong là công trình nhà kho lưu trữ đang được hoàn thiện để bảo quản tài liệu sơ tán từ Hà Nội lên. Cạnh đó là nhà để máy phát điện, bể nước gần 500m3 và tháp làm nguội nước từ hệ thống điều hòa trong kho (hiện nay phần đế của tháp nước này vẫn còn), phòng y tế và nhà trẻ. Trong cùng là các dãy nhà tập thể cho cán bộ nhân viên, nhà bếp, nhà ăn và nhà để máy lô-cô phát điện chạy bằng than và củi phòng khi máy nổ có sự cố hoặc hết dầu. Cuối cùng là khu gia đình của cán bộ nhân viên. Số cán bộ nhân viên ở nơi sơ tán của Cục lúc này tương đối đông gồm cán bộ thuộc biên chế của Cục khoảng 30 người và cán bộ biệt phái từ nhiều bộ, ngành cơ quan trung ương và thành ủy, UBHC Hà Nội khoảng trên 40 người.

Mấy hôm sau chúng tôi được gặp Cục phó Vũ Dương Hoan, ông chưa già lắm nhưng có bộ tóc trắng như tơ, nên tôi có phần e dè. Cuộc gặp diễn ra không lâu, anh Thời và chị Ánh được phân về phòng chế độ nghiệp vụ lúc này chỉ có 6 cán bộ. Tôi, anh Hoàng Gioong, anh Vân được phân về Kho Lưu trữ TW do Cục trưởng Trần Văn Nguyên kiêm trưởng kho. Kho Lưu trữ TW lúc đó có 2 phân kho: Phân kho tài liệu tiếng Pháp do bác Lê Xuân Phương làm Trưởng phân kho, gọi tắt là kho AII và phân kho tài liệu sau Cách mạng tháng Tám thuộc chế độ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do bác Trần Văn Khuông làm Trưởng phân kho, gọi tắt là kho AIII. Kho AIII lúc này do chị Trần Thị Hữu Hiếu làm Tổ trưởng, ngoài ra có bác Hoàng Bác Ái, anh Nguyễn Tiến Lợi, tôi và anh Hoàng Văn Lập, người dân tộc địa phương. Từ năm 1969 trở đi, có nhiều anh chị em tốt nghiệp đại học Lưu trữ, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh hóa hay tiếng Pháp thuộc Đại học Tổng hợp và Đại học ngoại ngữ Hà Nội và từ các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô được bổ sung cho Kho Lưu trữ TW.

Tuy nhiên vì chưa hiểu biết gì về Lưu trữ nói chung và CLT-PTT nói riêng nên tôi thấy không vui khi được phân về Kho Lưu trữ TW công tác. Tôi thấy mình đang là thanh niên trẻ tuổi, nay bị “nhốt vào trong kho” ở nơi núi rừng heo hút và phải hết sức giữ bí mật nên rất hạn chế giao dịch quan hệ với bên ngoài. Ít hôm sau tôi xin phép được gặp Thủ trưởng Hoan để trình bày nguyện vọng cá nhân xin được chuyển về phòng chế độ nghiệp vụ làm việc. Thủ trưởng Hoan ôn tồn nhẹ nhàng nói đại ý: Kho Lưu trữ TW là nơi bảo quản rất nhiều tài liệu lưu trữ quí của quốc gia, trong đó có nhiều tài liệu chứa nội dung bí mật, đồng chí là đảng viên trẻ duy nhất về Cục lần này, đây là nhiệm vụ Đảng giao cho, tuy có nhiều khó khăn vất vả, trách nhiệm lớn nhưng cũng rất vinh dự. Nghe thủ trưởng Hoan nói như vậy, với ý thức và trách nhiệm của một đảng viên, tôi không nói gì và nghiêm túc chấp hành. Địa điểm sơ tán của Cục thật bí mật, đi ngoài đường chỉ thấy cây cối rậm rạp um tùm, đường xá đi lại rất khó khăn, vất vả. Việc giữ gìn bí mật tuyệt đối là nhiệm vụ thường xuyên, hàng đầu của mọi cán cán bộ nhân viên của Cục.

Năm 1966, khi chúng tôi lên nơi làm việc ở K5, công trình nhà kho lưu trữ trong hang Dơi chưa được xây dựng xong hoàn toàn. Một đơn vị của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đang hoàn thiện nốt những phần còn lại của công trình. Công trình nhà kho được xây dựng rất kiên cố vững chắc bằng bê n h cốt sắt, cao sáu tầng được xây vát theo chiều cao của hang đá. Tùy theo hiện trạng của hang đá, các tầng kho được xây dựng cao thấp khác nhau. Trên trần bê n h của tầng năm và tầng sáu được lợp thêm lớp phi bờ rô xi măng để ngăn nước từ trên hang đá đổ xuống, nên hai tầng này không để tài liệu mà chỉ để các hòm không. Bốn tầng nhà kho được lắp thiết bị hệ thống điều hòa không khí do Trung Quốc chế tạo. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1967 có hai chuyên gia Trung Quốc sang căn chỉnh hệ thống máy và hướng dẫn cho cán bộ của ta cách vận hành. Anh Vũ Hữu Vân và một số anh em khác được cơ quan cử đi theo chuyên gia để học vận hành máy. K5 trong thời gian xây dựng được mang mật danh “Công trường địa chất 105”. Việc ra vào kho theo một quy định chặt chẽ được ghi vào sổ và cuối ngày phải thực hiện niêm phong cửa kho.

(còn tiếp)

NGÔ THIẾU HIỆU

 

Liên Hệ Phòng Đọc

955177 truy cập

62 trực tuyến

Liên kết Website