TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Nobel Văn chương 2015 bản tiếng Việt: Sự phi nhân của chiến tranh

10:53 07/07/2016 Tin Tổng Hợp

Sách “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” – giải Nobel Văn chương 2015 – vừa được phát hành tại Việt Nam tố cáo tội ác chiến tranh qua góc nhìn từ những người phụ nữ.

1

Sách Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là câu chuyện của nhiều phụ nữ từng tham gia chiến tranh. Trong nhiều năm, tác giả Svetlana Alexievich phỏng vấn hàng trăm phụ nữ từng tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đó là chất liệu để bà viết nên cuốn sách.

Nhưng nếu tác phẩm chỉ là tập hợp những lời kể, thì hẳn tác giả Svetlana Alexievich không giành giải Nobel văn chương năm 2015.

Trên thế giới có rất nhiều sách viết về chiến tranh, với đủ thể loại hư cấu, phi hư cấu. Tuy nhiên, Svetlana viết một cuốn sách về chiến tranh hoàn toàn khác biệt.

Bằng cái nhìn sắc sảo, tư duy tổng hợp của một nhà báo, tác giả người Belarus dựng nên một khuôn mặt của chiến tranh qua góc nhìn nữ giới.

Câu chuyện mà những nữ cựu binh kể lại không phải là lịch sử cuộc chiến với bao nhiêu quân, bao nhiêu vũ khí, những chiến công hay người anh hùng. Khi chiến tranh nổ ra, những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi được động viên hoặc xung phong nhập ngũ. Họ muốn tham gia vào cuộc chiến vệ quốc, và không hình dung được chiến trường khốc liệt ra sao.

Chiến tranh với nam giới là gian khổ, thì sự hi sinh ở phụ nữ lớn gấp bội phần. Họ hi sinh mái tóc dài ngay ở phòng tuyển quân. Họ mặc những bộ quân phục vốn chỉ may cho nam giới, họ đi những đôi giầy của nam giới, đeo cây súng cao hơn thân mình.

Khó khăn, thiếu thốn, những người phụ nữ chân yếu tay mềm đều vượt qua. Họ trở thành xạ thủ bắn tỉa triệt hạ địch.

Họ thành phi công chỉ sau ba tháng luyện tập. Họ thành chiến sĩ cáng thương lao vào trận địa cứu thương binh. Họ thành trắc thủ pháo phòng không, thành lính lái xe tăng… Gần một triệu phụ nữ phục vụ trong các binh chủng khác nhau của cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.

2

Tác giả Svetlana Alexievich – Ảnh: dw.com

Những người phụ nữ tham gia chiến tranh không chỉ hy sinh sức khỏe, thanh xuân… mà họ còn hi sinh cả tính nữ. Bởi thế mà có nữ xạ thủ cự phách, hạ hàng loạt địch, cuối cùng hy sinh chỉ vì cô quá mê chiếc khăn đỏ, bất chấp việc dễ bị phát hiện, cô vẫn đội chiếc khăn màu đỏ trên đầu.

Có nhiều cô không còn kinh nguyệt trong những tháng tại ngũ. Ngay cả khi đi qua cuộc chiến, những người phụ nữ trở về trong tâm thế chiến thắng, thì những tổn thương về thể xác lẫn những biến dạng về tâm hồn đều khiến họ sống cuộc đời còn lại trong chật vật.

Trong gần 500 trang sách, mỗi câu chuyện của nhân vật mà Svetlana đưa vào đều có sức lay động. Những câu chuyện kể về nỗi thống khổ của con người trong chiến tranh không hiếm, thậm chí còn có nhiều chi tiết khiến người đọc rung rợn: cảnh mùa xuân tới, băng trên sông tan để lộ ra những xác người; chuyện một nữ điện báo viên đang bị địch bao vây, buộc phải tự dìm đứa con mình đang địu xuống nước…

Tác giả tố cáo tội ác tột cùng của chiến tranh, ấy chính là sự phi nhân của nó. Trong chiến tranh, mọi thứ đều bị triệt tiêu, con người trở thành công cụ của chiến tranh. Chiến tranh với phụ nữ trước hết là cuộc giết người.

Sự phi nhân của chiến tranh thể hiện rõ nhất trong những đoạn nói về người phụ nữ đối mặt với giết chóc, hoặc chính họ phải giết người. Người phụ nữ ban sự sống, tạo ra sự sống, nên họ cảm nhận giết người là điều không thể tha thứ.

Sách Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ được viết năm 1983, xuất bản tại Nga năm 1985. Năm 1987, nhà văn Nguyên Ngọc dịch tác phẩm và xuất bản ở Việt Nam. Sau này, chính Svetlana viết lại cuốn sách, đưa vào những phần trước đây bà tự cắt gọt.

Năm 2015, Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng Nobel Văn chương cho Svetlana Alexievich. Nữ nhà báo cùng cuốn Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ trở thành một “ca” lạ của giải Nobel Văn chương, bởi tác phẩm thuộc thể loại phi hư cấu.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Ấn bản tiếng Việt do Tao Đàn và Nhà xuất bản Hà Nội phát hành mới đây là bản dịch cập nhật của Nguyên Ngọc dựa trên cuốn sách viết lại của Svetlana.

NHO QUÂN
Theo tuoitre.vn

Liên Hệ Phòng Đọc

917625 truy cập

545 trực tuyến

Liên kết Website