TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Ra mắt ấn bản tiếng Việt của cuốn sách De Gaulle và Việt Nam (1945 – 1969)

10:08 07/05/2019 Tin Tổng Hợp

Công trình này được trao giải thưởng Jean Baptiste Duroselle dành cho những luận án xuất sắc nhất về lịch sử quan hệ quốc tế.
Buổi tọa đàm giới thiệu và ra mắt ấn bản tiếng Việt của cuốn sách De Gaulle và Việt Nam (1945 – 1969) nhân dịp kỉ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra vào ngày 06/05 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.

09-5-001

Ra mắt ấn bản tiếng Việt của cuốn sách De Gaulle và Việt Nam (1945 – 1969)

Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả GS. Pierre Journoud, Giáo sư về Lịch sử đương đại tại Đại học Paul Valéry-Montpellier 3 – tác giả cuốn sách gốc tiếng Pháp; PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác Pháp ngữ Châu Á – Thái Bình Dương (CECOFAP) (Học viện Ngoại giao), Tư vấn trưởng Dự án hợp tác xuất bản Pháp – Việt (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm); PGS.TS. Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ tại UNESCO và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ – chuyên gia hiệu đính cho bản dịch tiếng Việt của cuốn sách; GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) – người viết lời giới thiệu cho ấn bản tiếng Việt của cuốn sách.

09-5-002

GS. Pierre Journoud, Giáo sư về Lịch sử đương đại tại Đại học Paul Valéry-Montpellier 3 – tác giả cuốn sách gốc tiếng Pháp, tại buổi hội thảo.

Việt Nam và De Gaulle: Đó là một đất nước và một nhân vật đều đã để lại dấu ấn đậm nét trong ký ức và tâm tưởng của người Pháp. Qua hai cuộc chiến tranh liên tiếp nổ ra ở bán đảo Đông Dương từ năm 1945 đến năm 1975 – chiến tranh Đông Dương rồi đến chiến tranh Việt Nam – Pierre Journoud tiến hành công kích những nhận định vốn đã được thừa nhận: Không, Hoa Kỳ không làm tất cả để hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương sau năm 1954. Không, tướng de Gaulle không phản đối người Mỹ ngay từ đầu và không sẵn lòng lên tiếng chỉ trích hành động can thiệp quân sự của Mỹ như trong bài diễn văn tại Phnom Penh ngày 01/9/1966.

Đường lối đối ngoại công khai và bí mật của ông; hành động kín đáo của một số người Pháp theo hướng ủng hộ hòa bình là một vài trong số những điều được tiết lộ trong cuốn sách mới mẻ này. Qua lăng kính của cuộc đối thoại giữa người Pháp và người Mỹ, những tác nhân chủ yếu và toàn tại (omniprésent), tác giả giúp chúng ta hiểu rõ những mối quan hệ Pháp – Việt, từ hiểu lầm ban đầu cho đến khi hòa giải. Là thành quả của một công trình nghiên cứu đồ sộ, cuốn sách này đưa ra một suy ngẫm độc đáo về quá

Trình “giải thuộc địa tinh thần” của tướng De Gaulle, và xa hơn nữa, là toàn bộ chính sách đối ngoại của ông; được xuất bản năm 2011, trên cơ sở luận án tiến sĩ sử học được bảo vệ tại Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne , “De Gaulle và Việt Nam” là công trình của GS.TS. Pierre Journoud hiện là Giáo sư của Đại học Montpellier, lúc đó còn là nghiên cứu viên ở Viện Nghiên cứu Chiến lược Trường Đại học Quân sự Pháp, đồng thời cũng là cộng tác viên nghiên cứu Trung tâm Lịch sử Châu Á hiện đại.

Với nguồn tài liệu vô cùng phong phú khai thác ở các trung tâm lưu trữ của Pháp, Mỹ, Canada,…công trình này vinh dự được trao giải thưởng Jean Baptiste Duroselle dành cho những luận án xuất sắc nhất về lịch sử quan hệ quốc tế.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 7 chương lần lượt như sau: 1) Sự hiểu lầm ban đầu (1945-1957); 2) Sự chín muồi (1958-1962); 3) Bước ngoặt (1963-1964); 4) Bất lực (1964-1965); 5) Hòa giải (1965-1967); 6) Sáng kiến (1967-1969); 7) Nỗi cay đắng (1969).

Bằng phương pháp sử học kết hợp với phân tích chính trị quốc tế, GS.TS. Pierre Journoud đã tái dựng lại một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng và phức tạp của thế giới, đặc biệt là quan hệ giữa Pháp và Việt Nam thông qua phân tích quan điểm và đường lối của De Gaulle từ năm 1945 đến khi ông từ chức vào năm 1969.

09-5-003

Các diễn giả tại buổi hội thảo.

Được hoàn thành và ra mắt nhân dịp kỉ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, buổi tọa đàm được tổ chức với mong muốn: Giới thiệu cuốn sách cùng ấn bản tiếng Việt của cuốn sách tới độc giả Việt Nam; cung cấp thêm góc nhìn, nhận định về sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ cùng tầm vóc, vai trò và ảnh hưởng lịch sử của chiến thắng này. Tọa đàm cũng tạo ra một sự kiện “mở” để độc giả được gặp gỡ và đối thoại trực tiếp cùng với tác giả bản sách gốc và đội ngũ những chuyên gia đã giới thiệu, dịch và hiệu đính bản dịch tiếng Việt của cuốn sách; đồng thời làm nổi bật những điểm mới và hay của cuốn sách, những đóng góp của cuốn sách cho công tác nghiên cứu lịch sử. Qua cuộc tọa đàm cũng sẽ trao đổi quan điểm hợp tác xuất bản Pháp – Việt và khuyến khích hợp tác song phương.

Theo VOV5

Liên Hệ Phòng Đọc

896533 truy cập

124 trực tuyến

Liên kết Website