TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Kiến trúc các công trình văn hoá xây dựng tại Hà Nội thời kì Pháp thuộc

11:19 27/06/2016 Tin Hoạt Động Của Trung Tâm

Trong hơn 1 thế kỉ ở Việt Nam, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình, nổi bật lên là các công sở, công trình văn hoá được xây dựng theo phong cách kiến trúc phương Tây hay một số có sự kết hợp với kiểu kiến trúc bản địa và những biệt thự mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp. Các tòa nhà cổ mang phong cách kiến trúc phương Tây là minh chứng rõ nét của thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội. Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Thư viện quốc gia Việt Nam là những công trình do người Pháp xây dựng tại Hà Nội và đến nay vẫn đang được sử dụng.

Những công trình đầu tiên được xây ven hồ Hoàn Kiếm ngay cuối thế kỷ XIX là: Tòa Thị chính, Sở Ngân khố, Bưu điện và Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và Ngân hàng Đông Dương. Hà Nội được xây dựng thành một thành phố hiện đại theo khung quy định của Luật Cornudet áp dụng ở Pháp từ năm 1919 quy định về việc các thành phố hơn 10.000 dân phải có một kế hoạch phát triển đô thị. Hà Nội khi đó là nhượng địa của Pháp nên phải tuân thủ quy tắc của chính quốc ngay từ năm 1921. Kể từ đó, các tòa nhà hành chính được xây dựng theo tốc độ lớn cho tới những năm 1930.

Trong số những kiến trúc sư lớn được đào tạo tại trường Mỹ thuật đã đặt nền móng cho những công trình kiến trúc hoành tráng ở Hà Nội có những cái tên nổi bật như kiến trúc sư Auguste-Henri Vildieu, Chánh Sở Tòa nhà hành chính. Ông đã thiết kế nhiều công trình như Tòa thị chính (1887-1888), Sở Thương chính và Độc quyền Đông Dương (1906), Phủ Toàn quyền Đông Dương (1906), Bệnh viện bản xứ (1905), Tòa án (1906-1908), Nhà lao trung ương (1896-1899), Câu lạc bộ sỹ quan cho đến Trại lính khố xanh (1895-1903). 

Ngoài ra còn có những kiến trúc sư có nhiều đóng góp cho các công trình xây dựng tại Hà Nội thời kì này như: kiến trúc sư André Bussy – người thiết kế Bưu điện trung tâm (1894), Cung triển lãm (1899), Sở Mật thám Bắc Kỳ (1914-1915), trường Albert Sarraut (1915), khu văn phòng Sở địa chính Bắc Kỳ (1921-1923) và Dinh thự Thống sứ (1918); kiến trúc sư Charles Lichtenfelder, Chánh Sở Kiến trúc trung ương, người thiết kế Trường Tiểu học Pháp – Việt ở phố Hàm Long (1905), Ngân khố trung ương (1898), Phủ Toàn quyền (1901-1906) và Trường Trung học Bảo hộ (nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An, xây năm 1908); kiến trúc sư Broyer et Harley, những người thiết kế Nhà hát lớn xây dựng từ năm 1902 đến năm 1911; kiến trúc sư Gaston Roger đã thiết kế Viện Pasteur (1927), kiến trúc sư Charles Lacollonge đã thiết kế Trường Mỹ thuật Hà Nội (1925) và kiến trúc sư Ernest Hébrard, Chánh Sở Kiến trúc và Quy hoạch Đông Dương, người đã khởi xướng kết hợp kiến trúc châu Âu với kiến trúc bản địa trong các công trình như Đại học Đông Dương (1926), Sở Tài chính Đông Dương (1926, nay là Bộ Ngoại giao) nhưng chắc chắn mô hình thành công nhất vẫn là Bảo tàng Louis Finot của trường Viễn Đông bác cổ (1925) (nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam)

Trong dịp này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I lựa chọn tài liệu lưu trữ về 3 công trình văn hoá với trên 30 văn bản tài liệu, bản vẽ thiết kế và ảnh trong số hơn 100 công trình xây dựng tại Hà Nội để trưng bày với mục đích giới thiệu tới công chúng những tài liệu có giá trị về mặt kiến trúc và thẩm mỹ về các công trình hiện vẫn đang là điểm đến văn hoá đáng chú ý ở Hà Nội. Đó là các công trình: Nhà hát lớn, Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam) và Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (nay là Thư viện quốc gia Việt Nam). Trưng bày mở cửa tự do tại sảnh tầng 1 của Trung tâm từ 15 tháng 6 năm 2016.

Pano_trung bay_20160602.1_001

pano giới thiệu công trình Nhà hát Lớn Hà Nội

Pano_trung bay_20160602.4_001

pano giới thiệu công trình Bảo tàng Louis Finot

Pano_trung bay_20160602.8_001

pano giới thiệu công trình Sở Lưu trữ và thư viện Đông Dương

FILE0490

Sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tham quan khu trưng bày Kiến trúc các công trình văn hoá xây dựng tại Hà Nội thời kì Pháp thuộc

HOÀNG ANH

 

Liên Hệ Phòng Đọc

916360 truy cập

309 trực tuyến

Liên kết Website