TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Sưu tầm, tổ chức khai thác tư liệu phục vụ biên soạn chính sử

Các vị Vua Nguyễn đặc biệt coi trọng việc thu thập và lưu giữ sử sách cũ trong dân gian, đề ra những chính sách ban thưởng động viên, khích lệ dân chúng, quan lại đã tạo thành một phong trào sưu tầm thư tịch trên cả nước. Nhiều nguồn thư tịch quý như Đại Việt sử ký toàn thư, Hồng Đức luật lệ, Hoàng Việt thông chí và những bộ sách của Lê Quý Đôn đã được hiến tặng. Quốc sử quán triều Nguyễn đã tập hợp được một khối lượng tư liệu phong phú về lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều. Tham đính và kế thừa kho tư liệu quý báu của sử gia tiền bối, lấy Châu bản là nguồn sử liệu gốc, Quốc sử quán đã biên soạn thành công và giá trị các bộ chính sử nước nhà

Paneau 1 - Phần 3

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc năm Gia Long thứ 10 (1811), Vua Gia Long xuống Chiếu cho sưu tầm thư tịch, điển tịch để phục vụ việc biên soạn sử sách.

Nguồn: TTLTQGIV, MBTN; Mộc bản sách Đại Nam thực lục Chính biên Đệ nhất kỉ, quyển 41, mặt khắc 19.

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc năm 1811, Vua Gia Long khuyến khích việc sưu tầm những sự tích cũ của triều Lê và Tây Sơn.

Nguồn: TTLTQGIV, MBTN; Mộc bản sách Đại Nam thực lục Chính biên Đệ nhất kỉ, quyển 42, mặt khắc 20.

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc năm 1820, Vua Minh Mệnh xuống Chiếu cho tìm sử sách cũ để phục vụ việc soạn thuật.

Nguồn: TTLTQGIV, MBTN; Mộc bản sách Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhị kỉ, quyển 3, mặt khắc 6.

Sở Thực lục phụng phiến lục về việc vâng theo châu phê và khảo cứu các sách "Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế thực lục", "Duệ tông Hiếu Định hoàng đế thực lục", "Gia Định thông chí" để cải chính sách "Liệt thánh thực lục tiền biên" vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833).

Nguồn: TTLTQGI, CBTN - Minh Mệnh tập 50, tờ 112.

Bản dập Mộc bản ghi chép về việc năm 1844, Vua Thiệu Trị đã ban dụ rằng: "Phàm các địa phương trong Kinh, ngoài tỉnh, đôi khi có ai đem sách vở dâng lên, giao cả cho Sử quán tra xét lại, để giúp về sự tham đính. Sử thần lần lượt dâng bản thảo lên. Ta trên tuân lời dạy của tiên đế, dưới lấy các sách, châm chước đính chính, cốt sao cho được thoả đáng...".

Nguồn: TTLTQGIV, MBTN; Mộc bản sách Đại Nam thực lục Chính biên Đệ tam kỉ, quyển 37, mặt khắc 6, 7, 8.

Paneau 2 - Phần 3

Thời gian Vua Tự Đức (1848 - 1883) trị vì, các hoạt động biên soạn sử sách được tiến hành rầm rộ nhất trong suốt triều Nguyễn.

Ngày 1 tháng 12 năm Tự Đức thứ 2 (1849), để hiệu đính các sách "Đại Việt lịch đại sử kí" Vua dụ Nội các rằng: "Phái người đến các địa phương từ Hữu kì [gồm ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh] trở ra Bắc kì tìm kiếm những sách Dã sử của các gia đình kẻ sĩ, thứ dân có tàng trữ riêng và sự tích từ sau khi nhà Lê trung hưng, cùng là những phả kí tạp biên của các nhà có danh tiếng".

Nguồn: TTLTQGI, CBTN - Tự Đức tập 11, tờ 355.

Trang 54, quyển 14, sách Đại Nam thực lục Chính biên Đệ tứ kỉ chép rằng: "Sung chức Việt sử Tổng tài là bọn Phan Thanh Giản đem những công việc làm sử tâu xin phái người ra Bắc Kỳ tìm kiếm những sách Dã sử của các nhà chứa riêng và sự tích từ sau khi nhà Lê trung hưng, cùng là những phả ký tạp biên của các nhà có danh tiếng. Vua y cho". Nội dung này, đã được các Sử quan ở Quốc sử quán biên soạn dựa trên tờ 355, Tự Đức tập 11, thuộc Khối Châu bản triều Nguyễn, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Bản tấu của Bộ Lễ về việc ngày 4 tháng 2 năm Tự Đức thứ 10 (1857), nhận được bản sớ của Thự Tổng đốc An - Tĩnh Hoàng Thu trình bày: "Sai Hàn lâm việc Thị giảng học sĩ Lê Thái Bạt đi sưu tầm sách sót lại ở dân gian, trong hạt có Tú tài là Hồ Sĩ Cát nộp 1 quyển Dã sử; Sĩ nhân là Trần Thế Hệ nộp 1 quyển Lê triều kí sự; Hoàng Tuyển nộp 1 quyển Sử tạp kí; Cao Trọng Thanh nộp 1 quyển Ngũ man phong thổ kí, 3 quyển Cố Lê kí; Hoàng Thế Trạch nộp 1 quyển Dã sử; Trần Khắc Thi nộp 1 quyển Sử cục loại biên; Thư lại là Lê Đức nộp 1 quyển Hậu Lê kí; Hoàng Quý Hoá nộp 1 tập Lê triều dã sử, 1 quyển Tham kí bản truyện)".

Nguồn: TTLTQGI, CBTN - Tự Đức tập 57, tờ 59.

Trang 10, 11, quyển 16, sách Đại Nam thực lục Chính biên Đệ tứ kỉ, ghi chép về việc sưu tầm sách và những người tự nguyện nộp sách tàng trữ riêng của gia đình tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vào năm Tự Đức thứ 10 (1857). Nội dung này, đã được các quan viên ở Quốc sử quán thời Vua Tự Đức biên soạn dựa trên nội dung của tờ 59, Tự Đức tập 57, thuộc Khối Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Paneau 3 - Phần 3

Bản phúc của Quốc sử quán về việc tra cứu Châu bản để sửa chữ "hạp" thành chữ "sách" trong câu "Thần sách tiến vạn niên chi toán" ghi trên sách "Thực lục Chính biên Đệ tam kỉ" vào năm Tự Đức thứ 30 (1877).

Nguồn: TTLTQGI, CBTN - Tự Đức tập 287, tờ 114.

Bản tấu của Quốc sử quán về việc Bộ Lại, Bộ Binh tư cho các địa phương sưu tầm sử liệu từ triều Vua Minh Mệnh đến cuối năm Đồng Khánh 3 (1887) để bổ sung vào các sách "Thực lục", "Liệt truyện", năm Thành Thái thứ 7 (1895).

Nguồn: TTLTQGI, CBTN - Thành Thái tập 92, tờ 253.

Bản tấu của Quốc sử quán về việc tra cứu sách "Kinh sư chí" để tu chỉnh bộ sách "Đại Nam nhất thống chí", năm Duy Tân thứ 2 (1908).

Nguồn: TTLTQGI, CBTN - Duy Tân tập 9, tờ 27.

Vua Thành Thái (1889 - 1907) - Sách "Thực lục Chính biên Đệ ngũ kỉ" in năm 1902.

Bản tư của Quốc sử quán về việc tra cứu Châu bản về các quý nguyên soái, quý toàn quyền và quý khâm sứ ở các hạt Gia Định, Bắc Kì và Kinh Đô, để ghi vào sách "Thực lục Chính biên Đệ ngũ kỉ", "Thực lục Chính biên Đệ lục kỉ", năm Thành Thái thứ 8 (1896).

Nguồn: TTLTQGI, CBTN - Thành Thái tập 79, tờ 82.

Vua Duy Tân (1907 - 1916) - Sách "Đại Nam nhất thống chí" in năm 1910.