TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Ngay sau khi đặt chân đến Nam Kì, người Pháp đã đưa nền giáo dục phương Tây vào Nam Kì với việc thành lập các trường học dạy tiếng Pháp như: Trường Thông ngôn Sài Gòn, Trường Chasseloup-Laubat, Trường Trung học Mỹ Tho và nhiều trường tiểu học ở các tỉnh.

Sau khi thâu tóm Bắc Kì, thực dân Pháp lập kế hoạch đào tạo người Việt để phục vụ các mục đích chính trị và kinh tế. Năm 1886, Tổng trú sứ Trung-Bắc Kì Paul Bert, một nhà giáo dục nổi tiếng của Pháp, đã đôn đốc việc xây dựng trường học và chỉ đạo công tác giáo dục. Kết quả là một số trường học ở Bắc Kì và Trung Kì được thành lập và chương trình giáo dục Pháp – Việt được thiết lập.

Năm 1906 đánh dấu mốc của cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất ở Việt Nam thời thuộc địa. Toàn quyền Paul Beau đã ban hành nhiều nghị định quan trọng về giáo dục, xác định những nét lớn trong tổ chức giáo dục hệ Pháp – Việt. Sau 10 năm thực hiện, chương trình cải cách đã đem lại kết quả không mong muốn, đó là sự tồn tại song song của hai nền giáo dục, gây ra mâu thuẫn không có lợi cho chính quyền thực dân.

Năm 1917, cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai được bắt đầu bằng việc ban hành bộ Học chính tổng quy của Toàn quyền Albert Sarraut, theo đó nền giáo dục ở Việt Nam được chia thành 3 cấp học: đệ nhất cấp (bậc tiểu học); đệ nhị cấp (bậc trung học) và bậc cao đẳng, đại học. Cuộc cải cách tạo cơ sở nền tảng cho giáo dục Việt Nam trong những năm sau, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục bản xứ tại Việt Nam.

Khác với giáo dục bản xứ chỉ coi trọng văn chương, nền giáo dục Pháp đã đem lại những nhân tố mới, tích cực trong việc đào tạo con người, phát triển kỹ năng toàn diện phục vụ các công việc thuộc nhiều lĩnh vực của xã hội.