TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Ấn chương là loại hình con dấu và hình dấu dùng để đóng trên văn bản, thể hiện sự tín xác, tính hợp pháp của văn bản được ban hành. Ấn chương triều Nguyễn có nhiều loại, việc quản lý và sử dụng ấn chương trong ban hành văn bản được triều đình quy định rất cụ thể và chặt chẽ. Trên Châu bản triều Nguyễn, ấn chương gồm những loại sau:
– Kim Bải Tỷ là ấn của nhà vua, đúc bằng vàng, dùng vào nghĩa quốc gia trọng đại
– Ấn là ấn lớn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; một số tướng lĩnh trong quân đội cũng sử dụng loại ấn này
– Kiềm Ấn (kiềm hay dấu kiềm) là loại ấn rất nhỏ, dùng đóng giáo trang và các vị trí quan trọng trên văn bản của các cơ quan. Đi liền với ấn lớn, kiềm ấn được gọi là bộ ấn kiềm
– Chương và Tín chương là ấn dùng ở chính quyền địa phương cấp Doanh, Trấn, Đạo, Huyện và một số chức kiêm nhiệm từ đầu triều vua Gia Long (1802-1820) đến hết triều vua Minh Mạng (1820-1840)
– Quan phòng là ấn chức vụ của quan chức, tướng lĩnh, thường gọi là quan phòng chức vụ. Quan phòng cũng được dùng trong một số cơ quan nhỏ
– Đồ ký là ấn dùng cho các quan nhỏ phụ trách Phủ, ngành giáo dục cấp Phủ, Huyện; hay trưởng các Ty, Sở và sĩ quan đứng đầu Vệ, Cơ, Thuyền của quân đội
– Kiềm ký là ấn dùng ở cấp chỉ huy những đơn vị nhỏ có tính chất riêng biệt như: cửa thành, cửa khẩu, cửa biển, đồn trạm
– Tín ký là ấn riêng của tất cả các quan viên văn, võ, từ Đại thần, Vương công đến hàng Bát, Cửu phẩm…
– Ký là loại ấn nhỏ của người chưa có phẩm hàm hoặc phẩm hàm thuộc hàng thấp nhất như: Thư lại, nhập lưu Thư lại…