TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Phần I: Đồng Tháp thời kỳ phong kiến

Đồng Tháp xưa kia nguyên nằm trong một vùng đất đai rộng lớn phì nhiêu do các lưu dân người Việt ở phía Bắc vào khai phá lập nghiệp hình thành nên các vùng dân cư. Cùng với công cuộc Nam tiến của các dòng di dân tự nhiên, các Chúa Nguyễn cũng dần xác lập chủ quyền và thiết đặt bộ máy cai trị.

Sử chép: Buổi quốc sơ, tùy đất mà đặt kho (gọi là khố trường), kho đặt ở đâu lấy tên đất ở đó để thu chứa tiền thóc sản vật. Chúa thấy Gia Định khi đó đất rộng cho lập thành 9 khố trường biệt nạp gồm Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Quản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Canh, Tân Thịnh. Trong đó khố trường Bả Canh (từ năm 1732 thuộc châu Định Viễn) nay là vùng đất phía Bắc sông Tiền tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1757, Võ vương Nguyễn Phước Khoát mở mang thêm đất Tầm Phong Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, giao cho Nguyễn Cư Trinh lập ba đạo: Châu Đốc (ở Hậu Giang), Tân Châu (ở Tiền Giang) và Đông Khẩu (xứ Sa Đéc) đều thuộc dinh Long Hồ. Trong đó đạo Đông Khẩu nay thuộc vùng đất phía Nam sông Tiền tỉnh Đồng Tháp.

Đến triều Nguyễn, ban đầu vùng đất nay thuộc Đồng Tháp nằm trên đất phủ Định Viễn trấn Vĩnh Thanh và phủ Kiến An trấn Định Tường. Năm 1832 vua Minh Mạng thực thi một công cuộc cải cách hành chính rộng lớn, thành lập 6 tỉnh tại Nam kỳ (gọi là Nam kỳ lục tỉnh) gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Trong đó Đồng Tháp thuộc các huyện Vĩnh An phủ Tân Thành, huyện Đông Xuyên phủ Tuy Biên tỉnh An Giang và huyện Kiến Đăng phủ Kiến An tỉnh Định Tường. Đến cuối đời vua Tự Đức, trước khi có sự can thiệp của Pháp, vùng đất Đồng Tháp ngày nay chủ yếu nằm trong các huyện An Xuyên, Đông Xuyên, Vĩnh An tỉnh An Giang và các huyện Kiến Đăng, Kiến Phong tỉnh Định Tường.

Pano 1

Pano 2

Pano 3

Pano 4

Pano 5

Pano 6

Pano 7

Pano 8