TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Xác định niên đại công trình phật giáo cổ xưa bậc nhất xứ Thanh

9:02 18/12/2018 Tin Tổng Hợp

Sau khi mở 6 hố khai quật, thám sát khảo cổ học trên diện tích gần 543m2, giới chuyên môn đã có kết luận ban đầu về niên đại của chùa Am Các – công trình phật giáo cổ xưa bậc nhất xứ Thanh.

 20.12_002

Quần thể các chùa trên núi Các không còn nguyên vẹn. Qua các dấu tích còn lại có thể thấy hệ thống chùa Am Các được xây dựng với quy mô lớn.

Mới đây, Viện nghiên cứu Kinh Thành – thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trường đại học Hồng Đức đã tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại chùa Am Các (xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).

Trước đó, Trường đại học Hồng Đức cùng Viện nghiên cứu Kinh Thành đã mở 6 hố khai quật, thám sát khảo cổ học trên diện tích gần 543m2 tại các khu vực: Tảng đá có khắc hình tượng Phật, chùa Hạ, chùa Trung và khu vực lò nung gạch, ngói tại địa điểm chùa Am Các.

20.12_003

Chùa Hạ – cách chân núi Các khoảng 4km, lâu nay vẫn được người dân lên thắp hương, thờ cúng. Ảnh: Mai Anh

Qua 3 tháng khai quật, giới chuyên môn đã phát hiện 7 di tích kiến trúc và 3 lò nung gạch ngói. Trong đó, các di tích kiến trúc, thuộc 3 loại hình: Kè đá và bậc tam cấp đi lên chùa Hạ; bó nền kiến trúc và mặt bằng kiến trúc. Lò nung gạch thuộc loại lò cóc; lò nung ngói thuộc loại hình chữ nhật và bầu dục.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học cũng thu được hàng nghìn di vật là bằng chứng chân thực, xác định niên đại của quần thể di tích.

20.12_004

Hệ thống kiến trúc chùa Am Các cổ được phát hiện trong quá trình khai quật.

Căn cứ kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, cùng các di tích, di vật phát hiện được, giới chuyên môn kết luận: Chùa Am Các hình thành vào thời Trần, thế kỷ 14 và phát triển mạnh thời Lê Trung hưng, thế kỷ 18, là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn.

Hệ thống núi Các, thuộc các xã Định Hải và Các Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) có độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển.

Hệ thống quần thể chùa cổ trên các triền núi cao ở đây đã bị phá hủy, chỉ còn lại nền móng và các cổ vật rơi rớt lại. Trong số đó, chỉ có ngôi chùa Hạ nằm trên lưng chừng núi Các, cách chân núi khoảng 4km vẫn được người dân địa phương men theo đường mòn, lên hương khói.

Đến khoảng năm 2005, một số người dân địa phương đã phát hiện nhiều nền móng và các hiện vật bằng đá trên phía gần đỉnh các ngọn núi. Ngay sau đó, một số nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm về đây, dần khám phá ra những điều thú vị về lịch sử qua những nền móng, cổ vật lộ thiên và trong lòng núi.

Người có công lớn nhất trong việc tìm các dấu tích và nghiên cứu các tài liệu, thư tịch cổ về quần thể di tích Am Các này là Đại Đức Thích Nguyên Đại, trụ trì chùa Yên Cát ở xã Quảng Cát (TP. Thanh Hóa), nay được bổ nhiệm trụ trì chùa cổ Am Các.

Theo Báo Lao động

Liên Hệ Phòng Đọc

897014 truy cập

750 trực tuyến

Liên kết Website