TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Vương triều Nguyễn sau những trang sách bằng vàng

17:00 31/03/2016 Tin Tổng Hợp

22 kim sách (sách bằng vàng) tiêu biểu của triều Nguyễn cùng 10 bảo vật liên quan lần đầu tiên được giới thiệu một cách hệ thống, đầy đủ đến công chúng trong trưng bày chuyên đề “Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)”, được Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) khai mạc sáng nay, ngày 31/03/2016, tại phòng trưng bày chuyên đề số 1 Tràng Tiền.

Tham dự chương trình có sự hiện diện của: GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ – Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa, PGS.TS. Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa, ông Phạm Định Phong – Phó Cục Trưởng Cục Di sản văn hóa, TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Nguyễn Hữu Giới – Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ VH,TT&DL, TS. Meyer-Zollitsch – Viện Trưởng Viện Goethe Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Cường – Bí thư Đảng Ủy, Giám đốc, Trưởng Ban Xây dựng nội dung và hình thức trưng bày BTLSQG; ngoài ra còn có sự hiện diện của các đồng chí nguyên là lãnh đạo, các đồng chí đại diện các đơn vị, cục, vụ, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đại diện các bảo tàng Trung ương và địa phương, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế; đoàn ca múa nhạc Cung đình Huế; các đơn vị có liên quan, cộng tác viên, cán bộ hưu trí cùng cán bộ viên chức người lao động BTLSQG, các cơ quan thông tấn đến đưa tin về cuộc trưng bày.

1

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày “Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)”.

Phát biểu trong lễ khai mạc, Ts. Nguyễn Văn Cường, giám đốc BTLSQG cho biết:  trong kho tàng các di sản đang được lưu giữ tại BTLSQG, các hiện vật triều Nguyễn chiếm tỉ lệ khá lớn, trong đó có một phần không nhỏ là kim sách, ngân sách được bảo quản, nghiên cứu hơn 50 năm nay và đây là lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi. Ông hy vọng, trưng bày lần này sẽ mang đến cho công chúng hiểu biết sâu sắc hơn về những cổ vật quý hiếm của nền quân chủ cuối cùng, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.

2

TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc BTLSQG phát biểu khai mạc trưng bày chuyên đề.

Kim sách và vương triều Nguyễn

Mỗi quyển kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa triều đại mà còn là một di sản vô giá. Theo lãnh đạo BTLSQG, Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các Hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích… Lời sách do đích thân các Hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn và việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện)… Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép trong các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”…

Như vậy, giai đoạn lịch sử đầy biến động cùng sự thăng trầm của triều Nguyễn cũng được phản ánh phần nào qua kim sách và kim ấn. Đặc biệt, phải kể Ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo”, do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đến đời Hoàng đế Gia Long (1802 – 1820) được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn. Mặc dù Ấn đã lưu lạc rất nhiều nơi nhưng cuối cùng nhà Nguyễn vẫn tìm lại được và xem nó như báu vật của triều đại. Chiếc ấn này cũng được trưng bày cùng với kim sách bởi ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng của nó. Kim sách “Đế hệ thi” cũng là một hiện vật tiêu biểu, với trọng lượng lớn nhất và có tính thẩm mỹ cao nhất, trong đó được vua Minh Mệnh định ra 20 chữ bộ nhật để người kế nghiệp khi nối ngôi, có thể lấy một chữ làm tên, lấy nhật làm nghĩa tượng trưng ngôi Hoàng đế. Với kim sách này, Hoàng đế Minh Mệnh mong muốn thế hệ sau truyền nối ngôi Hoàng đế tới 20 đời, 500 năm, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh, tức đời thứ 5.

3

Ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo”

Từ triều Đồng Khánh, kim sách, kim ấn giảm dần độ tinh xảo. Bởi sau khi phải ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 với Pháp, ta phải bồi thường chiến phí rất nặng, khoảng 4 triệu piastre (đơn vị tiền tệ 3 nước Đông Dương thời thuộc địa Pháp). Do vậy cần huy động nhiều vàng bạc, kim sách để quy đổi. Đó là tổn thất rất lớn cho chúng ta. Tuy nhiên những gì còn lại vẫn khá lớn, hiện còn 94 kim sách vẫn được lưu giữ trong đó 22 cuốn đã được mang ra trưng bày. Đến nay đa phần hậu thế chỉ được biết tới những bảo vật này qua sách vở và gắn với những câu chuyện đậm màu sắc huyền bí về một triều đại đã qua. Chính vì vậy, triển lãm lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp công chúng có thêm những hiểu biết nhất định về triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc.

4

Kim sách “Đế hệ thi”.

Theo TS. Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huê), Kim sách không chỉ phản ánh giá trị lịch sử mà nó còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự quan tâm với tổ tiên, ứng xử với những người có công với triều đại nhà Nguyễn. Số lượng kim sách được ban ra, truy tôn, truy phong, dành cho bậc tổ tiên rất lớn. Điều này cho thấy nhà Nguyễn đặc biệt coi trọng chữ Hiếu. Đó là một truyền thống đạo đức mà đối với triều đại nào cũng đáng tôn vinh.

Kim sách với những câu chuyện chưa kể

Trưng bày về Kim sách triều Nguyễn lần này đã cho công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng kỹ thuật tạo tác điêu luyện của ông cha. Kim sách triều Nguyễn thường được làm bằng vàng hoặc bạc mạ vàng, theo khổ chữ nhật đứng, bìa trang trí hình rồng 5 móng và hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn. Ts. Phạm Thanh Hải còn cho biết: Công đoạn chế tạo được tiến hành rất khắt khe ngay từ khâu tuyển chọn nghệ nhân. Những bậc thầy giỏi nhất trên toàn quốc được tuyển chọn về xưởng chế tác của triều đình. Những xưởng này nằm ngay trong hoàng cung triều Nguyễn, phía đông của Tử Cấm Thành, ở khu của Phủ Nội vụ – kho tàng lưu trữ những kho báu của triều đại. Do vậy, quy trình chế tác rất kỳ công và được kiểm soát nghiêm ngặt. Ví dụ, vàng để chế tạo kim sách không phải vàng 10 tuổi mà là vàng non hơn để dễ chế tác, nhưng được tinh luyện và được giám định rất tỉ mỉ. Người thể hiện thư pháp cũng đều là bậc đại bút trong Hàn Lâm Viện. Sau đó, thợ thủ công mới khắc chữ đó lên vàng hoặc bạc mạ vàng. Nếu có sai phạm dù chỉ một chút cũng bị phạt nặng. Do đó, các tác phẩm khi hoàn thiện gần như đạt mức hoàn hảo vì được chế tác và giám sát công phu. Các kim sách, kim ấn mang tính tượng trưng cao, vì bản thân kim sách và kim ấn được đúc ra để sử dụng như một vật thờ, trưng bày như là một sự tôn vinh.

Theo các chuyên gia của BTLSQG, mỗi kim sách đều có lịch sử riêng, gắn với một sự kiện từng nhân vật được dâng, ban kim sách; tên hiệu của một người ở mỗi kim sách cũng khác nhau. Bởi vậy, ngoài việc trưng bày theo nội dung, thế thứ, cuộc trưng bày đặc biệt này còn sử dụng cả giải pháp trưng bày theo nhân vật. Qua đó để công chúng dễ hiểu, dễ liên kết các câu chuyện về một nhân vật qua nhiều kim sách khác nhau. Ví dụ, qua trường hợp Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên bị Hoàng đế Tự Đức giáng làm Trung phi, sau đó lại được tôn làm Hoàng hậu và các đời sau tôn làm Hoàng thái hậu, Thái hoàng thái hậu. Hay như trường hợp của Hoàng Thái hậu Tự Dụ, nhận được rất nhiều kim sách phong, dâng tôn hiệu từ lúc làm quý phi cho tới khi làm thái hoàng thái hậu và thụy hiệu sau khi bà mất.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng chủ đề cũng như các giải pháp trưng bày tối ưu nhằm giúp công chúng tiếp cận một cách dễ dàng và đầy đủ nhất với hiện vật, BTLSQG đã trưng bày theo các nội dung: Hoàng đế Gia Long truy dâng tôn hiệu, tôn thụy cho các chúa Nguyễn và hoàng hậu thời chúa Nguyễn; kim sách về việc các hoàng đế lên ngôi và hoàng đế đời sau dâng tôn thụy cho hoàng đế đời trước; kim sách phong lập hoàng thái tử; kim sách tấn phong hoàng hậu; kim sách tấn tôn thái hoàng thái hậu, hoàng thái hậu, tấn phong cho các cung phi và giáng chức; kim sách “Đế hệ thi” và nối tiếp “Đế hệ thi”. Ngoài ra, 10 bảo vật liên quan cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện như: Các loại ấn vàng, hộp đựng kim sách.

Trưng bày chuyên đề “Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)” đã thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, chiêm ngưỡng. Bạn Nguyễn Tuyết Nga, sinh viên năm thứ 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được xem một triển lãm đẹp như vậy. Em đã rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp cũng như độ tinh xảo trong kỹ thuật chế tác của ông cha. Sau khi tham quan trưng bày, em cảm thấy rất tự hào về đất nước và lịch sử của dân tộc”.

Trưng bày dự kiến sẽ kéo dài đến đầu tháng 8/2016.

5

Trưng bày thu hút đông đảo khách tham quan.

Bài: An Nhiên

Ảnh: Nguyễn Hương

Theo baotanglichsu.vn

Liên Hệ Phòng Đọc

899347 truy cập

391 trực tuyến

Liên kết Website