TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Viện Viễn Đông Bác cổ trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự cho GS Phan Huy Lê

11:01 23/05/2016 Tin Tổng Hợp

Tối ngày 16/5, ông Yves Goudineau, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Paris (EFEO), Pháp đã trân trọng trao danh hiệu Giáo sư danh dự cho giáo sư, nhà sử học Phan Huy Lê. Vì lý do sức khỏe, giáo sư đã không thể sang Paris nên đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã thay mặt đón nhận danh hiệu cao quý này.

Trong bài phát biểu ca ngợi những đóng góp quan trọng lớn lao của giáo sư Phan Huy Lê, ông Goudineau đã nhấn mạnh đến vai trò của nhà sử học như sau: Không chỉ đảm nhiệm Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từ năm 1988 đến nay, giáo sư Phan Huy Lê còn là người góp phần gìn giữ các truyền thống trí tuệ của dân tộc, đồng thời mở ra nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học mới.

Phan Huy Le 1

Ông Yves Goudineau, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Paris (EFEO), Pháp trân trọng trao danh hiệu Giáo sư danh dự cho giáo sư Phan Huy Lê (đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã thay mặt đón nhận danh hiệu cao quý này)

Các nghiên cứu của giáo sư tập trung vào xã hội nông thôn Việt Nam trung và hiện đại cũng như về các mối quan hệ thống nhất từ xưa giữa Việt Nam với khu vực Đông Nam Á. Giáo sư luôn là nhà sử học tiên phong cho đến tận bây giờ, làm việc không ngưng nghỉ để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vật thể của Việt Nam cũng như đóng góp rất lớn vào nhiều công trình dự án hợp tác. Ông là chủ biên hay đồng tác giả của gần 500 cuốn sách, bài báo và các công trình khoa học độc lập đã xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Đánh giá cao uy tín của giáo sư trên bình diện quốc tế, tại Pháp, Mỹ, nhất là tại châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Singapore), ông Yves Goudineau còn bày tỏ lòng biết ơn về sự đóng góp của giáo sư trong việc giúp đỡ tái lập Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội năm 1994, cũng như giúp đỡ các nhà nghiên cứu trẻ của EFEO khi làm việc tại Việt Nam và chương trình nghiên cứu về làng xã Việt Nam, công bố các ấn phẩm, thông tin vể các nguồn sử liệu học. Giáo sư  coi sử liệu là chất liệu quan trọng nhất của công trình Sử học, nên trong quá trình nghiên cứu bao giờ ông cũng tìm cách mở rộng khai thác triệt để các nguồn sử liệu. Đồng thời với tiếp cận trực tiếp đối tượng, ông nêu thành nguyên tắc tiếp cận toàn bộ, toàn diện, đa tuyến về lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới.

Phan Huy Le 2

Một số cuốn sách song ngữ Pháp Việt có sự đóng góp của giáo sư Phan Huy Lê và cuốn sách viết về ông có tiêu đề “Nhân cách sử học”

Giáo sư Phan Huy Lê là một trong những học giả Việt Nam được đánh giá rất cao và có tiếng tại Pháp. Năm 2002, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thay mặt chính phủ Pháp đã trao cho ông Huân chương Cành cọ Hàn lâm. Trước đó năm 1996, giáo sư đã được trao danh hiệu cao quý Giải thưởng quốc tế văn học châu Á Fukuoka, Nhật Bản. Từ năm 2011, giáo sư được bầu là Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc. Năm 2014, ông được nhận Giải thưởng danh dự Pháp ngữ năm 2014  (Prix d’honneur de la Francophonie 2014) do nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) trao tặng.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn thay mặt giáo sư Phan Huy Lê phát biểu cảm ơn Viện Viễn Đông Bác cổ, cảm ơn những đóng góp của Viện tại Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hơn nữa các hợp tác về văn hóa, khoa học xã hội.

Cũng tại buổi lễ, ông Olivier Tessier, đại diện của EFEO tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua và một trong hai tác giả của cuốn Lục Vân Tiên (2 tập) vừa được xuất bản bằng ba thứ tiếng: Pháp, Việt, Anh, đã chia sẻ về những giúp đỡ của giáo sư với cuốn sách cũng như trong công việc.

NGỌC NHÀN

Liên Hệ Phòng Đọc

898098 truy cập

603 trực tuyến

Liên kết Website