TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Toạ đàm Xứ Đông Dương – Cái nhìn đa chiều về Paul Doumer

3:40 07/04/2016 Tin Tổng Hợp

Vào lúc 18 giờ ngày 6/4 tại Trung tâm Văn hoá Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra buổi toạ đàm: Hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer – Đây là cuốn sách do Alpha books và NXB Thế giới ấn hành.

a1

Các diễn giả PGS.TS. Dương Văn Quảng, ông Nguyễn Cảnh Bình, nhà văn Nguyễn Trương Quý (theo thứ tự từ phải sang)

Buổi toạ đàm do Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace, Alpha Books và Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam- VICC phối hợp tổ chức, với sự góp mặt của các diễn giả: PGS.TS. Dương Văn Quảng, Nhà văn Nguyễn Trương Quý, Ông Nguyễn Cảnh Bình (CT HĐQT Alpha Books, Giám đốc Trung tâm hợp tác trí tuệ VICC).

Các diễn giả tham dự buổi toạ đàm đã đưa ra đánh giá về Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1902) ở nhiều góc độ: chính sách quản lý phát triển kinh tế xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, những biện pháp bóc lột sưu thuế tàn nhẫn đối với người dân thuộc địa và cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Dương, những đóng góp với Hà Nội…

a2

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Tại buổi tọa đàm,  Giám đốc Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ: Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer không chỉ là một nhà cai trị mà còn là một nhà kỹ trị,  một học giả,  một chính trị gia tham vọng biến Đông Dương thành một nước Pháp ở Viễn Đông. 

PGS.TS. Dương Văn Quảng đã đưa ra lý giải vì sao chỉ trong thời gian 5 năm, PaulDoumer đã làm được rất nhiều, từ cầu Long Biên đến hệ thống đường sắt Đông Dương…: Lý do thứ nhất, ông ta là người rất am hiểu thuộc địa (trong đó có Đông Dương) vì truớc đây ông từng là báo cáo viên về các vấn đề thuộc địa Pháp; Thứ hai, Paul Doumer tin rằng việc hiểu và biết khai thác thuộc địa sẽ đem lại những lợi ích cho Pháp.

Nhà văn trẻ Nguyễn Trương Quý chia sẻ: Paul Doumer cho rằng nên quan tâm đến đức tính của con người ở địa phương thay vì cai trị họ một cách tàn bạo. Ông ta cũng bộc lộ những tiếc nuối khi không thể cứu vãn những di tích ở Hà Nội (trong đó có thành Hà Nội) và nhìn thấy những mất mát của người Việt Nam trong thời gian đó.

Ông Nguyễn Trương Quý  nhận xét thêm: từ một Hà Nội với những khu đầm lầy mênh mông, những con phố dọc ngang lộn xộn, Paul Doumer đã xây dựng thành một thành phố là trạm dừng chân đẹp, để người Pháp thực hiện tham vọng tiến xa hơn sang miền nam Trung Hoa.

Các độc giả tham dự buổi toạ đàm cũng đã thẳng thắn đặt câu hỏi và chia sẻ những suy nghĩ về nhiều vấn đề xung quanh cuốn sách cũng như nhân vật lịch sử này.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, cuốn sách cũng như buổi toạ đàm vẫn góp thêm một cách nhìn mới về nhân vật lịch sử này.

HỒNG NHUNG

 

Liên Hệ Phòng Đọc

892678 truy cập

340 trực tuyến

Liên kết Website