TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Khai mạc Triển lãm Di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản – Giá trị lịch sử từ ký ức

9:10 26/08/2016 Tin Hoạt Động Của Trung Tâm

Sáng 25/8/2016, tại số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt, Lâm Đồng (trước kia là Biệt điện Trần Lệ Xuân, nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV), Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV phối hợp cùng Trung tâm Lưu trữ quốc gia I  tổ chức khai mạc Triển lãm Chuyên đề “Di sản tư liệu thế giới Châu  bản, Mộc bản – Giá trị lịch sử từ ký ức”, nhằm giới thiệu tới đông đảo công chúng về di sản tư liệu Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (25/8/2006 – 25/8/2016).

Tham dự lễ khai mạc Triển lãm có ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; ông Nguyễn Xuân Hùng – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV; bà Trần Thị Mai Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; bà Huỳnh Thị Anh Vân – Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Vĩnh Phúc – Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt; ông Phạm Văn Sơn – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cùng các vị đại biểu của các đơn vị thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; các sở, ban, ngành của tỉnh Lâm Đồng; viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và phóng viên các báo, đài đến đưa tin về sự kiện.

Triển lãm giới thiệu hơn 200 phiên bản tài liệu tiêu biểu của Di sản tư liệu Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn nhằm tái hiện lại những giá trị lịch sử giúp cho công chúng trong nước và quốc tế có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu về giá trị của hai di sản tư liệu này. Triển lãm gồm 2 không gian trưng bày:

1.Không gian ngoài trời với Chuyên đề “Di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản – Giá trị lịch sử từ ký ức” gồm 2 phần.

Phần 1: Giới thiệu khái quát về Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới.

Châu bản triều Nguyễn là tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945). Châu bản triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước). Với những giá trị về hình thức, nội dung, cùng tính độc đáo và tính xác thực, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào ngày 14 tháng 5 năm 2014.

Mộc bản Triều Nguyễn là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản với 55.320 mặt ván khắc gồm 152 đầu sách, mang giá trị trên nhiều phương diện, đặc biệt là phản ánh lịch sử Việt Nam qua các thời đại, từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều Nguyễn.

Với sự độc đáo về loại hình cùng những giá trị nội dung, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 30 tháng 7 năm 2009. Đây là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Phần 2: Giới thiệu về Tính độc đáo về hình thức của Di sản tư liệu Châu bản, Mộc bản.

Khối tài liệu Châu bản và Mộc bản là những tư liệu gốc, độc bản và mỗi khối tài liệu này đều có những nét độc đáo riêng về hình thức. Đối với Châu bản triều Nguyễn, đó là những nét ngự phê châu son độc đáo, là sự phong phú trong hệ thống ấn chương, là sự đa dạng về chữ viết và sự đặc biệt trong chất liệu tạo văn bản mang tính truyền thống… Đối với Di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn, ngoài giá trị về mặt sử liệu thì di sản còn rất độc đáo về chất liệu vật mang tin và nghệ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc in ở Việt Nam. Mỗi tấm Mộc bản không chỉ là tư liệu quý mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.

2.Không gian trưng bày trong nhà giới thiệu Chuyên đề “Triều Nguyễn với việc biên soạn và san khắc quốc sử” gồm:

Phần 1: Giới thiệu về vai trò của triều Nguyễn với việc biên soạn quốc sử.

Triều Nguyễn là triều đại đã để lại nhiều di sản vật thể và phi vật thể, cùng nhiều thành tựu văn hóa, đặc biệt trên lĩnh vực sử học. Với khối di sản đồ sộ là những bộ sử và các nguồn sử liệu như: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, địa bạ,… đã cho chúng ta thấy được giá trị lịch sử vô giá mà triều Nguyễn để lại.

Phần 2: Giới thiệu về Nghệ thuật chế tác Mộc bản – Đỉnh cao của kỹ thuật san khắc.

Để có được những bộ tín sử để lại cho đời sau, nhà Nguyễn đã đặt ra nhiều quy trình nghiêm ngặt trong việc san khắc Mộc bản, từ việc chọn người viết chữ cho đến chọn thợ khắc in. Số lượng 34.619 tấm Mộc bản hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã khẳng định sự phát triển của nghệ thuật khắc in ở Việt Nam dưới triều Nguyễn. Đồng thời, qua những tấm vắn khắc này cho chúng ta thấy được sự trân trọng, sự lưu truyền lịch sử, giá trị văn hóa… của cổ nhân.

Với những giá trị về mặt sử liệu cùng sự độc đáo trong hình thức của Di sản tư liệu Châu bản – Mộc bản triều Nguyễn, Ban Tổ chức hy vọng Triển lãm sẽ cung cấp nhiều thông tin giá trị đến đông đảo công chúng và các học giả. Trưng bày được mở cửa thường xuyên để đón tiếp du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về hai di sản.

Hình ảnh cùng sự kiện:

a1

Các vị đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Di sản tư liệu thế giới Châu  bản, Mộc bản – Giá trị lịch sử từ ký ức

a2

Khách tham quan khu trưng bày Triển lãm ngoài trời

a3

Khách tham quan khu trưng bày Triển lãm trong nhà

a4

Toàn cảnh khu trưng bày Triển lãm ngoài trời

a5

Các vị đại biểu dự khai mạc Triển lãm Di sản tư liệu thế giới Châu  bản, Mộc bản – Giá trị lịch sử từ ký ức chụp ảnh lưu niệm

 

 

Thu Hường – Thu Trang

 

 

Liên Hệ Phòng Đọc

900358 truy cập

309 trực tuyến

Liên kết Website