TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngày xuân

16:16 13/02/2017 Tin Tổng Hợp

Ngày 11-2 (tức 15 tháng Giêng), Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 đã bế mạc sau hơn 20 ngày diễn ra liên tục tại khu vực Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Với cách tổ chức từng bước đi vào chuyên nghiệp, nét đẹp văn hóa ngày xuân này dần được khôi phục, giữ gìn.

gin giu

Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 thu hút đông đảo khách tham quan.
Hướng tới sự chuyên nghiệp

Nghệ thuật viết thư pháp và tục xin chữ đầu xuân vốn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ngay cả khi không được tổ chức một cách bài bản, công khai, hoạt động viết, “cho chữ” vẫn diễn ra nhộn nhịp trên vỉa hè Văn Miếu và nhiều địa điểm khác. Do thiếu sự quản lý, thiếu khâu tuyển chọn “đầu vào”, một số “ông đồ” đã lợi dụng nhu cầu của người dân mang “mực tàu, giấy đỏ” ra bán chữ, làm ảnh hưởng tới các giá trị truyền thống tốt đẹp của tục xin chữ đầu xuân.

Nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa ngày xuân, từ năm 2014 đến nay, phố “ông đồ” được đưa vào khu vực Hồ Văn với tên gọi “Hội chữ xuân” đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Sở VH-TT Hà Nội, cũng với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các “ông đồ”. Tại Hội chữ Xuân Đinh Dậu, hơn 70 “ông đồ” tham gia viết chữ đều là những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và trải qua quy trình sát hạch nghiêm túc của Ban tổ chức nên có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng. Từ ngày khai mạc đến bế mạc, Hội chữ luôn tấp nập khách tham quan, tìm hiểu. Ngoài việc viết chữ, các “ông đồ” còn là sứ giả quảng bá, giới thiệu về nét văn hóa truyền thống của người Việt thông qua việc phân tích, giải nghĩa chữ viết ra như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, hạnh, phúc, an, khang, nhẫn… đến đông đảo công chúng. Hệ thống “lều chõng” được bố trí tập trung trước Hồ Văn giúp Hội chữ tránh được cảnh đìu hiu của những gian hàng phía trong; đồng thời thuận lợi cho công tác quản lý, giữ gìn an ninh trật tự.

Đáng ghi nhận hơn, hoạt động viết chữ diễn ra song song với triển lãm thư pháp theo chủ đề “Tôn sư trọng đạo” cũng đã góp phần nâng cao nhận thức, định hướng thẩm mỹ cho người dân một cách sâu sắc. “Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm là đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp, được viết ra bởi cái tâm, tầm của các nhà thư pháp chuyên nghiệp. Nhìn vào đó, những người biết thư pháp tự đánh giá được trình độ của mình đến đâu, cần học tập, rèn luyện những gì để có thể trau dồi chuyên môn; còn người dân thông qua đó cũng có căn cứ để so sánh, đánh giá trình độ của các ông đồ tại Hội chữ”, ông Trần Quốc Chí, Phó Chủ nhiệm CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam đánh giá.

Với người dân và du khách, Hội chữ Xuân Đinh Dậu năm nay thực sự là không gian văn hóa giàu ý nghĩa. Đến đây, họ vừa được tìm hiểu nghệ thuật viết thư pháp, vừa được thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật dân gian, xin được chữ mình mong muốn. “Tôi thấy rất thú vị khi đến di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám những ngày đầu xuân. Đến đây tôi được thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa như ca trù, quan họ, chầu văn…; được biết thế nào là nghệ thuật thư pháp”, Gaspard – du khách người Pháp cho hay. Theo đánh giá của khách tham quan, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho Hội chữ Xuân Đinh Dậu được chú trọng hơn những năm trước. Tình trạng “ông đồ” tràn ra vỉa hè Văn Miếu được khắc phục triệt để.

Tạo điều kiện cho người trẻ

Hài lòng với khâu tổ chức của Hội chữ Xuân Đinh Dậu, song thư pháp gia Trần Quốc Chí vẫn canh cánh nỗi lo về lớp kế cận. Ông Chí cho rằng, “ông đồ” trẻ tham gia Hội chữ khá đông, nhưng họ chưa thực sự được công chúng chú ý. Trên thực tế, “ông đồ” trẻ là những người học cao, hiểu rộng, trình độ viết là bậc thầy của những người lớn tuổi. Không ít “ông đồ” già qua các lớp đào tạo, giảng dạy của “ông đồ” trẻ đã có nhiều thay đổi tích cực hơn.

“Sở VH-TT Hà Nội sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu thêm nhiều ý kiến đóng góp của những nhà chuyên môn, quản lý và người dân để đưa Hội chữ xuân vào quy củ, chuyên nghiệp hơn, góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống ngày xuân của dân tộc”.
Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến
“Người trẻ rất nhiệt tình tham gia, sẵn sàng cống hiến nhưng lại ít được đón nhận, tôi e rằng lâu dần họ sẽ thấy nhàm chán. Chúng ta cần có sự nhận thức, đánh giá đúng về các “ông đồ”, không phải cứ người già là những người có kinh nghiệm và trình độ uyên thâm. Chúng ta đang tìm lại giá trị đích thực cho nghệ thuật thư pháp thì cũng cần trao gửi niềm tin cho lớp trẻ có tâm, có tầm, có tài”, ông Trần Quốc Chí phản ánh.

Qua hội chữ năm nay, ông Trần Quốc Chí cũng kiến nghị và mong muốn ở đợt sát hạch tuyển chọn “ông đồ” cho Hội chữ xuân những năm sau có thể mời đại diện các cơ quan báo chí cùng tham gia, đưa thông tin khách quan để công chúng có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về hoạt động thư pháp. Đối với công tác tổ chức, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, Hội chữ xuân diễn ra trong thời gian quá dài nên những ngày cuối, một số “ông đồ” mệt mỏi tự bỏ lều chõng. Khoảng trống trong khu vực Hồ Văn chưa được sử dụng hết, nên không gian Hội chữ chưa được “đầy đặn” như mong muốn của khách tham quan.

Để khắc phục, ông Lê Xuân Kiêu kiến nghị, Hội chữ những năm tiếp theo chỉ nên kéo dài đến ngày người dân kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dẫu sao, với việc thu hút khoảng 100 nghìn lượt người (đông nhất từ trước đến nay) tới tham quan, thưởng lãm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, “xin” chữ đầu xuân, hoạt động này đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng và rất cần được duy trì.

 
 
Minh Ngọc
Theo hanoimoi.com.vn

Liên Hệ Phòng Đọc

906229 truy cập

279 trực tuyến

Liên kết Website