TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Tấm lòng của Vua Thiệu Trị đối với thẩy học

10:58 19/11/2018

Vua Thiệu Trị từng nhắc nhở Hoàng tử trưởng Hồng Bảo rằng: Con học thức còn nông kém, phàm gặp việc gì đều cần phải hỏi đến Sư bảo. Cổ nhân còn vái lạy khi được nghe lời nói chính đáng, huống chi là đối với thầy học.

Nguyễn Đăng Tuân (có tài liệu chép là Nguyễn Đăng Tuần) là một danh thần triều Nguyễn, tự là Tín Phu, hiệu là Thận Trai. Ông sinh năm 1772 tại làng Phù Chánh huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nho học, cha là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoành. Dưới thời vua Gia Long, Nguyễn Đăng Tuân được tiến cử vào Hàn Lâm viện sung chức Thị giảng, năm 1817 ông được bổ làm Thiêm sự Bộ Lễ. Đầu đời vua Minh Mệnh, ông kiêm sung chức Thị hàn coi giữ ấn tín, văn thư, tấu chương tại Văn thư phòng mới thành lập. Ông trải qua một số chức vụ như Hiệp trấn Sơn Nam Hạ, Cai bạ tỉnh Quảng Nam, sau được triệu về Kinh cho giữ nguyên hàm sung Quang lộc tự khanh tham bồi công việc Bộ Lễ. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) ông được thăng làm Cần Chánh điện Đại học sĩ biện lý công việc Bộ Binh, sau lại đổi Tham tri Bộ Lễ vẫn sung giáo đạo dạy dỗ các Hoàng tử và kiêm quản Viện Hàn lâm.

Trong số các Hoàng tử ông dạy dỗ có Nguyễn Phúc Miên Tông sau này là vua Thiệu Trị. Nguyễn Đăng Tuân là người lễ giáo, cẩn trọng, dạy bảo các Hoàng tử chu đáo nên được vua Minh Mệnh hết mực yêu quý. Năm Minh Mệnh 19 (1838), ông dâng bản tấu xin về quê nghỉ dưỡng bệnh, vua Minh Mệnh ban Chỉ rằng: “Trẫm xem bản tấu đã biết tình hình ốm bệnh của khanh nhưng hiện nay chưa tìm được người thay thế để dạy bảo Hoàng tử. Vả lại quê quán của ngươi không xa, truyền cho ở lại Kinh, ta sẽ nhanh chóng tìm thầy chữa chạy và cấp thêm tiền bổng để thuốc thang, đợi mấy tháng sau nếu bệnh tình không thuyên giảm sẽ có chỉ sau”. Nhận được Chỉ, Nguyễn Đăng Tuân lại dâng tấu thưa rằng: “Thần kính đọc Chỉ vô cùng cảm kích ân điển không gì sánh được của Hoàng thượng, nhưng sức thần ngày càng yếu, bệnh tình ngày càng nặng, đã chữa trị nhiều tháng mà không giảm, nay không thể phục dậy được. Vậy mạo muội tâu trình cúi xin thiên ân cho thần được về quê dưỡng bệnh”. Vua Minh Mệnh đành châu phê: Chuẩn cho về quê[1].

Khi vua Thiệu Trị lên ngôi ngay năm thứ nhất tháng Giêng (1841) ban Dụ cho Nội các rằng: Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Đăng Tuân là người dạy dỗ Trẫm học hành, trải qua nhiều năm nên già yếu bệnh tật, đã mấy lần dâng sớ xin về nghỉ hưu nhưng Hoàng khảo còn thương tiếc cựu thần không nỡ cho về, sau sức khỏe ngày càng yếu nên đành thuận theo ý nguyện, ban cho giữ nguyên hàm về nghỉ hưu. Đến nay các Hoàng đệ của ta đã trưởng thành đều nhờ công lao dạy dỗ của viên ấy. Vậy nay lại gọi ra cho làm ấu bảo của Hoàng tử và gia thưởng hàm Thượng thư, làm việc thêm 4-5 năm nữa vẫn giúp ích được nhiều[2].

Tháng 8 năm đó vua Thiệu Trị lại ban một đạo Dụ rằng: Từ cổ xưa các bậc đế vương yêu thương con em mình đều rất cẩn trọng chọn bậc chính nhân quân tử làm thầy dạy dỗ những mong cho đức nghiệp được thành tựu để cai trị đất nước lâu bền. Nay xét thấy cung Càn Đông đang thiếu người làm sư bảo, vậy truyền cho Nguyễn Đăng Tuân khôi phục giữ nguyên hàm Thượng thư sung làm sư bảo cho các Hoàng tử, Hoàng đệ cùng viên kiêm lãnh Lê Đăng Doanh giữ đạo làm thầy đảm nhiệm việc dạy bảo. Dụ này ban ra giao cho một viên Lang trung hoặc Viên ngoại lang Bộ Lễ đem đến ban cấp, lại truyền cho Bộ Công phái người đi trên một chiếc thuyền có mui đến đậu chờ tại bến Hồ Xá, đợi viên đó tiếp nhận được Chỉ, làm lễ bái lãnh xong thu xếp việc nhà một vài ngày, do tỉnh đó phái cấp trạm phu đưa đến bến sông thuyền sẽ tiếp đón hộ tống về Kinh[3].

Có thể thấy vua Thiệu Trị rất thành kính trọng thị đối đãi với thầy học, nhà vua rất coi trọng học vấn uyên bác của Nguyễn Đăng Tuân nên mặc dù trước đó ông đã được cho phép về nghỉ hưu nhưng nhà vua vẫn tha thiết vời ông ra làm thầy dạy cho các Hoàng tử. Nhà vua thường nói với quần thần rằng: Nguyễn Đăng Tuân là người thành chính, thông hiểu kinh điển, khi ta còn ở nơi tiềm để từng được Hoàng khảo chọn để giảng dạy cho ta, những lời bảo ban dẫn dụ của thầy ta thấy bổ ích nhiều lắm. Vua Thiệu Trị cũng nhắc nhở Hoàng tử trưởng Hồng Bảo rằng: Con học thức còn nông kém, phàm gặp việc gì đều cần phải hỏi đến Sư bảo. Cổ nhân còn vái lạy khi được nghe lời nói chính đáng, huống chi là đối với thầy học.

vuaTTvoithaygiao

Bản phụng Thượng Dụ v/v cho Nguyễn Đăng Tuân khôi phục nguyên hàm Thượng thư sung làm sư bảo để dạy dỗ các Hoàng tử, Hoàng đệ Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn

Tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ tâu bị chứng bệnh đau đầu khó thở, xin về quê điều dưỡng. Nhà vua cho quan Nội các tuyên chỉ đến thăm hỏi thấy bệnh tình rất nặng bèn cho giữ nguyên hàm Thượng thư về quê hưu dưỡng, ban thưởng 10 con sâm Cao Ly, 10 tấm quế Thanh, 100 lạng bạc để chi cho việc thuốc thang. Lại truyền Bộ Công phái một chiếc thuyền có mui cho binh lính đi theo, Bộ Lễ phái một thuộc viên, Viện Thái y phái một thuộc viên để hộ tống trên đường đi. Ngày lên đường vua truyền Hoàng tử Hồng Bảo đích thân tiễn đưa thầy dạy lên thuyền và truyền cho quan tỉnh Quảng Bình điều phái phu trạm đợi sẵn tại bến Hồ Xá để hộ tống viên ấy về quê.

Sau khi Nguyễn Đăng Tuân về nghỉ vua Thiệu Trị lại cho ông được thực thụ hàm Hiệp biện Đại học sĩ, chuẩn cấp mỗi tháng nửa tháng lương để chi dùng. Nguyễn Đăng Tuân thấy vậy bèn đến cửa khuyết dâng sớ tạ ân rằng: Quan tước là để khuyến khích hiền tài, bổng lộc là để nuôi dưỡng liêm khiết. Thần là kẻ thư sinh, lập nên nghiệp nhà, làm quan đến Tòng nhất phẩm, vinh quý biết là chừng nào. Nay thần đã không làm được việc gì, chống gậy ở chốn quê hương, mừng vui trông thấy cảnh thái bình, tự biết đã được nhiều phần may mắn. Thần trải thờ ba triều, bấy lâu sống nhờ lương bổng làm quan, cộng với hơn 10 mẫu ruộng của tiền nhân để lại, không đến nỗi thiếu ăn, lại được ban ơn cho nhiều tiền bạc, cũng đủ no lúc tuổi già. Con thần là Nguyễn Đăng Giai hiện được cấp lương Tòng nhị phẩm, chỗ lương bổng còn thừa ra, thường đưa về một nửa để cung dưỡng thần, thì thần chi tiêu cũng không lo không đủ. Nay được nhận quá nhiều bổng lộc thần không thể an tâm. Vì vậy nếu được rủ lòng thương đến, thì số lương cho mỗi năm một nửa, thần xin lĩnh một kỳ để tỏ ân đức hoàng thượng. Còn như quan hàm và lương ban từ sang năm trở đi, xin được theo như chí của thần xin cho được miễn. Vua Thiệu Trị phê vào bản sớ rằng: Trẫm xem bản tâu lời lẽ khẩn thiết càng thấy lòng thành, Nguyễn Đăng Tuân thân tuy thoái hưu nơi điền dã mà tâm vẫn ở bên triều đình, thật là cảm động. Vậy truyền cho quan các bộ phái người hộ tống về quê và thưởng một bộ tập đầu Ngự chế thi sơ tập, một bộ Bắc tuần thi tập, một bộ áo chầu để tỏ lòng tôn kính lão thần của Trẫm[4]. Lại sai Hoàng tử thứ hai là Phúc Tuy công tiễn lên thuyền, yên ủi hỏi han, rồi về tâu báo lại.

Tháng 12 năm 1844, Hiệp biện Đại học sĩ hưu trí Nguyễn Đăng Tuân mất tại quê nhà, thọ 72 tuổi. Vua Thiệu Trị vô cùng thương xót, cho truy tặng hàm Thiếu sư, lại ban cho tên thụy là Văn Chính, gia cấp cho 3 cây gấm hoa, 5 cây sa hoa, vải lụa mỗi thứ 50 tấm, 1000 quan tiền. Chuẩn cho con trưởng là Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Nguyễn Đăng Giai về quê lo liệu việc tang, sai Bố chính sứ Quảng Bình là Nguyễn Văn Đạt đến tế một tuần. Ngày an táng vua sai Từ tế sứ Tôn Thất Trật khâm mệnh đến tế một tuần rượu, lại làm một bài thơ để viếng và một đạo sắc để làm lễ phần hoàng, khi tuần rượu tế thì tuyên đọc, còn một đạo giấy rồng phát giao cho con cháu nhận giữ để làm gia bảo mãi mãi. Vua Dụ rằng: Tiên sinh là bậc kỳ cựu ba triều, tuổi và đức đều đáng trọng. Ngày trước, khi Trẫm còn ở Đông cung, phần nhiều nhờ tiên sinh giảng dạy đạo phải, không ngờ tiên sinh ra đi lần này, trở thành vĩnh biệt. Văn thơ này đều do Trẫm sáng tác để làm vinh điển trọng đạo, tôn vinh đầy đủ hành trạng trước sau, một lòng trung hiếu của tiên sinh. Vậy nên cho khắc vào đá, truyền mãi về sau. Bèn giao cho hai Bộ Lễ, Công bàn kỹ việc khắc bia, lần lượt chép bài thơ, lời dụ giao cho quan tỉnh khắc vào bia đá dựng ở quê nhà để đền đáp công lao thầy học.

[1] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 70, tờ số 10.

[2] Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 7, tờ số 4.

[3] Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 9, tờ số 125.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập 6, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, trang 613.

Nguyễn Thu Hoài – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Liên Hệ Phòng Đọc

897753 truy cập

242 trực tuyến

Liên kết Website