TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Vài nét về khối tài liệu lưu trữ kỹ thuật hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

10:28 05/10/2017

Tài liệu kỹ thuật hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gồm 3 nhóm chính: tài liệu kiến trúc, tài liệu về các công trình thủy lợi và tài liệu về giao thông đường bộ.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước là một trong những Lưu trữ quốc gia lớn, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất trong số các Lưu trữ lịch sử ở nước ta. Theo phân cấp của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, hiện nay Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có nhiệm vụ bảo quản các khối tài liệu lưu trữ hình thành trước năm 1945, trong đó có tài liệu kỹ thuật của một số công trình kiến trúc, thủy lợi và giao thông đường bộ.

1.Tài liệu kiến trúc

Gồm 150 công trình, với 4 nhóm chính như sau:

Các cơ quan hành chính và tư pháp

Gồm tài liệu thiết kế và thi công các công trình như:

– Phủ Toàn quyền Đông Dương

– Phủ Thống sứ Bắc Kỳ

– Tòa Công sứ và Đại lý tại các tỉnh và thành phố ở Bắc Kỳ: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Đông, Hà Giang, Hải Dương, Hải Ninh, Hoà Bình, Hưng Yên, Kiến An, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Yên, Sơn La, Sơn Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hoá…

– Văn phòng, nhà ở, nhà phụ thuộc của tổng đốc, quan án, tuần phủ, quan lại cấp tỉnh và khu vực trong chính quyền bản xứ.

– Các toà án cấp thành phố và cấp tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa, Hà Đông, Hà Nam, Hải Dương, Hoà Bình, Hưng Yên, Kiến An, Móng Cái, Nam Định, Phú Thọ, Phúc Yên, Quảng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Yên Bái.

– Các cơ quan an ninh như: Sở Mật thám Bắc Kỳ, các cơ quan mật thám và cảnh sát tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Đông, Hà Nam, Hà Giang, Hải Duơng, Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái, Ninh Bình, Nam Định….

– Sở Hiến binh quốc gia và các doanh trại trực thuộc hiện diện tại các tỉnh Bắc Kỳ.

– Trại lính khố xanh tại Hà Nội và các tỉnh thành của Bắc Kỳ.

– Nhà lao trung ương Hà Nội, Nhà tù dân sự Hải Phòng, Nhà tù Sơn La, các nhà tù cấp tỉnh….

1

Bản vẽ mặt cắt dọc Bảo tàng Louis Finot, nguồn: TTLTQGI

Các cơ quan kinh tế và tài chính

Gồm tài liệu thiết kế và thi công các công trình như:

– Khối cơ quan công chính: Ban tổng Thanh tra công chính và Khu Công chính Bắc Kỳ, các cơ quan công chính tại Bắc Kỳ, văn phòng Sở Hàng hải, văn phòng Công ty đường sắt (dự án), toà nhà dành cho hành khách Ga Hà Nội…

– Khối cơ quan địa chính: Sở Địa chính Bắc Kỳ, cơ quan địa chính các tỉnh Hà Đông, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình.

–  Sở Bảo quản điền thổ và cầm cố

– Sở Bưu điện và các trạm bưu điện Hải Phòng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Đông, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hải Nam, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Kiến An, Quảng Châu Loan, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái, Nam Định, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Yên Bái.

– Sở Vô tuyến điện và các trạm vô tuyến điện tại một số tỉnh thành của Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

– Nha Khí tượng Thủy Văn, Đài quan sát khí tượng Phù Liễn, các trạm khí tượng tại một số tỉnh thành của Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

– Sở Mỏ, các phòng thí nghiệm hoá học tại Hà Nội và Mongtzeu, nhà ở của Giám đốc Sở Mỏ.

– Sở Canh nông, trạm thử nghiệm Phú Hộ, trạm canh nông các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Phủ Lạng Thương, Tuyên Quang.

– Trại chăn nuôi Bạch Mai, các cơ quan thú y tại các tỉnh thành của Bắc Kỳ.

– Sở Lâm nghiệp và trạm kiểm lâm ở các tỉnh Bắc  Kỳ.

– Nha Tài chính và Trước bạ, Sở Kiểm tra tài chính, Phòng trước bạ Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định.

– Nha Thương chính, các phòng thu thuế chính và phụ tại Hà Nội, Dinh thự của thanh tra thương chính, cơ quan thương chính tại các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ và địa hạt Quảng Châu Loan…

– Kho bạc Đông Dương và kho bạc tại các tỉnh thành của Bắc Kỳ.

– Phòng Thương mại Hà Nội, Bảo tàng Maurice Long, khu Hội chợ Hà Nội và các khu chợ tại các tỉnh Bắc Kỳ….

– Ban Tổng Thanh tra lao động

2

Đại học Đông Dương, nguồn: TTLTQGI

Các cơ sở y tế, khoa học và văn hóa

Gồm tài liệu thiết kế và thi công các công trình:

– Nha Học chính và dinh thự của Giám đốc Nha Học chính

– Các trường tiểu học và cao đẳng tiểu học tại Hà Nội (trường Amiral Courbet, trường Armand Rousseau, trường Dondart de Largrée, Jauréguiberry, Sinh Từ, trường Thực hành phố Hàng Cót, trường Brieux, trường Pháp-Việt Yên Phụ, trường Nữ sinh An Nam Brieux, trường Paul Bert…), Hải Phòng (trường Henri Rivière, trường Nữ sinh An Nam, trường Nữ sinh Pháp, trường Pháp-Việt, trường Hàng Kênh) và tại một số tỉnh Bắc Kỳ.

– Các trường trung học: trường Bảo hộ, trường Albert Sarraut…;

– Các trường cao đẳng và đại học: Đại học Đông Dương, trường Thú y, trường Canh nông và Lâm nghiệp, trường Mỹ thuật…

– Các trường dạy nghề Hà Nội, Hải Phòng và của một số tỉnh Bắc Kỳ khác.

– Trại trẻ mồ côi Pháp-Đông Dương

– Các cơ sở y tế tại Bắc Kỳ: Bệnh viện De Lanessan, Bệnh viện René Robin, Bệnh viện Yersin, Trại phong Binh Dong, Bệnh viện thuộc địa, Trại phong Lạch Tray…

– Viện giải phẫu, Viện K, Viện Pasteur tại Hà Nội, Viện mắt….

– Các cơ quan văn hoá: Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Nhà hát lớn…      

3

Nhà hát Lớn Hà Nội, nguồn: TTLTQGI

Các khu công thự, dinh thự của cá nhân và nhiều công trình khác

Gồm những công trình sau đây:

– Các khu văn phòng, công thự tại Hà Nội: Dinh thự của Giám đốc Nha Thương chính, quân khu tại Hà Nội.

– Các khu công thự tại một số tỉnh thành khác của Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cămphuchia, Lào, Yunnafou.

– Nhà máy cung cấp nước sạch tại thành phố Hải Phòng và một số trung tâm của Bắc Kỳ.

– Các khu nghỉ dưỡng Ba Vì, Sa Pa, Đồ Sơn, Đồng Châu, Tam Đảo

– Các doanh trại tại Đáp Cầu, Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai, Long Châu, Quảng Yên, Vĩnh Yên.

– Bảo chính đoàn tại các tỉnh Bắc Ninh, Gia Lâm, Hà Nội, Hoàng Long, Hà Đông, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An, Nam Định, Quảng Yên, Sơn Tây, Thái Bình, Vĩnh Phúc Yên, Vĩnh Ninh.

– Xưởng chế tạo đạn tại Phú Thọ

– Khu công sự khu vực biên giới Đông Bắc

– Sân bay Gia Lâm, Bạch Mai, Cát Bi, Hạ Lý, Thượng Lý, Tống

4

Trường Y khoa Đông Dương, nguồn: sưu tầm

2.Tài liệu xây dựng các công trình thủy lợi

Gồm tài liệu nghiên cứu công tác phòng chống lũ lụt; tài liệu thiết kế, xây dựng và gia cố hệ thống các công trình thủy nông, thủy lợi.

Hệ thống thủy nông

Gồm các công trình thuỷ nông: Sông Cầu (Bắc Ninh), Cầu Sơn (Bắc Giang), Liễn Sơn (Vĩnh Yên), Sơn Tây, Hà Đông – Phủ Lý (Hà Đông – Hà Nam), Đập Đáy (Sơn Tây), Thái Bình, Đông Nam Định và Ngô Đồng (Nam Định), An Dương – Kim Thành (Hải Dương – Kiến An), Kẻ Sặt – Hưng Yên (Hải Dương – Hưng Yên).

Hệ thống đê điều tại các tỉnh:

– Sông Hồng: Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Phúc Yên, Vĩnh Yên.

– Sông Đáy: Hà Đông, Hà Nam, Sơn Tây

– Sông Trà Lý: Thái Bình

– Sông Kinh Thày: Hải Dương

– Sông Luộc: Hải Dương, Hưng Yên

– Sông Đuống: Bắc Ninh

Hệ thống thủy lợi

Gồm những công trình thuỷ lợi xây dựng tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, như: Sông Chu (Thanh Hóa), Bắc Vinh, Tây Vinh, Nam Vinh, Xuân Dương (Vinh), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Tuy Hòa (Phú Yên),…

Hệ thống tưới tiêu ở các tỉnh miền Bắc và một số công trình đập chứa nước như: đập Đáy (Sơn Tây), đập Tac-Oun (Thái Nguyên)

3.Tài liệu xây dựng các công trình giao thông

Tài liệu xây dựng các công trình đường bộ

Gồm tài liệu thiết kế, thi công, mở rộng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, đường liên tỉnh, trong đó nổi bật là các tuyến đường quốc lộ số: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 18, 19, 20, 22.

Các số liệu về địa chất thủy văn, địa hình, mặt cắt lòng sông.

Tài liệu kỹ thuật liên quan đến hệ thống cầu cống: kết cấu móng, trụ, kích thước, trọng lượng, loại vật liệu, loại cốt thép…    

Một số cây cầu tiêu biểu trên các tuyến đường quốc lộ và liên tỉnh như:

– Tuyến Hà Nội – Hải Phòng: cầu Long Biên (sông Hồng), cầu Tràng Kỷ (cầu Chí Khê), cầu Phú Lương (sông Thái Bình), cầu Hạ Lý, cầu Lạc Long (Hải Phòng).

– Tuyến Hà Nội – Hòa Bình: cầu Hà Đông (sông Nhuệ Giang), cầu Mai Lĩnh (Sông Đáy).

– Tuyến Hà Nội – Đò Lèn: cầu Guột, cầu Giẽ, cầu Gián Khẩu

– Tuyến Thái Bình – Nam Định – Thái Bình: cầu Tân Đệ, cầu Trịnh Xuyên

Tài liệu xây dựng công trình đường sắt

Gồm tài liệu thiết kế, thi công các tuyến đường sắt và ga:

– Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, với hệ thống ga phụ và ga chính như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

– Tuyến đường sắt Hà Nội – Sài Gòn, với hệ thống ga phụ và ga chính như: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Diêu Trì, Nha Trang, Tháp Chàm, Mường Mán, Sài Gòn.

– Tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng (Lạng Sơn), với hệ thống ga phụ và ga chính như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Đăng.

– Tuyến đường sắt Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai, với hệ thống ga phụ và ga chính như: Hà Nội, Long Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.

– Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, các ga: Tháp Chàm, Đà Lạt

– Tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh

– Tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho

Tài liệu xây dựng các công trình đường thủy

Gồm hệ thống các cảng, cầu tầu, kho hàng như: Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Chợ Lớn, Hà Nội, Hòn Gai, Cẩm Phả, Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh….

Có thể khẳng định, tài liệu lưu trữ kỹ thuật là nguồn tài liệu tham khảo đặc biệt có giá trị trong quá trình nghiên cứu cải tạo một số công trình đã xây dựng từ thời Pháp, giúp chúng ta khôi phục, mở rộng, rút ngắn được thời gian tiến hành điều tra khảo sát hiện trạng, nhanh chóng tìm ra các giải pháp kỹ thuật tối ưu, khoa học cho công trình.

Đến nay, tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã góp phần hữu ích trong phục vụ nghiên cứu cải tạo các công trình như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, Phủ Chủ tịch, Nhà hát lớn, công trình đập Đáy, hệ thống thuỷ nông Liễn Sơn, tài liệu về một số khu phố cổ…

Kết thúc bài viết, chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến của những cá nhân, tổ chức đã sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích kinh tế và tác dụng kinh tế của tài liệu lưu trữ đối với việc nâng cấp, sửa chữa các công trình:

Ý kiến của Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh (ghi trong thư gửi Kho Lưu trữ Trung ương tháng 9-1972):

“… Căn cứ số liệu đã có trong các bản vẽ, chúng tôi dỡ mái nhà cũ xuống, xây cơi thêm tầng và lại đặt lên toàn bộ chi tiết của mái cũ. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, với vốn đầu tư ít, chúng tôi có ngôi nhà mới với diện tích sử dụng 1.875 m2. Tiền chi phí chắc chắn sẽ ít hơn so với dự chi 300.000 đồng để xây dựng nhà mới. Số tiền tiết kiệm được vào khoảng 50.000 đồng dự chi cho việc phá ngôi nhà cũ sẽ trở thành máy móc để tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội hoặc thành đạn, thành súng bắn vào đầu giặc Mỹ xâm lược...”(1).

Ý kiến của Ty Thuỷ nông Liễn Sơn ghi trong Công văn số III/TN ngày 25-7-1975 gửi Cục Lưu trữ:

“… Nhờ tài liệu lưu trữ nên việc khảo sát ban đầu không cần huy động một lực lượng lớn gần 90 người làm trong 6 tháng như đã dự kiến, về kinh phí đỡ tốn 30.000 đồng. Thời gian thiết kế nhanh hơn từ 6 tháng đến 1 năm…” (2). 

Về công trình đập Đáy, trong một thông báo gửi Trung tâm, Viện Khảo sát Thiết kế Thuỷ lợi (Bộ Thuỷ Lợi) có nhận xét:

“… Khi thiết kế cải tạo đập Đáy, nhờ hồ sơ công trình còn lại khá đầy đủ, chúng tôi đã nắm được các đặc điểm của công trình, nhất là đánh giá đúng đắn các ưu nhược điểm của cơ cấu đóng mở đã từ nhiều năm nay không vận hành được. Từ đó đề ra phương án cải tạo công trình và đưa nó vào hoạt động bình thường như hiện nay. Cùng với đầu tư kỹ thuật mới, phương án cải tạo đập đã giảm giá thành xuống từ 4.000.000 – 9.000.000 đồng (giá năm 1974) so với phương án làm mới”… và  “Khi lập luận chứng kinh tế cho công trình thủy lợi Thạch Nham, từ tài liệu địa chất đến tài liệu thiết kế, chúng tôi đã thu thập được phần lớn các tài liệu cơ bản rút ngắn thời gian, giảm chi phí lao động. Riêng tài liệu địa chất của công trình này, theo mức độ sử dụng, tính ra giảm được 600.000 đồng chi phí khảo sát (giá năm 1986)… (Thông báo: Tác dụng tài liệu lưu trữ gửi Trung tâm ngày 26-3-1987”(3).

 

HOÀNG HẰNG – LÊ HẰNG                                                                    

(1) và (2) Dẫn theo Vũ Chu Thạ, Kho Lưu trữ trung ương tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ lợi ích kinh tế quốc dân, Tập san Văn thư Lưu trữ, số 2, năm 1981, tr. 16-20.

(3) Dẫn theo  Ngô Thiếu Hiệu, Công tác tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ trong 30 năm qua ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Tạp chí Lưu trữ Việt Nam, số 3 năm 1992, tr. 20-24.

Liên Hệ Phòng Đọc

898040 truy cập

600 trực tuyến

Liên kết Website