TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Triển lãm làm sống dậy những tài liệu tưởng như đã “ngủ quên”

9:04 20/09/2018

Ngày 06/9, Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Việt Nam và Đại sứ quán Pháp phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Ngay trong những ngày đầu mở cửa đón khách tham quan, triển lãm đã thu hút được nhiều lượt khách là những người yêu mến và quan tâm tìm hiểu về Hà Nội xưa qua tài liệu lưu trữ.

Gặp ông Trần Hữu Quang, một khách tham quan tại triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố”, ông tâm đắc chia sẻ với chúng tôi ấn tượng về triển lãm và niềm vui khi tìm thấy tại Trung tâm những tài liệu mà ông đang quan tâm tìm kiếm.

tai Trien lam

Ông Trần Hữu Quang tại Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố”

Được biết, ông Trần Hữu Quang sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiện sống cùng gia đình ở phố Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội; là học sinh của Trường Albert  Sarraut trong những năm 1952 – 1963. Sau khi ra trường, năm 1964 ông về công tác trong ngành đường sắt, nhiều năm ở vị trí Thư ký của Tổng Cục trưởng và làm trong ngành đường sắt cho đến khi về hưu vào năm 2006. Hiện nay ông tham gia tư vấn nội dung cho chương trình “Dặm dài đất nước” đang phát trên kênh VTV1. Đây là chương trình giới thiệu các điểm đến thú vị khắp đất nước theo hành trình trên các tuyến đường sắt Việt Nam.

Ông hiện là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Câu lạc bộ ALAS (Club des Anciens du Lycée Albert  Sarraut) nhiệm kỳ 2017 – 2020. Câu lạc bộ là nơi kết nối các cựu học sinh của ngôi trường Albert  Sarraut, có mối liên hệ thường xuyên và cùng quan tâm đến các hoạt động văn hóa Pháp.

Ông cũng là người yêu mến, quan tâm tìm hiểu về thủ đô Hà Nội và các triển lãm về Hà Nội.

– Bằng cách nào ông biết đến cuộc triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” và ấn tượng của ông sau khi tham quan triển lãm này?

– Tôi được biết Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức cuộc triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” qua fanpage Trung tâm. Đây không phải lần đầu tôi đên thăm triển lãm tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trước đây tôi đã từng thăm và rất ấn tượng với triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” và “Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ”.

Ở Triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” cũng như các cuộc triển lãm tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trước đó, tôi tâm đắc nhất là thông qua cuộc triển lãm, tôi tìm lại được hình ảnh về những sự vật mà đến nay đã không còn nữa, thậm chí tại đây tôi có thể tìm lại được hình ảnh ngôi nhà của mình trước đây ở số 57 Nguyễn Du, bây giờ là trụ sở một công ty của Bộ Tài chính.  

Thông qua các cuộc triển lãm như thế này, tài liệu lưu trữ không còn bị “ngủ quên” mà được sống lại, được công chúng quan tâm và hưởng ứng tích cực.

Đúng như tên gọi, Triển lãm đã khơi gợi lại ký ức để người ta hoài niệm về Hà Nội xưa, đặc biệt là đối với những người Việt Nam và cả nước ngoài từng sống ở Hà Nội nhưng nay đã xa Hà Nội. Đây là điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Tháng 10 tới đây, Câu lạc bộ ALAS của chúng tôi sẽ tổ chức cuộc gặp mặt thường niên tại Hà Nội, tôi sẽ giới thiệu với các thành viên trong Câu lạc bộ về triển lãm này để họ biết và đến tham quan.

Thêm nữa là nhờ cuộc triển lãm này, tôi biết được tại Trung tâm đang bảo quản một số tài liệu mà tôi đang quan tâm tìm kiếm.

– Ông vừa cho biết là nhờ cuộc triển lãm này, ông biết được tại Trung tâm đang bảo quản một số tài liệu mà ông đang quan tâm tìm kiếm. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về những tài liệu mà ông đang quan tâm và quá trình tìm kiếm những tài liệu này?

– Từng là học sinh của trường Albert  Sarraut, tôi rất quan tâm tìm hiểu những tài liệu về ngôi trường của mình trong lịch sử. Tôi đã từng tìm đến nhiều nơi như Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện quốc gia, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, rồi sau đó sang Pháp nhưng đều không tìm thấy. Thật may là qua các cuộc triển lãm về Hà Nội mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức, tôi được biết Trung tâm có bảo quản một số tài liệu về ngôi trường này. Vì vậy hôm nay tôi đến phòng Đọc đăng ký làm thẻ độc giả để khai thác tài liệu tại đây.

tai phong Doc

Ông Trần Hữu Quang khai thác tài liệu tại phòng Đọc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và trao đổi với viên chức Trung tâm về những tài liệu ông đã tìm thấy tại đây

Tôi rất vui khi tìm thấy trong tài liệu ở đây có cả danh sách các hiệu trưởng, giáo viên của Trường cùng với các thế hệ học sinh. Trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng. Bên cạnh đó, tôi cũng biết thêm rằng một số đường phố Hà Nội bây giờ mang tên cựu học sinh Trường Albert  Sarraut trước đây như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Phúc Thông, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Đỗ Đức Dục, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hưởng…

Ngoài ra, tôi còn tìm thấy tại đây một số tài liệu về giao thông, nhất là về đường sắt Đông Dương thời Pháp thuộc, cũng là những tài liệu mà tôi  đang quan tâm.

Rất vui không chỉ vì tìm thấy tài liệu tôi cần mà còn vì các anh chị ở đây đón tiếp rất cởi mở, chia sẻ, giải đáp thông tin nhiệt tình, chu đáo.

–  Trân trọng cảm ơn ông!

HỒNG NHUNG

TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA I

 

Liên Hệ Phòng Đọc

900816 truy cập

463 trực tuyến

Liên kết Website