TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Tranh cãi về vấn đề phá bỏ hay bảo tồn Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

4:03 29/03/2016

Dù đa số tán thành việc phá bỏ Ô Quan Chưởng nhưng với những nỗ lực của mình, Trường Viễn Đông Bác Cổ và những người bản xứ cùng chí hướng đã thành công trong việc bảo tồn công trình kiến trúc này và chính thức đưa Ô Quan Chưởng vào danh mục di tích lịch sử được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt tại nghị định ngày 24 tháng 11 năm 1906.

Ô Quan Chưởng là tên gọi thông thường của một cửa ô trên con đường từ trong phố đi ra bờ sông qua địa phận thôn Thanh Hà, tên chữ là Đông Hà môn. Đây là cửa ô duy nhất còn lại trong số mười sáu cửa ô cũ của Hà Nội sau khi các công trình cũ quanh thành bị phá bỏ để mở rộng các khu phố hồi Pháp mới chiếm đóng Hà Nội [1].

Việc xem xét phá bỏ Ô Quan Chưởng bắt nguồn từ đề nghị của của dân cư và một số chủ sở hữu người Âu tại phố Jean Dupuis (phố Hàng Chiếu) trong lá đơn đệ trình lên Hội đồng thành phố ngày 28 tháng 11 năm 1904. Theo những người đệ đơn, do nhỏ hơn con phố, cửa ô này tạo thành một nút thắt nhỏ tới mức hai chiếc xe tay thô sơ cũng không thể tránh nhau, lưu thông ở đây rất bất tiện, xe cộ qua khu vực này thường phải đi đường vòng. Tại nạn, thậm chí là tai nạn về người, thường xuyên xảy ra và những chiếc xe kéo chở đầy gỗ qua đây trở thành nỗi sợ hãi thường trực của người đi bộ và xe cộ ở con phố lân cận. Hơn nữa, vào ban đêm, cửa ô này trở thành nơi chứa rác và nơi trú ngụ của bọn ma cà bông.

Do tồn tại nhiều bất đồng xung quanh vấn đề này, ngày 03 tháng 4 năm 1905, Hội đồng thành phố đã tổ chức họp để lấy ý kiến của các ủy viên và bỏ phiếu thông qua đề xuất phá hủy công trình kiến trúc ở đầu phố Hàng Chiếu. Chủ trì phiên họp, Đốc lý Hà Nội cho rằng: “Phố Jean Dupuis (Hàng Chiếu) và đoạn kéo dài của nó – tức phố Rue du Cuivre (Hàng Đồng) – là tuyến giao thông huyết mạch, mà đổ dồn về đó là những dòng người và xe lưu thông từ khu thương mại thuộc phố cổ và những con đường đông đúc quanh Hoàng thành. Vào những ngày chợ phiên, việc lưu thông của đám đông gặp không ít khó khăn do cửa ô chỉ rộng có 4 mét nhưng lại là nơi kết nối hai con đường rộng tới 8 mét, hơn nữa, vị trí án ngữ ngã tư các phố Ancien Canal (Hàng Buồm) và ngõ Thanh Hà khiến cửa ô trở nên vô cùng nguy hiểm đối với các phương tiện từ hai tuyến phố trên đây đổ lại và có nguy cơ bị đâm xiên bởi những phương tiện đang lao xuống từ phố Rue des Nattes de Jonc (phố Ô Quan Chưởng).

Cuối cùng, khối gạch vữa đồ sộ tạo thành cửa ô có lẽ không nhiều giá trị khảo cổ để được xếp hạng di tích lịch sử”.

Tuy nhiên, với tư cách Hiệu trưởng Trường Viễn Đông Bác Cổ kiêm Chủ tịch Ủy ban Cổ vật Bắc Kỳ, ông Godard phản biện: “Cửa ô này là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa, do đó có giá trị khảo cổ không hề kém cạnh những di tích còn lại của Hoàng thành. Cửa ô cũng gắn liền với lịch sử những năm đầu chiếm đóng của chúng ta, vì chính nhờ cửa ô này, chúng ta đã tiến vào Hà Nội qua một bến thuyền, và cũng chính cửa ô này là lối vào con phố đầu tiên ở Hà Nội có thương nhân người Pháp định cư. Cuối cùng, dù chưa thể khẳng định rằng cửa ô có giá trị thẩm mỹ lớn lao thì công trình này vẫn có tầm quan trọng đặc biệt đồng thời là một loại hình kiến trúc hiếm có và độc đáo ngày nay. Tất cả những lý do có thể viện dẫn – về mặt khảo cổ, lịch sử và mỹ thuật – đều đang ủng hộ việc bảo tồn toàn vẹn công trình này.  

Đó là tôi chưa cần phải nói đến ảnh hưởng đầy bi kịch của việc phá bỏ một trong những di tích của Đại đô nhà Lê đối với một bộ phận dân chúng An Nam sáng suốt. Sau khi chấp thuận về mặt nguyên tắc việc phá hủy một trong những ngôi chùa hiếm hoi gần bờ hồ Hoàn Kiếm [2], việc thông qua dự thảo (đã đệ trình lên Hội đồng thành phố) có nguy cơ khiến Chính quyền Pháp tại  Hà Nội phải mang cái tiếng xấu là tùy tiện phá hoại văn vật”.

Dù vậy, những lập luận trên đây của Chủ tịch Ủy ban Cổ vật Bắc Kỳ chưa đủ để thuyết phục Hội đồng thành phố và phiên họp kết thúc với 8 phiếu thuận và 5 phiếu chống, trong đó có 4/5 thành viên người bản xứ có mặt tại phiên họp bỏ phiếu chống.

Thất vọng trước kết quả phiên họp, ngày 11 tháng 4 cùng năm, ông Godard tiếp tục gửi công văn lên Thống sứ Bắc Kỳ, đề nghị không phê duyệt dự án phá bỏ Ô Quan Chưởng. Trong công văn, ông nhấn mạnh vào vị trí của cửa ô trong lòng những người yêu Hà Nội: “Ngài hẳn đã rõ nỗi dằn vặt ở tất cả những ai quan tâm đến mỹ thuật và lịch sử đất nước, gây ra bởi quyết định không được mong đợi này, mà hậu quả của nó là làm biến mất một trong những di tích cuối cùng – cũng là một trong những di tích đáng chú ý nhất – của Hà Nội cổ. Cảm xúc này trong lòng người bản xứ cũng nhức nhối không kém gì trong lòng người Pháp, và cả 4 thành viên người bản xứ của Hội đồng thành phố – vốn thường có xu hướng nhượng bộ – đã nhất trí phản đối dự án này”.  

Về cái cớ mà các bên đưa ra là vấn đề giao thông bất tiện, ông cho rằng: “Ở thời kỳ phố Jean Dupuis vẫn là con phố nhộn nhịp nhất thành phố và là trung tâm giao dịch thương mại, người ta lại không hề cảm thấy cửa ô này là một trở ngại thực thụ đối với việc lưu thông của người đi bộ và xe ngựa. Thế nhưng, đúng vào lúc phố Jean Dupuis – do bị hầu hết các công ty Pháp bỏ rơi để đến với phố Paul Bert – đã trở thành một trong những con phố bình lặng nhất khu bản xứ; cũng là lúc việc thành lập Place du Commerce (phố Chợ Gạo) ngày càng mang lại cho phố Jean Dupuis sự thông thoáng chưa từng thấy ở thời kỳ hưng thịnh, thì người ta lại đột nhiên nhận ra nhu cầu phá bỏ cửa ô lịch sử này”.   

Trong một nỗ lực khác nhằm phá bỏ Ô Quan Chưởng, hiệp lý thành phố Hà Nội đã tập hợp chữ ký của 45 trưởng phố tại các khu phố lân cận và đệ trình lên Đốc lý xin san bằng công trình này, vẫn với lý do thuận tiện cho giao thông.    

Còn theo ý kiến của Ủy ban Vệ sinh thành phố, “khối gạch vữa này chỉ có giá trị quân sự ở thời kỳ chinh phục, ngày nay, nó là một trở ngại đối với việc lưu thông không khí và là nguy cơ thường trực về tai nạn nghiêm trọng.

Mặt khác, các cổng vòm ở cửa ô này là nơi ghé lại thường xuyên của bọn lưu manh. Việc giám sát cho phép khẳng định rằng công trình này, cũng như rất nhiều chùa chiền bản xứ bị bỏ hoang, được dùng làm hang ổ cho những hành vi chẳng dính dáng gì đến phong tục”.

Biên bản họp ngày 08 tháng 5 năm 1905 của Phòng Thương mại Hà Nội cũng thể hiện sự ủng hộ đối với lựa chọn phá dỡ, vì “giá trị thẩm mỹ và ký ức lịch sử (của Ô Quan Chưởng) còn gây nhiều tranh cãi và không thể vượt qua những lợi ích chung của khu phố vốn là một trong những trung tâm thương mại và kỹ nghệ bậc nhất” ở Hà Nội.

Dù đa số tán thành việc phá bỏ Ô Quan Chưởng nhưng với những nỗ lực của mình, Trường Viễn Đông Bác Cổ và những người bản xứ cùng chí hướng đã thành công trong việc bảo tồn công trình kiến trúc này và chính thức đưa Ô Quan Chưởng vào danh mục di tích lịch sử được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt tại nghị định ngày 24 tháng 11 năm 1906.

Và cho đến ngày nay, Ô Quan Chưởng vẫn đứng vững cùng thời gian dù trải qua bao thăng trầm lịch sử.  

[1] Theo phocohanoi.gov.vn.

[2] Tức chùa Báo Ân, vị trí của Bưu điện thành phố Hà Nội ngày nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ số 79298, phông RST, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

2. Hồ sơ số 38438, phông RST, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

BÙI THỊ HỆ

 

Liên Hệ Phòng Đọc

898832 truy cập

583 trực tuyến

Liên kết Website