TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Thơ về một thời đáng nhớ

11:39 02/01/2019

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Cục Lưu trữ phải sơ tán tài liệu lên xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Dù vô cùng gian khổ nhưng cán bộ, nhân viên của Kho Lưu trữ TW đều rất lạc quan, yêu đời và đối với họ, đó là những năm tháng không thể nào quên. Nhân kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 – 03/01/2019), trân trọng giới thiệu tới quý vị và các bạn những vần thơ của cựu viên chức Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Đinh Hữu Phượng về thời kỳ đáng nhớ đó.

Bài thơ thứ nhất

Tôi về nhận công tác tại Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng vào cuối năm 1970, đầu năm 1971 tôi được điều lên công tác tại khu sơ tán tài liệu của cơ quan trong những năm đế quốc Mỹ leo thang Chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta bằng không quân. Nơi Cục Lưu trữ sơ tán tài liệu là xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Năm 1972,  máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội, một lần nữa Cục Lưu trữ và Kho Lưu trữ TW quyết định di chuyển số tài liệu còn để lại ở Kho Lưu trữ TW tại số nhà 31B phố Tràng Thi Hà Nội lên kho sơ tán ở xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Hồi đó cứ chiều đến, cán bộ, nhân viên của Kho Lưu trữ TW lại cùng nhau vác tài liệu chuyển lên ô tô, phủ bạt kín chờ đến khi trời sẩm tối là xe xuất phát chở tài liệu chạy lên Tuyên Quang trong đêm, lên đến Xã Tuân Lộ thì trời đã tối mịt. Cán bộ, nhân viên lại cùng nhau khẩn trương chuyển tài liệu từ ô tô xuống rồi đưa vào kho trong hang núi, xếp lên giá.

Công việc cứ diễn ra trong đêm tối như vậy, không một ánh đèn, chỉ khi vào kho trong hang núi mới có đèn vì sợ máy bay phát hiện và nhất là không dám chuyển vào ban ngày vì sợ máy bay đánh phá. Trong những tháng ngày khẩn trương, gian khổ đó, tất cả mọi người đều rất vui, rất lạc quan, yêu đời, không một người nào than vãn, kêu ca vất vả. (xem thêm bài viết “Chuyến về nguồn và ký ức về Kho Lưu trữ TW trong những năm kháng chiến chống Mỹ” đã đăng trên website Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ngày 18/5/2018, http://luutruquocgia1.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/chuyen-ve-nguon-va-ky-uc-ve-kho-luu-tru-trung-uong-nhung-nam-khang-chien-chong-mi).

anh 1

Cán bộ viên chức của Kho Lưu trữ Trung ương đào hầm trú ẩn nơi sơ tán

Bài thơ của tôi đã ra đời trong những tháng ngày đáng nhớ ấy, xin trân trọng gửi tới bạn đọc!

Đêm chuyển tài liệu đi sơ tán

Trời tối rồi bạn ơi !

Đêm nay ta hành quân sao trên trời chưa mọc

Một ánh đèn ta cũng không hề thắp

Bước chân đi nghe náo nức cả lòng

Đêm tối mênh mông

Chùm lên xóm núi

Ta về đây với núi rừng, đêm tối

Xóm núi thân yêu đêm nay khẽ chuyển mình

Hàng tre xanh cũng thủ thỉ tâm tình

Dẫn ta về với đường mòn, ngõ xóm

Ơi các chị, các anh Lưu trữ viên yêu mến

Đêm nay ta về mang tài sản quốc gia

Cất giữ trong hang phòng chống máy bay thù

Trong đêm tối mà tim ta rực sáng

Soi rõ đường cho chân bước vững thêm

Áo ướt đẫm mồ hôi mà chẳng mệt, chẳng kêu

Hòm tài liệu trên lưng tiếp ta thêm sức mạnh

Nhanh chút nữa hỡi các anh, các chị !

Trời sắp sáng rồi chiếu rọi ánh bình minh

Tài liệu ta an toàn rồi trong hang núi uy nghiêm ./.

Tuân Lộ-Tuyên Quang 1972

Bài thơ thứ hai

Bài thơ này gắn với sự kiện

Năm 1985, 1986 Cục Lưu trữ Nhà nước cử năm chuyên gia sang giúp Cam-pu-chia xây dựng ngành Lưu trữ với thời gian chín tháng, chia làm hai đợt:

Đợt đầu trong chín tháng gồm có: Đồng chí Võ Xuân Viên, Chánh Thanh tra của Cục, Đồng chí Nguyễn Quốc Bảo, Phân hiệu phó Phân hiệu Trường Trung cấp Văn thư-Lưu trữ tại T.P Hồ Chí Minh và tôi – Đinh Hữu Phượng, Phó Phân Kho tài liệu Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc Kho Lưu trữ TW.

Đợt thứ hai trong ba tháng gồm có đồng chí Võ Văn Đàng, Trưởng Phân Kho tài liệu trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Đồng chí Nguyễn Hữu Thời, cán bộ Phòng Chế dộ Nghiệp vụ của Cục Lưu trữ.

anh 2

Đồng chí Đinh Hữu Phượng cùng các cán bộ của Cục Lưu trữ Campuchia tại Phnom Penh ngày 17/3/1986 (đồng chí Đinh Hữu Phượng đứng thứ hai từ trái sang)

Ba người chúng tôi đi đợt đầu trong chín tháng là các đồng chí: Viên, Bảo, Phượng đã được Thủ Tướng Chính Phủ trao tặng Huy hiệu vì nghĩa vụ quốc tế với thành tích “Giúp đỡ Cách mạng Cam-pu-chia trong giai đoạn từ 1979 đến 1989” (sự kiện này tôi đã thể hiện trong bài viết “Cuộc gặp gỡ sau hơn 30 năm” đã đã đăng trên website Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ngày 23/8/2017, http://luutruquocgia1.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/cuoc-gap-go-sau-hon-30-nam). Bài thơ này ra đời trong hoàn cảnh đó.

Một thời làm chuyên gia

Tôi đến Cam-pu-chia làm chuyên gia giúp bạn

Xây dựng ngành Lưu trữ-Văn thư

Kho hồ sơ có tự ngày xưa

Lịch sử thăng trầm Xứ Đông Dương thuở trước

Những Khâm sứ, Toàn quyền (1) và đoàn quân xâm lược

Của chế độ thực dân thống trị Xứ (2) này

Từng trang hồ sơ còn thấm đẫm, đủ đầy

Những bằng chứng của một thời nô lệ

Chúng tôi đến đây sắp xếp thành trật tự

Từng hồ sơ, từng sự kiện rõ ràng

Quá khứ ngủ yên trong trang giấy úa vàng

Bừng tỉnh dậy làm chứng nhân lịch sử

Cam-pu-chia ơi, một thời tôi vẫn nhớ !

Lưu trữ hồ sơ muôn thưở còn ghi ./.

Phnom-penh, 1985

Chú thích:

(1) Khâm sứ Cam-pu-chia (Résident supérieur au Cambodge): Là viên chức người Pháp đứng đầu bộ máy cai trị Cam-pu-chia trong thời kỳ Thực dân Pháp cai trị ở Cam-pu-chia;

Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur général de l’Indochine): Là viên chức cai trị người Pháp, đứng đầu bộ máy cai trị của Thực dân Pháp ở Đông Dương.

(2) Trong thời kỳ Thực dân Pháp xâm chiếm Đông Dương, chúng chia Đông Dương thành 5 “Xứ” gọi là các “Xứ” bảo hộ (Pays de protectorat), gồm: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung kỳ (Annam), Lào (Laos), Cam-pu-chia (Cambodge), riêng Nam Kỳ (Cochinchine) thì gọi là “thuộc địa” (Colonie).

ĐINH HỮU PHƯỢNG

Liên Hệ Phòng Đọc

896515 truy cập

93 trực tuyến

Liên kết Website