TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Theo chân du khách phương Tây khám phá Hương Sơn kỳ thú đầu thế kỷ 20

6:19 06/02/2019

Được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất động, ngay từ đầu thế kỷ 20, thắng cảnh Hương Sơn đã thu hút đông đảo khách thập phương đến hành lễ và vãn cảnh, như những gì được tác giả Emerich mô tả trong bài “La pagode de Huong Tich (Chù Hương Tích) trên tạp chí Revue indochinoise, số ra tháng 2 năm 1914. 

du lich chua huong

du lich chua huong 2

Lễ hội Chùa Hương thế kỷ 20, nguồn: sưu tầm

Chùa Hương Tích nằm trên lãnh thổ làng Yên Vĩ, tổng Phù Lưu Thượng, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, do hai bà chúa Đào Thị Cư và Đào Thị Niêu xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 7, dưới triều Lê (1687).

Chùa gạch xây dựng dưới chân núi được gọi là Thiên Chù[1], chùa trong hang gọi là động Hương Tích.

Con đường từ chùa Thiên Chù đến động Hương Tích băng qua một chùa nhỏ gọi là chùa Giải Oan và một sườn núi dốc đứng gọi là Cửa Võng. Gần chùa Giải Oan có một dòng suối trong vắt thường được các nhà sư lấy nước để thờ Phật. Nước suối được bán cho khách hành hương làm đồ uống vì cho rằng có thể hóa giải mọi oan khuất.

Phía trên cửa động Hương Tích, có thể đọc được dòng chữ khắc trên đá từ đời Hồng Đức nhà Lê “Nam thiên đệ nhất động”. Trong động thờ 20 bức tượng phật bằng đá. Một khối đá dựng đứng, hình tròn và khá cao được gọi là Bịch thóc tiên.

Nhiều tảng đá khác nằm lộn xộn như đàn lợn được gọi là Chuồng lợn tiên. Tương tự, một hang núi tối om được gọi là Nhà tắm tiên. Những tảng đá sạt lở quanh động được gọi là trống, chiêng, giá sách hoặc tủ quần áo tiên.

Động Hương Tích là nơi khách hành hương cúng bái và cầu tự. Ban đầu, chùa và động không lớn nhưng vẻ đẹp đa dạng của dãy núi với những dòng suối quanh co uốn lượn và khung cảnh hùng vĩ đã thu hút ngày càng nhiều khách hành hương tới đây. Nhờ tiền công đức, sư sãi trong chùa đã tiến hành cải tạo nhiều lần và điểm hành hương này đẹp lên từng ngày.

(…)

Hàng năm, từ ngày 10 tháng Giêng đến cuối tháng 3, dòng người hành hương đổ về chùa mỗi ngày. Chính hội là ngày 18 tháng 2. Đó là ngày khách hành hương đông đúc nhất. Khách hành hương đến đây chủ yếu để cầu con. Các cặp vợ chồng cũng thường cùng nhau đến đây.

Trong động có nhiều tảng đá hình đứa trẻ đang ngồi. Khách hành hương muốn có con trai thường xoa tay lên mỏm đá và thì thầm “Rước cậu”. Ngược lại, người muốn có con gái thì nhẩm đọc “Rước cô”. Dân gian cho rằng nếu việc cầu nguyện có linh ứng thì người cầu nguyện sẽ có cảm giác như đứa trẻ đang theo mình về nhà. Kể từ thời điểm đó, khi đi ăn, khi lên chùa hay đi đò, người cầu nguyện thường thanh toán số tiền cho hai người.

Khi gặp nhau, khách hành hương thường chào nhau bằng câu “Nam mô a di đà phật”.

Trong rặng núi, câu khấn “Nam mô quan thế âm bồ tát” dường như đủ để làm quên đi mệt nhọc và tránh bị trượt ngã hay bước hụt.

Theo phong tục, khách hành hương có con sau khi lễ chùa phải đưa đứa trẻ đến tạ ơn thần phật.

Trong chùa, nhiều người bán rong bán những lá bùa đóng triện của chùa để tránh tà.

Một số khách hành hương giàu có bị vẻ đẹp của núi non thu hút, đã đến thưởng ngoạn và cúng tiến để mở mang chùa chiền.

Cách chùa Thiên Chù khoảng 300 mét là một hang động mới được phát hiện cũng thờ phật Quan âm. Hang động khá đẹp này được gọi là Chùa Tiên. Trong chùa có những bức tượng chạm trổ tinh xảo và nhiều nhũ đá hình thù kì quái.

Đường qua Hà Đông là con đường ngắn nhất để đến chùa Hương đối với du khách có ô tô. Nhưng người An Nam thường đi đường sắt qua Phủ Lý để đi từ Hà Nội đến Hương Tích. Dưới đây là cảm nhận của một khách hành hương sau chuyến đi năm 1908.

“…Năm ngoái, vào một ngày tháng 2 mưa phùn, tôi lên tàu hỏa đi Phủ Lý. Tàu chật cứng…

Đám đông trò chuyện không ngớt. Chủ đề được nói đến nhiều nhất là 10.000 phép màu của Phật Bà Quan Âm trong hàng ngàn năm qua. Người này chết vì đã leo lên cái cây bắc cầu giữa chùa ngoài và chùa trong. Người kia mất con vì không trở lại chùa Hương Tích lễ tạ. Người khác trở nên giàu có vì quyên tiền xây cổng chùa ngoài.

…Cuối cùng, tàu dừng ở ga Phủ Lý. Từ nhà ga đến bến phà chỉ chưa đầy 50 bước chân. Tôi lên phà giữa hai hàng khách hành hương…

Chỉ mất một đồng, người lái đò đưa tôi đến Bến Đục. Hành trình kéo dài 8 giờ khá buồn tẻ và nhàm chán… Thỉnh thoảng, cô lái đò chỉ cho tôi một vài kì quan thiên nhiên hiếm gặp trên con đường này.

Xin kể ra một vài khối đá không cao lắm: hai cái sọt của thiền sư Không Lộ, hai gò khỉ.

Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi đến Bến Đục…

Sau khoảng 1 giờ đi bộ, chúng tôi đến bến phà thứ hai gọi là Đò xuôi. Tại đây, phong cảnh bớt phần đơn điệu.

Xa xa thấp thoáng hang động nổi tiếng Tuyên Sơn và tôi lấy làm tiếc vì không thể đến đó tham quan.

Sau một giờ nữa, con đò đưa chúng tôi đến đền Quan Lớn, những người canh gác cổng vào đất thiêng.

Màn đêm buông xuống khi con đò đến chân một khối đá. Sau khi leo lên khoảng 20 bậc đá trơn trượt, chúng tôi có mặt trên một mỏm núi cao phía trên thung lũng tuyệt đẹp. Một con đường hình thành từ nhiều khối đá dẫn chúng tôi đến một mỏm núi khác, trên đó xây chùa ngoài…

Sau khi đi qua một sân nhỏ, bao quanh là những lán gỗ của người An Nam và người Hoa đang tranh khách, ánh mắt của chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng đông đặc và kì quái. Để quý vị có thể hình dung con số khách hành hương tại nơi này, hãy tưởng tượng một quần thể kiến trúc rộng lớn bao phủ diện tích hơn 1ha nhưng khó có thể tìm được hình vuông nào có cạnh chừng 20cm còn trống, đó là chưa tính đến vùng đồng bằng xung quanh cũng chen chúc toàn người là người.

Toàn bộ du khách đều hít thở bầu không khí đầy khói bay lên từ hàng ngàn lư hương.

Cảnh tượng kì lạ của đám đông đang cầu nguyện, âm thanh đinh tai nhức óc khắp nơi, tâm trạng lo âu của những người ngồi xung quanh chiếu nơi các tín đồ chen chúc nhau vào khấn vái, đủ khiến quý vị quên đi nỗi mệt nhọc của hành trình, mùi khó ngửi tại địa bàn và sự xô đẩy mà quý vị phải chịu đựng.

Để đưa ra một ý niệm chính xác về mê đạo nơi những con người này đang chen chúc, tôi thiết nghĩ cần mô tả chi tiết sự phức tạp về vị trí của các hành lang và các tòa nhà. Những ngôi chùa lớn nhất Bắc Ninh như chùa Yên Phụ và Bút Tháp chỉ đáng là nhà phụ tồi tàn bên cạnh ngôi chùa lớn có tên là Hương Tích…

…Vừa đỡ mệt, tôi rời phòng và nhìn lướt qua đám đông đang say ngủ. Đây đó đã có vài nhóm thức dậy, mở sách, đọc tên 500 vị La hán trong kinh Ngũ bách danh trong đó có câu chuyện về Phật bà quan âm. Trong sự yên tĩnh của màn đêm, một giọng nói lấn át toàn bộ, tạo nhịp cho hàng ngàn giọng nói còn lại: đó là giọng nói của một người sùng đạo giàu có ở Hà Nội. Kể từ đầu tối, ông này đã lạy 500 lần trên chiếc chiếu trải trước án thờ chính giữa ngôi chùa đồng thời đọc tên phật. Ngay bên cạnh, khoảng 10 tín đồ sùng đạo, dường như quên hết đói khát và mệt mỏi, đang lặp lại động tác của ông ta. Xung quanh, đàn bà và trẻ em các lứa tuổi bằng lòng với việc nhắc lại những âm tiết cuối cùng trong những cái tên mà họ không thể nhớ nổi vì quá dài. Từ xa, người ta chỉ nghe thấy những câu kết lặp đi lặp lại: quan thế âm bồ tát!

Ngay phía trước, 5 hoặc 6 nhà sư thay nhau làm lễ. Các thầy cúng đọc sớ trước án thờ. Sớ là các lời khấn theo mẫu, in sẵn trên giấy mỏng, giá khoảng 1 đồng. Tên người muốn cầu nguyện được viết vào chỗ để trống, sau đó đốt cả sớ và bì đựng sớ bằng giấy đỏ gấp cầu kì.

Sau án thờ chính giữa và hai bên tòa nhà cuối dãy, trong các gian phụ, người ta vét hết xôi trong các nồi lớn rồi nhanh chóng nấu mẻ khác để làm oản.

Bên ngoài, nhiều em bé phát các lá bùa màu vàng và đỏ mà các bà mẹ tranh nhau để mong muốn con họ khỏe mạnh. Cuối dãy, trong một gian phòng phía cuối hành lang, hàng nghìn phụ nữ vây quanh bức tượng phật bà nghìn tay nghìn mắt.

…Hôm sau, tôi theo đoàn khách hành hương dài dằng dặc tiến vào một con đường ngoằn ngoèo, hai bên đầy bụi rậm, hết leo lên lại trèo xuống, các bậc bằng đá mài nhẵn và trơn trượt dưới trời mưa phùn. Tôi tự nhận thấy mình không đủ khả năng mô tả những chỗ gấp khúc trên con đường này.

Các cụ bà khẳng định họ đã qua 9 ngọn núi, 9 cánh cửa vào thiên đường … Điều kì lạ là, hành trình có vẻ gian khổ và mệt nhọc đối với đôi chân rắn chắc của tôi lại dường như khá dễ chịu đối với những cụ già cao tuổi nhất…

Trong giây phút thần bí này, phụ nữ leo núi, người già xuống vực mà không hề cảm thấy nguy hiểm hay mệt mỏi.

Khi nỗi đau về thể xác chiến thắng ý niệm, khi bắt đầu chùn chân mỏi gối, một câu khấn tình cờ trong kinh bồ tát cũng đủ để những người khổ sở nhất hồi phục.

 Và người ta thấy đám đông không ngừng đọc “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”. Vài người hiểu biết hơn thì thêm vào mẫu câu đơn điệu này một vài từ dài hơn và đa dạng hơn “Nam mô Linh Thông Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát”.

  Và dòng người dịch chuyển trong không gian và vượt lên các chướng ngại với đôi chân vững chắc trên những khối đá trơn láng.

…Hai giờ sau, chúng tôi đến chân một mỏm núi, từ đó có thể nhìn thấy một đám đông đen đặc đứng quanh mép các hố nhỏ, như một bầy kiến quanh miệng hang. 50 mét còn lại hầu như dựng đứng. Sau khi để mặc dòng người đẩy lên, chúng tôi đến trước một động nhỏ tối tăm, lối vào được chia thành nhiều cửa một cách khéo léo. Đó là nơi khách hành hương đến tẩy rửa bụi trần trước khi vào động thiêng. Điểm đến này xứng đáng với cái tên chùa Giải oan.

Điều khiến các tín đồ muốn đến đây giải oan, chính là sự tồn tại của một hang sâu thứ hai, nhỏ hơn. Khách hành hương có thể vào hang bằng thang đặt trên bậc thềm trơn láng, đẽo ngay vào lòng đá. Hang thứ hai này lúc nào cũng ẩm ướt do vách đá rỉ nước; từ các nhũ đá rơi xuống những giọt nước và khách hành hương kiên nhẫn hứng vào chai để mang về cho con ốm.

…Cần phải leo lên một số gò nữa để vào động trong – trong đó không có gì đặc biệt. Khoảng nửa đường, có một cánh cổng tự nhiên nổi tiếng, cái cây tạo thành một vòng cung và những cành lá huyền thoại chắn ngang đường đã bị chặt bỏ.

Khách hành hương dù trước đó không hề mệt mỏi, đều dừng lại tại Cửa Vương và thở phì phò.

Việc này được các tín đồ giải thích rằng trước khi vào động thiêng, mọi người phải nhả hết vào không khí thứ hơi thở bốc mùi từ trong lồng ngực bị ô uế bởi những hành động xấu xa và độc ác.

…Cuối cùng, sau khi đã vượt qua nhiều mỏm núi, chúng ta đến trước một hang động rộng lớn. Lối vào nhìn như một tấm lưới tự nhiên, tạo thành từ những dây leo bò xuống từ đỉnh núi mà nhiều người gọi một cách nên thơ là “cửa chấn song”.

Hang động có hình con sò, cửa vào khá rộng và hẹp dần về phía đáy. Đứng trước cửa động có thể quan sát toàn bộ quang cảnh bên trong.

Hai hàng lán gỗ xếp dọc hai bên lối vào. Sau một cánh cửa không có gì đặc biệt, có một bức tường đẽo trong lòng đá, trên đó vua Minh Mạng đã cho khắc dòng chữ “Nam thiên đệ nhất động”. Nổi bật nhất là khối măng đá khổng lồ hình cây nấm mà khách hành hương gọi là áo cà sa. Chiều sâu từ cửa động đến án thờ vào khoảng 300 mét.

Án thờ được bày biện y như các chùa khác.

…Phía cuối động có một hang đá nhỏ gắn với huyền thoại. Dân gian cho rằng ngày xưa sư sãi trong chùa lấy gạo ăn từ hang đá Thạch Sanh này.

Người ta đi về phía đó và mang theo nến. Nếu nến tắt, hãy quay trở lại vì đó là ý của Phật.  Phật biết rằng người này còn lưu luyến trần thế và khuyên họ trở về”.

Bùi Thị Hệ (lược dịch)

Theo Emerich, La pagode de Huong Tich, Revue indochinoise, số ra tháng 02 năm 1914 (TTLTQGI – TC.29)

[1] Tên các địa danh trong bài viết được giữ nguyên văn theo bản gốc.

Liên Hệ Phòng Đọc

909126 truy cập

127 trực tuyến

Liên kết Website