TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Thêm thông tin về Hội đồng thuộc địa tối cao của Pháp qua tài liệu lưu trữ

3:42 06/04/2016

Để củng cố bộ máy thống trị tại các thuộc địa (trong đó có Đông Dương), ngày 19/10/1883 Tổng thống Pháp ký ban hành Sắc lệnh thành lập Hội đồng thuộc địa tối cao. Tuy nhiên, từ thời điểm thành lập (1883) đến sau chiến tranh thế giới thứ nhất, cơ quan này hầu như không hoạt động. Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa A.Sarraut, ngày 28/9/1920 Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh Tái cơ cấu Hội đồng thuộc địa tối cao.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về sự ra đời cũng như chức năng, quyền hạn của Hội đồng Thuộc địa tối cao (Pháp) đã từng tồn tại trong lịch sử, qua cả hai sắc lệnh, chúng tôi xin tổng kết lại một số điểm chính như sau:

Về chức năng

 “Hội đồng Thuộc địa tối cao được thành lập bên cạnh và dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa nhằm góp ý kiến cho những vấn đề và dự thảo liên quan đến công sản thuộc địa của Pháp do Bộ trưởng trình lên”([1]).

“Hội đồng có chức năng góp ý kiến cho các dự án luật, quy định quản lý Nhà nước, hoặc sắc lệnh liên quan đến thuộc địa và tất cả những vấn đề diễn ra tại thuộc địa do Bộ trưởng trình lên; tiến hành điều tra và trình Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa báo cáo hàng năm về tình hình công việc”([2]).

Về cơ cấu tổ chức

“Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa  (hoặc Thứ trưởng trong trường hợp Bộ trưởng vắng mặt).

Thành viên Hội đồng gồm

1.Thượng nghị sĩ và nghị sĩ các thuộc địa;

2. 4 đại diện cho 4 thuộc địa Nouvelle Calédonie, Tahïti, Saint Pierre và Miquelon, Mayotte và Nossi-Bé;

3. 10 thành viên do Tổng thống bổ nhiệm bằng sắc lệnh với nhiệm kỳ 3 năm, theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa;

4. Trưởng Ban Lập pháp Hội đồng Nhà nước; Trưởng Ban Tài chính Hội đồng Nhà nước; Tổng tham mưu trưởng Bộ Hải quân; Trưởng Ban Kế toán Bộ Hải quân; Chủ tịch Uỷ ban giám sát các ngân hàng thuộc địa; Giám đốc Quản lý hệ thống nhà tù – Bộ Nội vụ; Đại diện Bộ Thương nghiệp; Chủ tịch các Phòng Thương mại Bordeaux, Havre, Marseille, Nantes và Paris”([3]).

Sắc lệnh ngày 28 tháng 9 năm 1920 của Tổng thống Pháp về việc tái cơ cấu Hội đồng Thuộc địa tối cao quy định Hội đồng Thuộc địa tối cao gồm 3 hội đồng tư vấn, cụ thể như sau:

“Điều 2. Hội đồng Thuộc địa tối cao gồm 3 hội đồng tư vấn:

1.Hội đồng Cấp cao thuộc địa;

2. Hội đồng Kinh tế thuộc địa;

3. Hội đồng Pháp chế thuộc địa.

Điều 3. Hội đồng Cấp cao thuộc địa được mời tham gia Hội đồng Thuộc địa tối cao để góp ý kiến cho những vấn đề về việc quản lý chung, tổ chức chính trị và quân sự, quy chế đối với người bản xứ và sự phát triển của toàn bộ các nước thuộc địa và xứ bảo hộ.

Hội đồng Cấp cao thuộc địa bao gồm các cựu Bộ trưởng Bộ thuộc địa và cựu Toàn quyền.

Đại diện cho các Bộ Ngoại giao, Chiến tranh và Hải quân cũng được mời tham gia các công việc của Hội đồng Cấp cao thuộc địa.

Bộ trưởng Bộ Thuộc địa là người chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Cấp cao thuộc địa.

Điều 4. Hội đồng Kinh tế thuộc địa được mời tham gia Hội đồng Thuộc địa tối cao để góp ý kiến cho những vấn đề và dự án liên quan đến khai khẩn thuộc địa và các xứ Bảo hộ, cũng như mở rộng hoạt động thương mại, kỹ nghệ và nông nghiệp của Pháp tại các thuộc địa.

Thành phần của Hội đồng Kinh tế thuộc địa gồm:

1. Nghị viên và đại biểu các thuộc địa;

2. Đại biểu của các thuộc địa được bầu vào Hội đồng tối cao;

3. Một số thành viên được chỉ định do họ có kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kỹ nghệ, thương nghiệp, nông nghiệp, hàng hải vì lợi ích riêng của Chính quốc và thuộc địa;

4. Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuộc địa và giám đốc một số cơ quan kinh tế tại các thuộc địa;

5. Đại diện của các Bộ Thương nghiệp, Tài chính, Canh nông, Thương mại hàng hải, Công chính, Lao động và Học chính do Bộ trưởng chỉ định.

Hội đồng Kinh tế thuộc địa được chia làm 7 ban:

1. Ban thực phẩm;

2. Ban phụ trách các sản phẩm có dầu;

3. Ban dệt;

4. Ban phụ trách nhiên liệu;

5. Ban phụ trách lâm sản và thực vật;

6. Ban vận tải đường biển;

7. Ban du lịch và tuyên truyền thuộc địa.

Sau khi thảo luận, mỗi ban tự đưa ra quyết định của mình.

Đối với những vấn đề liên quan đến hai hoặc nhiều ban, những ban này có thể cùng nhau biểu quyết theo đề nghị của các trưởng ban.

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế thuộc địa cũng có thể tập hợp các ban hoặc người đại diện cho các ban trong phiên họp toàn thể.

Điều 5. Hội đồng Pháp chế thuộc địa được tham vấn về những vấn đề liên quan đến cải cách chế độ hành chính, tài chính và lập pháp của các nước thuộc địa và xứ bảo hộ.

Thành viên Hội đồng Pháp chế thuộc địa được lựa chọn trong số nhân vật quan trọng của Chính quốc và thuộc địa có kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực tư pháp, hành chính.

Các Bộ trưởng Tư pháp và Tài chính, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chánh án thứ nhất Toà Kiểm toán, mỗi thành viên được chỉ định một quan viên hành chính hoặc một viên chức tham gia các công việc của Hội đồng Pháp chế thuộc địa.

Nghị viên và đại biểu các thuộc địa cũng như đại biểu được bầu vào Hội đồng Thuộc địa tối cao được triệu tập tới các cuộc họp trong đó, Hội đồng Pháp chế thuộc địa xem xét những vấn đề liên quan đến thuộc địa mà họ là người đại diện”([4]).

Lịch họp của từng hội đồng

“Điều 8. Hội đồng Cấp cao thuộc địa nhóm họp khi Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa cần tham vấn ý kiến. Tuy nhiên, Hội đồng Cấp cao thuộc địa bắt buộc phải được triệu tập 2 năm một lần.

Các ban của Hội đồng Kinh tế thuộc địa có thể họp vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng buộc phải triệu tập các ban này trong khoá họp thường kỳ vào ngày 15 tháng 5 hàng năm.

Hội đồng Pháp chế thuộc địa họp ít nhất 3 tháng một lần.

Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa trình Nghị viện bản báo cáo tổng hợp về các công việc của Hội đồng tối cao”([5]) .

Trong Sắc lệnh ngày 28 tháng 9 năm 1920 của Tổng thống Pháp về việc tái cơ cấu Hội đồng Thuộc địa tối cao, tại điều 7 có quy định:

“… Sau khi có ý kiến của toàn quyền và thống đốc thuộc địa có liên quan, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa được phép mời những nhân vật cấp cao bản xứ tham gia thảo luận tại Hội đồng tối cao với tư cách là người đại diện cho dân bản địa.

Nghị định bổ nhiệm sẽ quy định điều kiện để những đại diện người bản xứ này được tham gia các khoá họp của Hội đồng tối cao”([6]).

và điều 10 có quy định: “Mỗi nước thuộc địa hoặc xứ bảo hộ thống kê dưới đây…” (trong đó có Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên) “được cử một đại diện vào Hội đồng Thuộc địa tối cao”([7]) .

Điều kiện đối với cử tri và ứng viên của Hội đồng Thuộc địa tối cao như sau:

Đối với cử tri:

Cử tri tham gia bầu đại biểu Hội đồng Thuộc địa tối cao là công dân Pháp độ tuổi từ 21, được hưởng các quyền dân sự và chính trị, sống tại thuộc địa ít nhất là 6 tháng.

Đối với ứng viên:

Những người đủ tư cách để được bầu là công dân Pháp, 25 tuổi trở lên và có đầy đủ quyền dân sự và chính trị.

Viên chức Nhà nước, viên chức và nhân viên thường trực thuộc chính quyền được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hoặc từ ngân sách chung và địa phương của thuộc địa, hoặc xứ bảo hộ là những người không đủ tư cách để được bầu trong thời gian đương chức và trong thời gian 6 tháng sau khi bị loại khỏi biên chế của đơn vị do thôi việc, cách chức hoặc vì lý do nào đó.

15 ngày trước ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu, ứng viên phải gửi tới Người đứng đầu thuộc địa đơn xin ứng cử nêu rõ họ đáp ứng được các điều kiện quy định trong Sắc lệnh này để cử tri lựa chọn. Đương nhiên, sẽ có biên lai xác nhận đối với mỗi đơn xin ứng cử.

Những người không đắc cử vòng 1 là những người không tập hợp được:

1. Đa số tuyệt đối số phiếu phát ra;

2.Số phiếu bầu bằng ¼ số cử tri đăng ký.

Trường hợp ứng viên không thoả mãn điều kiện trên, người ta sẽ tiến hành bỏ phiếu vòng 2 theo quy định tại điều 23 dưới đây. Ngày này cũng được quy định bằng nghị định của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa.

Tại vòng 2, bầu cử diễn ra theo đa số phiếu tương đối, không phụ thuộc vào số cử tri bỏ phiếu. Trường hợp số phiếu bầu bằng nhau, người cao niên nhất sẽ đắc cử.

“Điều 20. Không một cử tri nào được đăng ký danh sách bầu cử tại hai hoặc nhiều khu vực. Cá nhân nào vi phạm quy định này sẽ bị trừng phạt theo quy định tại điều 31 Sắc lệnh tổ chức ngày 2 tháng 2 năm 1852”([8])

Việc xét lại danh sách bầu cử

Điều 14. Sắc lệnh ngày 28 tháng 9 năm 1920 của Tổng thống Pháp về việc tái cơ cấu Hội đồng Thuộc địa tối cao: Hàng năm, việc xét lại danh sách bầu cử được thực hiện theo quy định sau:

“Từ ngày 01 đến 20 tháng 01 hàng năm, tại mỗi toà Đốc lý hoặc thủ phủ của khu vực, Đốc lý hoặc Trưởng khu vực, hoặc viên phó hoặc người được họ uỷ quyền phải thêm vào danh sách:

1. Tất cả những công dân Pháp cư trú hoặc sống tại thuộc địa ít nhất 6 tháng;

2. Những người có tên trong sổ thuế môn bài hoặc sổ thuế điền thổ vào thời điểm xét lại danh sách.

Khi xét lại danh sách, những công dân không thoả mãn các điều kiện về tuổi tác cũng như nơi cư trú theo quy định nêu trên nhưng đáp ứng được những điều kiện này trước ngày 01 tháng 4, vẫn được đăng ký”([9]).

Hình thức bầu cử

Điều 27. trong Sắc lệnh ngày 28 tháng 9 năm 1920 của Tổng thống Pháp về việc tái cơ cấu Hội đồng Thuộc địa tối cao: “Cuộc bầu cử diễn ra với hình thức bỏ phiếu kín. Cử tri mang theo phiếu bầu đã chuẩn bị sẵn bên ngoài phòng bầu cử và tự họ cho phiếu bầu vào hòm phiếu.

 Tuy nhiên, do những khó khăn về giao thông và do khoảng cách giữa các phòng và ban bầu cử, không đủ điều kiện để lập nên một phòng bầu cử đặc biệt, trước hoặc trong khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, cử tri được phép chuyển tới chủ tịch phòng bầu cử lá phiếu đựng trong phong bì đã được niêm phong và không có bất kỳ chỉ dẫn nào ở bên ngoài kèm theo thư gửi. Chủ tịch phòng bầu cử sẽ có giấy biên nhận về việc này. Phiếu bầu phải là giấy trắng và không có dấu hiệu từ bên ngoài hoặc bên trong.

Mỗi phiếu bầu đều có chữ ký hoặc chữ ký tắt của một trong số các thành viên phòng bầu cử ở ngoài lề bên cạnh tên cử tri”([10]).

Ngoài ra, Sắc lệnh ngày 28 tháng 9 năm 1920 của Tổng thống Pháp về việc tái cơ cấu Hội đồng Thuộc địa tối cao còn quy định cụ thể về: thời gian bắt đầu và kết thúc của buổi bầu cử, thời gian mở hòm phiếu, phiếu không hợp lệ, những người được quyền kiểm phiếu, thời gian công bố kết quả, đơn thư khiếu nại…

Qua hai sắc lệnh trên, chúng ta thấy rằng Hội đồng Thuộc địa tối cao giữ vai trò khá quan trọng trong bộ máy thống trị thuộc địa của thực dân Pháp. Các quy định về chức năng, quyền hạn, cơ cấu tổ chức… rất cụ thể, chi tiết. Một số nôi dung trong hai sắc lệnh cũng cho thấy thực dân Pháp muốn thực hiện một số cải cách, “nhượng bộ” người bản xứ để tranh thủ lôi kéo một bộ phận nhỏ trong giới “thượng lưu” nhưng sự tham gia của người bản xứ trong Hội đồng này vẫn cực kỳ hạn chế để về cơ bản không làm ảnh hưởng đến hoạt động cũng như mọi quyết định của Hội đồng Thuộc địa tối cao nói chung.

 

Nguồn:

[1] Décret du 28 Septembre 1920 du Président de la République française portant réorganisation du Conseil supérieur des Colonies, J 1103, Journal officiel de l’Indochine française, 1920, tr. 2270-2274.

[2] Décrets des 19 Octobre 1883 et 20 Mai 1890 du Président de la République française institutant et réorganisant le Conseil supérieur des colonies., J 57, Bulletin officiel de la Cochinchine, 1890, tr. 833-834.

[3] Décrets des 19 Octobre 1883 et 20 Mai 1890 du Président de la République française institutant et réorganisant le Conseil supérieur des colonies., J 57, Bulletin officiel de la Cochinchine, 1890, tr. 833-834.

[4] Décret du 28 Septembre 1920 du Président de la République française portant réorganisation du Conseil supérieur des Colonies, J 1103, Journal officiel de l’Indochine française, 1920, tr. 2270-2274.

[5] Décret du 28 Septembre 1920 du Président de la République française portant réorganisation du Conseil supérieur des Colonies, J 1103, Journal officiel de l’Indochine française, 1920, tr. 2270-2274.

[6] Décret du 28 Septembre 1920 du Président de la République française portant réorganisation du Conseil supérieur des Colonies, J 1103, Journal officiel de l’Indochine française, 1920, tr. 2270-2274.

[7] Décret du 28 Septembre 1920 du Président de la République française portant réorganisation du Conseil supérieur des Colonies, J 1103, Journal officiel de l’Indochine française, 1920, tr. 2270-2274.

[8] Décret du 28 Septembre 1920 du Président de la République française portant réorganisation du Conseil supérieur des Colonies, J 1103, Journal officiel de l’Indochine française, 1920, tr. 2270-2274.

[9] Décret du 28 Septembre 1920 du Président de la République française portant réorganisation du Conseil supérieur des Colonies, J 1103, Journal officiel de l’Indochine française, 1920, tr. 2270-2274.

[10] Décret du 28 Septembre 1920 du Président de la République française portant réorganisation du Conseil supérieur des Colonies, J 1103, Journal officiel de l’Indochine française, 1920, tr. 2270-2274.

 

Hoàng Hằng, Hồng Nhung

Liên Hệ Phòng Đọc

914090 truy cập

406 trực tuyến

Liên kết Website