TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Thay đổi qua thời gian của Bệnh viện hơn 110 năm tuổi

8:11 21/01/2019

Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức như tên gọi ngày nay là một bệnh viện có lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử của nền y học hiện đại Việt Nam.

Ngày 08/01/1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký Sắc lệnh thành lập Trường Đại học Y Dược Đông Dương (1) với Bệnh viện thực hành đặt tại làng Kinh Lược thuộc ấp Thái Hà, một vùng nằm cách khá xa trung tâm Hà Nội lúc bấy giờ (2). Alexandre Yersin được bổ nhiệm là Hiệu trưởng nhà trường đồng thời là Giám đốc Bệnh viện thực hành.

Do vùng Thái Hà có nhiều ao hồ, dịch sốt rét hoành hành nên tháng 4/1903 Trường chuyển về phố Bobillot (Lê Thánh Tông ngày nay) và Bệnh viện chuyển về phố Armand Rousseau (phố Lò Đúc).(3

Để phù hợp với quy mô tổng thể của trường Đại học Y Dược với đầy đủ các chức năng không chỉ giảng dạy mà còn nghiên cứu y học trong tương lai như đề án của nhà bác học Yersin, cần xây dựng một bệnh viện thực hành hoàn chỉnh và để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người Pháp cũng như người bản xứ, ngày 25 tháng 3 năm 1904, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập một bệnh viện mang tên Bệnh viện Bảo hộ (Hôpital Indigène du Protectorat) trên cơ sở đất đai của Nhà thương thuộc Hội Truyền giáo Thiên chúa (Hôpital Indigène de la mission catholique) đã có từ trước tại vị trí ngày nay của Bệnh viện Việt Đức trên phố Tràng Thi (phố Borgnis Desbordes) và một số bất động sản của tư nhân ở ven các phố Phủ Doãn (rue Julien Blanc), phố Tràng Thi (rue Borgnis Desbordes). Ngày 01 tháng 4 năm 1904, Chính quyền Bảo hộ chính thức mua lại nhà đất của Bệnh viện Nhà chung và Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 13 tháng 10 năm 1904 qui định tổ chức lại bệnh viện trên cơ sở mới.  (4) (5) Anh 21_1_001

Cổng chính của Bệnh viện thời Pháp thuộc (Ảnh: Sưu tầm) 

Tất cả nhà chính, nhà phụ của Bệnh viện được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1904 đến 1925: 19 nhà loại 1 tầng để bệnh nhân nằm điều trị, 3 nhà hai tầng dùng để đặt phòng hành chính quản trị, phòng khám bệnh, phòng giải phẫu và 1 khu nhà một tầng dùng làm nơi chữa bệnh bằng thủy liệu (hydrothéraphie). Từ năm 1925 đến năm 1945, chỉ sửa sang lại một số công trình trong bệnh viện như: khu khám bệnh (nhà B), nhà Lanessan (Nhà E) để mở trường Nha khoa, sửa nhà Pasteur (nhà K), kho nhà O để bệnh nhân mổ nằm. Về xây dựng mới, chỉ xây thêm nhà chiếu điện (Radiologie) và một số công trình như hầm mổ và hầm trú ẩn(6) và đặc biệt trong giai đoạn này, để ghi nhận công lao đóng góp to lớn của nhà khoa học Yersin, ngày 08 tháng 3 năm 1943, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định đổi tên Bệnh viện Bảo hộ thành Bệnh viện Yersin. (7)

Anh 21_1_002

Cổng chính của Bệnh viện sau khi đổi tên thành Bệnh viện Yersin năm 1943 (Ảnh: Sưu tầm)

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi tên Bệnh viện thành Bệnh viện Phủ Doãn là tên mà nhân dân ta vẫn quen gọi từ trước tới nay. Ngày 21 tháng 11 năm 1952, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra nghị định số 749cab/SG về việc chuyển Bệnh viện Phủ Doãn thuộc quyền quản lý của Tổng trấn Bắc phần Việt Nam.(8)

Ngày 18 tháng 9 năm 1961, Bệnh viện Phủ Doãn được nhà nước đổi tên thành Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Có thể nói rằng ngay từ ngày đầu thành lập và trong suốt quá trình phát triển của mình, với tiêu chí do nhà khoa học lớn Yersin đặt ra, Bệnh viện Việt Đức cùng với Đại học Y ngày nay đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình là cái nôi đặt nền móng cho nền y học hiện đại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Công báo Đông Dương/ J1045

2. Phông Khu Công chính Bắc Kỳ/ Hồ sơ 222

3. Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ/ Hồ sơ 36713

4. Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ/ Hồ sơ 36739

5. Phông Khu Công chính Bắc Kỳ/ Hồ sơ 1035

6. Mục lục Kiến trúc, quyển 116

7. Công báo Đông Dương/ J1237

8. Phông Sở Y tế Bắc Việt/ Hồ sơ 1266

Nguyễn Thu Hằng – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Liên Hệ Phòng Đọc

911903 truy cập

284 trực tuyến

Liên kết Website