TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Tàng thư lâu – Kho lưu trữ tài liệu quốc gia của triều Nguyễn

10:48 04/12/2018

Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ghi chép khá chi tiết việc triều Nguyễn quan tâm, chú trọng đến Tàng thư lâu như: tu sửa tòa nhà; kiểm tra, sắp xếp các tài liệu sách vở tàng trữ tại đây, bố trí nhân sự làm việc phù hợp,…

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép rằng: “Lầu Tàng thư ở địa phận phường Phong Doanh và phía đông hồ Tĩnh Tâm, trong Kinh thành, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 6 (1825). Thể chế lầu xây dựng bằng gạch, tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 12 gian, xung quanh xây lan can, bốn mặt là hồ vuông, gọi là hồ Học Hải, phía tây hồ bắc cầu, để ra vào; phàm sổ sách các năm trước của các nha môn, lục bộ đều cất ở đấy” [1].

Tàng thư lâu được thiết kế và xây dựng trên đảo giữa hồ nhằm mục đích tránh sự lây lan của hỏa hoạn và cũng để bảo vệ tư liệu gốc của quốc gia. Hơn nữa, tầng trên – nơi chứa tư liệu được trổ nhiều cửa, xung quanh xây lan can thưa, thoáng để thông khí, tránh sự ẩm mốc do độ ẩm trong không khí ở Huế.

Tang thu lau va Dong cac TLTP- S.1953Tàng Thư lâu – Nơi lưu giữ các loại văn thư quan trọng của triều Nguyễn. Ảnh chụp năm 1942. Nguồn: TTLTQG I, Tư liệu tiếng Pháp

Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ghi chép khá chi tiết việc triều Nguyễn quan tâm, chú trọng đến Tàng thư lâu như: tu sửa tòa nhà; kiểm tra, sắp xếp các tài liệu sách vở tàng trữ tại đây, bố trí nhân sự làm việc phù hợp,…

Vua Minh Mệnh đã châu phê chữ “khả” tức “đồng ý” trên bản tấu của quan viên của Bộ Binh, ngày mùng 9 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh 19 (1838), về việc tu sửa tầng dưới Tàng thư lâu do nhiều chỗ bị dột, để lưu giữ diêm tiêu [2]. Còn Vua Tự Đức đã châu điểm thể hiện quan điểm đồng ý trên bản tấu của Bộ Công, ngày 12 tháng 6 năm Tự Đức 26 (1873), xin dựng nhà làm việc tạm cho 45 nhân viên Tàng thư lâu làm việc [3]. Năm Thành Thái 18 (1906), Bộ Hộ đã sức các Chủ thủ, Điển thủ kiểm tra, sắp xếp lại địa bạ lưu trữ tại Tàng thư lâu [4]. Đồng thời, Bộ Công tấu cho tu bổ một số hạng mục ngói, cánh cửa, lan can trong Tàng thư lâu do bị hư hỏng, thấm dột [5].

Q1_1_8_62_171_1

Vua Thành Thái châu điểm bày tỏ sự đồng ý trên bản tấu của Bộ Công, ngày 09 tháng 10 năm Thành Thái 18 (1906), về việc tu bổ một số hạng mục ngói, cánh cửa, lan can trong Tàng thư lâu do bị hư hỏng, thấm dột. Nguồn: TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn

Đây là những minh chứng góp phần khẳng định tư tưởng tiến bộ của các vị vua triều Nguyễn, với tư cách là người đứng đầu đất nước, những vị Hoàng đế này đã thấu hiểu các giá trị của các loại văn bản hành chính trong việc điều hành đất nước và để lại cho các thế hệ mai sau.

Triều Nguyễn là vương triều có công sức rất lớn trong quá trình gìn giữ thư tịch văn hiến của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các tài liệu quý này đã bị thất thoát theo thời gian. Vào năm 1947, Lầu Tàng thư chính thức ngưng hoạt động. Tài liệu tại đây bao gồm địa bạ, điền bạ được chuyển đến Viện Văn hóa; Năm 1959, theo lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, số tài liệu này được chuyển đến tàng trữ tại Viện Văn hóa Huế, sau đó lại chuyển sang bảo quản tại Viện Đại học Huế. Năm 1961, chính quyền Sài Gòn đã chuyển toàn bộ khối tài liệu này lên Văn khố tại Đà Lạt; tháng 3 năm 1975, chuyển về Sài Gòn giao cho Sở Lưu trữ – Nha Văn khố Sài Gòn thuộc Thư viện quốc gia quản lí. Năm 1978, Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đã tiếp quản và giao khối tài liệu này cho Kho Lưu trữ trung ương II tại Thành phố Hồ Chí Minh quản lí. Năm 1991, theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, toàn bộ địa bạ, sách quý của triều Nguyễn được chuyển ra Hà Nội, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Hiện nay, thư tịch và địa bạ lưu trữ tại Tàng thư lâu đang bảo quản trong kho tàng hiện đại tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước. Các văn bản hư hỏng đã được tu bổ, phục chế. Toàn bộ địa bạ đều được biên dịch tóm tắt nội dung thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu tra cứu.

Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, Tàng thư lâu mất đi vị thế của một trung tâm lưu trữ, cảnh quan kiến trúc bị tàn phá và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trùng tu lại công trình Tàng thư lâu như kiến trúc ban đầu. Được biết, sau khi hoàn thành việc phục hồi, công trình này tiếp tục được đầu tư trở thành thư viện hoàng cung, nơi lưu trữ và trưng bày những bản gốc cũng như tài liệu quý về văn hóa Huế.

Chú thích

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển I, Kinh sư, tr.36.

[2] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, tập Minh Mệnh 70, tờ 75.

[3] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, tập Tự Đức 253, tờ 208.

[4] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, tập Thành Thái 59, tờ 63.

[5] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, tập Thành Thái 62, tờ 171.

Đoàn Thị Thu Thủy

Liên Hệ Phòng Đọc

896513 truy cập

93 trực tuyến

Liên kết Website