TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Sự thành lập Căng Bá Vân

11:32 08/01/2019

Ngày 21 tháng 01 năm 1940, Chính phủ Pháp ra Sắc lệnh quản thúc hay trục xuất khỏi nơi cư trú hoặc giam giữ trong các trại tập trung những “phần tử nguy hiểm” cho việc phòng vệ quốc gia và cho an ninh chung, thực chất là để quản thúc các cựu tù chính trị đã được tha bổng trong thời kỳ trước. Thi hành Sắc lệnh này, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam đã cho lập các trại “lao động đặc biệt” (camp spécial des travailleurs) để giam giữ tù chính trị đã được tha bổng, như trước chúng tôi từng đề cập trong bài “Điều ít biết về Căng Bắc Mê”, trong đó có Căng Bá Vân được thành lập theo Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 28 tháng 10 năm 1941.

 

A36C85C0-3D8C-4230-B131-E8011CCF19C5

Cây đa tại xóm Bá Vân 4, chính là nơi cất giấu, trao đổi tài liệu mật, nguồn: sưu tầm

Căng Bá Vân nằm trên địa phận xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên – một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trước năm 1941, Căng Bá Vân là một phần của nhà tù tỉnh Thái Nguyên(1), được người Pháp xây trên một khu đất hẻo lánh thuộc làng Bá Vân, giao thông khó khăn, dân cư thưa thớt, ngăn cách với bên ngoài bởi dòng sông Công. Nhà tù này được đề xuất xây dựng từ năm 1902(2) nhưng vì nhiều lý do mãi đến năm 1913 mới được bắt đầu khởi công.

Ban đầu, nhà tù tỉnh Thái Nguyên có quy mô nhỏ, các ngôi nhà giam làm bằng tre, gỗ, lợp lá đơn sơ để giam thường phạm. Nhận thấy nhà tù này nằm trong chốn “rừng thiêng, nước độc”, nhốt tù ở đây là an toàn nhất, chính quyền Pháp đã cho cải tạo và mở rộng nhà tù, xây kiên cố hơn để có thể tiếp quản nhiều tù nhân hơn(3). Xung quanh nhà tù có tường rào chắc chắn, bốn góc có bốn vọng gác canh giữ, liền nhà giam là nhà của cai ngục và lính, có một vọng gác riêng cho cai ngục.

Như chúng ta đã biết, ngày 29 tháng 9 năm 1936, Tổng thống Pháp đã ra Sắc lệnh ân xá toàn phần cho các tù nhân trên toàn cõi Đông Dương. Rất nhiều tù chính trị – là những chiến sĩ cộng sản yêu nước sau khi được tha bổng đã trở lại hoạt động, móc nối với nhau lãnh đạo phong trào yêu nước từ Bắc tới Nam để đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.

Trước sự bùng nổ của những cuộc bãi công, biểu tình, bãi chợ, bãi khóa, các cuộc đấu tranh đòi khất thuế, chống nạn cường hào áp bức,… diễn ra từ thành thị đến nông thôn, ngày 21 tháng 01 năm 1940, Chính phủ Pháp đã ra Sắc lệnh quản thúc hay trục xuất khỏi nơi cư trú hoặc giam giữ trong các trại tập trung những “phần tử nguy hiểm” cho việc phòng vệ quốc gia và cho an ninh chung, thực chất là để quản thúc các cựu tù chính trị đã được tha bổng trong thời kỳ trước (4). Thi hành Sắc lệnh này, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam đã cho lập các trại “lao động đặc biệt” (camp spécial des travailleurs) để giam giữ tù chính trị đã được tha bổng những năm trước, trong đó có căng Bá Vân được thành lập theo Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 28 tháng 10 năm 1941:

Điều 1. Nhà tù tỉnh Thái Nguyên (Bắc Kỳ) được cải dụng thành trại đặc biệt để giam giữ những phần tử nguy hiểm cho việc phòng vệ quốc gia và an ninh chung theo qui định của Sắc lệnh ngày 10 tháng 9 năm 1940 (5).

D7B069B0-43D1-47BD-B7AD-0CE4CF6A6702

Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 28 tháng 10 năm 1941 về việc cải dụng một phần nhà tù tỉnh Thái Nguyên thành trại an trí (căng Bá Vân), nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I 

Căng Bá Vân được duy trì đến tháng 10 năm 1944 và trong khoảng thời gian từ năm 1941 đến 1944 đã có khoảng 200 tù nhân được đưa về đây giam giữ (6).

Sau khi Căng Bá Vân bị xóa bỏ, thực dân Pháp đã đưa các tù chính trị về giam tại căng Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái được thành lập năm 1944.

Tháng 12 năm 1994, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra Quyết định công nhận di tích lịch sử Căng Bá Vân là di tích cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào không chỉ cho riêng những người dân xã Bình Sơn mà của cả thị xã Sông Công, của tỉnh Thái Nguyên và của cả nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Công báo Đông Dương, J1220

2. Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 26890

3. Khối tài liệu kiến trúc, hộp 142

4. Công báo Đông Dương, J1210

5. Công báo Đông Dương, J1220

6. Tòa Đốc lí Hà Nội, hồ sơ 3691

NGUYỄN THU HẰNG

Liên Hệ Phòng Đọc

915069 truy cập

546 trực tuyến

Liên kết Website