TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua lời kể của học giả người Pháp

6:50 27/03/2018

Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa (Vietnam à travers l’architecture coloniale) của tác giả Arnauld Le Brusq là một bức tranh toàn cảnh về các thành phố và kiến trúc các công trình ở Việt Nam trong những năm từ 1860 đến 1945. Trên hành trình khám phá các công trình từ Nam ra Bắc, công trình Đại học Đông Dương là điểm dừng chân lý tưởng để khám phá kiến trúc, công trình tiên phong của trường phái Kiến trúc Đông Dương do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế, một sự kết hợp thành công bước đầu giữa kiến trúc nói riêng, văn hoá phương Đông và phương Tây nói chung ở Hà Nội. Chúng tôi xin lược dịch phần viết về Đại học Đông Dương trong cuốn Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa (Vietnam à travers l’architecture coloniale) của tác giả Arnauld Le Brusq và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

CC429F6F-9F33-418C-A069-92AFEC7F1FEC

Bản vẽ mặt trước toà nhà trung tâm của Đại học Đông Dương do Charles Lacollonge, Kiến trúc sư-Chánh Sở Công thự lập năm 1924, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Sau rất nhiều cuộc viễn du, Trường Y khoa và Đại học Đông Dương hợp lại thành một quần thể kiến trúc. Theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Alexandre Yersin cho thành lập Trường Y khoa vào năm 1902. Toà nhà đầu tiên được xây dựng vào năm 1904 trên đại lộ Bobillot (nay là phố Lê Thánh Tông), đây chính là hạt nhân của trường đại học tương lai.

Năm 1918, vua Khải Định đã tới thăm trường. Năm trước đó, theo thiết kế của kiến trúc sư Bussy, trường đã mở rộng thêm khu giảng đường và được trang trí bằng các y hiệu. Tại đây, những thanh niên người Việt từ bỏ nền y học cổ truyền để chuyển sang lĩnh vực khoa học phương Tây phải theo học 5 năm dự bị mới được làm luận án tại Paris. Nhưng sau khi trải qua kỳ thi tuyển thành công, họ vẫn không thoát khỏi ngạch “bác sĩ Đông Dương”, đây chính là điều phân biệt họ với các đồng nghiệp người Pháp.

Ngoài chuyên ngành y, dược, vào những năm 1920, Đại học Đông Dương còn đào tạo thêm ngành luật, hành chính, sư phạm, nông nghiệp, công nghiệp, công chính cũng như thương nghiệp.

Tòa nhà trên phố Bobillot tiếp nhận sinh viên y khoa, luật khoa và sinh viên sư phạm, những sinh viên khác được phân bổ về các trường chuyên của thành phố. Tuy nhiên, trước khi có được một cơ cấu tổ chức thực sự ổn định, Đại học Đông Dương đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm.

Thực ra, Paul Beau cho thành lập trường năm 1906 xuất phát từ nhận thức về một thất bại và một nguy cơ chính trị: việc nền cựu học sụp đổ cũng như việc Nhật Bản thắng Nga chính là động cơ để thanh niên Việt Nam – dưới sự thúc đẩy của các nho sĩ phản đối chế độ thuộc địa như Phan Bội Châu mưu toan Đông Du tức là sang các trường đại học của “đất nước mặt trời mọc”. Phản ứng của các nhà chức trách Pháp trước khát vọng của sinh viên đã làm phật lòng phe bảo thủ và trường đại học vốn đang được bố trí trong lãnh sự quán cũ thuộc khu nhượng địa ngay lập tức bị Toàn quyền Klobukowski cho đóng cửa trước khi mở lại vào năm 1918 trong một tòa nhà nằm trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền). Theo sau kế hoạch của Sarraut, Phủ toàn quyền quyết định hiện thực hóa việc đào tạo bậc đại học bằng cách xây dựng một tòa nhà tương xứng với tham vọng đã được đưa ra và không phải ngẫu nhiên mà công trình Đại học Đông Dương được coi là một bước ngoặt trong lịch sử xứ thuộc địa, cả trên bình diện xã hội lẫn kiến trúc.

Hãy cùng xem nhà cải cách giáo dục phản đối phong cách kiến trúc do Sở Công thự phổ biến ở thời điểm đó: “Sau 3 năm vắng mặt, khi trở lại mảnh đất Đông Dương, tôi vô cùng đau đớn khi nhận ra rằng bên cạnh những công trình mang phong cách nghệ thuật bản địa – áp đặt lên đó là một sự đối đầu tàn nhẫn, những cục bê tông cốt thép và bản sao kiến ​​trúc Muy-ních đã lấn át quyền thể hiện khả năng sáng tạo theo thị hiếu của người Pháp”. Những dòng trên đây đã khơi dậy mong muốn về một bản sắc kiến trúc riêng cho Đông Dương – một trọng trách được giao cho Ernest Hébrard.

Năm 1922, lần đầu tiên kiến trúc sư Ernest Hébrard đặt chân đến Hà Nội, thời điểm đó các đồng nghiệp của ông là Charles Lacollonge và Paul Sabrié đã trình lên Toàn quyền đề xuất xây dựng công trình Đại học Đông Dương và đã được thông qua. Khi đó, việc xây móng và chân công trình với việc đóng gần 2.000 cọc gỗ lim thậm chí đang trong giai đoạn hoàn thành. Nhờ vòng hào quang của Giải thưởng La Mã, Ernest Hébrard nắm quyền chỉ đạo toàn bộ ê kíp thi công công trình, ông tạm dừng thi công và hướng công việc nghiên cứu của mình theo phong cách châu Á. Tuy nhiên, việc thay đổi phong cách kiến trúc cần thời gian lâu hơn để chín muồi, nếu so sánh với những gì Félix Dumail đã trải qua trong các giai đoạn liên tiếp khi xây dựng chi nhánh ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn. Ernest Hébrard tập trung vào tính thẩm mỹ và không quá coi trọng cách bài trí – yếu tố khớp nối khu tiền sảnh đã bị mái vòm lấn át với một hội trường hai tầng, một thư viện và rất nhiều phòng làm việc. Bản vẽ mặt đứng cùng nhiều mặt cắt ký tên Sabrié, ghi thời gian lập 1924 và được phê duyệt thi công ngay năm đó vẫn mang dáng dấp của những bức vẽ lấy cảm hứng từ thế kỷ 18 ở Pháp với sự lấn át của các không gian khánh tiết, mái vòm khổng lồ cùng tháp sáng, cách trang trí hình vòm xuất hiện cách quãng tại hành lang lưu thông và những bức tượng đối xứng ở hai bên lối vào.

Nhưng các bản vẽ cũng thể hiện quyết tâm của Ernest Hébrard – người đã chính thức trở thành Giám đốc Sở Kiến trúc và Quy hoạch đô thị năm 1923 – trong việc thay đổi dáng dấp của tòa nhà. Lúc này, ông hướng về các mô hình của Trung Quốc, bắt đầu từ công trình nổi tiếng nhất trong số đó – hoàng cung thuộc Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Kết quả là tòa nhà bị Hán hóa một cách dè dặt với một ô văng loe ra trên đệm cửa của mái vòm, với những lớp mái chồng xếp giống như hệ mái bậc thang và tháp sáng có dáng dấp như một nóc phù đồ, mái đua như đường cúp góc ở các hành lang của kiến trúc Trung Hoa.

Mùa hè năm 1924, việc thi công (giao cho Hãng Aviat) được tiến hành trở lại dựa trên những cơ sở mới này. Nhưng Ernest Hébrard chưa ngừng trăn trở, ông yêu cầu sửa bản vẽ nhiều lần, chủ yếu bởi kiến trúc sư Gaston Roger để đạt được điều mà sau này ông gọi là “phong cách Đông Dương”, nhưng ở thời điểm đó mới chỉ ở dạng thai nghén.

Công văn trao đổi, các thông báo thay đổi về kích thước, đơn thư khiếu nại của chủ thầu bị dừng thi công do không có bản vẽ chính thức, việc phá hủy một phần công trình đã cho thấy quy mô thử nghiệm của dự án. Thực vậy, quan sát công trình hoàn tất là thấy được tầm vóc của các thay đổi. Mái vòm bị thay thế bằng lầu tứ giác trên chồng 2 lớp mái nặng nề, góc cạnh rõ ràng. Mái đua lúc này đã rõ dáng dấp của các lan can tạo thành từ nhiều cột nhỏ thân vuông, xen kẽ các bức phù điêu chạm khắc và đục lỗ thường chạy quanh sân các đền đài ở châu Á. Tác giả của dự án ban đầu – kiến trúc sư Sabrié – phản đối việc thay đổi và nhiều lần cảnh báo về nguy cơ lạc điệu giữa “chủ nghĩa cổ điển” của ông và phong cách “Trung Hoa”.

Đến tham quan Đại học Đông Dương, sẽ thấy nhiều dấu tích của sự đối nghịch, chẳng hạn như việc xây thêm cổng nhỏ trên cổng vòm lớn ở mặt sau hay ở phần nội thất khi vẫn giữ mái vòm giả và hàng cột ở tiền sảnh. Mặt khác, các thử nghiệm của Hébrard không chỉ gây phiền phức cho các kiến trúc sư, ngay từ năm 1921, họa sĩ Victor Tardieu đã phác thảo một dự án trang trí phù hợp với chủ nghĩa kinh viện xung quanh. Mái vòm phải tiếp nhận những biểu tượng của khoa học, nông nghiệp, kỹ nghệ và thương nghiệp hoàn toàn tách biệt trên nền vàng. Do trí tưởng tượng bộc phát, họa sĩ đề nghị sơn dòng chữ “La France apportant à sa colonie les bienfaits de la civilisation” (Nước Pháp mang đến cho xứ thuộc địa những lợi ích của nền văn minh) và đối lại “L’Indochine faisant hommage à la France de ses richesses”(Đông Dương cảm phục nước Pháp vì sự giàu có). Ngoài ra, trên bức tường chính của hội trường, ông dự kiến nhóm thành một tập hợp chân dung những người sáng lập Đại học Đông Dương: Paul Doumer, Paul Beau, Albert Sarraut và Maurice Long, xung quanh là các cộng sự của họ. Sáu năm sau, bức tranh vải lớn hé lộ chân dung của Alma Mater – Mẹ cưu mang – và ngay tại chân bà các thế hệ sinh viên được long trọng trao những tấm bằng tốt nghiệp dưới ánh nhìn của ngài Toàn quyền.

Hoàn thành năm 1927, Đại học Đông Dương đặt dấu chấm hết cho sự tồn dư của kiến trúc cổ điển và đánh dấu sự trỗi dậy của nghệ thuật giao thoa nơi phương Tây và phương Đông gặp gỡ. Đến nay, công trình vẫn được coi là một điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội.

Hoàng Hằng – Hồng Nhung

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Liên Hệ Phòng Đọc

891470 truy cập

119 trực tuyến

Liên kết Website