TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương 100 năm ngày thành lập (1917-2017)

2:40 28/11/2017

 

Cách đây tròn 100 năm, ngày 29-11-1917, Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut[1] đã ký một nghị định lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành Lưu trữ và tài liệu lưu trữ trên toàn Đông Dương. Đó là nghị định thành lập Kho Lưu trữ Trung ương tại Hà Nội và chức Giám đốc Lưu trữ và Thư viện tại Phủ Toàn quyền Đông Dương[2].

Ảnh1

Công lệnh ngày 9-9-1917 do quyền Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp ký cử Paul Boudet sang nghiên cứu về tổ chức lưu trữ tại Đông Dương.

Tài liệu của Lưu trữ Hải ngoại quốc gia Pháp (Archives Nationales d’Outre Mer).

Nghị định ngày 29-11-1917 gồm 13 điều, trong đó điều 1 quy định kho lưu trữ và thư viện công ở Đông Dương được đặt dưới sự kiểm tra thường trực về mặt kỹ thuật của một Lưu trữ viên, Giám đốc Kho Lưu trữ Trung ương và Thư viện công tại Hà Nội. 

Điều 2 của Nghị định quy định “Kho Lưu trữ Trung ương tại Hà Nội sẽ được thành lập bởi tập hợp tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương và của các công sở trực thuộc, tài liệu của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và tất cả giấy tờ công đến từ các xứ khác nhau của Liên bang”.

Nghị định ngày 29-11-1917cũng quy định chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Lưu trữ và Thư viện(điều 3), trong đó có một số điều khoản chủ yếu về Lưu trữ như:

– Định kỳ thanh tra tình hình tài liệu của các địa phương;

– Tổ chức sắp xếp tài liệu theo kế hoạch và theo một khung phân loại thống nhất;

– Chỉ đạo các nhân viên người Âu và người bản xứ sắp xếp tài liệu, xử lý những trường hợp thực hiện không đúng về mặt kỹ thuật…

Điều 15 của Nghị định quy định: việc tiêu hủy tài liệu lưu trữ đối với những tài liệu đã hết giá trị chỉ được diễn ra sau khi có sự giám định của một Ủy ban cao cấp chuyên giám sát tài liệu lưu trữ tại Hà Nội và các Ủy ban tại các địa phương.

Thành phần của Ủy ban cao cấp gồm:

– Tổng Thanh tra Học chính, Chủ tịch;

– Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ;

– Phụ trách Phòng Hành chính Phủ Toàn quyền;

– Giám đốc Lưu trữ, báo cáo viên;

– Một nhân viên Sở Dân sự, thư ký.

Ủy ban được tập hợp theo triệu tập của Chủ tịch. Giám đốc Lưu trữ bắt buộc phải tuân theo những quyết định của Ủy ban, trừ khi có đơn kháng cáo lên Toàn quyền, người có thể ra quyết định mới về một vấn đề cụ thể hoặc phê chuẩn quyết địnhcủa Ủy ban.

Giám đốc Lưu trữ và Thư viện là người “sẽ được bổ nhiệm bởi Toàn quyền Đông Dương” và là người “sẽ được tuyển chọn trong số các cựu học sinh của Trường Pháp điển, những người có bằng Lưu trữ viên cổ tự” (điều 7). Paul Boudet[3] đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Lưu trữ và Thư viện tại Phủ Toàn quyền Đông Dương theo Nghị định ngày 30-11-1917 của Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut.

Kể từ sau khi Nghị định ngày 29-11-1917 được thực hiện và được bổ sung thêm bằng Nghị định ngày 26-12-1918[4], việc tổ chức và những quy định về tài liệu lưu trữ ở Đông Dương đã được hoàn thiện với 5 kho lưu trữ ở Đông Dương. Đó là Kho Trung ương ở Hà Nội, Kho của Phủ Thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn, Kho của Phủ Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế, Kho của Phủ Thống sứ Cao Miên ở Nông-pênh và Kho của Phủ Thống sứ Lào ở Viêng-chăn[5].

Điều 2 của Nghị định ngày 26-12-1918quy định thành phần tài liệu của Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội gồm:

– Tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương và của các công sở trực thuộc;

– Tài liệu của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và các tỉnh thuộc Bắc Kỳ;

– Tài liệu của các tổ chức hoặc các công sở đã bị giải thể có giá trị thuần túy về mặt lịch sử.

Thành phần tài liệu của 4 kho còn lại được quy định tại điều 3, gồm: 

– Tài liệu của các Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Phủ Khâm sứ Trung Kỳ, Phủ Thống sứ Cao Miên, Phủ Thống sứ Lào và các công sở trực thuộc các cơ quan cai trị hành chính kể trên;

– Tài liệu của các tỉnh thuộc Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên và Lào.

Ngoài ra, Nghị định ngày 26-12-1918 còn quy định cụ thể về việc nộp lưu tài liệu của các công sở hành chính tại Đông Dương, việc khai thác thông tin tài liệu phục vụ cho các nhu cầu nghiên cứu của các cơ quan và cá nhân cùng trách nhiệm của các Lưu trữ viên…

Ảnh2

Paul Boudet tại phòng làm việc ở Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương. Ảnh đăng trong Journal “France Indochine” (tháng 3-1949).

Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (thành phố Hồ Chí Minh).

Hai nghị định do Toàn quyền Albert Saraut ký vào năm 1917 và 1918 có một tầm quan trọng đặc biệt vì đó chính là những văn bản đầu tiên, đặt nền tảng pháp lý cho việc thành lập tại Đông Dương một tổ chức lưu trữ giữ vai trò quản lý thống nhất công tác lưu trữ trong toàn Đông Dương. Đó chính là Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương do Paul Boudet làm Giám đốc. Đây cũng là hai văn bản chủ yếu về công tác lưu trữ, có hiệu lực trong suốt thời kỳ Pháp nắm quyền thống trị ở Đông Dương.

Trong 3 Kho Lưu trữ ở Việt Nam được quy định tại Nghị định ngày 26-12-1918, quan trọng nhất là Kho Lưu trữ trung ương ở Hà Nội chính vì thành phần tài liệu mà nó bảo quản.Những phông tài liệu này đã trở thành thành phần tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, di sản văn hóa của Việt Nam ngày nay[6].

Nhờ có tài liệu của phông Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Fonds de la Direction des Archives et des Bibliothèques de l’Indochine) được bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung ương trước kia mà chúng ta biết rằng, trước khi có Nghị định ngày 30-11-1917, vì không có một tổ chức chuyên môn và không có người có chuyên môn phụ trách về công tác lưu trữ nên tài liệu trên toànĐông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng đều ở trong tình trạng bị bỏ rơi, không được chăm sóc và không có cả kho chứa.

Tại các công sở, tài liệu bị “chất đống trong các phòng làm việc, dưới mái hiên, ở tầng sát mái, dưới tầng hầm, trên nóc tủ hoặc ở tận cuối hành lang tối tăm… ”. Chính vì vậy, chúng bị “sự ẩm ướt, ánh nắng mặt trời và côn trùng huỷ hoại rất nhanh[7].

Tình trạng đó tất nhiên sẽ dẫn đến sự hư hỏng do điều kiện khí hậu ẩm ướt của xứ nhiệt đới, sự mất mát, thất lạc… và một kết cục bi thảm tất yếu đã xẩy ra: nhiều tài liệu vô giá về lịch sử thuộc địa đã biến mất, không để lại một dấu vết nào, nhất là những tài liệu trong thời kỳ đầu Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, đặc biệt là tài liệu của Phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ 1859-1887 (Fonds des Amiraux et des Gouverneurs de la Cochinchine 1859-1887). 

Theo báo cáo của Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Paul Boudet viết vào năm 1918 thì trước đó, một số lớn tài liệu của các Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ “thường xuyên bị bỏ quên trong một xó của Phủ Toàn quyền và đôi lúc, chúng lại bị buộc cùng hành lý của một số vị Thống đốc khi các vị này phải di chuyển chỗ làm việc của mình đi nơi khác[8].

Đánh giá giá trị của Phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ, Paul Boudet viết: “Phông này thể hiện gần như tất cả những gì chúng ta có thể tìm lại được về thời kỳ chinh phục và tổ chức hành chính của chúng ta ở Nam Kỳ, về cuộc viễn chinh và nền bảo hộ của chúng ta tại Cambodge, những đàm phán ngoại giao với vương triều Huế, cuộc chinh phục Bắc Kỳ và những thử nghiệm về nền hành chính của chúng ta tại xứ này[9].

Tình trạng thảm hại về lưu trữ ở Đông Dươngnói chung, ở Việt Nam nói riêng đã được cảnh báo ngay từ năm 1907. Vào thời điểm đó, Thống sứ Bắc Kỳ đã yêu cầu Tư lệnh các Đạo quan binh, Công sứ các tỉnh, Đốc lý thành phố Hà Nội và Thị trưởng thành phố Hải Phòng “tìm trong các phòng làm việc tại các công sở hành chính thuộc địa và bản xứ” để “tập hợp tất cả các hồ sơ và tài liệu có thể có giá trị về sự thiết lập nền Bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ[10] song không có kết quả. Tình hình lưu trữ ở Đông Dương ngày càng trở thành mối lo ngại cho Bộ Thuộc địa nên trong bức điện số 39 ngày 11-3-1913, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã yêu cầu Toàn quyền Đông Dương cung cấp thông tin về trạng thái vật lý, cách phân loại cũng như mục lục thống kê, nội dung tài liệu lưu trữ ở Đông Dương và yêu cầu cho biết xem liệu có một cơ quan hay một tổ chức khoa học nào ở Đông Dương có thể thiết lập mối quan hệ với Ban Lịch sử cận hiện đại của Ủy ban các công trình về Lịch sử và Khoa học tại chính quốc để nghiên cứu các vấn đề về Lưu trữ ở Đông Dương không.

Để có thể trả lời yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Toàn quyền Đông Dương đã trưng cầu ý kiến của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp. Chính kiến của Giám đốc Trường thể hiện rất rõ trong công văn số 350 ngày 6-5-1913: “Rất đáng tiếclà đã phải thừa nhận rằng không có một tổ chức lưu trữ nào ở Đông Dương… Tài liệu đang bị thất lạc dần dần, đó là những tài liệu không còn quan trọng đối với các cơ quan đang hoạt động và chịu trách nhiệm bảo quản chúng nhưng những tài liệu này lại có giá trị vô cùng dưới con mắt của các nhà sử học trong tương lai[11].

Sau khi khẳng định với Toàn quyền Đông Dương rằng chính Trường Viễn đông Bác cổ là cơ quan mà Toàn quyền muốn tìm kiếm, vị Giám đốc này cũng đưa ra những kiến nghị tuyệt vời, đặc biệt là về mặt tổ chức và những nguyên tắc cho công tác lưu trữ ở Đông Dương: “Cần phải thiết lập ở Đông Dương một luật lệ ấn định cho các cơ quan và công sở hành chính hàng năm bắt buộc phải nộp tài liệu của mình vào một kho duy nhất, những tài liệu này hoặc có liên quan đến một sự việc đã được xếp hạng vĩnh viễn hoặc có thời hạn hơn hai mươi hoặc hai mươi lăm năm[12].

Mặc dù những kiến nghị của Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ được Toàn quyền Đông Dương chấp nhận hoàn toàn song tình hình lưu trữ của Đông Dương vẫn không có gì thay đổi. Câu hỏi đặt ra là: tại sao chính quyền thuộc địa Pháp không có những biện pháp ứng xử tích cực với tài liệu lưu trữ do chính họ sản sinh ra trong quá trình xâm chiếm Đông Dương, trong khi mà môn khoa học về lưu trữ đã được hình thành từ rất lâu tại chính quốc? Công cuộc chinh phục với các cuộc hành quân triền miên nhằm đàn áp các phong trào yêu nước của người dân bản xứ, các cuộc vận động giới tư bản chính quốc nhằm đạt được sự ủng hộ của chính phủ trung ương trong việc mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, chính sách khai thác thuộc địa… tất cả nhằm mục đích tối cao là thôn tính vĩnh viễn mảnh đất Đông Dương mầu mỡ đã thu hút mọi nỗ lực của chính quyền thực dân ở thuộc địa. Chính vì vậy, mãi đến năm 1916, tức là sau khi nổ súng tấn công ở cửa biển Đà Nẵng gần 80 năm, người Pháp mới thực sự thể hiện sự quan tâm của mình đến tài liệu lưu trữ bằng hành động cụ thể, đó là xúc tiến việc thành lập một cơ quan chuyên môn có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thống nhất công tác lưu trữ trên toàn Liên bang Đông Dương.

Năm 1916, với sự cố vấn của Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp L. Finot, Toàn quyền Đông Dương đã cho mời một Lưu trữ viên Pháp tới xứ thuộc địa này. Và cuối cùng, vào tháng 6-1917, với tư cách là một Lưu trữ viên Cổ tự, thành viên của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, theo yêu cầu trung gian của Viện Bia ký và Văn chương Pháp, Paul Boudet đã tới Đông Dương để thực hiện nhiệm vụ “tiến hành một cuộc điều tra chung về tình hình hiện tại của tài liệu hành chính trong các xứ của Liên bang Đông Dương[13]. Paul Boudet đã thực hiện một cuộc điều tra về tình hình lưu trữ và tài liệu lưu trữ ở các tỉnh: Hà Nội, Phủ Lạng Thương (thuộc Bắc Kỳ); Thanh Hoá, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Quảng Trị, Huế, Thừa Thiên, Faifo [Hội An], Tourane [Đà Nẵng], (thuộc Trung Kỳ); Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Thủ Dầu Một (thuộc Nam Kỳ) và đã viết báo cáo trình lên Hội đồng chính phủ cùng dự án tổ chức cơ quan Lưu trữ và Thư viện Đông Dương kèm một dự thảo nghị định cho việc thành lập cơ quan này.

Báo cáo khảo sát về tình hình tài liệu lưu trữ cùng với dự thảo nghị định thành lập cơ quan Lưu trữ và Thư viện Đông Dương của Paul Boudet đã được Sở Chỉ đạo các công việc Chính trị và Bản xứ (Direction des Affaires Politiques et Indigènes) trình lên Toàn quyền Đông Dương ngày 2-11-1917 và được đưa ra thảo luận tại phiên họp ngày 15-11-1917 của Hội đồng Chính phủ. Kết quả là Nghị định ngày 29-11-1917 đã ra đời.

Ảnh3

Thư ký-Lưu trữ viên dưới thời thuộc địa.

Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội)

Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ra đời năm 1917 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một sự chuyển biến mang tính bước ngoặt của Lưu trữ ở Việt Nam dưới thời thống trị của thực dân Pháp, mở đầu giai đoạn công tác lưu trữ có sự quản lý tập trung của chính quyền trung ương.Cũng từ đó, một khối lượng tương đối lớn tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của chính quyền thực dân và chính phủ Nam triều đã được tập trung bảo quản theo phương pháp tiên tiến của châu Âu. Những tài liệu này có loại hình đa dạng, nội dung phong phú, phản ánh tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung trong thế kỷ thứ XIX (bao gồm một bộ phận tài liệu của triều đình nhà Nguyễn) và nửa đầu thế kỷ thứ XX. Đây là nguồn tài liệu gốc có giá trị lớn về nhiều mặt, trước hết là giá trị sử liệu.

Trong số các phông tài liệu của Kho Lưu trữ Trung ương thuộc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương trước đây hiện còn được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I[14], có 3 phông quan trọng nhất, đó là Phông Đô đốc và Thống đốc (Fonds des Amiraux et des Gouverneurs 1859-1887), Phông Phủ Toàn quyền Đông Dương (Fonds du Gouvernement général de l’Indochine 1860-1945) và Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin 1886-1945). Phần lớn tài liệu của 2 phông đầu đã được chuyển về Pháp nên Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ trở thành phông quan trọng nhất, với khối lượng 86.145 hồ sơ và 803 hộp tài liệu mang ký hiệu A, B phản ánh quá trình hình thành và thay đổi về nhiều mặt của xã hội Bắc Kỳ trong hơn nửa thế kỷ, từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu của thế kỷ 20. Tiếp đó là 30 phông tài liệu của một số công sở cấp Đông Dương và Bắc Kỳ, thí dụ: Phông Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương (Fonds l’Inspection Générale des Travaux Publics de l’Indochine), Phông Sở Kiểm tra Tài chính Đông Dương (Fonds de la Direction des Finances de l’Indochine), Phông Sở Học chính Bắc Kỳ (Fonds du Service de l’Enseignement au Tonkin)… Những phông này cung cấp các thông tin về các lĩnh vực mà các công sở này phụ trách, qua quá trình hoạt động chuyên môn của mình.

Có 2 phông quan trọng đối với các công trình nghiên cứu về Hà Nội thời cận đại, đó là Phông Toà Đốc lý Hà Nội (fonds de la Mairie de Hanoï avant 1945) và Phông Toà Thị chính Hà Nội (Fonds de la Municipalité de Hanoï après 1945). Tài liệu của các phông này không chỉ cung cấp những thông tin về sự thay đổi trên các lĩnh vực qui hoạch, hệ thống các đơn vị hành chính, tên phố, tổ chức bộ máy hành chính mà còn phản ánh những chuyển biến sâu sắc của Hà Nội về nhiều phương diện, từ một đô thị của nhà nước phong kiến độc lập trở thành thủ phủ của chính quyền thực dân, từ qui hoạch và kết cấu của một đô thị trung đại phương Đông đi vào quá trình cận đại hoá dưới ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Ngoài ra còn có 12 phông tài liệu của Tòa Công sứ một số tỉnh thuộc Bắc Kỳ, cung cấp những thông tin vô cùng quý giá về tổ chức chính quyền địa phương tại các tỉnh; các tiểu dẫn và thông tin về hành chính và kinh tế của các làng, xã tại các tỉnh; về sự thay đổi địa giới hành chính của các tỉnh dưới thời Pháp thuộc… 

Thông tin vô giá trong những hồ sơ tài liệu thời kỳ thuộc địa đã được các nhà nghiên cứu khai thác, biên soạn nên nhiều công trình, tạo dựng lại mọi góc cạnh về công cuộc xâm chiếm các nước Đông Dương của thực dân Pháp. Ngay trong thời kỳ thuộc địa, tài liệu lưu trữ của Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội đã góp phần làm nên những tác phẩm nổi tiếng như cuốn “Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888)” xuất bản tại Paris năm 1929 của André Masson[15]. Trải qua 100 năm nay, các phông tài liệu của Kho Lưu trữ Trung ương trước đây vẫn đang là nguồn tài liệu vô giá đối với các nhà nghiên cứu lịch sử thuộc địa ở Việt Nam và trên thế giới. Có thể lấy dẫn chứng từ các công trình nghiên cứu được hoàn thành trên cơ sở tài liệu lưu trữ thời thuộc địa như cuốn “Hanoï et ses territoires” của TS. Philippe Papin xuất bản năm 1995; công trình nghiên cứu về các nhượng địa của Pháp ở Việt Nam trước năm 1945 của PGS. TS Tạ Thị Thúy và công trình nghiên cứu về giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc của TS. Trần Phương Hoa (Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm KHXH). Ngoài ra cũng phải kể đến một số lượng đáng kể luận án Tiến sĩ và luận văn Thạc sĩ đã từng được bảo vệ thành công nhờ tài liệu lưu trữ như “Nghiên cứu địa danh đường phố Hà Nội từ 1888 đến 2008 qua trường hợp 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa” của Phùng Thị Thanh Lâm (Viện Việt Nam học và KHPT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), “Nguồn sử liệu tiếng Pháp về chính sách quản lý đất đai đô thị Hà Nội giai đoạn 1888-1945” của Nguyễn Thị Bình (Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), “Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội (1882-1954)” của Đỗ Thị Tám (Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội)…

Tròn 100 năm trôi qua, những tài liệu được thu thập và bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung ương trực thuộc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương trước kia vẫn đang được khai thác, sử dụng có hiệu quả và đã đóng góp một phần rất lớn vào các công trình nghiên cứu lịch sử thuộc địa của các nhà nghiên cứu Pháp, Việt và các nhà nghiên cứu các nước khác trên thế giới, vì sự khách quan của lịch sử và vì sự phát triển của mỗi dân tộc. Đối với Việt Nam, những tài liệu này đã và đang phục vụ tích cực cho sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là phục vụ cho việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử như lịch sử Việt Nam cận đại, lịch sử triều Nguyễn và lịch sử các phong trào yêu nước, chống Pháp thời Pháp thuộc.

 TS. Đào Thị Diến 

Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội).


 

Chú thích:

[1] Albert Pierre Sarraut: sinh ngày 28-7-1872 tại Bordeaux (Pháp), mất ngày 26-11-1962 tại Paris (Pháp). Từng học khoa Luật rồi đắc cử vào Hạ viện Pháp, hai lần làm Thủ tướng Pháp (lần đầu từ 26-10-1933 đến 26-11-1933; lần thứ hai từ 24-1-1936 đến 4-6-1936). Được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương hai lần (lần đầu từ cuối năm 1911 tới năm 1914; lần thứ hai từ năm 1917 tới năm 1919). Từng làm Bộ trưởng Thuộc địa đầu thập niên 1920, tác giả của hai cuốn sách “La mise en valeur des colonies françaises” và “La politique indigène, c’est la conservation de la race”.

2 Arrêté du 29 novembre 1917 créant un emploi de Directeur des Archives et des Bibliothèques de l’Indochine. Đào Thị Diến, Les Archives coloniales au Vietnam (1858-1954). Les fonds conservés au Dépôt Central de Hanoï. Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin, Thèse de Doctorat de “Dynamiques comparées des Sociétésen Développement” (Histoire) sous la Direction du Professeur Alain Forest, Université Paris 7 – Denis Diderot, 2004), tr. 326-331.

[3]Paul Boudet: sinh ngày 18-7-1888 tại Mende (Lozère-Paris ), mất ngày 10-12-1948 tại Val de Grâce-Paris. Bắt đầu sự nghiệp học tập tại Trường Pháp điển (Ecole Nationale des Chartes) năm 1909, trở thành Lưu trữ viên Cổ tự (Archiviste-Paléographe) năm 1914, thành viên của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole Française d’Extrême-Orient) năm 1917; được cử sang Đông Dương nghiên cứu và tổ chức hệ thống lưu trữ ở Đông Dương năm 1916, giữ chức Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương từ 1917 đến 1946.

[4]Arrêté relatif à l’organisation et à la règlementation des archives en Indochine. Đào Thị Diến, tài liệu đã dẫn, tr. 332-338.

[5]Vì nhiều lý do, cho đến tận 1945, Kho của Phủ Thống sứ Lào ở Viêng-chăn vẫn không được thành lập.

[6]Trừ một số phông tài liệu đã đưa về Pháp theo Thỏa ước ký ngày 15-6-1950 giữa chính phủ Bảo Đại và đại điện chính phủ Pháp là Cao ủy Léon Lignon. 

[7] Rapport de Paul Boudet sur l’état des archives de l’Indochine et les mesures à prendre pourassurer leur conservation (novembre 1917), Đào Thị Diến, tài liệu đã dẫn, tr. 79.

[8]Rapport de la Direction des Archives au Conseil de Gouvernement (session ordinaire de 1923), Đào Thị Diến, tài liệu đã dẫn, tr.131.

[9] Xem chú thích số 8.

[10]Circulaire no65 du Mai 1907 du Résident supérieur au Tonkin, Đào Thị Diến, tài liệu đã dẫn, tr.74.

[11]Note no 350 du 6 Mai 1913 du Directeur de l’Ecole Française d’Extrême-Orient au Gouverneur général de l’Indochine, Đào Thị Diến, tài liệu đã dẫn, tr. 76.

[12]Note no 350 du 6 Mai 1913 du Directeur de l’Ecole Française d’Extrême-Orient au Gouverneur général de l’Indochine, Đào Thị Diến, tài liệu đã dẫn, tr. 78.

[13]Extraire de la Circulaire no 36/C du 6 juillet 1917 du Gouverneur général aux Chefs des Services relevant du Gouvernement général de l’Indochine relatif au classement des archives et à la mision de Paul Boudet, Đào Thị Diến, tài liệu đã dẫn, tr. 79.

[14] Xem chú thích số 6.

[15] Vào thời điểm đó, André Masson đang là Lưu trữ viên Cổ tự, Lưu trữ-Thư viện viên hạng nhất tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương.

Liên Hệ Phòng Đọc

896724 truy cập

205 trực tuyến

Liên kết Website