TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Sơ lược lịch sử hình thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

4:35 09/03/2016

Ngày 04-9-1962 Thủ Tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 102/CP thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng, trong đó ý 2, điều 2 qui định Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng “Trực tiếp quản lý Kho Lưu trữ TW của Đông Dương ở Hà Nội do Bộ Văn Hóa bàn giao”.

Vài nét về sự ra đời của Kho Lưu trữ TW của Đông Dương (Tiền thân của Kho Lưu trữ TW thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng)
Năm 1917, Albert Saraut sang Đông Dương nhậm chức Toàn quyền lần thứ hai, giải quyết tiếp công việc của Toàn quyền Roume đặt ra từ năm 1916 về công tác lưu trữ là: đề nghị Viện Hàn lâm Văn bia và Văn chương của Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Letttres) cử một chuyên gia là cựu sinh viên của Trường Lưu trữ Cổ tự học (Ecole nationale des Chartes) sang Đông Dương nghiên cứu về công tác lưu trữ, chuẩn bị cho việc thành lập Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương.
Tháng 6-1917, Paul Boudet, người đã tốt nghiệp Trường Lưu trữ Cổ tự học của Pháp được cử sang Đông Dương để nghiên cứu, điều tra về công tác lưu trữ.
Trên cơ sở bản báo cáo điều tra của Paul Boudet, kết hợp với những kết quả thanh tra của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và Phủ Toàn quyền Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut đã ký Nghị định ngày 26-12-1918 về công tác Lưu trữ của Đông Dương, tại điều 1 Nghị định có đề cập việc lập ra 5 Kho Lưu trữ ở Đông Dương là:
1. Kho Lưu trữ TW ở Hà Nội;
2. Kho Lưu trữ của Phủ Thống đốc Nam kỳ ở Sài Gòn;
3. Kho Lưu trữ của Phủ Khâm sứ Trung kỳ ở Huế;
4. Kho Lưu trữ của Phủ Khâm sứ Lào ở Viên Chăn;
5. Kho Lưu trữ của Phủ Khâm sứ Căm-Pu-Chia ở Phnompenh.
Thành phần tài liệu bảo quản tại Kho Lưu trữ TW ở Hà Nội
Điều 02 Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 26-12-1918 qui định:
Kho Lưu trữ TW ở Hà Nội lưu giữ những loại tài liệu sau:
– Tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương, các công sở và cơ quan trực thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương;
– Tài liệu của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và các tỉnh của Bắc Kỳ;
– Tài liệu của các cơ quan, công sở giải thể có giá trị thuần tuý về mặt lịch sử.
Từ Kho Lưu trữ TW của Đông Dương ở Hà Nội đến Kho Lưu trữ TW thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng
Ngày 04-9-1962 Thủ Tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 102/CP thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng, trong đó ý 2, điều 2 qui định Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng “Trực tiếp quản lý Kho Lưu trữ TW của Đông Dương ở Hà Nội do Bộ Văn Hóa bàn giao”.
Từ đây Kho Lưu trữ TW của Đông Dương ở Hà Nội trở thành Kho Lưu trữ TW thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Kho Lưu trữ TW lấy ngày 04-9-1962 làm ngày thành lập.

cong-kho (2)

Trụ sở Kho Lưu trữ TW tại 31B Tràng Thi

Ra đời và hoạt động trong điều kiện cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, Kho Lưu trữ TW phải sơ tán, di chuyển tài liệu lên rừng, để trong hang núi, phòng chống máy bay phá hoại. Vì vậy, về tổ chức, Kho Lưu trữ TW chưa tổ chức thành các phòng cụ thể mà chỉ có các bộ phận là: Bộ phận Hành chính, Tổ Chỉnh lý tài liệu mới (là tài liệu giai đoạn sau tháng 8-1945), Tổ Chỉnh lý tài liệu cũ (là tài liệu trước tháng 8-1945).
Ngày 26-9-1973, Cục trưởng Cục Lưu trữ ký Quyết định số 18/QĐ-TC qui định bộ máy tổ chức của Kho Lưu trữ TW như sau:
1. Phòng Hành chính-Quản trị-Tổ chức;
2. Phòng Khai thác (Phòng Tổ chức sử dụng tài liệu);
3. Phân Kho Tài liệu Trước Cách mạng tháng 8-1945;
4. Phân Kho Tài liệu Sau Cách mạng tháng 8-1945;
5. Phân Kho Tài liệu Phim ảnh và ghi âm;
6. Kho Bảo quản tài liệu.
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Huỳnh Tấn Phát đã ký Quyết định số 30/QĐ-76 ngày 03-6-1976 thành lập Kho Lưu trữ TW II ở Tp Hồ Chí Minh để quản lý tài liệu của Nha Văn khố Sài Gòn trước đây ở số nhà 72 Phố Nguyễn Du (là Kho Lưu trữ tài liệu của Phủ Thống đốc Nam Kỳ thời kỳ Pháp cai trị), tài liệu của các cơ quan của chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn trước đây và tài liệu các cơ quan TW của nhà nước ta đóng ở Sài Gòn sau ngày 30-4-1975.
Sự hình thành các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia
Ngày 08-8-1988, Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 223/QĐ-CT cho phép đổi tên các Kho Lưu trữ nhà nước TW ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh thành các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.
Ngày 06-9-1988, Cục Trưởng Cục Lưu trữ nhà nước ký Quyết định số 385/QĐ-TC thực hiện việc đổi tên các Kho Lưu trữ TW thành các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia (theo QĐ số 223/QĐ-CT ngày 08-8-1988 của Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng).
Như vậy, ngày 06-9-1988 Kho Lưu trữ TW ở Hà Nội chính thức trở thành Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Ngày 25-02-1991, Cục Trưởng Cục Lưu trữ nhà nước ký Quyết định số 21/QĐ-TC qui định cơ cấu tổ chức của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gồm có các phòng như sau:
1. Phòng Thu thập-Bổ sung;
2. Phòng Chỉnh lý I (là Phòng chỉnh lý tài liệu tiếng Pháp và Hán nôm);
3. Phòng Chỉnh lý 2 (là Phòng chỉnh lý tài liệu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945);
4. Phòng Sử dụng (là Phòng tổ chức sử dụng tài liệu);
5. Phòng Thống kê và Công cụ tra cứu;
6. Phòng bảo quản;
7. Phòng hành chính, Quản trị, Tổ chức.
Đây là cơ cấu tổ chức đầu tiên của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I từ khi được chính thức hình thành.
Từ khi hình thành đến nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức để phù hợp với tình hình công việc và hoàn cảnh cụ thể của từng thời kỳ.
Ngày 10-6-1995 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III được thành lập theo QĐ số 118/TCCP-TC của Bộ trưởng-Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ trên cơ sở tách Bộ phận tài liệu Sau Cách mạng tháng Tám, năm 1945.
Như vậy, từ nay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I chỉ quản lý tài liệu của thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, năm 1945, cụ thể là tài liệu lưu trữ tiếng Pháp và tài liệu lưu trữ Hán Nôm.

DSC_1179_editted
Trụ sở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện nay tại Vũ Phạm Hàm, Yên Hoà, Cầu Giấy

Một số dấu mốc đáng nhớ
Đó là các thời kỳ di chuyển tài liệu đi sơ tán trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ và chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979.
Năm 1964: Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 05-8-1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc nước ta. Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng đã xây dựng Kho sơ tán tài liệu trong hang núi ở xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và quyết định di chuyển tài liệu của Kho Lưu trữ TW cùng cán bộ, viên chức của Kho lên làm việc tại đây. Tuy nhiên, một số cán bộ cùng một phần tài liệu vẫn ở lại ở Hà Nội để phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, sử dụng tài liệu của các độc giả.
Năm 1971: Khi đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội bằng máy bay, một lần nữa Cục Lưu trữ lại quyết định di chuyển tài liệu lên khu sơ tán cũ ở xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Năm 1979: Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Cục Lưu trữ đã quyết định di chuyển một số phông tài liệu quan trọng của cả hai thời kỳ trước và sau tháng 8-1945 vào Kho Lưu trữ TW II ở Tp Hồ Chí Minh.
Đó là các thời kỳ vô cùng khó khăn, gian khổ của các công chức, viên chức Cục Lưu trữ, Kho Lưu trữ TW chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ và của quân bành trướng Trung Quốc; đồng thời khắc phục muôn vàn gian khổ, thiếu thốn để bảo vệ an toàn tuyệt đối tài liệu của quốc gia dân tộc và phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, sử dụng tài liệu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước .

Tài liệu tham khảo
1. Recueil général des Actes relatifs à l’organisation et à la règlementation de l’Indochine” tập II từ trang 847 đến 849 – Nhà in Imprimerie d’Extrême – Orient” (IDEO) Hà Nội – Hải Phòng – 1919.
2. Đinh Hữu Phượng, Nghị định Toàn quyền đông Dương ngày 26/12/1918 về công tác lưu trữ của Đông Dương, Tạp chí Lưu trữ Việt Nam, số 4, tháng 12/1993.

Đinh Hữu Phượng

Liên Hệ Phòng Đọc

906622 truy cập

288 trực tuyến

Liên kết Website