TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Quá trình hình thành và phát triển của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ

10:17 09/11/2016

Là mô hình đại học đa ngành, có tính liên thông và có quyền tự chủ cao, đồng thời là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam, Đại học Đông Dương được người Pháp thành lập nhằm mục đích xây dựng một cơ sở giáo dục bậc cao phục vụ nhu cầu đào tạo đội ngũ trí thức bản địa. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu sơ lược quá trình hình thành và phát triển của ngôi trường này qua một số tài liệu lưu trữ.

28

Toàn cảnh trường Đại học Đông Dương, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, TC 2020

Đại học Đông Dương (Université indochinoise) được thành lập theo Nghị định ngày 16 tháng 5 năm 1906 của Toàn quyền Paul Beau(1). Nghị định gồm 10 điều, theo đó, thông qua tiếng Pháp, Đại học Đông Dương ra đời nhằm phổ biến kiến thức cũng như phương pháp khoa học của người Âu tại khu vực Viễn Đông.

Dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Toàn quyền, Đại học Đông Dương do một Hội đồng Quản trị điều hành với thành phần bao gồm:

– Chủ tịch: Giám đốc Nha Học chính Đông Dương;

  – Các thành viên: Giám đốc các trung tâm khoa học tại Đông Dương, hiệu trưởng các trường đặc biệt được sáp nhập vào Đại học Đông Dương và một số giảng viên là đại diện của nhiều đơn vị, trường học.

Hàng năm, Toàn quyền là người trực tiếp bổ dụng đội ngũ nhân sự giảng dạy.

Nghị định quy định “Đại học Đông Dương có cơ chế gắn kết hoạt động với các viện nghiên cứu và giáo dục đã hoặc sẽ thành lập tại thuộc địa, nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền tự trị của những cơ quan đó” (điều 3). Sinh viên thuộc một trong năm xứ Đông Dương chỉ được nhận vào Trường khi có bằng Tú tài bản xứ hoặc chứng chỉ tương đương (cử nhân, ấm sinh, tôn sinh.v.v…), và có đủ khả năng tiếng Pháp. Ngoài ra, Trường còn nhận thêm người nước ngoài, người mang quốc tịch Pháp và được Pháp bảo hộ.

Về cơ cấu tổ chức, Đại học Đông Dương gồm có 5 trường thành viên đều gọi chung là trường cao đẳng: Trường Pháp chính, Trường Khoa học, Trường Y khoa, Trường Xây dựng dân dụng và Trường Văn khoa. Những trường này có trụ sở tại Hà Nội hoặc Sài Gòn. Một số trường có phạm vi hoạt động tại cả hai thành phố. Các trường thành viên này không tồn tại biệt lập với nhau, mà được Hội đồng Quản trị thống nhất điều hành cả về hành chính và chuyên môn. Để đảm bảo tính liên thông và phối hợp giữa các trường thành viên, điều 5 của Nghị định ghi rõ: “mỗi sinh viên được ghi danh vào một trường, nhưng sẽ có một số môn học chung cho hai hoặc nhiều trường”.

Chương trình học do Hội đồng Quản trị soạn thảo và trình Toàn quyền thông qua. Hàng năm, Toàn quyền quy định bằng nghị định một số vị trí tham gia phái đoàn thường trực của Đông Dương công tác tại Pháp. Vị trí này dành cho những sinh viên do Hội đồng Quản trị Đại học Đông Dương lựa chọn. Kinh phí hoạt động của các lớp và trường học do ngân sách của chính quyền liên bang và ngân sách địa phương chi trả. Việc mở lớp hoặc các cuộc hội thảo do Phòng Thương mại hoặc Phòng Canh nông hay các hiệp hội khoa học đặt tại Đông Dương tài trợ.

Để khai giảng khóa học đầu tiên, ngày 27 tháng 5 năm 1907, Paul Beau ký tiếp một nghị định điều chỉnh cơ chế quản lý, trao quyền điều hành nhà trường cho Giám đốc Nha học chính Đông Dương(2). Đồng thời Hội đồng Hoàn thiện Đại học Đông Dương cũng được thành lập thay thế Hội đồng Quản trị. Thành phần của Hội đồng gồm có:

Giám đốc Nha Học chính Đông Dương, Chủ tịch;

Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ, Phó Chủ tịch;

Hiệu trưởng Trường Y khoa Đông Dương;

Đại diện của Toàn quyền;

Đại diện của Thống sứ Bắc Kỳ;

Đại diện của Biện lý, Chánh Sở Tư pháp;

Đại diện của Giám đốc Nha Công chính

Tiếp đó, ngày 24 tháng 9 năm 1907, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định ấn định danh sách các khoá học và thực hành tại Đại học Đông Dương năm học 1907-1908(3). Theo đó, các lớp học của Đại học Đông Dương chính thức khai giảng từ ngày mồng 01 tháng 11 năm 1907, với các môn học như: toán, cơ học và vũ trụ học, vật lý, hoá học đại cương, hoá công nghiệp và công nghệ, động vật học, thực vật học, địa chất học, sinh lý học và vệ sinh, tiếng Pháp, văn học Pháp, lịch sử đại cương, địa lý đại cương, lịch sử Đông Dương và khu vực Viễn Đông, địa lý Đông Dương và Viễn Đông, lịch sử triết học, luật nước Pháp, pháp luật và hành chính An Nam, kinh tế chính trị và luật thương mại, giáo dục đại cương, giáo dục thực hành. Ngoài ra, Đại học Đông Dương còn có thêm 3 phòng thí nghiệm thực hành về vật lý, hoá học và khoa học tự nhiên.

Giảng viên bộ môn nhận trợ cấp 200 đồng bạc Đông Dương/năm. Giảng viên thực hành hưởng 100 đồng bạc/năm. Số tiền trợ cấp này có thể tăng lên gấp đôi đối với giảng viên phụ trách hai hay nhiều môn học, hoặc hai hay nhiều phòng thí nghiệm.

Nghị định cũng nêu rõ chỉ những sinh viên ghi danh trong điều kiện quy định tại điều 4 của Nghị định ngày 16 tháng 5 năm 1906 mới được tham gia thực hành và ra vào thư viện. Giám đốc Nha Học chính có thể cấp thẻ học viên dự thính cho những người Âu và Á có đủ trình độ tiếng Pháp, theo đề nghị của Hội đồng hoàn thiện.

Cũng trong ngày 24 tháng 9 năm 1907, Toàn quyền Beau ký ban hành nghị định bổ nhiệm giảng viên Đại học Đông Dương trong thời gian 1 năm, cụ thể như sau:

DANH SÁCH GIẢNG VIÊN BỘ MÔN ĐẠI HỌC ĐÔNG DƯƠNG

NĂM HỌC 1907-1908

 

Stt

Họ tên

Chức danh

1

Audhuy (Georges)

Giảng viên Vật lý

2

Bloch (Armand)

Giảng viên Hoá học đại cương

3

Barbotin (Albert)

Giảng viên Hoá công nghiệp và công nghệ

4

Ricus

Giảng viên Toán học, Cơ học và Vũ trụ học

5

Eberhardt (Philippe)

Giảng viên Động thực vật học và Địa chất học

6

Dumas (Jean)

Giảng viên Sinh lý học và vệ sinh

7

Péri (Noel)

Giảng viên Tiếng Pháp và Văn học Pháp

8

Maître (Claude)

Giảng viên Lịch sử triết học

9

Dartiguenave (Henri)

Giảng viên Pháp luật nước Pháp

10

Delestrée (Louis)

Giảng viên Kinh tế chính trị

11

Prêtre (Charles)

Giảng viên Pháp luật và Hành chính An Nam

12

Gourdon (Henri)

Giảng viên Giáo dục đại cương

13

Russier (Henri)

Giảng viên Lịch sử đại cương và Địa lý đại cương

14

Maybon (Charles-Baptiste)

Giảng viên Lịch sử Đông Dương và Viễn Đông

 

DANH SÁCH GIẢNG VIÊN THỰC HÀNH

 

Stt

Họ và tên

Chức danh

1

Audhuy

Giảng viên thực hành môn Vật lý

2

Bloch

Giảng viên thực hành môn Hoá học đại cương

3

Barbotin

Giảng viên thực hành môn Hoá công nghiệp

4

Eberhardt

Giảng viên thực hành môn Khoa học tự nhiên

       

 

Trong năm học 1907-1908, Đại học Đông Dương đã ban hành Nội quy và chương trình học(4), cụ thể như sau:

  • Nội quy quy định đối tượng, điều kiện nhập học và tổ chức học tập tại Trường Đại học Đông Dương.

 Đối tượng: Tất cả những người châu Á đáp ứng điều kiện nhập học do Trường Đại học Đông Dương quy định.

  Điều kiện nhập học:

– Những người tốt nghiệp Trường Trung học Chasseloup Laubat hoặc có bằng bổ túc;

– Những người có bằng cử nhân hoặc tú tài bản xứ, đủ trình độ tiếng Pháp;

– Những người không có bất kỳ chứng chỉ, văn bằng nào cũng được nhận  vào Trường theo đề xuất của Hội đồng hoàn thiện.

Những đối tượng trên phải gửi đơn xin nhập học đến Ban Thư ký của Đại học Đông Dương, trụ sở đặt tại số 40 đại lộ Gia Long (nay là phố Mai Hắc Đế), Hà Nội trong đó nêu rõ tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, bằng cấp, ban và các lớp thực hành mà họ muốn theo học.

Tổ chức học tập:

Các lớp học được chia làm ba ban: Văn học, Luật và Khoa học.

Những sinh viên đăng ký vào Ban Văn học phải theo ít nhất là 5 lớp văn học. Sinh viên Ban Khoa học cũng phải theo học tối thiểu là 5 lớp khoa học. Sinh viên Ban Luật phải theo tất cả các lớp luật và ít nhất là một lớp văn học. Tất cả các sinh viên đều phải học tiếng Pháp, họ cũng có thể đăng ký vào các lớp khác thậm chí là vào một ban khác. Lớp thực hành dành riêng cho sinh viên Ban Khoa học.

110 năm đã qua kể từ ngày Đại học Đông Dương ra đời, trải qua nhiều biến cố lịch sử lớn lao, mô hình trường đại học hiện đại đa ngành, đa lĩnh vực với sứ mệnh “hướng dẫn tinh thần khoa học, phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại” tiếp tục được khẳng định. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với sự ra đời của Trường Đại học Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội, mô hình đại học đó ngày càng được khẳng định và nâng lên một tầm cao mới, góp phần to lớn hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HOÀNG HẰNG

                                                                                                                           

1.J 1054 – Công báo Đông Dương, 1906, tr. 807-810.

2.J 1057 – Công báo Đông Dương , 1907, tr. 855.

3.J 1057 – Công báo Đông Dương, tr. 1458-1459.

4.Hồ sơ 889, phông Nha Nông-Lâm-Thương mại Đông Dương.

Liên Hệ Phòng Đọc

896528 truy cập

121 trực tuyến

Liên kết Website