TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Phát huy giá trị di sản tư liệu

7:47 03/04/2016

 

Di sản tư liệu là những tài sản quan trọng của quốc gia mà qua đó có thể hiểu được về lịch sử, văn hóa, kinh tế- chính trị và các lĩnh vực xã hội của cả nước hay từng vùng, miền, dân tộc, ngành nghề… Bên cạnh một lượng lớn di sản tư liệu đang được lưu giữ ở các dòng tộc, gia đình và tại không ít di tích đình, đền, chùa,… phần lớn các di sản tư liệu quý đang được các cơ quan lưu trữ của Nhà nước bảo quản. Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát huy các giá trị của “kho tàng lịch sử” này đang còn nhiều bất cập.

 

 1

Cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I khôi phục tài liệu cổ

 

Những tài sản quốc gia quý hiếm

Di sản tư liệu là thuật ngữ được sử dụng bởi Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm chỉ những tư liệu, tài liệu có giá trị đặc biệt và có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Song, cách đây vài năm, khái niệm này mới trở nên tương đối quen thuộc ở nước ta, kể từ khi Mộc bản triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2009. Tiếp đó, 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn cũng lần lượt được vinh danh bởi các giá trị mang tính biểu trưng của tư liệu thế giới.

 

Đây đều là những di sản có giá trị nổi bật với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế và sức ảnh hưởng sâu rộng. Nếu Mộc bản triều Nguyễn là những bản khắc gỗ chữ Hán – Nôm phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn về lịch sử, địa lý, chính trị – xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ – văn tự…; thì các bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội là nguồn tư liệu phong phú phản ánh giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê – Mạc (1442 – 1779), cho thấy tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Trong khi đó, Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng những giá trị có trong kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật ký của các vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử riêng có ở Việt Nam. Châu bản triều Nguyễn còn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, ghi lại nhiều thông tin phong phú phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế – xã hội, con người Việt Nam thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lưu trữ, ngoài bốn di sản tư liệu đã được vinh danh, Việt Nam còn nhiều di sản tư liệu quý giá khác được coi là nguồn sử liệu gốc phản ánh bức tranh lịch sử đất nước, xã hội, con người Việt Nam trong từng giai đoạn như: Địa bạ triều Nguyễn là sổ sách quản lý về đất đai, xác lập từ những năm Gia Long; tư liệu về hoạt động của Nha kinh lược Bắc Kỳ – cơ quan hành chính nhà nước phong kiến cao nhất ở Bắc Kỳ có nhiệm vụ thay mặt triều đình Nguyễn giải quyết mọi công việc ở đây; hay bộ Sưu tập tài liệu Hồng Đức là tư liệu có niên đại cổ nhất từ năm 1488.

 

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 Hà Văn Huề cho biết: Tính đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát hay thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về số lượng các tư liệu quý của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khẳng định, do nước ta trải qua nhiều giai đoạn binh biến lịch sử với chiến tranh, loạn lạc cho nên nhiều khối tư liệu có giá trị đã bị thất lạc. Hiện có nhiều di sản tư liệu vẫn đang được bảo quản ở các nơi thờ tự hay tại các nhà dân. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ gửi UNESCO để tài liệu “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Mộc bản Trường Lưu gồm hơn 2.000 bản gỗ thị khắc chữ Hán ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê do dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh lưu giữ, cũng đang trong giai đoạn gửi hồ sơ chờ được UNESCO công nhận. Ngoài khối Mộc bản này, dòng họ Nguyễn Huy còn đang bảo quản cuốn sách Hoàng hoa sứ trình đồ được in trên bản mộc giấy dó, ghi lại hành trình đi sứ từ mục Nam Quan đến Bắc Kinh dưới triều vua Lê Hiển Tông, chi tiết từ đường đi tới độ dài cung đường, hình thức đón tiếp, danh lam thắng cảnh…

 

Qua hệ thống những tư liệu mộc bản nêu trên, có thể thấy, di sản tư liệu ở Việt Nam là cả một kho tàng phong phú và độc đáo trên nhiều lĩnh vực, mà tới nay, ngành lưu trữ vẫn chưa thể nhận diện một cách đầy đủ.

 

Đối mặt nhiều thách thức

 

Nguồn tài liệu lưu trữ này là những bằng chứng lịch sử chứa đựng các thông tin của quá khứ, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ khác nhau, cũng là công cụ để quản lý nhà nước, xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Bởi thế, công tác bảo quản tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong đó, việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm kéo dài tuổi thọ của tài liệu lưu trữ có nguy cơ hư hỏng là việc cần được quan tâm. Theo Trưởng phòng Bảo quản tài liệu (Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1) Trần Đăng Phương, các tài liệu được hình thành từ các vật hữu cơ. Do đó, chúng bắt đầu bị tổn hại ngay khi hình thành và quá trình này diễn ra càng nhiều trong điều kiện môi trường bảo quản kém. Huống chi, các tư liệu ở Việt Nam lại khó giữ được tính bảo toàn do chiến tranh và nhiều lần vận chuyển, cho nên mức độ hư hỏng tương đối lớn, công tác bảo quản cũng trở nên phức tạp hơn. Khi giặc Minh xâm lược nước ta thế kỷ 15, nhiều tư liệu bị đốt, số còn lại đa phần của triều Nguyễn và phần lớn sử dụng chữ Hán-Nôm, do đó bản thân việc tiếp cận để hiểu được đầy đủ giá trị, ý nghĩa của những tài liệu gốc này, cũng đã mang đến nhiều thách thức.

2

Mộc bản Triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). Ảnh: ĐẶNG TUẤN

 

Chỉ tính riêng Châu bản triều Nguyễn đã trải qua nhiều lần vận chuyển từ Huế vào TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, rồi quay lại TP Hồ Chí Minh, đến năm 1991 mới được chuyển ra Hà Nội. Tiếp đó, qua hai lần vận chuyển, Châu bản triều Nguyễn mới được chuyển về trung tâm lưu trữ bảo quản. Do nhiều yếu tố, số lượng Châu bản năm phần chỉ còn giữ được một. Lại phải chịu ảnh hưởng từ thiên tai, thời tiết nóng ẩm nước ta cho nên nhiều tài liệu không tránh khỏi hư hỏng nặng. Những tư liệu làm bằng chất liệu giấy dó khi gặp ẩm, thường bết dính, mủn mục vì thế để khôi phục, phải trải qua nhiều công đoạn. Có những tờ phải bóc tách hàng tháng trời, sau đó mới tiến hành khử trùng, khử nấm mốc, bồi nền… Với khối lượng 776 tập Châu bản của 11 đời vua gồm 8.500 văn bản tương đương hơn 200 nghìn tờ, kể từ khi tiếp nhận, tới nay vẫn còn hơn 4.000 tờ bị hỏng nặng và cần được tiếp tục xử lý. Trong khi đó, những tư liệu được sử dụng bằng chất liệu giấy công nghiệp khác cũng thường bị nhiễm a-xít dẫn đến ố, giòn, phải tiến hành khử a-xít mới có thể bồi nền…

 

Bên cạnh đó, việc còn nhiều tư liệu quý được bảo quản ở các nơi thờ tự hay trong nhà dân cũng gây nhiều khó khăn cho công tác bảo quản, lưu trữ nhà nước. Bởi đa phần người dân không được trang bị kiến thức về bảo quản tài liệu; có người không ý thức được giá trị tư liệu mình đang sở hữu nên thiếu ý thức bảo quản, hoặc có ý thức nhưng lại bảo quản sai cách như bọc ni-lông, dán băng dính, ép plát-tích, thường xuyên lôi ra khoe những người đến chơi… dẫn đến đẩy nhanh tốc độ hư hỏng của tài liệu.

 

Không để di sản “xếp kho”

 

Mặc dù có những khó khăn như vậy, ngành lưu trữ Việt Nam vẫn đang thể hiện từng bước tiến rõ rệt trong công tác khôi phục, bảo quản tài liệu, với sự đầu tư trang thiết bị của Nhà nước, sự tư vấn của các chuyên gia nước ngoài và trình độ ngày càng cao của các cán bộ làm công tác bảo quản tài liệu. Do đó, vấn đề lớn nhất đặt ra là phát huy giá trị của những di sản tư liệu thế nào trong cuộc sống hiện đại. Đây là câu hỏi mà ngành lưu trữ Việt Nam còn nhiều lúng túng. Chẳng hạn, để bảo quản Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm, các ngành chức năng và nhà chùa đã đầu tư, lắp đặt máy sấy khô tránh thấm nước, ẩm mốc và mối mọt. Tuy nhiên, di sản không thể phát huy tác dụng nếu chỉ xếp vào kho. Làm sao để vừa bảo quản, vừa phát huy được giá trị khối di sản này, vẫn là bài toán gây đau đầu nhiều nhà quản lý. Hay như trường hợp bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, đã có nhiều ý kiến phản ánh việc người dân đến đây cầu may, xoa nhẵn cả đầu rùa, bia đá… nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

 

Theo các cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, khi phần lớn các di sản tư liệu ở Việt Nam đều được viết bằng chữ Hán – Nôm thì để đông đảo công chúng có thể tiếp cận, tìm hiểu, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc về loại chữ này, từ đó tiến hành biên dịch, sao lưu, số hóa và chuyển thể sang nhiều thứ tiếng khác nhau phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của những người trong, ngoài nước muốn tìm hiểu, nghiên cứu, mà không cần phải tìm đến dữ liệu gốc. Đây cũng là biện pháp giúp bảo quản tốt nhất tư liệu gốc mà vẫn phát huy được giá trị của di sản tư liệu, cũng là lộ trình mà Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn đã và đang tiếp tục được thực hiện.

 

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cho rằng, để giải quyết thách thức về việc bảo quản, phát huy giá trị tư liệu đang được người dân sở hữu, điều quan trọng nhất là phải giúp họ hiểu rõ quyền lợi của chủ sở hữu và hiểu được giá trị tư liệu mình sở hữu, từ đó thuyết phục họ có những ứng xử phù hợp với tư liệu. Luật Lưu trữ đưa ra quy định khuyến khích chủ sở hữu tư liệu có quyền biếu, ký gửi hoặc bán tư liệu cho các cơ quan lưu trữ hoặc đăng ký tại các cơ quan lưu trữ để được hướng dẫn bảo quản. Các cơ quan lưu trữ phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ về mặt bảo quản đối với tư liệu trong trường hợp được chủ sở hữu yêu cầu. Bên cạnh đó, chủ sở hữu còn được vinh danh, được Trung tâm Lưu trữ hướng dẫn làm hồ sơ để công nhận di sản tư liệu.

 

Hiện tại, hằng năm, các trung tâm lưu trữ đều cử các đoàn cán bộ về các địa phương để hướng dẫn người dân bảo quản tư liệu của dòng họ, nơi thờ tự, đồng thời khuyến khích người dân ký gửi tài liệu cho các trung tâm để bảo đảm an toàn và phát huy tốt nhất giá trị tài liệu. Ngày 31-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt nội dung Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam” với lộ trình thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020 ở phạm vi cả trong nước và ngoài nước. Đến nay, việc triển khai đề án đã đạt được những kết quả bước đầu khi sưu tầm được thêm nhiều văn bản Hán – Nôm quý, nhất là các sắc phong ở một số nơi thờ tự, trong các dòng họ… Cùng với việc sưu tầm, công tác kiểm tra, thống kê, lập danh mục tài liệu trên diện rộng cũng được tiến hành, mang đến nhiều kỳ vọng cho ngành lưu trữ Việt Nam trong việc tiếp cận tương đối toàn diện những nguồn tư liệu quý, hiếm, nâng cao ý thức ứng xử của người dân đối với các di sản tư liệu, từ đó đẩy mạnh hiệu quả bảo quản và phát huy giá trị di sản tư liệu.

 

Bài và ảnh: HỒNG TRANG

Theo nhandan.com.vn

Liên Hệ Phòng Đọc

915131 truy cập

551 trực tuyến

Liên kết Website