TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Phật giáo ở Việt Nam: Góc nhìn từ tài liệu lưu trữ

11:05 25/04/2019

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Ngay từ đầu Công nguyên, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam và ngày càng phát triển. Dưới triều đại nhà Đinh Phật giáo được quan tâm là do sức đóng góp của các danh Tăng. Vua Đinh định phẫm trật cho hàng Tăng sĩ, đó cũng là thời kỳ đầu tiên hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam có danh vị: vào năm Tân Mùi (971) vua Đinh Tiên Hoàng chế định chức sắc hàng quan lại triều đình, kể cả hàng Tăng sĩ lỗi lạc của Phật giáo, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư. Pháp sư Trương Ma Ni làm Tăng Lục, giới văn nhân trong nước hầu hết ở trong hàng Tăng sĩ[1].

24-4-001

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên chép việc năm Tân Mùi (971) vua Đinh Tiên Hoàng ban danh hiệu, đặt phẩm cấp cho tăng nhân và đạo sĩ.

Đến triều đại nhà Tiền Lê, Vua Lê Đại Hành lên ngôi, cho dù việc chính trị trong nước có thay đổi, nhưng Phật Giáo vẫn phát triển mạnh. Vua Đại Hành tiếp tục phong Ngô Chân Lưu làm Tăng Thống và bất cứ việc gì trong nước nhà vua đều hỏi ý kiến Tăng Thống.

Năm 963 Vua Đại Hành sai sứ đi thông hiếu với nhà Tống, đã thỉnh 2 bộ kinh về truyền bá trong nước, đó là Cửu Kinh và Đại Tạng Kinh.[2]24-4-002

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên chép việc năm Đinh Mùi (1007) vua Lê Đại Hành sai người sang nhà Tống thỉnh Cửu kinh và Đại tạng kinh.

Trong giai đoạn này, Tăng sĩ Phật giáo còn một vị nổi danh nữa là Pháp sư Đỗ Thuận. Pháp sư được làm sứ giả đón tiếp sứ thần nước ngoài và hỗ trợ cho Vua Lê Đại Hành trong việc “vận trù định sách” với trách nhiệm chính trong vai trò đối ngoại của triều đình.

Đặc biệt dưới thời Lý – Trần, Phật giáo đã đạt đến độ cực thịnh và được coi là quốc giáo. Đã có nhiều vị cao tăng được triều đình trọng dụng, tham gia vào hệ thống chính quyền và có nhiều ảnh hưởng đến chính trị quốc gia.Vua Lý Thái Tổ là con nuôi Sư Lý Khánh Văn[3], là học trò Sư Vạn Hạnh, do đó bản thân nhà vua là một Phật tử thuần thành. Người xây dựng triều Lý đã đem học thuật và tư tưởng Phật giáo vận dụng vào việc cai trị đất nước, vì vậy Phật giáo vào thời này trở thành Quốc giáo.Vua Lý Thái Tổ đặt nền móng phát triển đạo Phật, xây chùa tạc tượng, đúc chuông, truyền bá chánh pháp cho con cháu đời đời noi theo.

24-4-003

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên chép việc vua Lý Thái Tổ khi còn nhỏ được sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi.

24-4-004

Sách Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục chính biênchép: năm Tân Mùi (1031) vua Lý Thái Tông ban chiếu cho xây dựng 950 chùa, quán ở các hương ấp.

Phật giáo giai đoạn này cũng sản sinh nhiều Tăng tài nổi danh nhờ các cống hiến to lớn của các nhà sư như: Thiền Sư Vạn Hạnh, Thoại Linh, Viên Chiếu… Các dòng Thiền được hình thành và phát triển như: Thiền thứ nhất của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền thứ hai của Ngài Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường. Năm 1224, vua Lý Huệ Tôn xuất gia ở chùa Chân Giáo lấy hiệu là Huệ Quang Đại sư. Suốt triều đại nhà Lý hơn 2 thế kỷ, Phật giáo hòa nhập trọn vẹn trong đời sống của toàn dân.

Thời nhà Trần là thời kỳ Phật giáo phát triển rất mạnh. Đâu cũng có chùa, có Phật để tín đồ chiêm bái. Tăng đoàn mạnh đến nỗi triều đình phải tổ chức các khoa thi để loại bớt. Phật giáo chấn hưng khoảng 100 năm đầu, rồi dừng lại, bởi sự phát triển quá đà nên mê tín dị đoan và thoái bộ.

Trong thời đại này, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được phát triển, mở rộng. Vua Trần Thái Tông đã mở đầu bằng “Thiền môn chỉ mãn” và “Khóa Hư” để rồi vua Trần Nhân Tông xuất gia khai sáng phái Trúc Lâm. Phật giáo đời Trần sản sinh nhiều danh Tăng và cư sĩ tên tuổi như: Tuệ Trung Thượng Sĩ, Pháp Loa, Huyền Quang… Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được xưng tụng là Trúc Lâm Tam Tổ.

Thời Nguyễn, giai đoạn đầu Phật giáo vẫn khá phát triển, nhiều chùa chiền được xây mới như chùa Diệu Đế, chùa Thiên Mụ … hoặc trùng tu và trở thành những trung tâm tín ngưỡng của đông đảo người Việt. Mặc dù từ cuối thế kỷ 19, khi một số tôn giáo mới được du nhập từ phương Tây khiến Phật giáo có lúc thoái trào nhưng cho đến nay đây vẫn là tôn giáo có lịch sử lâu đời và ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Việt Nam.

24-4-005

Bản phụng dụ ngày 23 tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) của Nguyễn Trung Mậu, Lý Văn Phức về việc xây dựng chùa Diệu Đế ở ấp Xuân Lộc.

Với gần 2000 năm tồn tại, dù trải qua những thăng trầm cùng lịch sử nhưng Phật giáo đã hoà vào lòng dân tộc, tạo nên một sắc thái đặc biệt của Việt Nam. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Trong xu thế phát triển, đổi mới và hội nhập toàn cầu hiện nay, Phật giáo Việt Nam luôn hoạt động với tinh thần hòa bình và hữu nghị, đoàn kết với các giáo hội Phật giáo trên thế giới để hợp tác và góp phần xây dựng, củng cố nền hòa bình cho nhân loại.

ĐỖ HOÀNG ANH

[1]Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, Mộc bản triều Nguyễn

[2]Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, Mộc bản triều Nguyễn

[3]Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, Mộc bản triều Nguyễn

Liên Hệ Phòng Đọc

891661 truy cập

188 trực tuyến

Liên kết Website