TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Nội các triều Nguyễn – Văn phòng giúp việc đắc lực của các hoàng đế nhà Nguyễn

8:18 15/05/2018

Nội các triều Nguyễn là cơ quan trọng yếu trong bộ máy chính quyền triều Nguyễn. Nội các giữ vai trò văn phòng giúp việc cho nhà vua, chuyên trách giải quyết các công việc về văn thư, giấy tờ như xét duyệt các văn bản trước khi trình lên nhà vua, làm phiếu nghĩ, thư bài, soạn các bản phúc đáp, kính sao bản vua phê, phụng sao lời chỉ dụ, sao lục phát giao công văn, quản lý ấn tín, long bài, lưu giữ châu bản, các ngự chế thi văn…

Nội các triều Nguyễn được phỏng theo mô hình Nội các của nhà Thanh (Trung Quốc). Nội các có nguồn gốc từ đời nhà Minh, Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) sợ các đại thần lộng quyền nên từ năm Hồng Vũ 13 (1380) sau khi giết Hồ Duy Dung, bỏ không đặt chức Tể tướng. Năm Hồng Vũ 15 (1382) nhà vua phỏng theo chế độ nhà Tống đặt các viên Điện các Đại học sĩ để thu duyệt tấu chương phê phát văn cảo, trợ giúp cho Hoàng đế giải quyết các việc chính sự. Đầu đời Vĩnh Lạc (1402-1424) lại tuyển các viên Giảng độc, Biên soạn ở Hàn lâm viện tham gia giải quyết các việc chính trị trọng yếu nên gọi là Nội các nhưng không có thuộc quan. Sau một thời gian chức quyền dần lớn lên, đều lãnh cả Thượng thư Lục bộ, trở thành những thuộc quan tối cao của Hoàng đế kiêm cơ quan quyết sách. Đầu đời Thanh lấy Nội tam viện gồm 3 viện Quốc sử viện, Bí thư viện, Hoằng văn viện đặt làm Nội các, lại thiết đặt Đại học sĩ tham gia vào các việc quân chính cơ mật. Thời vua Ung Chính (1723-1735) đặt thêm Quân cơ xứ nắm các việc quân chính trọng yếu, từ đó về sau Nội các nhà Thanh chủ yếu chăm lo các việc về công văn giấy tờ giúp việc cho Hoàng đế.

Nội các triều Nguyễn thành lập tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 10. Tiền thân của Nội các dưới thời vua Gia Long là Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện (còn gọi là Tam Nội viện) và Thượng bảo ty. Thuộc viên làm việc gồm có Thị thư viện thừa chỉ, Thị chiếu viện thừa chỉ, Thượng bảo khanh… thường do các viên Hàn lâm viện thừa chỉ kiêm nhiệm. Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) nhà vua cho gộp các cơ quan này và đổi thành Văn thư phòng vẫn chuyên trách việc quản lý chuyển phát các văn thư giấy tờ; các bản chiếu, dụ, các bài ngự chế cùng ấn tín bảo tỷ… và đặt các chức Thượng bảo khanh, Thượng bảo thiếu khanh để quản lý. Năm Minh Mệnh 10 (1829) vua ban Dụ bảo thị thần rằng: Văn thư phòng là chỗ then chốt, mà xét đến tên thì theo chế độ nhà Minh chỉ là một tào riêng. Trước ý Trẫm không muốn đài các có quyền lớn, cho nên mượn tên ấy để cho giữ sổ sách, chạy công việc mà thôi. Nay nghĩ phòng ấy rất quan trọng đối với việc chính sự, dẫu không có danh Tể tướng mà hình như có thực quyền Tể tướng rồi thì tên gọi cũng nên tương xứng. Song không nên đặt quan cao, người trưởng người thứ nên lấy hàm từ Nhị, Tam phẩm cũng ví như sáu bộ thêm làm bảy bộ mà thôi (1). Vì thế đổi Văn thư phòng làm Nội các.

          Để quy định chức trách của Nội các, vua Minh Mệnh lại ban Dụ: Nay cải đổi Văn thư phòng làm Nội các để cố vấn và thiết đặt các điều khoản về chức trách của Nội các. Truyền từ nay về sau nếu Nội các và Lục Bộ giải quyết công việc có chỗ nào không hợp đều chuẩn cho đối duyệt tấu trình. Nếu việc đã giải quyết xong mà Lục Bộ hoặc Nội các phát hiện ra chỗ sai sót thì cứ mạnh dạn chỉ ra và làm bản tấu trình lại đợi Trẫm quyết định. Còn như có chỗ sai sót mà Lục Bộ và Nội các đều không thể chỉ ra đến khi bị phát giác hoặc Trẫm trích ra được thì tất theo luật xử nặng thêm 1 bậc. Việc lập pháp như vậy vốn mong có sự ràng buộc, chế định lẫn nhau để tránh sự bất hòa. Lần này phẩm trật chức danh trong Nội các, Trẫm đã định rõ trong các điều chương, con cháu ta sau này phải tuân giữ để thành hiến pháp không được sửa đổi làm rối ren thêm. Truyền đem dụ này giao cho Quốc Sử quán kính cẩn cất giữ để truyền muôn đời, viết ra một bản đóng dấu “Hoàng đế chi bảo” tàng trữ tại Đông các, lại sao ra nhiều bản cấp cho các nha môn tại Kinh và các thành trấn bên ngoài để biết. Khâm thử (2).

          Nhà vua cũng cho đặt 4 Tào lệ thuộc là Thượng bảo tào, Ký chú tào, Đồ thư tào, Biểu bạ tào để chuyên trách từng phần công việc. Trong đó:

          – Thượng bảo tào: chuyên trách coi giữ các loại ấn tín, bảo tỷ, các loại quan phòng, đồ ký, bài ngà của các nha môn, bản phó dụ chỉ, bản thảo chiếu biểu. Ngoài ra các bản chiếu, chỉ dụ đã được khâm định và các loại chương sớ đã được nhà vua xem duyệt đều giao cho tào đóng dấu bảo, sau đó giao bản phó cho cơ quan đương sự giải quyết, bản chính giao cho Biểu bạ tào tàng trữ.

          – Ký chú tào: chuyên trách ghi chép các sinh hoạt, ngôn luận của nhà vua cùng các tấu nghị, chương sớ do bách quan tâu trình và nhật ký học tập của các hoàng tử. Ngoài ra còn có chức trách coi giữ các đồ ngự dụng, sách vở bút nghiên dùng cho Hoàng thượng.

          – Đồ thư tào: chuyên trách ghi chép các các bài ngự chế, thi văn, coi giữ các loại sách của triều đình và các công văn giao thiệp trong nước và nước ngoài. 

          – Biểu bạ tào: chuyên coi giữ các bản tấu sớ đã được ngự phê (châu bản) và bản phó các biểu chương trong và ngoài nước.

          Năm Minh Mệnh 17 (1836) đổi tên Đồ thư tào thành Bí thư tào, Ký chú tào thành Thừa vụ tào nhưng chức trách không thay đổi.

          Năm 1844 vua Thiệu Trị đã cho cải tổ lại Nội các bằng việc đổi các Tào thành các Sở gồm Thượng bảo sở, Đồ thư sở, Ty luân sở, Bản chương sở. Trong đó Bản chương sở lại chia thành 3 chương để tiện phụ trách công việc là Lại Hộ chương, Lễ Binh chương, Hình Công chương. Các sở cũng được sắp đặt lại cơ cấu tổ chức và phân chia công việc khoa học hợp lý hơn.

anhnoicac

 

Bản Dụ của vua Minh Mệnh năm 1830 về việc đổi tên Văn thư phòng làm Nội các đồng thời quy định chức trách cho cơ quan này

Ngoài chức trách như một văn phòng giúp việc cho nhà vua về công tác công văn giấy tờ, Nội các còn trước thuật nhiều công trình sử học có giá trị dưới triều Nguyễn, trong đó tiêu biểu phải kể đến bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Trước khi biên soạn bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, dưới thời vua Minh Mệnh, nhà vua đã giao cho Nội các biên soạn một bộ sách gọi tên là Hội điển toát yếu. Tháng 12 năm Minh Mệnh 14 (1833) sách hoàn thành gồm 14 quyển chép về chế độ chức trách của trăm quan, vua truyền cho các nha thuộc ở các bộ, các viện ai nấy đem đối chiếu với chức vụ của mình mà hiệu chính cho đúng, rồi lại giao cho đình thần duyệt và nhuận sắc.

Sau Hội điển toát yếu, Nội các tiếp tục được giao biên soạn bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách mang tính chất hội yếu, ghi chép các điển chương chế độ, điển pháp, quy chuẩn lớn nhất và quan trọng nhất của nhà Nguyễn. Bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ gồm 2 phần Chính biên và Tục biên, được biên soạn và khắc in trong khoảng thời gian 75 năm từ 1843 đời vua Thiệu Trị đến năm 1917 đời vua Khải Định.

Về chức danh các nhân viên trong Nội các hầu hết đều lấy biên chế các Bộ, Viện sung vào làm việc. Vua Minh Mệnh quy định, quan đứng đầu Nội các trật chỉ đến Tam phẩm và phải đứng sau Lục Bộ (tức là không thể thăng đến hàm Đại học sĩ hoặc lãnh chức Thượng thư các bộ tương đương trật Nhị phẩm). Trong đó đặt 2 viên trật Tam phẩm do Thị lang các bộ hoặc Chưởng viện học sĩ Viện Hàn lâm kiêm nhiệm làm Thượng bảo khanh. Hai viên trật Tứ phẩm lấy Thị độc học sĩ Viện Hàn lâm kiêm nhiệm làm Thượng bảo thiếu khanh. Các thuộc viên gồm: Thị độc, Tu tuyển, Kiểm thảo, Đãi chiếu, Thừa chỉ, Biên tu, Điển bạ đều là người của Hàn lâm viện sung làm Hành tẩu để giúp việc ở Nội các.

Bản Dụ ngày mồng 1 tháng Giêng năm Minh Mệnh 11 (1830) đã bổ đặt 30 người đầu tiên vào làm việc tại Nội các gồm các viên Tả Thị lang Bộ Lễ Phan Thanh Giản, Tả Thị lang Bộ Công Trương Đăng Quế đều làm Thượng bảo khanh; Thị độc học sĩ Viện Hàn lâm Lê Nguyên Đàn, Nguyễn Văn Mưu làm Thượng bảo thiếu khanh; Nguyễn Huy Chiếu, Nguyễn Văn Chương bổ thụ Thị độc; Tôn Thất Thận, Tôn Thất Tường giữ chức Thừa chỉ; Tôn Thất Du, Tôn Thất Thường giữ chức Biên tu… (3)

Các chức danh, phẩm trật trong Nội các hầu như vẫn được giữ nguyên cho đến các đời sau. Nội các triều Nguyễn tồn tại hơn 100 năm từ năm 1829 cho đến năm 1933 thì vua Bảo Đại xoá bỏ để thành lập Ngự Tiền văn phòng. Mặc dù vậy chức trách của văn phòng này vẫn không thay đổi, đây vẫn là cơ quan giúp việc trực tiếp của nhà vua; luân chuyển, tàng trữ các văn thư quan trọng của triều đình và là một bộ phận đặc biệt trọng yếu trong hệ thống các cơ quan hành chính của triều Nguyễn.

 

CHÚ THÍCH:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2 (bản dịch), NXB Giáo dục, Hà Nội 2007, trg 927.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Minh Mệnh, tập 40, tờ 83 [Ngày 13 tháng giêng năm Minh Mệnh 11 (1830)].

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Minh Mệnh, tập 40, tờ 82 [Ngày 01 tháng giêng năm Minh Mệnh 11 (1830)].

 

NGUYỄN THU HOÀI

Liên Hệ Phòng Đọc

906060 truy cập

260 trực tuyến

Liên kết Website