TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Những thay đổi về địa giới hành chính tỉnh Hà Nam từ khi thành lập đến năm 1930

10:02 09/11/2016

Nhằm giúp người đọc có thêm thông tin trong việc nghiên cứu lịch sử tỉnh Hà Nam, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số thông tin về sự thay đổi địa giới hành chính của tỉnh trước năm 1930. Những thông tin này được chúng tôi tập hợp từ tư liệu, tài liệu lưu trữ thời kỳ thuộc Pháp, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Là một tỉnh nhỏ nhưng Hà Nam lại là một trong những tỉnh đông dân nhất xứ Bắc Kỳ, nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng: phía Bắc tiếp giáp với Hà Nội; phía Nam giáp Nam Định; phía Đông cách con sông Hồng là tới tỉnh Hưng Yên và Thái Bình; phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình cùng một số dãy núi của tỉnh Mường (Hòa Bình). Diện tích Hà Nam đo được gần 100.000 héc ta, riêng địa hình đồi núi chiếm khoảng 1/6 tổng diện tích đồi núi vùng châu thổ Sông Hồng (1).

Tỉnh Hà Nam được thành lập năm 1890 từ việc hợp nhất một số đơn vị hành chính của 2 tỉnh Hà Nội và Nam Định. Cụ thể, Nghị định số 569 ra ngày 20 tháng 10 năm 1890(2) của Toàn quyền Đông Dương đã quyết định thành lập tỉnh mới mang tên Hà Nam, trên cơ sở sáp nhập phủ Liêm Bình (gồm các huyện Nam Xang, Thanh Liêm, Bình Lục) cùng 17 xã của huyện Vụ Bản và Thượng Nguyên (Nam Định) nhập vào Phủ Lý Nhân cùng hai tổng Mộc Hoàn và Chuyên Nghiệp của huyện Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Nội.

Thực chất, Hà Nam được thành lập từ việc điều chỉnh và mở rộng thêm địa bàn phủ Lý Nhân (tỉnh Hà Nội):

+ Trả lại địa bàn phủ Liêm Bình (tức 3 huyện Nam Xang, Bình Lục, Thanh Liêm) cho phủ Lý Nhân;

+ Tách 2 tổng Mộc Hoàn và Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội để sáp nhập vào huyện Duy Tiên thuộc phủ Lý Nhân;

+ Cắt 17 xã của huyện Vụ Bản thuộc phủ Nghĩa Hưng và của huyện Thượng Nguyên thuộc phủ Xuân Trường (đều thuộc tỉnh Nam Định) để sáp nhập vào phủ Lý Nhân.

ban do hanh chinh tinh Ha Nam - S189

Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Hà Nam, nguồn : Niên giám Thương mại và Hành chính Đông Dương, năm 1907

Ngoài hai tỉnh Nam Định và Hà Nội, tỉnh Hà Nam còn có những thay đổi liên quan trực tiếp đến tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình. Theo Nghị định ngày 24 tháng 10 năm 1908(3) của Toàn quyền Đông Dương, châu Lạc Thủy được tách khỏi tỉnh Hòa Bình và đem nhập vào tỉnh Hà Nam. Các làng của Châu Lạc Thủy sáp nhập vào tỉnh Hà Nam gồm: Nhượng Lão, Thạch La, Bình Lương, Hậu Bổng, Chiêm Hóa, Lạc Bình, Tràng Môn, Hưng Thi, Cố Nghĩa, Chi Nê. Riêng với Chi Nê, sau Nghị định ngày 9 tháng 10 năm 1909 của Thống sứ Bắc kì, khu Chi Nê bị xóa bỏ.

Sau hơn hai mươi năm thành lập, ngày 7 tháng 3 năm 1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đặt tỉnh Hà Nam lệ thuộc tỉnh Nam Định và gọi là Đại lí Hà Nam.

Tuy nhiên, tên gọi Đại lí Hà Nam cũng chỉ tồn tại 10 năm, ngày 31 tháng 3 năm 1923 Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định bãi bỏ Nghị định ngày 7 tháng 3 năm 1913. Theo Nghị  định, Đại lí Hà Nam bị xóa bỏ và lại trở thành một tỉnh đứng riêng biệt như cũ.

Ngày 1 tháng 12 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định(4) tách một số xã của Lạc Thủy (khi đó thuộc tỉnh Hà Nam) sáp nhập vào phủ Nho Quan (tỉnh Ninh Bình bấy giờ). Theo nghị định, các xã Thác La và Lạc Bình, tổng An Bình, châu Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam được sáp nhập vào tổng Vô Hốt, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ; Thôn Yên Vệ thuộc xã Bình Lương, tổng An Bình, châu Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam sẽ thuộc xã Lạc Bình mà đã được sáp nhập vào tổng Vô Hốt, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Theo sách “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ 1930”: Địa thế tỉnh Hà Nam chia làm 2 phần, lấy sông Đáy làm ranh giới. Bên tả ngạn sông Đáy hoàn toàn là vùng đất đồng bằng nhiều phù sa, duy nhất huyện Thanh Liêm có dãy núi nhỏ Khê Non và ở tả ngạn sông Phủ Lý có núi Đọi Sơn. Bên hữu ngạn sông Đáy đến phía Tây thì có một dãy núi có chỗ lan ra đến bờ sông.

Ngày nay, Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trên huyết mạch giao thông Bắc – Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi, cùng với cầu Yên Lệnh nối đôi bờ sông Hồng, tạo cho Hà Nam lợi thế mới để mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh Đông Bắc và ra cảng biển Hải Phòng.

NGUYỄN TRANG

1.S 182, Niên giám Thương mại và Hành chính Đông Dương

 

2.BOIF 1890, tr 1058-1059

 

3.BOIC 1908, tr 1007-1008

 

4.BAT 1924, tr 3392-3393

Liên Hệ Phòng Đọc

898538 truy cập

642 trực tuyến

Liên kết Website