TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Những điều ít biết về quá trình xây dựng tòa nhà Sở Bưu điện Hà Nội

10:40 07/11/2017

Vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dịch vụ bưu điện với hoạt động trao đổi thư từ và những khoản thu từ thuế mà nó mang lại trở thành yếu tố quan trọng trong công cuộc khai thác thuộc địa, đến mức phương tiện liên lạc này còn được người Pháp coi như sự làm chủ lãnh thổ nơi nó tồn tại. 

buu dien

Bản vẽ mặt trước phòng bưu phẩm tại Phòng thu cước phí của Sở Bưu điện tại Hà Nội, tỉ lệ 1/50, do Kiến trúc sư Sở Nhà cửa dân sự lập năm 1918, kích thước gốc 15cm x 40cm (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I).

Ngay khi quy hoạch và mở rộng Hà Nội với việc lấy khu vực Hồ Gươm làm trung tâm để phát triển, người Pháp đã nghĩ ngay đến việc xây dựng tại đây một trung tâm bưu điện, thông tin liên lạc. Đó là lý do vì sao Sở Bưu điện Hà Nội là một trong những công trình được xây dựng ngay từ khá sớm.

Vị trí Bưu điện Hà Nội ngày nay trên đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng) khi xưa vốn là vị trí của chùa Báo Ân. Năm 1888, người Pháp phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Tháp Hòa Phong vốn gắn liền với quần thể chùa Báo Ân xưa là di tích duy nhất của quần thể bề thế một thời vàng son còn sót lại đến ngày nay.

Theo tài liệu lưu trữ hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, ngay từ năm 1886 Paul Bert đã quyết định giao một trong “bốn khu công thự” (Tòa Đốc lý, Sở Ngân khố, Sở Bưu điện và Điện báo, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ) cho Sở Bưu điện và Điện báo và cơ quan này đương nhiên phải nằm ở vị trí trung tâm.

Ngay từ năm 1895, kiến trúc sư Henri Vildieu đã đưa ra dự án xây dựng Sở Bưu điện và Điện báo cũng như nhà xưởng và nhà kho đồng thời ông cũng chính là người thiết kế các khu công thự chính. Ngay sau đó, toà nhà được xây dựng dựa trên sự kết hợp tinh tế giữa phong cách kiến trúc của chính quốc với các phương pháp thích ứng phù hợp với khí hậu Bắc Kỳ.

Tỉ lệ của toà nhà, phần mái nhà trong tòa nhà phía trước, đồng hồ gắn trên nóc tòa nhà, các bức tường phân cách thể hiện qua mặt đá nổi hoàn toàn tương ứng với kiểu tòa nhà hành chính thịnh hành tại Pháp vào năm 1900. Mặt khác, kiến trúc sư lựa chọn mái lợp bằng nhiều tấm kẽm nhỏ do những tấm lớn dễ bị biến dạng bởi hiệu ứng nhiệt. Ngoài ra, các tấm kẽm được gắn lên khung sắt do có tính đến tác dụng ăn mòn của các loại gỗ bản địa dùng làm rui mè.

Cách bố trí không gian được tính sao cho phù hợp với cuộc sống thuộc địa. Khu làm việc và căn hộ của Giám đốc Sở được bố trí ở tầng trệt và tầng 1 của tòa nhà. Khu vực nhà ở bao gồm một phòng khách, một phòng ăn, phòng ngủ, một khu vệ sinh, một phòng tắm nhưng không có nhà bếp. Các món ăn được chế biến sẵn tại khu nhà phụ – nơi sinh hoạt của gia nhân. Đằng sau sự chuyển đổi về mặt kiến trúc giống hệt chính quốc đang diễn ra một sự chuyển dịch về tập quán sinh hoạt và ứng xử.

Phòng thu cước phí vốn được bố trí trong toà nhà cũ tại vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Chí Linh) mau chóng trở nên chật chội. Từ năm 1910 trở đi, toà nhà đã được cải tạo, mở rộng 3 lần. Năm 1910, Phòng thu cước phí Hà Nội được mở rộng gồm các hạng mục: Xây dựng một toà nhà mới nối với toà nhà cũ; sửa sang một số chi tiết trên phần có sẵn, do các nhà thầu Pées và Chazeau thực hiện.

Năm 1918, phòng bưu phẩm tại Phòng thu cước phí Hà Nội được xây dựng thêm, do nhà thầu Tran Ngoc Dien thi công. Năm 1921, theo báo cáo ngày 22.5.1921 của Giám đốc Sở Bưu điện Đông Dương gửi Toàn quyền, tổng chi phí mở rộng, sửa sang Phòng thu cước phí tại Hà Nội do ông Aviat là người trúng thầu. Theo đó, các hạng mục được thi công gồm có:

– Ở tầng trệt: Mở rộng phòng chờ; dựng một mái che lợp kính ở bên ngoài trên phần nền xây cao ở mặt trước để xe cộ qua lại và làm điểm trú chân an toàn đối với công chúng vào những ngày mưa gió; mở rộng phòng chứa bưu phẩm được gửi bảo đảm và phòng dành cho nhân viên bưu tá; bố trí văn phòng Chủ sự bưu điện và phòng đăng ký…

– Tại khu vực nhà tầng: Bố trí phòng điện báo, phòng cân đo bưu phẩm; mở rộng phòng điện thoại…

– Xây dựng lại xưởng cơ khí do xưởng này không còn đủ chỗ chứa máy mới, bộ phận truyền động và bàn tiện.

Qua Công văn số 29-TC/O ngày 25.3.1938 của Giám đốc Sở Bưu điện, Điện báo và Điện thoại Đông Dương gửi Tổng thanh tra Công chính Đông Dương tại Hà Nội, sở dĩ toà nhà đã qua nhiều lần mở rộng, phá đi làm lại là do có những dấu hiệu thiếu đảm bảo an toàn.

Ngoài toà nhà chính trên đây, hai công trình phụ khác cũng được xây dựng lại:

– Nhà để ắc quy được khởi công vào ngày 28.10.1936 và hoàn thành vào ngày 20.01.1937 do nhà thầu Lê Văn Can thực hiện do toàn bộ khu nhà chứa ắc quy ở thời điểm đó có nguy cơ sụp đổ, trang thiết bị rơi rụng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các phòng ban. Việc cải tạo căn phòng cũ hoàn thành vào ngày 27.02.1937, tạm thời nghiệm thu vào ngày 13.3.1937.

– Hầm chỉ huy và trung tâm báo động phòng không vườn hoa Chí Linh được xây dựng vào năm 1939 với tổng dự toán lên tới 51.800 đồng bạc Đông Dương.

Trên thực tế, chủ trương xây dựng một toà nhà Bưu điện mới, bên cạnh Phòng thu cước phí trên đây đã có từ lâu.

Theo Báo cáo ngày 13.3.1943 của Kiến trúc sư chính – Chánh Sở Nhà cửa dân sự, công trình xây dựng toà nhà Sở Bưu điện và Điện báo Hà Nội đã được quyết định theo Sắc lệnh ngày 09.02.1932. Dự án được lập năm 1933 theo chương trình do Giám đốc Sở Bưu điện và Điện báo Walter đưa ra và được thông qua ngày 12.8.1933. Theo đó, dự án gồm một nhà khối trung tâm dành cho các bộ phận thuộc Phòng thu cước phí, song dự án này chưa được nghiên cứu. Toà nhà hiện có tạm thời phải được trùng tu để bố trí làm Phòng Thanh tra của Sở Bưu điện và Điện báo. Tuy nhiên, theo thông tin từ tài liệu lưu trữ, thì đến năm 1934, dự án này vẫn không được thực hiện vì lý do kinh tế.

Năm 1938, Toàn quyền Brévié yêu cầu tiếp tục nghiên cứu dự án xây dựng toà nhà Sở Bưu điện mới đồng thời nhất trí để Phòng Thương mại và Canh nông Bắc Kỳ sử dụng mảnh đất tiếp giáp với phố Fourès. Do vậy, dự án đã được sửa đổi lại và dự kiến xây dựng một toà nhà giống hệt toà nhà dành cho Phòng Thương mại và Canh nông, nằm trên vị trí của Sở Bưu điện hiện nay.

Năm 1942, kiến trúc sư Henri Cerutti ký quyết định xây thêm một toà nhà mới nằm ở góc đại lộ Francis-Garnier và phố Fourès (nay là phố Đinh Lễ). Cửa vào được bảo vệ bằng các cột cao tạo thành một đường cong với điểm nhấn là cầu thang lồi, các khối thuỷ tinh được ngăn thành từng ô bằng bê tông, các ô cửa vòng tròn cho thấy tham vọng về tính hoành tráng – đặc trưng của trào lưu “retour à l’ordre” xuất hiện từ cuối những năm 1930.

Ban đầu, toà nhà được hoàn thiện để làm trụ sở phòng thương mại và tạo thành một tổ hợp liên tiếp nằm dọc theo đại lộ, đối diện với hồ Hoàn Kiếm.

Theo Arnauld Le Brusq trong “Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa” (Le Vietnam, à travers l’architecture coloniale), khi toà nhà khổng lồ màu xám được dựng lên và hiện ra giữa một thảm thực vật, nó đã lấn át tất cả các công trình khác ở chung quanh có từ thời kỳ thuộc địa. Đi từ phố Đinh Tiên Hoàng hiện nay, người đi bộ được chứng kiến một khung cảnh lý thú của khu đô thị, nơi nối tiếp khu công thự được xây dựng theo phong cách cổ điển, gợi nhớ về một thành phố của Pháp, một dải bê tông ngoại cỡ với vẻ thô cứng kiểu Xô Viết và cuối cùng là một cánh cổng hiện đại mà khát vọng hoành tráng đã ít nhiều giảm bớt để tương ứng với kích thước của một ngôi nhà nhỏ.

Tài liệu tham khảo

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Arnauld Le Brusq, Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa (Le Vietnam, à travers l’architecture coloniale), nxb Amateur, 1999.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, hồ sơ số 5, 6, 7, 8, 12, hộp 169; hồ sơ số 12, hộp 170, phông Kiến trúc.

HỒNG NHUNG – HOÀNG HẰNG

Theo Báo Lao động

Liên Hệ Phòng Đọc

898059 truy cập

255 trực tuyến

Liên kết Website