TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Mở rộng khu nhượng địa Hà Nội

4:06 08/06/2016

Ngày 25 tháng 8 năm 1942, Toàn quyền Đông Dương ký ban hành Nghị định chuẩn y Dụ ngày 11 tháng 7 năm 1942 về việc sáp nhập một khu vực rộng 11.000 ha vào khu nhượng địa Hà Nội. Ngoài huyện Hoàn Long, khu vực này bao gồm 3 tổng thuộc huyện Hoài Đức và Thanh Trì. Do vậy, kể từ thời điểm này, khu vực thành phố đặt dưới quyền của Quan cai trị – Đốc lý có tổng diện tích trên 12.000 hecta và dân số khoảng 500.000 người.

Ban đầu, địa hạt khu vực ngoại thành thuộc tỉnh Hà Nội – khu vực tách biệt hẳn với thành phố chịu sự điều hành của một công sứ độc lập với Quan cai trị – Đốc lý. Năm 1899, do tính cấp bách trong khâu quản lý và vệ sinh, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer buộc phải sáp nhập địa hạt này vào thành phố Hà Nội, song thực thế nó vẫn thuộc về xứ Bảo hộ Bắc Kỳ. Như vậy, kể từ ngày 14 tháng 7 năm 1899, vùng thành phố Hà Nội mà ranh giới của nó dừng lại ở đường Circulaire (đường Đại La), bao gồm một khu dành cho người Pháp và một khu dành cho người An Nam đặt dưới sự quản lý của cùng một quan cai trị.

1

Sơ đồ mở rộng khu nhượng địa Hà Nội

Việc áp dụng quy chế khác nhau tại một trong hai khu này hẳn không phải là điều dễ dàng. Do vậy, ngay từ năm 1915, khu vực ngoại thành đã bị xoá bỏ với danh nghĩa là chi khu hành chính và sáp nhập vào tỉnh Hà Đông.

Từ đây, sự tù túng của các khu đô thị cạnh Hà Nội đã buộc Chính quyền phải nhiều lần tranh cãi về việc có sáp nhập những khu đô thị đó vào thành phố hay không. Những lý lẽ mà chính quyền các cấp đưa ra đề cập đến những bất lợi do tính hai mặt của quy chế mang lại buộc người ta phải từ bỏ dự án.

Để tìm ra giải pháp phù hợp cho vấn đề này, Đô đốc Decoux cần đưa ra một quyết định nhanh chóng, rõ ràng cũng như sự cảm thông, chia sẻ của Hoàng đế An Nam.

Từ nay trở đi, vùng thành phố Hà Nội không còn khu dành cho người Pháp và khu dành cho người Việt đặt kề nhau và chịu sự quản lý của một chính quyền duy nhất nữa mà trở thành khu nhượng địa của người Pháp đặt dưới cùng một quy chế duy nhất.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 1943 – ngày mà địa hạt mới sáp nhập vào khu nhượng địa chính thức đặt dưới quyền quản lý của Quan cai trị – Đốc lý. Tại đây, Quan cai trị – Đốc lý còn có nhiều quyền lực trực tiếp hơn và mở rộng hơn những gì mà một công sứ – chủ tỉnh có được bởi vai trò của ông ta không được xác định một cách hạn chế bằng các điều khoản ghi trong Hiệp ước Bảo hộ và hơn cả những gì mà một thị trưởng có được bởi ông ta thực thi nhiệm vụ mà không chịu sự kiểm soát cũng như sự hỗ trợ của hội đồng thành phố. Như vậy, trong giới hạn kinh phí được cấp, Quan cai trị – Đốc lý có thể dễ dàng tiến hành thay đổi và sáng tạo để nâng khu vực ngoại thành lên thành khu đô thị.

Diện mạo hiện nay của khu vực này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của những người qua đường ít sành sỏi nhất. Ngay ở cửa ngõ của Hà Nội, nhà cửa nằm san sát dọc theo các tuyến đường dẫn vào nội thành. Ven đường, họa hoằn cũng có một vài ngôi nhà khá tươm tất còn đa phần là dột nát, được xây dựng một cách tuỳ tiện bằng vật liệu chất lượng kém.

Những dãy nhà giăng ra dọc theo các phố ngang và từng cụm nhà ẩn mình phía sau các dãy nhà xây bẩn thỉu và hầu hết là nhà tranh tồi tàn. Tất cả được dựng trên một khu đất còn chưa kịp lấp đầy, lỗ chỗ thùng vũng và từ hệ thống mương rãnh, một hợp chất gồm nước thải, bùn và vô số các loại chất lỏng khiến người ta nôn mửa đã đổ về đây.

Một cảnh tượng thực sự ngột ngạt đối với những ai xuất thân từ thành phố Hà Nội xinh đẹp.

Tá túc tại khu vực hỗn tạp này là những người mà việc hành nghề níu chân họ ở lại Hà Nội nhưng nguồn thu lại không cho phép họ trọ tại nội thành, những người có hành vi sai trái phải lẩn trốn sự kiểm soát của cảnh sát và những kẻ lạc loài bị gạt ra ngoài lề xã hội. Dồn về đây còn có các trung tâm vui chơi giải trí mà sự ồn ào của nó bị lạc lõng giữa đô thị thanh bình. Tại đây, khách hàng tìm kiếm những khoái lạc về thể xác nhiều hơn là xúc cảm nghệ thuật.

Trật tự, đạo đức xã hội và vấn đề vệ sinh đang chịu nhiều tổn thất từ tình trạng này và công tác điều chỉnh địa giới hiện nay nhằm mục đích mang lại cho Quan cai trị – Đốc lý – thông qua việc đặt toàn bộ khu vực dưới một cơ quan quyền lực duy nhất và thực thi mọi hành động trong đô thị và trong khu vực dưới quyền quyết định của cùng một ý chí – phương tiện để sửa sang, xây dựng lại, vệ sinh và dần dần đưa các khu ngoại ô về trạng thái cân bằng và hoà nhập với thành phố vì lợi ích lớn nhất của dân chúng.  

Không một ai dám khẳng định rằng các Công sứ Hà Đông thiếu quan tâm đến số phận của dân chúng. Việc mở rộng cũng như tính chất phức tạp của khu vực ngoại thành buộc họ phải cân nhắc kỹ lưỡng đồng thời tìm hướng giải quyết những khó khăn phát sinh từ việc chuyển đổi khu vực nông thôn thành một vùng thành phố đông dân cư. Rõ ràng là những dự án họ đang cho thực hiện nhằm mục đích trên đây, dựa trên tình hình thực tế tại địa bàn là không thể phủ nhận, và nếu như mặt tiền của khu vực – nhờ thời điểm đặc biệt thuận lợi – có để lại ấn tượng tương đối tích cực, thì điều đó là nhờ công lao của các Công sứ.  

Song thật không may, những nỗ lực của họ thường xuyên bị cản trở do thiếu nguồn lực tài chính. Ngân sách của tỉnh Hà Nội hoặc Hà Đông lại là ngân sách của một tỉnh nông thôn mà dự toán không đề cập tới công trình quy hoạch đô thị. Tất nhiên, người ta vẫn có thể cấp kinh phí phục vụ công tác quy hoạch khu vực song thực tế là rất ít và nguồn kinh phí này chỉ có thể tăng lên bằng cách trích từ phần còn lại của tỉnh. Trong mọi trường hợp, nguồn kinh phí này không bao giờ là đủ để thi công các công trình quan trọng mà trên thực tế, chỉ những công trình như vậy mới có thể làm thay đổi diện mạo khu vực và mang lại cho nó một nét riêng biệt, có tính kỷ luật cao mà một trung tâm đô thị thông thường cần phải có. Chẳng hạn làm thế nào để hút cạn hoặc lấp đầy ao, khơi thông dòng chảy kênh rạch mà không tính đến mức độ cần thiết của việc thải tháo các cống đổ vào những ao hồ trên đây còn nước trong cống thì thoát ra qua những kênh rạch này? Vấn đề cải tạo đất trong khu vực và mở rộng hệ thống cống của Hà Nội lại liên quan chặt chẽ với nhau khiến người ta khó có thể giải quyết một cách độc lập. Người ta có thể giữ lập luận như vậy khi xem xét vấn đề cấp nước, vấn đề lắp đặt mạng lưới điện và thậm chí là cả vấn đề tổ chức một lực lượng cảnh sát đô thị trong khu vực. Rõ ràng là các công sứ Hà Đông không đủ khả năng để giải quyết những khó khăn như vậy.

Ngược lại, quyết định mà Toàn quyền Đông Dương và Hoàng đế An Nam đưa ra xuất phát từ thoả thuận chung sẽ cho phép Chính quyền tiến hành các công trình nghiên cứu cần thiết, tìm kiếm nguồn lực tài chính, phối hợp bằng cách hợp lý hoá các dự án xây dựng hoặc thi công các công trình trong thành phố và trong khu vực.

Dân ngoại thành là những người hưởng lợi nhiều nhất từ biện pháp này. Trong thời gian tới, những ổ nhiễm khuẩn, những không gian khiến người ta nôn mửa, những nơi ô uế ảnh hưởng xấu và gây hại cho khu vực không còn tồn tại nữa. Cơ quan phụ trách vệ sinh môi trường ra đời chắc chắn góp phần làm sạch các khu nhà ở và cải thiện sức khoẻ cộng đồng. Việc kiên trì thực hiện kế hoạch đô thị hoá đã được soạn thảo và thông qua sẽ tạo điều kiện phát triển hợp lý khu vực ngoại thành với nhiều tuyến đường rộng rãi, vườn và khu dạo chơi, chấm dứt tình trạng xây dựng tuỳ tiện, tập trung các toà nhà tuỳ theo mức độ quan trọng và mục đích sử dụng sao cho từng khu phố mang một diện mạo đồng nhất, sạch sẽ và gọn gàng.

Cần phải khẩn trương tiến hành nghiên cứu phục vụ việc thi công các công trình quan trọng như dẫn, thoát nước và lấp đầy hồ ao để làm sạch đất, gia tăng diện tích đất xây dựng và trang bị cho khu vực những công trình thiết yếu mà thiếu nó vùng thành phố hiện đại sẽ không thể tồn tại theo đúng nghĩa: hệ thống phân phối nước sạch, hệ thống cống.v.v…

Trong một loạt ý tưởng được đưa ra, ý tưởng thành lập một cơ quan an ninh sẽ giúp loại bỏ những thành phần khả nghi hoặc xấu xa thường ẩn nấp trong bóng tối và trốn tránh lệnh truy nã tại các khu đô thị, ngăn chặn nạn mại dâm đang có chiều hướng gia tăng do thiếu sự giám sát và tồn tại dưới vẻ bề ngoài khá hấp dẫn trong nhiều ngôi nhà gọi là nhà của các ca sĩ.

Bản thân thành phố Hà Nội cũng được hưởng lợi lớn từ cơ cấu tổ chức mới vì thành phố sẽ thấy biến mất trước mắt mình những khu vực có thể huỷ hoại thể xác và tinh thần của người dân hiện đang bao quanh thành phố, những xung đột về thẩm quyền quản lý lãnh thổ mà cho đến nay vẫn là rào cản đối với việc thi công các công trình công ích cho thành phố và khu vực. Nhờ những thuận lợi do cơ chế một cấp quản lý mang lại, cuối cùng cũng có thể hoàn thành mạng lưới cống máng đô thị đổ nước vào các ao hồ và kênh rạch ở vùng ngoại vi và nối vào mạng lưới đó những ống góp giúp tiêu thoát cho khu vực. 

Hai khu thuộc thẩm quyền của Quan cai trị – Đốc lý sẽ sống chung một cuộc sống, làm cùng một nhịp, hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau nhưng lại tách biệt về quyền lợi.

Diện mạo của khu vực sẽ biến đổi nhanh chóng. Đã có một tổ hợp các công trình, vườn, đường sá quy mô được phác thảo ở phía Nam Hà Nội trên một khu đất hình tứ giác giáp với đường số 202 (nay là đường Đại Cổ Việt), đường Huế (phố Duy Tân), đường Circulaire (đường Đại La) và đường Mandarine (đường Lê Duẩn). Tại đây, những toà nhà đầu tiên thuộc khu Học xá bắt đầu mọc lên. Công trình xây dựng khu Học xá được triển khai nhanh chóng và trong vài tháng nữa, sinh viên đến từ các xứ thuộc Liên bang Đông Dương sẽ được thụ hưởng những điều kiện học tập tốt nhất và điều kiện sống tiện nghi nhất tại trụ sở tuyệt đẹp này. Khu Học xá được xem là thành tựu đầu tiên trong kế hoạch quy hoạch đô thị, đánh dấu một sự khởi đầu tốt đẹp mới.

Nguồn: H. Guiriec, L’extension de la Concession Française de Hanoï , TC 827- Tuần báo Đông Dương, số  128 ngày 11/02/1943, trang 6-9, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Hoàng Hằng (dịch)

 

 

Liên Hệ Phòng Đọc

915625 truy cập

152 trực tuyến

Liên kết Website