TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Lịch sử mộc bản Hàn Quốc

8:45 05/10/2016

LTG: Mộc bản là loại hình tài liệu khá đặc biệt, lưu trữ thông tin trên chất liệu gỗ, chủ yếu dùng để in ấn thành sách thời cổ đại. Mộc bản khá phát triển tại các nước vùng Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Hiện nay trên thế giới có một số bộ mộc bản đã được ghi nhận trong Danh mục di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Trong đó Việt Nam có 3 di sản đã được công nhận là Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và mới đây nhất tháng 5 năm 2016 Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) cũng đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hàn Quốc có 2 di sản là Mộc bản Phật giáo Tripitaka Koreana, Mộc bản Nho giáo của các dòng họ và các học viện Khổng giáo tại Hàn Quốc. Qua đó có thể thấy giá trị to lớn của mộc bản và vị thế của nó trong kho tàng di sản tư liệu của nhân loại. Để tìm hiểu về loại hình tài liệu đặc sắc này, chúng tôi đã chọn dịch toàn văn bài viết Lịch sử mộc bản Hàn Quốc đăng trên website: mokpan.ugyo.net của Trung tâm nghiên cứu cao cấp Hàn Quốc, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Mộc bản theo nghĩa rộng, có thể là một tấm gỗ khắc bất kỳ chữ cái hoặc hình ảnh nào nhưng theo nghĩa hẹp hơn mộc bản có nghĩa là những tấm gỗ được chạm khắc ngược các chữ viết hoặc hình ảnh với mục đích chính là để in ấn. Mặc dù nhiều loại hình gỗ khác cũng được khắc chữ hoặc hình ảnh, chẳng hạn như biển báo, trụ cột… tuy nhiên bài viết này sẽ chỉ bàn về các bản khắc in bằng gỗ (sau đây gọi là “mộc bản”).

Mặc dù đến nay chưa có những thông tin chính xác về việc mộc bản in ra đời khi nào ở Hàn Quốc, nhưng người ta được biết rằng in khắc gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một bản sao của Kinh ánh sáng Dharani (Mugujeonggwang Daedaranigyeong) được tìm thấy trong một hộp chứa xá lợi tại Seokgatap (Chùa Thích Ca Mâu Ni) trong khu phức hợp Đền Bulguksa ở Gyeongju, thủ đô của Vương quốc Silla, được khắc in trong khoảng đầu hoặc giữa thế kỷ thứ 8, hiện nay được công nhận là mộc bản lâu đời nhất trên thế giới. Điều đó chứng tỏ rằng Hàn Quốc đã biết và sử dụng mộc bản in từ rất sớm dưới thời Tam Quốc Triều Tiên (thế kỷ thứ 4 TCN đến năm 668) hoặc thời đại Silla thống nhất (668-935).

Mocban HQ_001

Mugujeonggwang Daedaranigyeong (Kinh ánh sáng Dharani), mộc bản lâu đời nhất trên thế giới

Phiên bản khắc lại bởi nghệ nhân Lee Chang-seok

 

In khắc gỗ càng được phát triển hơn nữa trong thời kỳ Vương quốc Goryeo (918-1392). Sau khi hình thành, Goryeo đã thành lập một cơ quan gọi là “Naeseoseong” để bảo tồn và quản lý tài liệu, sách vở như các tài liệu quan trọng của triều đình và các kinh điển Nho giáo. Tổ chức này đổi tên thành “Biseoseong” dưới thời trị vì của vua Seongjong (981-997). Với chức năng soạn thảo và quản lý các văn bản của triều đình, giám sát các kế hoạch xuất bản của Biseoseong và toàn bộ các ấn phẩm được in từ bản khắc gỗ. Sau đó, Thư viện hoàng gia “Biseogak” được thành lập như một cơ quan để bảo quản tất cả những cuốn sách được xuất bản trên toàn quốc. Đồng thời, các tấm gỗ để khắc mộc bản phục vụ việc in ấn đã được chuẩn bị sẵn cho các nhu cầu in khắc xuất bản trong tương lai, vì vậy việc in khắc gỗ đã trở nên rất phổ biến. Dựa trên kỹ năng in khắc gỗ tuyệt vời, Goryeo đã xuất bản hàng chục ngàn cuốn sách và nhà Tống (Trung Hoa) đã phái sứ giả đến Goryeo để mua chúng. Trong thời gian này, các bộ sưu tập xuất bản các tác phẩm kinh điển của Nho giáo đã rất phổ biến do được thực hiện bởi các dịch vụ in ấn tư nhân và sự gia tăng của các trường tư thục.

Năm 1234, khi thế giới đã phát minh ra kim loại, có thể thay thế bản khắc gỗ, tuy nhiên mộc bản đã không hề biến mất. Các tấm mộc bản vẫn tồn tại để bảo quản hồ sơ tài liệu trong thời gian dài cũng như để chạm khắc miêu tả chi tiết các hình ảnh và bản đồ. Hơn nữa, với sự chấp nhận rộng rãi của Phật giáo, nhu cầu in khắc gỗ ngày càng lớn và dễ dàng hơn, vì vậy mộc bản là bức tranh miêu tả sinh động những biến chuyển của Phật giáo. Các hình ảnh tiêu biểu của mộc bản triều đại Goryeo là Phật giáo Tam tạng và các bản kinh Tam tạng thời kỳ Goryeo (thường được gọi là “Tripitaka Koreana”) được làm ra từ các dự án do nhà nước tài trợ. Kinh Tam Tạng đầu tiên được bắt đầu thực hiện vào thế kỷ 11 và được sửa đổi hoàn thành vào thế kỷ thứ 13. Với quy mô ảnh hưởng rộng lớn và kỹ thuật chạm khắc tinh vi, các mộc bản Tripitaka thời kỳ Goryeo đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu trong danh mục ký ức thế giới năm 2007.

Việc in khắc gỗ vẫn tiếp tục được sử dụng dưới triều đại Joseon (1392-1910). Tuy nhiên một số dự án in ấn của các ngôi đền đã bị cắt giảm trong thời kỳ đầu khi Joseon đàn áp Phật giáo. Sau đó, nhu cầu sách kinh điển Nho giáo và sách lịch sử tăng mạnh khi triều đại Joseon thực hiện chính sách thúc đẩy Nho giáo. Theo đó, việc xuất bản dưới sự chỉ đạo của triều đình là đẩy nhanh sử dụng bằng kim loại. Nhưng thật thú vị, việc in khắc bằng mộc bản vẫn được sử dụng cho những cuốn sách cần thiết để phát hành rộng rãi và bảo quản lâu dài, trong khi kim loại được sử dụng để in các tài liệu quan trọng của triều đình hoặc sách vở. Điều này cho thấy độ bền tuyệt vời và việc có thể tái sử dụng các bản khắc gỗ.

Đền thờ Phật giáo thường là nơi khắc mộc bản dưới triều đại Joseon. Ban đầu, việc chạm khắc mộc bản tại các ngôi đền do các vị sư đảm nhiệm. Vào thời điểm đó, các nhà sư thuộc giai cấp thấp hơn và đôi khi được giao nhiệm vụ in các bộ sưu tập các tác phẩm văn học cho tầng lớp quý tộc như một hình thức lao động cưỡng bức. Những lý do cho việc này là do các đền thờ có nhân lực cho việc chạm khắc, việc tìm kiếm chuẩn bị gỗ làm mộc bản xung quanh các ngôi đền cũng thuận tiện và các đền thờ cũng thường sản xuất giấy hanji (một loại giấy truyền thống của Hàn Quốc) để cung tiến cho triều đình.

Như một cách để truyền bá tư tưởng chính trị, triều đại Joseon kiểm soát hầu hết các dự án xuất bản. Tuy nhiên, các Sarim (Nho sĩ địa phương) bắt đầu bước vào giới chính trị trong thế kỷ 16, vì vậy các ấn phẩm, các công trình và gia phả tăng dần với mục đích thúc đẩy quyền học tập hợp pháp của các gia đình. Tuy nhiên, hầu hết các ấn phẩm vẫn được quản lý bởi triều đình.

Thế kỷ 17, khi chính quyền các tỉnh được thành lập, các ấn phẩm của họ bắt đầu được in ấn nhiều hơn. Phần lớn là các loại sách mang tính sắc lệnh ban bố và các bộ sưu tập cá nhân, mặc dù số lượng không lớn.

Sau thế kỷ thứ 18, các học viện và đền thờ của gia đình bắt đầu xuất bản các bộ sưu tập của riêng của họ về công việc và gia phả một cách cạnh tranh và vì vậy mộc bản nổi lên như là phương tiện in ấn chính. Sau đó, việc in khắc gỗ cũng được sử dụng trong lĩnh vực tư nhân để xuất bản các tác phẩm kinh điển Nho giáo, sách lịch sử và sách về nghi lễ. Việc tư nhân sử dụng in khắc gỗ càng được tăng cường hơn nữa sau những năm cuối thế kỷ 18 và đạt đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, chiếm khoảng 60% của tất cả các ấn phẩm.

Ngoài ra, triều đại Joseon chứng kiến một giai đoạn phát triển chậm của nền kinh tế, vì vậy việc in khắc gỗ để xuất bản các cuốn tiểu thuyết được khuyến khích như một loại hàng hóa thương mại vì lợi nhuận. Nhất là sau khi bị Nhật Bản xâm chiếm năm 1592, quân đội đã phải in ấn xuất bản một số sách thương mại để chi trả cho các chi phí hoạt động trong một thời gian, nhưng đó là những năm cuối thế kỷ 17 khi các tiểu thuyết in ấn thương mại thực sự khởi sắc. Một số trong những cuốn tiểu thuyết đã chỉ ra nơi nó được xuất bản, người xuất bản và các thông tin khác. Ấn phẩm giai đoạn đó thường là sách giáo khoa, các loại từ điển, các sách về nghi lễ và tiểu thuyết… Những cuốn sách này đã được xuất bản chủ yếu trong khu vực Giho (ngày nay là Seoul và các tỉnh Gyeonggi, Chungcheong). Kể từ khi những tiểu thuyết được in vì mục đích lợi nhuận kinh tế thì kích thước của chúng cũng thay đổi khác nhau, mặc dù hình thức in vẫn không thay đổi.

Mocban HQ_002

Mộc bản in tiểu thuyết đầu thế kỷ 20, kích thước 43.5 × 16.5 × 1.7cm

Được hiến tặng bởi gia đình Noh Seung-joo, hiện nay thuộc sở hữu của Lưu trữ quốc gia Hàn Quốc

 

Cuộc xâm lược của Nhật Bản năm 1592 và chiến tranh Mãn Châu năm 1636 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của triều đại Joseon. Do đó, khu vực Giho, việc in khắc gỗ càng trở nên phổ biến bởi vì đây là phương thức in ấn mất ít thời gian và chi phí hơn cả. Trong những năm đầu thế kỷ 20, việc in các con dấu bằng đá bắt đầu xuất hiện và gia tăng với tốc độ đáng kể. Tuy nhiên, khu vực Yeongnam (đông nam Hàn Quốc), in khắc gỗ vẫn chiếm hầu hết các ấn phẩm sách, mặc dù việc sử dụng cả gỗ và đá đều khá phát triển. Vào thời điểm đó, phần lớn ấn phẩm là các tác phẩm văn học bởi vì vùng Yeongnam dường như có một sự quan tâm mạnh mẽ hơn trong việc giữ gìn văn học cổ. Điều này là do niềm tin rằng các tác phẩm văn học lưu giữ thành tựu của các bậc hiền triết cổ xưa. Khi đó các tấm mộc bản sử dụng trong in ấn là loại có thể di chuyển tháo rời được, sau khi in một cuốn sách, bản khắc gỗ đó có thể được sử dụng để in lại nhiều lần nếu nó được bảo quản tốt. Do đó, các xuất bản phẩm in bằng mộc bản đã được truyền lại cho nhiều thế hệ tại các học viện của các nhà hiền triết cổ đại, mặc dù chi phí để làm ra những tấm mộc bản là khá lớn.

Mocban HQ_003

Vùng Giho và Yeongnam (Hàn Quốc), nơi mộc bản được khắc in sử dụng nhiều

 

In khắc gỗ đã được phát triển ở Đông Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…), nhưng quá trình phát triển của mộc bản Hàn Quốc khác với các nước ở một số cách thức quan trọng như:

Thứ nhất, các bản khắc in bằng gỗ được sản xuất chủ yếu bởi các học viện hoặc thị tộc tại Hàn Quốc, trong khi tại Trung Quốc và Nhật Bản là các nhóm thương mại như một liên minh của các nhà xuất bản.

Thứ hai, các bản khắc in bằng gỗ được sản xuất tại Hàn Quốc để tưởng niệm những thành tựu của các nhà hiền triết cổ đại và đóng một vai trò trong việc tập trung quyền lực và ảnh hưởng của các phái học thuật tại Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc và Nhật Bản việc in khắc mộc bản chủ yếu trong việc theo đuổi lợi nhuận thương mại từ các ấn phẩm. Theo đó, những cuốn sách in ở Trung Quốc và Nhật Bản chủ yếu là sách dùng để học tập, khoa cử và những cuốn sách phổ biến khác. Mặc dù, sách được xuất bản tại Hàn Quốc trong thời kỳ Joseon cũng chủ yếu là về Nho giáo.

Thứ ba, các bản khắc in bằng gỗ được sản xuất tại Hàn Quốc phải trải qua các thủ tục kiểm soát nghiêm ngặt, được gọi là các cuộc tranh luận công khai, thậm chí sau khi tác giả qua đời. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, các tác phẩm được xuất bản ngay khi tác giả còn sống. Do đó, sự ảnh hưởng về thương mại, tác giả và những người khác được phản ánh rõ trong những cuốn sách.

Ở phương Tây, kỹ thuật in khắc gỗ đã được biết đến từ triều đại nhà Nguyên và đã được phổ biến trong một thời gian ngắn khoảng giữa thế kỷ 15, bởi nó được cho là rẻ hơn so với in bằng kim loại. Tuy nhiên, với việc sử dụng rộng rãi kim loại, việc in khắc gỗ được sử dụng chủ yếu để làm tranh khắc gỗ hơn là in ấn các cuốn sách.

Kể từ khi xuất hiện, các bản khắc gỗ của Hàn Quốc đã khá khác biệt so với các nước Trung Quốc và Nhật Bản. Về cơ bản, mộc bản Hàn Quốc rộng hơn và được trang bị thêm những tấm cuối. Ngoài ra, chúng thường được khắc trên cả hai mặt trước và sau. Tuy nhiên, mộc bản Trung Quốc và Nhật Bản, nơi việc xuất bản mang tính chất thương mại chiếm ưu thế, mộc bản không có phần kết thúc và tương đối mỏng. Khi in khắc gỗ tại Nhật Bản phát triển qua Hàn Quốc, hình thức của nó cũng tương tự như mộc bản Hàn Quốc cổ đại. Hơn nữa, tại Nhật Bản, mộc bản được sử dụng để in kinh Phật nhiều hơn, trong khi ở Hàn Quốc, mộc bản được sử dụng chủ yếu cho xuất bản những cuốn sách về Nho giáo.

Mocban HQ_004

Mộc bản thời kỳ Edo của Nhật Bản, kích thước 36,5 × 19,5 × 1.1cm

Sở hữu của Bảo tàng cổ tại đền Myeongjusa núi Chiaksan

Dịch từ nguồn: mokpan.ugyo.net (Trung tâm nghiên cứu cao cấp Hàn Quốc)

Ths. Nguyễn Thu Hoài

Theo archives.gov.vn

Liên Hệ Phòng Đọc

897513 truy cập

512 trực tuyến

Liên kết Website