TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Khám phá Bạch Mã qua những ký ức lịch sử

4:49 11/04/2016

Tọa lạc tại một trong những nơi đẹp nhất miền Trung Việt Nam, núi Bạch Mã có vị trí lý tưởng, cách Huế khoảng 40 km về phía Nam, cách Đà Nẵng khoảng 70 km về phía Bắc. Núi Bạch Mã hiện nay thuộc địa phận 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế. Nằm ở phần cuối cùng của dãy Trường Sơn Bắc kéo dài từ biên giới Việt – Lào ra tận biển Đông, với độ cao 1.450m so với mực nước biển, núi Bạch Mã có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được các chuyên gia môi trường đánh giá là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất ở khu vực Đông Dương.

Ngay từ thời Pháp thuộc, Bạch Mã đã được người Pháp đánh giá là nơi có tiềm năng lớn về du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy, ngay sau năm 1932 – khi Kỹ sư trưởng M. Girard khám phá ra Bạch Mã, người Pháp đã lên một kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng nơi đây thành một khu nghỉ dưỡng trên cao với diện tích khoảng 300ha, trong đó có các biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp và cả những khu vực dành riêng cho việc trồng rừng và bảo tồn thiên nhiên.

1-1

Tấm biển ghi công M. Girard, người có công khám phá ra Bạch Mã năm 1932

Cùng với kế hoạch đó, con đường dẫn đến Bạch Mã đã được hoàn tất vào tháng 5 năm 1934. Ban đầu chỉ là đường mòn đơn giản phục vụ cho khách bộ hành hoặc các phu kiệu, sau đó người Pháp đã huy động hơn 500 dân phu xây đắp lại con đường. Năm 1935, các vị khách du lịch đầu tiên đã chính thức đặt chân lên Bạch Mã. Trên đỉnh núi, người Pháp xây dựng một nơi để trú chân ngắm cảnh gọi là Vọng Hải Đài. Từ vị trí Vọng Hải Đài có thể quan sát được toàn cảnh đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai, cửa Tư Hiền, vụng Chân Mây, thậm chí là cả 2 thành phố Huế và Đà Nẵng.

Tháng 4 năm 1936, Khâm sứ Trung kỳ đã ký Nghị định quy định các điều khoản liên quan đến việc xây dựng nhà và biệt thự đầu tiên tại Bạch Mã. Người Pháp đã phân lô khu vực đất quy hoạch để làm nhà và tổ chức bán đấu giá. Vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn gần chục năm từ 1936 đến 1945, tại Bạch Mã đã mọc lên một khu nghỉ dưỡng lớn với khoảng gần 200 công trình nhà và biệt thự của các tổ chức và tư nhân xây dựng. Trong đó phần lớn chủ nhân các khu biệt thự là người Pháp, còn lại là người Việt thuộc tầng lớp giàu có hoặc gia đình hoàng tộc triều Nguyễn.

Nhà và biệt thự xây dựng ở đây chủ yếu theo phong cách kiến trúc Pháp, thường xây bằng đá hoặc bằng gỗ. Hàng năm, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, khu nghỉ dưỡng trên cao này là điểm đến khá lý tưởng không chỉ đối với những người Pháp tại Huế mà còn cho tầng lớp quyền quý người Việt để tránh cái nóng oi mùa hè ở miền Trung Việt Nam.

3
  Các biệt thự cổ xây dựng từ thời Pháp mới được trùng tu

Năm 1945, Hoàng đế Bảo Đại mặc dù đã có hàng loạt dinh thự nghỉ dưỡng như tại cao nguyên xanh mát Đà Lạt (với 3 dinh) hay các vùng biển đẹp nhất Việt Nam như Nha Trang, Vũng Tàu, Đồ Sơn… vẫn muốn được sở hữu thêm một biệt thự nghỉ dưỡng tại Bạch Mã. Trong một bản tấu của 2 bộ Lễ – Công ngày mồng 6 tháng 2 năm Bảo Đại 20 (1945) thì năm trước Bộ Tài chính Nam triều đã phụng mệnh tìm mua 1 ngôi biệt thự trên núi Bạch Mã để hoàng thượng ngự hóng mát trong mùa nóng. Biệt thự đã được mua với giá 40 ngàn đồng Đông Dương gồm 1 nhà chính 3 phòng lớn 2 phòng nhỏ và 1 nhà ngang 4 gian đều xây bằng gạch lợp ngói, phòng nào cũng được trang bị đầy đủ đồ dùng bằng gỗ[1]. Tuy nhiên có lẽ, vua Bảo Đại chưa từng đặt chân đến ngôi biệt thự này.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhận thấy Bạch Mã có một vị trí chiến lược nên quân Giải phóng, quân đội Mỹ cũng như quân đội miền Nam Việt Nam đều muốn chiếm lĩnh khu vực Bạch Mã. Bởi lẽ từ đây với tầm nhìn 360 độ có thể khống chế được quốc lộ 1A chạy dọc theo bờ biển, từ đỉnh Bạch Mã cũng có thể quan sát được sân bay Nước Ngọt (Đà Nẵng), sân bay Phú Bài (Huế), Bạch Mã cũng là vị trí yết hầu chia cắt 2 phần của đất nước. Năm 1969 quân đội Mỹ đã điều Sư đoàn dù 101 xây dựng một doanh trại quân sự và một sân bay trực thăng tại đây. Sân bay trực thăng này đã tạo nên một mắt xích quan trọng trong hệ thống căn cứ quân sự của Mỹ tại miền Trung.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quân đội Mỹ đã chuyển giao căn cứ quân sự này cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tháng 8 năm 1973, quân Giải phóng miền Nam đã đánh chiếm và làm chủ được cao điểm Bạch Mã. Quân đội cũng đã xây dựng một số công trình quân sự tại đây như địa đạo, doanh trại…  

4

5

Hệ thống địa đạo trong rừng Bạch Mã

Ngày nay, Bạch Mã đã trở thành một trong những vườn quốc gia lớn có hệ sinh thái đa dạng nhất tại Việt Nam, với hơn 22 ngàn héc ta diện tích tự nhiên, trong đó rừng nguyên sinh chiếm tới 17 ngàn héc ta. Hệ động thực vật ở Bạch Mã vô cùng phong phú, với hơn 900 loài động vật và khoảng 1400 loài thực vật. Các biệt thự cổ xây dựng từ thời Pháp một số đã được trùng tu trở thành các khu nghỉ dưỡng cho du khách như Đỗ Quyên, Kim Giao, Sao La… Các tuyến đường mòn kỳ ảo, cùng cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú của thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, Vọng Hải Đài, rừng Chò Đen, Công viên đá hát, Địa đạo Bạch Mã… sẽ là những khám phá đặc biệt thú vị với bất cứ ai đặt chân đến nơi đây.

6

 Khám phá Bạch Mã bằng đường mòn

[1] Châu bản triều Bảo Đại, tập 29, tờ 295 (Tài liệu Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Nguồn tham khảo: Website Vườn Quốc gia Bạch Mã

NGUYỄN THU HOÀI

Liên Hệ Phòng Đọc

912117 truy cập

74 trực tuyến

Liên kết Website