TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Hình ảnh quốc gia qua Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn

9:20 02/01/2016

  1. Những giá trị đặc sắc của Châu bản triều Nguyễn để trở thành Di sản tư liệu

Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tháng 5 năm 2014. Để được ghi danh vào Danh mục những di sản tư liệu quý giá trong Bộ nhớ của nhân loại, Châu bản triều Nguyễn đã chứng minh được những giá trị đặc sắc, hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm quốc tế. Số lượng Châu bản hiện nay còn lưu giữ được là khoảng trên 85.000 văn bản, trải dài suốt gần một thế kỷ rưỡi từ 1802 đến 1945 qua 13 triều vua nhà Nguyễn, trong đó 11 triều lưu lại được văn bản và bút tích của Hoàng đế. Vì vậy có thể hình dung Châu bản triều Nguyễn như một bức tranh hoành tráng phản chiếu hầu như toàn bộ các diễn biến lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người ở Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Không những thế Châu bản còn phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa kinh tế giữa triều Nguyễn với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua các hoạt động đối ngoại của triều đình.

Chính vì vậy Châu bản đã đáp ứng khá đầy đủ các tiêu chí về tính độc đáo, xác thực và tầm ảnh hưởng quốc tế do UNESCO đề ra để trở thành một Di sản được ghi trong bộ nhớ của nhân loại.

Giá trị đặc sắc của Châu bản thể hiện ở nhiều khía cạnh cả về hình thức và nội dung. Đặc biệt trải qua thời gian, bản thân tài liệu đã là những cổ vật quý giá, những thông tin chuyển tải, hình dấu in trên văn bản, bút tích phê duyệt của các Hoàng đế, hình thức văn bản, ngôn ngữ, chữ viết, chất liệu giấy, mực… đã trở thành những tư liệu quý báu làm nên giá trị có một không hai của di sản tư liệu này.

Tính độc đáo của Châu bản được thể hiện qua việc ngự phê trực tiếp của các Hoàng đế bằng mực son trên văn bản. Đây là điều hiếm thấy trong hệ thống văn bản của nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù triều đại Minh, Thanh ở Trung Hoa cũng có Châu bản, tức là các văn bản có bút phê bằng châu son của Hoàng đế. Tuy nhiên Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính hiếm hoi lưu giữ được khá đầy đủ bút tích của hầu hết các vị Hoàng đế của một triều đại. Và có lẽ hiếm có một đất nước nào mà người đứng đầu quốc gia lại quan tâm tỷ mỉ, phê duyệt trực tiếp từng văn bản về từng vấn đề từ quốc gia đại sự đến dân sinh như vậy. Hình thức ngự phê cũng đặc biệt phong phú như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ, Châu cải. Mỗi hình thức ngự phê tương ứng với một dạng ý kiến khác nhau của Hoàng đế như đồng ý hoàn toàn, cho ý kiến chỉ đạo, chấp thuận một điều khoản cụ thể hay sửa chữa, bác bỏ… Bút pháp của các Hoàng đế cũng thể hiện những phong cách đa dạng, có vua phê ngắn gọn chữ viết chân phương rõ ràng dễ đọc như các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị; có vua phê lời lẽ bay bổng, chữ viết văn hoa như Tự Đức. Thậm chí Bảo Đại, vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn mặc dù theo “Tây học” nhưng vẫn có thể phê duyệt lên văn bản bằng cả chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ quốc ngữ.

Châu bản có tính chân xác cao bởi lẽ trên mỗi văn bản đều ghi rõ ngày tháng năm ban hành và được đóng dấu của Hoàng đế hoặc các cơ quan trong chính quyền. Quy trình soạn thảo, ban hành, luân chuyển, giải quyết văn bản cũng như hệ thống con dấu đóng trên văn bản được quy định chặt chẽ về thẩm quyền, loại hình, thể thức… Hơn nữa phương thức làm việc mang tính nghiêm cẩn, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa Hoàng đế – Nội các – các Bộ, Nha thực thi đã tạo nên tính xác thực và pháp lý chặt chẽ của Châu bản triều Nguyễn.

Về ý nghĩa và tầm ảnh hưởng quốc tế, Châu bản là các văn thư hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn, vì thế nó đương nhiên phản ánh toàn bộ các hoạt động nội trị và ngoại giao của triều đình trong giai đoạn cầm quyền từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

Sau khi dành được chính quyền, triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách cũng như thực thi các biện pháp để củng cố và xây dựng chính quyền như:

– Các chính sách về kinh tế: quản lý ruộng đất, đồn điền, doanh điền, khai hoang, lấn biển; các chính sách thuế; các chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa; xây dựng đường xá, cầu cống, đề điều, trị thủy…

– Các chính sách về văn hóa giáo dục: cải cách chế độ thi cử, xây dựng Quốc Tử giám, Quốc Sử quán, mở thêm nhiều trường dạy nghề, tổ chức biên soạn các bộ sách lịch sử, điển chế mang tính chính thống quốc gia…    

– Các chính sách về tổ chức bộ máy chính quyền: đặt quốc hiệu, khắc ấn triện, xây dựng kinh thành, thành lập hoàn thiện các cơ quan trong hệ thống chính quyền, định chế độ lương bổng, quan ngạch, thưởng phạt, thăng giáng…

Về đối ngoại, mặc dù khá dè dặt thận trọng nhưng các Hoàng đế triều Nguyễn đã có nhiều hoạt động ngoại giao với lân bang như cử tàu thuyền đi buôn bán, trao đổi hàng hóa tại Sing-ga-po, In-đô-nê-xia, Phi-lip-pin, Hong-kong, Ma-cao, Quảng Châu, Phúc Kiến…; tiếp nhận tàu thuyền các nước phương Tây đến giao dịch thương mại như: Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh…; thư từ thăm hỏi quốc vương các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia…; hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh xã hội tại các vùng biên giới, trợ giúp cứu nạn tàu thuyền qua lại trên hải phận của Việt Nam… Điều này làm nên mối quan hệ giao lưu đa chiều cả về chính trị, văn hóa lẫn kinh tế của triều Nguyễn với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên trong một thế kỷ rưỡi cầm quyền của triều Nguyễn là giai đoạn thế giới có rất nhiều biến động. Đặc biệt làn sóng xâm chiếm thuộc địa từ Tây Âu cùng với sự thoái trào như một tất yếu của chế độ phong kiến đã tác động đến cả một khu vực rộng lớn Đông và Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các Hoàng đế triều Nguyễn với trách nhiệm của người đứng đầu quốc gia đều đã làm hết sức để củng cố địa vị và mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh. Nhưng đứng trước sự hùng mạnh về vật chất, kỹ thuật cùng dã tâm của thực dân phương Tây thì một quốc gia phong kiến tiểu nhược lạc hậu lại đang trên đà suy thoái như nhà Nguyễn việc bị thôn tính là không tránh khỏi. Và trong công cuộc áp đặt đô hộ đó, ngoài việc kháng cự, đấu tranh về chính trị, quân sự thì những tác động giao thoa về văn hóa, tư tưởng cũng không tránh khỏi đan xen ảnh hưởng lẫn nhau.

Có thể nói trước khi có sự can thiệp của Pháp, Châu bản hầu như là nguồn tài liệu gốc duy nhất cung cấp đầy đủ thông tin về giai đoạn cầm quyền của nhà Nguyễn trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội… Sau khi có sự thống trị của Pháp, vai trò của triều đình nhà Nguyễn đã dần mất đi, vì vậy một số thông tin quan trọng có thể được tìm thấy ở những nguồn tư liệu khác. Tuy nhiên những hoạt động của triều đình vẫn thể hiện phần lớn trên Châu bản. Và không ở đâu khác, Châu bản giai đoạn này phản ánh rõ ràng nhất quá trình suy thoái của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và một trong những triều đại phong kiến cuối cùng của khu vực và thế giới.

  1. Hình ảnh quốc gia qua Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn

Đáp ứng những tiêu chí quan trọng cơ bản của Chương trình Ký ức thế giới (MOW) như: tính độc đáo, tính xác thực, ý nghĩa và tầm ảnh hưởng quốc tế… Hồ sơ Châu bản triều Nguyễn đã trải qua những sàng lọc khắt khe của các chuyên gia tư vấn quốc tế và sự cạnh tranh khá gay gắt của nhiều hồ sơ đến từ các quốc gia trong khu vực.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO tại Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 5 năm 2014, trong phiên phản biện, đánh giá các hồ sơ đề cử, TS. Rujaya Abhakorn, Đại sứ thiện chí của Chương trình đã nhận xét về Châu bản triều Nguyễn như sau: Việt Nam là một trong những cường quốc mạnh nhất khu vực Đông Nam Á dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn, vì vậy những ảnh hưởng của quốc gia này đến khu vực và một phần của thế giới là điều không thể phủ nhận. Mặc dù các tư liệu quý giá này chỉ là một phần còn sót lại qua các cuộc chiến tranh và sự hủy hoại của thiên nhiên nhưng những bản gốc nguyên vẹn còn lại không có gì để nghi ngờ về tính xác thực và tính độc đáo. Bộ sưu tập này cho thấy các khía cạnh khác nhau của lịch sử Việt Nam và ở một góc độ rộng hơn của khu vực Đông Nam Á. Nó cũng ghi lại những phản ứng của nhà Nguyễn trước thực dân Pháp và do đó nó là một phần quan trọng của lịch sử thế giới.

Sau đó phát biểu tại Lễ đón Bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn tại Hà Nội, Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam cũng khẳng định: Những tư liệu này có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ ai đã đọc Châu bản vì chúng đưa bạn ngược dòng lịch sử thông qua những tư liệu về 150 năm phát triển chính trị, kinh tế – xã hội và văn hóa của Việt Nam. Mặc dù được viết từ nhiều thế hệ trước, nhưng các tư liệu này phản ánh cam kết lâu dài của dân tộc về phát triển giáo dục, văn hóa và khoa học, những cam kết này đến nay vẫn vô cùng mạnh mẽ.

Sau khi điểm qua một số Châu bản tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa giáo dục như việc vua Gia Long thành lập Quốc tử giám tại Phú Xuân – Huế, vua Minh Mệnh ngự phê chỉ đạo các chính sách phân phát đồ cứu tế và giảm giá thóc gạo trong những vùng bị thiên tai, vua Thành Thái mở trường Quốc học để đào tạo nhân tài có trình độ về văn minh phương Tây hay đặt mua các tờ báo tiếng nước ngoài để mở mang tầm hiểu biết. Bà nhấn mạnh: Đây chỉ là một vài ví dụ về di sản văn hóa và chính trị phong phú được lưu giữ trong những Châu bản chúng ta vinh danh hôm nay. Châu bản thể hiện quyết tâm quốc gia hướng tới phát triển giáo dục và khoa học, giao lưu quốc tế và phát triển văn hóa mà ngày nay chúng ta thấy được. Chúng cho thấy dân tộc này vĩ đại đến nhường nào khi nói về giáo dục.

Đồng thời vị đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng cam kết: Tôi xin bày tỏ cam kết của UNESCO làm mọi việc có thể trong khả năng của chúng tôi để cùng với quý vị và các bạn tăng cường bảo quản và quảng bá những tư liệu này trên khắp thế giới. Cá nhân tôi sẵn sàng tự nguyện xúc tiến và nghiên cứu sâu hơn di sản đầy ý nghĩa này. Tôi luôn tìm kiếm các cơ hội chia sẻ và quảng bá di sản đáng kinh ngạc này của Việt Nam với thế giới.

Có thể nói, việc Châu bản triều Nguyễn được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO là một một vinh dự lớn lao đối với Việt Nam. Đây là Di sản tư liệu thứ tư chúng ta đóng góp cho nhân loại sau Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia Văn Miếu – Quốc tử giám (2010) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012). Cùng với các Di sản thiên nhiên và Di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, Di sản tư liệu góp phần đưa hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Nếu như các Di sản thiên nhiên là sự hiện hữu mang tính vật chất ngẫu nhiên do tạo hóa ban tặng thì Di sản văn hóa và Di sản tư liệu (thực chất cũng là một loại Di sản văn hóa) là những sản phẩm do trí tuệ con người tạo ra vừa mang tính vật thể vừa mang tính phi vật thể. Mặc dù rất vô hình và đôi khi không thể định lượng nhưng giá trị của nó tác động đến đời sống tinh thần lại không thể đo đếm được. Đặc biệt các Di sản tư liệu nhất là tài liệu lưu trữ với giá trị nguyên gốc, độc bản, xác thực luôn là những vũ khí sắc bén mang tính pháp lý và chứng cứ gốc làm sáng tỏ những tồn nghi của lịch sử.

Trong gần một thế kỷ rưỡi tồn tại (1802-1945), triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc di sản lớn lao nhất đó là giang sơn đất nước thống nhất gồm cả đất liền và hải đảo. Đó cũng là sự kế thừa những thành tựu dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ ngàn đời nay. Triều Nguyễn cũng để lại nhiều di sản văn hóa quý báu, đồ sộ như các công trình kiến trúc thành quách, đền miếu, lăng tẩm… Đặc biệt cố đô Huế là nơi hội tụ, kết tinh các giá trị văn hóa của một thời kỳ lịch sử mà triều Nguyễn đặt kinh đô tại đây. Hiện nay Quần thể Di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra đến nay triều Nguyễn cũng đóng góp hai Di sản tư liệu cho nhân loại là Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn. Đây là những sản phẩm minh chứng cho sự tồn tại của một vương triều đã lui vào dĩ vãng nhưng những thông tin về quá trình hoạt động, cùng các diễn biến lịch sử sảy ra dưới triều đại đó vẫn được lưu giữ lại. Ngày nay mặc dù việc hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nhưng nhiều giá trị truyền thống vẫn tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn và tôn vinh. Và chính những giá trị truyền thống đó đã làm nên hình ảnh của quốc gia hay sức mạnh nội sinh của một dân tộc.

Ths. Nguyễn Thu Hoài

(Theo Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam)

 

Liên Hệ Phòng Đọc

896646 truy cập

129 trực tuyến

Liên kết Website