TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Giới thiệu về hai vị quan Nguyễn Quý và Nguyễn Hạnh qua Châu bản triều Nguyễn

2:47 29/01/2018

 

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I  mỗi năm phục vụ khoảng 1.500 lượt độc giả, sao chụp gần 20.000 trang tài liệu và chứng thực tài liệu lưu trữ. Bên cạnh đó, Trung tâm Lưu  trữ quốc gia I không chỉ phục vụ độc giả đến đọc tài liệu trực tiếp tại phòng Đọc mà còn tra cứu tài liệu giúp những độc giả ở xa, không có điều kiện đến đọc và nghiên cứu tài liệu tại phòng Đọc.

Năm 2016, Ông Nguyễn Bái cư trú tại Thành phố Huế vì ở xa không có điều kiện đến đọc tài liệu tại phòng Đọc nên ông đã viết thư nhờ chúng tôi tìm hiểu công lao và sự nghiệp của tổ tiên các bậc tiền bối của dòng họ có đóng góp sức lực, trí tuệ cho dân, cho nước dưới triều Nguyễn. Trong đó có quan Thái Y viện Nguyễn Hạnh (1805-1874) và viên Võ quan Nguyễn Quý (1796-1852) mà dòng họ của các ông đang phụng thờ.  Sau quá trình khảo sát khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chúng tôi đã tìm được 28 văn bản có nội dung liên quan đến 2 vị quan triều Nguyễn này, góp phần bổ sung cho tư liệu dòng họ Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

  1. Quan Thái Y viện Nguyễn Hạnh hay còn gọi là Nguyễn Văn Hạnh: Sinh năm Ất Sửu (1805) tại làng Vân Dương, tổng An Cựu, tỉnh Thừa Thiên. Ông là con trai thứ 2 của cụ Nguyễn Văn Hưng (1767-1825) giữ chức Đội trưởng đội Tứ, vệ Nội hầu (gốc người làng Bồi Dương, tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (Theo gia phả họ Nguyễn làng Vân Dương, Huế). Năm Đinh Mùi, Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), Dụ rằng: Lần này Hoàng tử bị lên đậu mùa nhưng mọi việc đã qua khỏi tốt lành. Vì vậy gia ân cho những người trước sau trông coi việc thuốc thang là Y chính Nguyễn Văn Hạnh được thăng thụ Hữu Viện phán Thái y, Đoàn Công Loan cho chuyển bổ làm Tả Viện phán1. Cũng theo sách Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, đến năm Mậu Thân, Tự Đức năm thứ nhất (1848) lại có Dụ rằng: “Ngự y viện Thái y Ngô Kiên Trí cho thăng thụ viện sứ. Phó ngự y Nguyễn Hạnh cho thăng thụ ngự y2

Chúng tôi cũng đã tìm được 7 văn bản hiện đang lưu trữ tại kho Châu bản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Đây là những tài liệu chứng minh việc vị quan này giữ chức quan quản viện Viện Thái y. Xin trích dẫn một văn bản  nói về  quan Thái Y viện Nguyễn Hạnh

27368947_1802797440020335_5563106611696175209_o

 

Châu bản Tự Đức, tập 204, tờ 220

Các quan ở Thái Y viện cẩn tấu: Chúng thần trộm xét dấu quan phòng của viện thần chuyên do quan quản viện Nguyễn Hạnh  nắm giữ, mỗi khi có phiến tấu  chúng thần đều xin được lấy ra sử dụng. Nhưng từ ngày 21 tháng 8, quan quản viện Nguyễn Hạnh bị bệnh  xin chuẩn cho được nghỉ phép 2 lần (một  lần 1 tuần, 1 lần 20 ngày). Nay bệnh của viên ấy vẫn chưa khỏi tạm xin về quê điều trị. Lại  được Chỉ truyền phàm công vụ trong viện ủy giao cho  thần Nguyễn Tán nhận xử lý. Gần đây chúng thần tuân mệnh xử lý công việc các khoản đơn từ đều có đóng dấu quan phòng để xác tín. Ngày mùng 9 tháng này chúng thần tuân theo tập tấu nghị của quan viên trong viện về việc xin thăng trật, trong đó trình rằng: quan quản viện Nguyễn Hạnh hiện đang bị bệnh nên không thể dự duyệt tập tấu này. Nay nhận được tư báo của Bộ Lại về việc bản tấu xin thăng trật của viện thần bộ này chiếu xét tập tấu ấy không thấy sao lục, còn việc quan quản viện Thái y ốm nghỉ vào ngày tháng nào, ấn triện chuẩn giao cho quan Phó Ngự y và Viện phán ra sao cũng chưa thấy tấu báo rõ, mà trong tập tấu này các điều khoản liên quan lại thấy  kí tạm và đóng dấu quan phòng như vậy rất đáng ngại. Chúng thần biết lỗi này rất nặng, xin cam chịu tội. Mặt khác quan quản viện Nguyễn Hạnh hiện bệnh chưa khỏi mà mọi tư báo công vụ ở viện thần đều phải dùng dấu quan phòng mới khả tín, vậy nên xử lý như thế nào, xin tâu trình đợi chỉ.  Ngày 24 tháng 12 năm Tự Đức 22 (1869)3.

Như vậy qua các tài liệu khác nhau đặc biệt qua Châu bản triều Nguyễn đã làm rõ về thân thế con người của Thái y Nguyễn Hạnh một người có nhiều công đối với triều đình nhà Nguyễn.

  1.  Phó vệ úy Nguyễn Quý (1796-1852): Quê làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. (Theo Gia phả Họ Nguyễn làng Vân Dương). Ông là một quan võ có tài trong việc binh nên vào ngày mồng 10 tháng 6 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) được ban sắc phong làm Phó vệ úy:

26952632_1802811156685630_5570502000883419655_o       

Sắc phong chức cho ông Nguyễn Quý giữ chức Phó vệ úy Cấm binh

Sắc cho Cai đội đội 2 Nguyễn Văn Quý, ở ti Cảnh Tất, vệ Loan giá. Trước đây đã có chỉ cho nhà ngươi được bổ dụng làm Thự Phó vệ úy Cấm binh, nay chuẩn cho ngươi được thực thăng làm Phó vệ úy Trung vệ, doanh Thần cơ. Hãy đốc suất biền binh vệ đó, phàm sự vụ phải theo lệ phụng hành. Nếu phép quân không chăm thì đã có điển pháp”. Hãy tuân theo!. (Theo bản dịch Sắc phong lưu trữ ở Nhà thờ họ Nguyễn)4.

Khảo cứu khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có đến 21 văn bản nói về ông Nguyễn Quý. Châu bản tập 43, tờ 229, Thiệu Trị 7 (1847)5 có nêu: “Hai bộ Binh, Công tâu: Ngày mồng 3 tháng này, chúng thần vâng đem việc chước nghĩ lượng đặt các đại bác tại 4 thành đài tại tấn Đà Nẵng, đánh dấu lên bản đồ tâu lên. Vâng được huấn thị, lại được sắc truyền về cửa pháo, truyền cho kiểm tra theo mẫu các cửa pháo tại kinh thành để tham khảo thực hiện. Chúng thần tuân theo sức lệnh cho thự Chưởng vệ chuyên quản vệ Trung doanh Thần cơ là Tôn Thất Đắc, Phó vệ úy Nguyễn Quý cùng đem theo Phạm Văn Chương ở Giám thành và thuộc viên của ty Hoả pháo Phạm Diễm lên trên kinh thành kiểm tra do các mẫu cửa pháo, chước lượng nghĩ biện. Sau đó lại được sắc: Bảo Mỏ Vịt đặt pháo, cần theo như các đồn bảo khác xây đắp tường, bên trong mở cửa pháo, lượng đặt 7, 8 khẩu pháo. Nay đồn bảo đó xin nên tuân theo đắp tường, bên trong mở 7 cửa đặt pháo. Đã sứ  cho Phạm Văn Chương vẽ lại bản đồ cùng lượng đặt loại pháo nào đánh dấu, tâu trình lên”. Châu điểm.  Ngày mùng 8 tháng 5 năm Thiệu Trị 7 (1847).

Năm 1849 Nguyễn Quý được phong giữ chức Thự Chưởng vệ vệ Cẩm Y, chuyên quản các đội túc trực, quản các binh đinh thuộc quyền, trông coi mọi việc theo lệ. Căn cứ theo đó chúng tôi đã tìm trong Châu bản triều Nguyễn, Châu bản Tự Đức tập 11, tờ 133 có đoạn: “Chúng thần Nội các phụng Thượng Dụ: Ngày mồng 3 tháng này là kỳ thi Điện, ngày mồng 6 yết bảng vàng. Vậy truyền các viên… Thự Chưởng vệ Cẩm Y chuyên quản thường trực các đội Nguyễn Quý, Thự vệ úy vệ Loan Giá Tôn Thất Tuấn đều sung chức Tuần tra kiêm bảo vệ bảng vàng…Khâm thử!”. Sách Đại Nam Thực Lục Chính biên, tập 6, Đệ tam kỷ – quyển LXVI- NXB Giáo dục, có viết rằng: “Nhân sai bọn Mai Công Ngôn đốc đồng với Phó vệ uý vệ Trung dinh Thần cơ là Nguyễn Quý, thự Lang trung bộ Binh là Vũ Duy Ninh xem xét chỗ vụng Trà Sơn, chỗ nào nên dựng pháo đài, luỹ đài đặt cỗ súng, mà có thể chế ngự được bọn Tây dương, thì nhất nhất vẽ thành bản đồ, nói cho minh bạch, dán kín lại”.

Như vậy, trong khi thông tin về hai vị quan Nguyễn Quý và Nguyễn Hạnh trong tài liệu của dòng họ Nguyễn tại Thừa Thiên Huế, sách Đại Nam Thực Lục chính biên và trong các tài liệu khác vẫn còn ít, không  nêu rõ được công trạng của 2 vị quan triều Nguyễn này, cũng còn nhiều chỗ nghi ngờ cần thẩm định lại thì tư liệu chữ Hán trong Châu bản triều Nguyễn đã nêu bật lên được công lao của 2 vị quan Nguyễn Hạnh và Nguyễn Quý đối với nước với dân.

Chú thích:

1.Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 15, quyển 258 Viện Thái y, trang 422. Nxb Thuận Hóa, Huế – 1992.

2. Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 15, quyển 258 Viện Thái y, trang 423. Nxb Thuận Hóa, Huế – 1992.

Tài liệu tham khảo

  1. Châu bản Tự Đức tập 204, tờ 220. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
  2. Tài liệu dòng họ Nguyễn – do ông Nguyễn Bái cung cấp.
  3. Châu bản Thiệu Trị tập 43, tờ 229. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

HOÀNG NGUYỆT

Liên Hệ Phòng Đọc

914650 truy cập

465 trực tuyến

Liên kết Website