TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Dụ của vua Bảo Đại về việc thành lập cơ quan lưu trữ và thư viện của chính phủ Nam triều

9:44 10/08/2018

 

Cách đây tròn 75 năm, cơ quan Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ Nam triều được thành lập bằng bản Dụ của vua Bảo Đại ngày 11 tháng 8 năm 1943.

Trước đó, ngày 29 tháng 11 năm 1917, Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut đã ký một Nghị định lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành Lưu trữ và tài liệu lưu trữ trên toàn Đông Dương. Đó là Nghị định thành lập Kho Lưu trữ Trung ương tại Hà Nội và bổ nhiệm chức Giám đốc Lưu trữ và Thư viện tại Phủ Toàn quyền Đông Dương.

Nghị định này gồm 13 điều, lần đầu tiên xác lập một cơ quan quản lý về Lưu trữ và Thư viện tại Đông Dương. Nghị định cũng quy định rõ nguồn và thành phần tài liệu, các hoạt động nghiệp vụ cũng như chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Lưu trữ và Thư viện Đông Dương. Sau đó, ngày 30 tháng 11 năm 1917 Toàn quyền Albert Saraut đã bổ nhiệm ông Paul Boudet, một viên chức người Pháp có bằng Lưu trữ viên cổ tự làm Giám đốc Lưu trữ và Thư viện tại Phủ Toàn quyền Đông Dương.

Năm 1918, bằng một Nghị định khác, Toàn quyền Đông Dương quy định cụ thể việc thành lập 5 Kho Lưu trữ ở Đông Dương gồm: Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnôm-pênh và Viên-chăn; đồng thời quy định rõ thành phần tài liệu và nguồn nộp lưu tại các Kho. Trong đó Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội gồm: Tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương và các công sở trực thuộc; tài liệu của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và các tỉnh thuộc Bắc Kỳ; tài liệu của các tổ chức hoặc các công sở đã bị giải thể có giá trị thuần túy về mặt lịch sử. Bốn Kho Lưu trữ còn lại quản lý tài liệu của các Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Phủ Khâm sứ Trung Kỳ, Phủ Thống sứ Cao Miên, Phủ Thống sứ Lào và các công sở trực thuộc các cơ quan cai trị hành chính kể trên; tài liệu của các tỉnh thuộc Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên và Lào.

Đây là hai Nghị định quan trọng có tính quy phạm đầu tiên về công tác lưu trữ tại Đông Dương và Việt Nam. Tuy nhiên có thể thấy toàn bộ tài liệu của các cơ quan chính quyền triều Nguyễn không thuộc phạm vi quản lý của các Kho Lưu trữ này. Bởi lẽ trên thực tế các tài liệu hình thành trong hoạt động của bộ máy chính quyền triều Nguyễn được quản lý theo một hệ thống riêng. Toàn bộ các văn thư hành chính của triều đình tức Châu bản được giao cho Nội các quản lý, các bản phó Châu bản dùng để viết sách Thực lục giao cho Sử quán, một số văn thư quan trọng do Cơ mật viện quản lý, Mộc bản để in ấn sách giảng dạy cho tôn sinh lưu tại Quốc tử giám, sách vở thư tịch nói chung lưu tại Tàng thư lâu… Sau này triều Nguyễn cho lập thêm một số thư viện nữa như Tân thư viện thành lập dưới triều vua Duy Tân, Thư viện Cổ học thành lập dưới triều vua Khải Định để chứa các sách kinh sử dùng để dạy học. Do việc quản lý không thống nhất như vậy dẫn đến một số tài liệu, thư tịch của Nam triều vì không trông nom cẩn thận đã bị hư hỏng mất mát.

Năm 1942 (Bảo Đại thứ 17) ông Trần Văn Lý, Đổng lý Ngự tiền Văn phòng nhận thấy Châu bản tàng trữ tại Nội các không có người chăm sóc, tòa Đông các chứa văn thư bị bỏ hoang xuống cấp nên đã cùng với ông Ngô Đình Nhu lúc này là Phó giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương tấu trình lên vua Bảo Đại tìm cách cứu vãn Châu bản. Trong thời gian 3 năm, từ 1942 đến 1944, với vai trò Chủ tịch hội đồng cứu nguy Châu bản, ông Ngô Đình Nhu đã cho chỉnh đốn phân mục toàn bộ khối Châu bản và các văn kiện, thư tịch của Hoàng triều.

Năm 1943, dưới sự tham vấn của Ngô Đình Nhu, vua Bảo Đại đã ban hành một bản Dụ bằng tiếng Pháp thành lập riêng một cơ quan Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ Nam triều. Đây là cơ quan đầu tiên của triều Nguyễn quản lý thống nhất cả văn thư và thư tịch của triều đình. Bản Dụ gồm 6 điều khoản, quy định các vấn đề cụ thể như sau:

Điều 1: Thành lập Cơ quan Lưu trữ và Thư viện thuộc Bộ Quốc gia giáo dục của Chính phủ Nam triều.

Điều 2: Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ Nam triều bao gồm:

  1. Tài liệu lưu trữ và sử liệu của Sử quán;
  2. Tài liệu lưu trữ của Nội các;
  3. Tài liệu lưu trữ tại Tàng thư lâu;
  4. Tài liệu lưu trữ của Viện Cơ mật;
  5. Tài liệu lưu trữ của các Bộ, cơ quan ở kinh đô và các tỉnh;
  6. Thư viện Bảo Đại.

Điều 3: Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ Nam triều do Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục chỉ đạo về mặt hành chính và được đặt dưới sự giám sát của lưu trữ viên-cổ tự, quản thủ lưu trữ và thư viện An Nam với mức trợ cấp đặc biệt 1.200 đồng Đông Dương tương đương Cố vấn kỹ thuật và khấu trừ vào ngân sách của Chính phủ Nam triều.

Điều 4: Quản thủ Lưu trữ và Thư viện An Nam chịu trách nhiệm:

  1. Thống kê toàn bộ tài liệu tại các kho lưu trữ để có phương án tổ chức và phân loại hợp lý.
  2. Theo dõi tình trạng và bảo trì các tòa nhà lưu trữ;
  3. Tập trung tài liệu thuộc các phông khác nhau về 1 kho duy nhất để bảo quản hiệu quả.

Trao đổi với các cơ quan thuộc Chính phủ Nam triều, thông qua Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục để có các tài liệu, thông tin và hỗ trợ cần thiết nhằm tổ chức và phân loại tài liệu lưu trữ.

Điều 5: Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục giao cho Quản thủ Lưu trữ và Thư viện An Nam các quan viên có bằng cựu học hỗ trợ và các Thừa phái đã hoàn thành kỳ thực tập tại Nha Lưu trữ và Thư viện.

Điều 6: Chi phí nhân sự và cơ sở vật chất phát sinh từ việc thi hành Dụ này được chi phí từ ngân sách của Chính phủ Nam triều.

anhweb

Dụ của vua Bảo Đại ngày 11 tháng 8 năm 1943 thành lập cơ quan Lưu trữ và Thư viện của Chính phủ Nam triều

(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Bảo Đại tập 34, tờ 182)

 

Với việc thi hành bản Dụ này, cơ quan Lưu trữ và Thư viện đầu tiên của triều đình An Nam được thành lập dưới sự chỉ đạo về mặt hành chính của Bộ Quốc gia Giáo dục và toàn bộ chi phí do ngân sách Nam triều chi trả. Người đứng đầu là một Lưu trữ viên cổ tự, các viên Quản thủ đều phải có bằng cựu học và phải trải qua quá trình thực tập tại Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 8 tháng 9 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh sáp nhập các Thư viện công vào Bộ Quốc gia Giáo dục và cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc.

Trải qua thời gian đến nay đã tròn 75 năm thành lập cơ quan Lưu trữ đầu tiên của chính quyền triều Nguyễn. Đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng, tiền đề cho việc thành lập cơ quan lưu trữ nhà nước Việt Nam sau này.

Thu Hoài – Hoàng Hằng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên Hệ Phòng Đọc

891539 truy cập

145 trực tuyến

Liên kết Website