TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Đồng Tháp – Những dấu mốc lịch sử

11:16 12/05/2017

 

Đồng Tháp ngày nay là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trên 3.300 km² nằm hai bên bờ con sông Tiền. Đồng Tháp có 50 km đường biên giới với Cam-pu-chia (phía Tây Bắc); đồng thời giáp các tỉnh Long An, Tiền Giang (phần phía Bắc sông Tiền); các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và thành phố Cần Thơ (phần phía Nam sông Tiền).

Tỉnh Đồng Tháp được thành lập tháng 2 năm 1976 trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ. Tuy nhiên trước khi có tên gọi “tỉnh Đồng Tháp” nơi đây đã là một vùng đất trù phú phát triển, làng mạc tập trung trên các “giồng đất” cao dọc theo kênh rạch. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu người Pháp đã tìm kiếm và phát hiện nhiều dấu tích quan trọng về hoạt động đời sống của cư dân nơi đây như: kiến trúc đền tháp, nền nhà, mộ táng, bia đá, tượng thờ… thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo.

Vì đây là một vùng đất có nền văn minh khá lâu đời nên việc nghiên cứu quy chiếu ngược trở lại lịch sử để tìm hiểu quá trình hình thành vùng đất này trên cơ sở những thay đổi về địa giới hành chính là việc rất phức tạp. Tuy nhiên căn cứ trên những tài liệu, tư liệu lưu trữ gốc có được, hiện đang bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia chúng tôi có thể tóm lược lịch sử hình thành tỉnh Đồng Tháp như sau:

Thời kỳ phong kiến

Đồng Tháp xưa kia nguyên nằm trong một vùng đất đai rộng lớn phì nhiêu do các lưu dân người Việt từ phía Bắc vào khai phá lập nghiệp hình thành nên các vùng dân cư. Cùng với công cuộc Nam tiến của các dòng di dân tự nhiên, các Chúa Nguyễn cũng dần xác lập chủ quyền và thiết đặt bộ máy cai trị.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Buổi quốc sơ, tùy đất mà đặt kho (gọi là khố trường), kho ở đâu đặt theo tên đất ở đó để thu chứa tiền thóc sản vật… Chúa thấy Gia Định khi đó đất rộng cho lập thành 9 khố trường biệt nạp gồm Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Quản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Ba Canh, Tân Thịnh, cho dân tùy tiện lập ấp vỡ ruộng cày cấy nộp thuế và đặt quan lại để trưng thu”[1]. Trong đó khố trường Ba Canh nay chính là vùng đất phía Bắc sông Tiền tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1757, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát mở mang thêm đất Tầm Phong Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, giao cho Nguyễn Cư Trinh lập ba đạo: đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang đều thuộc dinh Long Hồ[2]. Trong đó đạo Đông Khẩu nay chủ yếu thuộc vùng đất phía Nam sông Tiền tỉnh Đồng Tháp.

Đến triều Nguyễn, ban đầu vùng đất nay thuộc Đồng Tháp nằm trên đất phủ Định Viễn trấn Vĩnh Thanh và phủ Kiến An trấn Định Tường. Năm 1832 vua Minh Mạng thực thi một công cuộc cải cách hành chính rộng lớn, thành lập 6 tỉnh tại Nam kỳ (gọi là Nam kỳ lục tỉnh), trong đó Đồng Tháp thuộc vào huyện Vĩnh An phủ Tân Thành, huyện Đông Xuyên phủ Tuy Biên tỉnh An Giang và huyện Kiến Đăng phủ Kiến An tỉnh Định Tường[3]. Năm Minh Mạng 19 (1838) triều đình cho trích đất huyện Kiến Đăng đặt thêm huyện Kiến Phong thuộc phủ Kiến Tường tỉnh Định Tường, năm Minh Mạng 20 (1839) tách 3 tổng của huyện Vĩnh An đặt thêm huyện An Xuyên thuộc phủ Tân Thành tỉnh An Giang. Vì vậy đến cuối đời vua Tự Đức, trước khi có sự can thiệp của Pháp, vùng đất Đồng Tháp ngày nay chủ yếu nằm trong các huyện Vĩnh An, An Xuyên, Đông Xuyên tỉnh An Giang và các huyện Kiến Đăng, Kiến Phong tỉnh Định Tường.

Thời kỳ thuộc địa Pháp

Trước khi có sự can thiệp của thực dân Pháp, Nam Kỳ gồm 6 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (miền Đông) và An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên (miền Tây). Từ năm 1862 đến năm 1874, bằng các Hòa ước ký với triều đình Huế, thực dân Pháp đã chiếm toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ, các đảo Côn Lôn, Phú Quốc và biến thành thuộc địa, gọi là Nam kỳ thuộc Pháp (Cochinchine française). Đồng thời người Pháp cũng bắt tay vào việc tổ chức bộ máy cai trị bằng cách xóa bỏ các phủ huyện cũ dưới triều Nguyễn lập thành các đơn vị hành chính mới gọi là Khu Thanh tra (Inspection).

Năm 1870, toàn bộ Nam kỳ có 25 Khu Thanh tra, đến năm 1871 rút xuống còn 18 khu. Trong đó 7 khu bị xoá bỏ để sáp nhập vào khu khác là Bắc Trang, Bến Tre, Cái Bè, Cần Giuộc, Cần Thơ, Long Thành, Trảng Bàng; còn lại 18 khu là: Bà Rịa, Biên Hoà, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Mỏ Cày, Rạch Giá, Sa Đéc, Sài Gòn, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh và Vĩnh Long[4]. Địa giới tỉnh Đồng Tháp chủ yếu nằm trong Khu thanh tra Sa Đéc và một phần các Khu Long Xuyên, Mỹ Tho, Châu Đốc.

Ngày 5/1/1876 Nghị định của Thống đốc Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam kì phân chia Nam kì thành 4 vùng hành chính (Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc) gồm 19 khu còn gọi là các Hạt tham biện (Arrondissement administratif)[5]. Tỉnh Đồng Tháp nằm chủ yếu trong khu Sa Đéc và một phần các khu Long Xuyên, Châu Đốc. Theo Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương kể từ ngày 01/01/1900 các khu hành chính tại Nam kỳ thống nhất gọi là “tỉnh” (Province)[6]. Đứng đầu mỗi tỉnh là một viên Chánh Tham biện còn gọi là Chủ tỉnh (Administrateur du province). Lúc này Sa Đéc là một trong 20 tỉnh của Nam kỳ.

Năm 1913, bằng Nghị định của Toàn quyền Đông Dương tỉnh Sa Đéc được đặt dưới quyền Chủ tỉnh Vĩnh Long, đồng thời tại Sa Đéc thành lập thêm quận Cao Lãnh[7]. Năm 1916, Sa Đéc được chia thành 3 quận: Châu Thành (tỉnh lị), Lai Vung và Cao Lãnh[8]. Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương lại ban hành Nghị định tách Sa Đéc ra khỏi tỉnh Vĩnh Long thành một tỉnh độc lập[9]. Đồng thời nâng đồn hành chính Cao Lãnh thành một Đại lý hành chính (Délégation administrative) vào năm 1925.

Thời kỳ 1945 – 1975

Cho đến tháng 8 năm 1945, địa giới hành chính tỉnh Đồng Tháp chủ yếu nằm trong tỉnh Sa Đéc gồm ba quận Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh (phía Nam sông Tiền) và một phần các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên (phía Bắc sông Tiền).

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, tỉnh Sa Đéc thuộc Chiến khu 8 miền Trung Nam bộ[10]. Ngày 12/9/1947 theo Chỉ thị của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ thành lập tỉnh Long Châu Tiền trên cơ sở một phần các tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên gồm 5 quận Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B, Lấp Vò. Năm 1950 tỉnh Đồng Tháp Mười được thành lập từ 29 xã của các huyện Cai Lậy, Cái Bè tỉnh Mỹ Tho; Cao Lãnh tỉnh Sa Đéc và Mộc Hóa tỉnh Tân An[11]. Năm 1951 tỉnh Long Châu Tiền sáp nhập với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Long Châu Sa[12]. Tỉnh Long Châu Sa tồn tại cho đến năm 1954 bị xóa bỏ để khôi phục lại các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc như cũ.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền lấy Vĩ tuyến 17 tại Quảng Trị làm ranh giới. Địa giới từ Vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Sa Đéc lúc này thuộc Tây Nam phần. Tháng 2 năm 1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Phong Thạnh từ một phần đất đai các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Mỹ Tho, Sa Đéc[13]. Tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lại ban hành Sắc lệnh về việc thay đổi địa giới và tên một số tỉnh và tỉnh lị tại miền Nam Việt Nam, theo đó tỉnh Sa Đéc sáp nhập vào Vĩnh Long thành tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Phong Thạnh đổi tên thành tỉnh Kiến Phong[14]. Năm 1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Vĩnh Long[15].

Thời kỳ sau năm 1975

Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc. Theo Nghị quyết này dự kiến hợp nhất các tỉnh cũ thành 21 tỉnh mới trong toàn quốc, trong đó 3 tỉnh Long Châu Tiền, Sa Đéc, Kiến Tường được dự kiến sáp nhập thành 1 tỉnh mới. Tuy nhiên sau khi cân nhắc tình hình thực tế ở miền Nam, Bộ Chính trị đã quyết định điều chỉnh lại việc hợp nhất một số tỉnh từ Khu 6 trở vào, trong đó tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ được hợp nhất[16]. Trên cơ sở đó, tháng 2 năm 1976 bằng Nghị định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tỉnh Đồng Tháp chính thức được thành lập từ việc hợp nhất 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong.

anh1

Nghị quyết số 19/NQ ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng Lao động Việt Nam dự kiến sáp nhập 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong

Nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng

 

anh2

Báo Nhân dân ngày 26/2/1976 công bố Nghị định của Chính phủ Cách mạng CHMNVN hợp nhất 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Báo Nhân dân

Khi thành lập, tỉnh Đồng Tháp gồm 1 thị xã Sa Đéc (tỉnh lị), 5 huyện Cao Lãnh, Tam Nông, Hồng Ngự, Lấp Vò, Châu Thành với tổng số 79 xã và 2 thị trấn Cao Lãnh, Hồng Ngự[17].

Ngày 5/1/1981 Hội đồng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quyết định thành lập thêm một huyện mới tại tỉnh Đồng Tháp lấy tên là huyện Tháp Mười trên cơ sở 8 xã được tách ra từ huyện Cao Lãnh[18], đồng thời đổi tên huyện Lấp Vò thành huyện Thạnh Hưng. Tháng 2 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng lại quyết định thành lập huyện mới Thanh Bình trên cơ sở tách ra từ một phần đất đai, dân số của huyện Tam Nông[19]. Đồng thời sáp nhập thêm 3 xã Hòa An, Mỹ Trà, Mỹ Tân của huyện Cao Lãnh vào thị trấn Cao Lãnh để nâng cấp thành thị xã Cao Lãnh. 

Tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam quyết định điều địa giới hành chính các huyện Cao Lãnh, Thạnh Hưng và các thị xã Sa Đéc, Cao Lãnh. Trong đó tách 3 xã, 5 ấp của huyện Cao Lãnh để sáp nhập vào thị xã Cao Lãnh; tách 2 ấp của huyện Thạnh Hưng và 3 cồn của huyện Cao Lãnh sáp nhập vào thị xã Sa Đéc. Ngày 22/4/1989, tỉnh Đồng Tháp lại được điều chỉnh thành lập mới huyện Tân Hồng trên cơ sở chia tách từ huyện Hồng Ngự[20]. Ngày 27/6/1989, Hội đồng Bộ trưởng lại ra Quyết định chia huyện Thạnh Hưng thành 2 huyện là Thạnh Hưng và Lai Vung[21].

Ngày 29/4/1994 Nghị định số 36-CP của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quyết định chuyển tỉnh lị tỉnh Đồng Tháp từ thị xã Sa Đéc về thị xã Cao Lãnh. Ngày 6/12/1996 Nghị định 81-CP của Chính phủ đã đổi huyện Thạnh Hưng trở lại tên cũ là huyện Lấp Vò.

Ngày 16/1/2007 Nghị định số 10/2007/NĐ-CP của Chính phủ thành lập thành phố Cao Lãnh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Cao Lãnh. Tháng 12 năm 2008, Chính phủ lại ban hành Nghị định thành lập thị xã Hồng Ngự trên cơ sở điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của thị trấn Hồng Ngự và các xã An Bình A, An Bình B, Bình Thạnh, Tân Hội, Thường Lạc của huyện Hồng Ngự[22].

Đến nay sau nhiều lần tách sáp nhập, toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Đồng Tháp gồm 2 thành phố Cao Lãnh (tỉnh lị), Sa Đéc; 1 thị xã Hồng Ngự và 9 huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình, Tháp Mười.

 

Chú thích

[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1 (Tiền biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, trang 149-150.

[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, đã dẫn, trang 166.

[3] Vùng đất này là Đồng Tháp nằm chủ yếu trong các tổng An Hội, An Mỹ, An Thới, An Thạnh, An Tĩnh, An Trung huyện Vĩnh An; các tổng An Lương, An Phú, An Thành huyện Đông Xuyên thuộc tỉnh An Giang và các tổng Phong Phú, Phong Thạnh huyện Kiến Đăng tỉnh Định Tường. (Địa bạ triều Nguyễn)

[4] Công báo hành chính Nam kỳ (BOCF), năm 1871, tr.188.

[5] BOCF năm 1876, tr. 4-5.

[6] Công báo Đông Dương (JOIF), năm 1899, tr. 913.

[7] JOIF năm 1913, tr. 315-316; BOCF năm 1913, tr. 2916-2917.

[8] BOCF, Nghị định ngày 1/4/1916 của Toàn quyền Đông Dương, tr. 1034-1035.

[9] JOIF năm 1924, tr. 489.

[10] Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ấn định thể lệ tổng tuyển cử, toàn quốc lúc này gồm 73 đơn vị hành chính, trong đó Sa Đéc là 1 trong 21 tỉnh của Nam bộ thuộc Chiến khu 8 cùng với các tỉnh Bến Tre, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho.

[11] Công văn số 8956P/5 ngày 10 tháng 12 năm 1950 của Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng Chính phủ v/v thành lập tỉnh Đồng Tháp Mười gồm 29 xã: tỉnh Mỹ Tho các huyện Cai Lậy (3 xã), Cái Bè (6 xã); tỉnh Sa Đéc huyện Cao Lãnh (5 xã); tỉnh Tân An huyện Mộc Hóa (15 xã). (Phông Lưu trữ Phủ Thủ tướng)

[12] Ngày 20/3/1951 Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ đề nghị sáp nhập 5 tỉnh Long Châu Tiền, Sa Đéc, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công thành 3 tỉnh Long Châu Sa, Đồng Tháp Mười và Mỹ Tho; trong đó 2 tỉnh Long Châu Tiền và Sa Đéc sáp nhập thành tỉnh Long Châu Sa. (Phông Lưu trữ Phủ Thủ tướng)

[13] Sắc lệnh số 22-NV ngày 17/2/1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Tỉnh Phong Thạnh thành lập trên cơ sở: quận Hồng Ngự, cù lao Long Khánh, cù lao Cai Vung, cù lao Tây (tỉnh Châu Đốc); quân Phong Thạnh Thượng và tổng An Bình (tỉnh Long Xuyên); huyện Cao Lãnh trừ phần Đông Bắc kinh Vĩnh Hạ-Mỹ Tho và kinh số 4 nối dài (tỉnh Sa Đéc); phần đất phía Tây từ kinh số 4 tời vàm kinh Tổng đốc Lộc và từ kinh Tổng đốc Lộc tới Mỹ Hiệp (tỉnh Mỹ Tho). Trụ sở tỉnh Phong Thạnh đặt tại Cao Lãnh.

[14] Sắc lệnh số 143-NV ngày 22/10/1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

[15] Sắc lệnh số 162-SL/ĐUHC ngày 24/9/1966 của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp trung ương. Khi tách ra tỉnh Sa Đéc gồm 4 quận: Sa Đéc (3 tổng, 13 xã), Lấp Vò (2 tổng, 8 xã), Đức Tôn (2 tổng, 7 xã), Đức Thành (3 tổng, 8 xã). (Phông Lưu trữ Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa)

[16] Nghị quyết số 19/NQ ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Lê Đức Thọ ký.

[17] Công văn số 1194/UB ngày 17 tháng 9 năm 1976 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc báo cáo danh sách các xã, huyện, thị xã, thị trấn và đề nghị điều chỉnh, sáp nhập một số xã trong tỉnh. Trong đó 5 huyện Cao Lãnh, Tam Nông, Hồng Ngự, Lấp Vò, Châu Thành với tổng số 79 xã gồm: Thị xã Sa Đéc 5 xã (Tân Phú Đông, Tân Quy Tân, Vĩnh Phước, Tân Quy Đông, Tân Hưng); huyện Cao Lãnh 22 xã (Hòa An, Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông, Tịnh Thới, Mỹ Trà, Mỹ Tân, Phong Mỹ, Nhị Bình, Phương Thịnh, Mỹ Quý, Mỹ Thọ, Mỹ Xương, Mỹ Hội, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây, Long Hiệp, Bình Thạnh, Thanh Mỹ, Đốc Binh Kiều, Mỹ An, Mỹ Hòa, Hưng Thạnh); huyện Tam Nông 13 xã (Tân Huề, Tân Quới, Tân Long, Tân Phú, Bình Thành, Tân Thạnh, An Phong, An Long, Phú Hiệp, Phú Cường, Phú Đức, Phú Thành, Tân Công Sính); huyện Hồng Ngự 13 xã (Thường Thới Hậu, Thường Thới Tiền, Thường Phước, Thường Lạc, Bình Thạnh, An Bình, Tân Hội, Tân Hội Cơ, Tân Công Chí, Tân Thành, Long Khánh, Long Thuận, Phú Thuận); huyện Lấp Vò 15 xã (Phong Hòa, Vĩnh Thạnh, Tân Khánh Trung, Tân Khánh Đông, Định Yên, Dương Hòa, Tân Mỹ, Bình Thành, Long Hậu, Tân Thới, Long Hưng, Hòa Thắng, Bình An Trung, Mỹ An Hưng, Phước Thành); huyện Châu Thành 11 xã (Tân Phú Trung, Tân Bình, Tân Nhuận Đông, Hòa Tân, Tân Phú, Phú Hựu, Phú Long, An Phú Thuận, An Hiệp, An Khánh, An Nhơn). (Phông Lưu trữ Phủ Thủ tướng)

[18] Huyện Tháp Mười gồm 8 xã là Hưng Thạnh, Mỹ An, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Thanh Mỹ, Đốc Bình Kiều, Mỹ Quý, Mỹ Đông. Trụ sở đóng tại xã Mỹ An.  

[19] Khi chia tách huyện Tam Nông mới có 9 xã: An Long, Phú Ninh, An Hòa, Phú Thọ, Phú Thành, Tân Công Sinh, Phú Hiệp, Phú Đức, Phú Cường; trụ sở đóng tại xã Phú Hiệp. Huyện Thanh Bình có 10 xã: Bình Thành, Tân Mỹ, Phú Lợi, Tân Phú, Tân Thạnh, An Phong, Tân Long, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Huề; trụ sở đặt tại xã Tân Phú.

[20] Quyết định số 41-HĐBT ngày 22/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng v/v chia huyện và phân vạch điều chỉnh địa giới các huyện mới thuộc tỉnh Đồng Tháp. Khi chia tách huyện Hồng Ngự mới gồm 1 thị trấn Hồng Ngự và 15 xã (Tân Hội, Thường Phước I, Thường Phước II, Long Thuận, An Bình A, An Bình B, Bình Thạnh, Thường Lạc, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Thới Tiền, Long Khánh A, Long Khánh B, Phú Thuận A, Phú Thuận B); huyện Tân Hồng gồm 1 thị trấn Sa Rài và 8 xã (Tân Phước, An Phước, Tân Thành A, Tân Thành B, Thông Bình, Tân Hộ Cơ, Bình Phú, Tân Công Chí).

[21] Khi chia tách huyện Thạnh Hưng mới có 12 xã (Tân Khánh Trung, Tân Mỹ, Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, Bình Thạnh Trung, Bình Thành, Định An, Định Yên, Vĩnh Thạnh, Long Hưng A, Long Hưng B); huyện Lai Vung có 11 xã (Tân Dương, Hòa Thành, Long Thắng, Hòa Long, Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa, Phong Hòa).

[22] Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 23/12/2008 của Chính phủ v/v thành lập thị xã Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp.

Tài liệu tham khảo

1.Cục Lưu trữ Văn phòng trung ương Đảng, Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản;

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Công báo Đông Dương (Journal officiel de l’Indochinefrançaise – JOIF);

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Công báo hành chính Nam kỳ (Bulletin officiel de la Cochinchine française – BOCF);

4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Lưu trữ Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa;

5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Lưu trữ Phủ Thủ tướng;

6. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1 (Tiền biên), bản dịch của Viện Sử học, NXB Giáo dục, Hà Nội 2002.

7. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, bản dịch của Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, Huế, 1992.

8. Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

9. Nguyễn Quang Ân, Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945 – 2002), NXB Thông tấn, Hà Nội, 2003.

10. Tổng cục Thống kê, Danh sách các đơn vị hành chính mới và thay đổi (từ 01/7/2006 đến 31/12/2015), Website Tổng cục Thống kê.

ThS. Nguyễn Thu Hoài

Liên Hệ Phòng Đọc

908654 truy cập

99 trực tuyến

Liên kết Website