TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Điều ít biết về quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

8:30 16/01/2019

Sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan hữu quan, di tích Hồ Văn đã được khôi phục, cải tạo và được trả về cho cụm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tuy nhiên lai lịch, giá trị của Hồ Văn, và nhất là tại sao di tích này lại có một quãng thời gian dài bị tách ra khỏi quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì có lẽ không nhiều người biết. Bài viết xin cung cấp một số thông tin lấy từ tài liệu lưu trữ về vấn đề này.  

Theo sự phân chia về địa giới hành chính thời Pháp thuộc, ngay từ năm 1888, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thuộc địa phận thành phố Hà Nội[1]. Thời kỳ đó, Hà Nội vẫn chưa  được đô thị hoá và Văn Miếu thì vẫn chỉ được giới hạn bên trong các bức tường bao quanh, cây cối um tùm, quạ thường xuyên đến làm tổ trên các cổ thụ. Vì thế, Văn Miếu được người Pháp đặt tên cho là “Chùa Quạ” (Pagode des Corbeaux).

Từ năm 1893, chính quyền thực dân đã tiến hành mở rộng và quy hoạch các khu phố phía Tây Hà Nội từ vị trí Thành cổ, do vậy có nhiều con đường mới được mở ở khu vực xung quanh Văn Miếu, làm thay đổi cảnh vật ở quanh công trình văn hoá – lịch sử này. Kể từ đó, Văn Miếu đã trải qua nhiều lần thay đổi, mỗi lần thay đổi vẻ đẹp càng thêm hoàn mỹ. 

1. Lần thay đổi thứ nhất: Hồ Văn bị tách ra do mở đường

Lần thay đổi đầu tiên bắt đầu từ ngày 26-1-1899, khi Nguyễn Trọng Hiệp thay mặt cho quan lại của tỉnh Hà Nội làm đơn gửi chính quyền thực dân yêu cầu được coi đất đai ở giữa các con đường mới mở ở xung quanh Văn Miếu như tài sản của Văn Miếu. Yêu cầu chính đáng đó của Nguyễn Trọng Hiệp và các quan lại của tỉnh Hà Nội đã được chính quyền thực dân giải quyết.   

Trên cơ sở của Nghị định ngày 29-2-1899 của Đốc lý Hà Nội, Thống sứ Bắc Kỳ đã ký Quyết định số 14 ngày 7-4-1899 cho phép làng Thanh Giám (thuộc huyện Vĩnh Thuận, thành phố Hà Nội) nhượng miễn phí cho Văn Miếu một vùng đất bốn cạnh có giới hạn phía Bắc bởi phố Camps des Lettrés kéo dài (sau được đặt tên là phố Duvillier và nay là phố Nguyễn Thái Học), phía Nam bởi đại lộ Carreau kéo dài (sau được đặt tên là phố Cao Đắc Minh, nay là phố Quốc Tử Giám), phía Đông bởi bức tường bao quanh Văn Miếu và phía Tây bởi đường Thanh Oai (nay là phố Tôn Đức Thắng), nhằm làm tăng thêm vẻ đẹp bên ngoài của Văn Miếu.

Tuy nhiên, vì trong lịch sử, ngay từ khi mới được xây dựng, Hồ Văn đã là một phần của quần thể kiến trúc Văn Miếu-Quốc Tử Giám nên trong Nghị định ngày 29-2-1899 của Đốc lý Hà Nội và trong Quyết định số 14 ngày 7-4-1899 của Thống sứ Bắc Kỳ đã không nhắc tới hồ này. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, Hồ Văn đã bị tách ra khỏi cụm di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đặt dưới quyền quản lý của thành phố Hà Nội. Do không được quản lý chặt chẽ nên Hồ Văn đã bị lấn chiếm, xâm hại ngày càng nhiều.

17.1.2019_01

Ảnh chụp toàn cảnh Hồ Văn phía trước Văn Miếu

2. Lần thay đổi thứ hai: Hồ Văn được ví gần như đảo Ngọc Sơn giữa Hồ Hoàn Kiếm.

Năm 1939, do sự thay đổi về địa giới hành chính, Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại thuộc quyền quản lý của tỉnh Hà Đông. Trước tình trạng trên, ngày 31-7-1939, các quan lại, thân hào tỉnh Hà Đông và thành phố Hà Nội đã gửi một lá đơn cho Tổng đốc tỉnh Hà Đông, xin chuyển yêu cầu đưa trả lại Hồ Văn cho Văn Miếu đến các cấp có thẩm quyền giải quyết. Lá đơn với trên 30 chữ ký này có đoạn viết:

Văn Miếu được đặt trong một vị trí rất đẹp và một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp của nó chính là Hồ Văn. Theo quan niệm kiến trúc cổ thì hồ này như một minh đường có thể so sánh như một chiếc gương lớn soi sáng cho Văn Miếu. Ngoài ra ở giữa hồ còn có một đảo nhỏ gọi là “Kim Châu” tạo nên một một tiền án đẹp phá vỡ vẻ đơn điệu của phong cảnh và được ví gần như đảo Ngọc Sơn giữa Hồ Hoàn Kiếm.

Hồ Văn từ trước đến nay luôn được coi như là một phần phụ hoạ đẹp của Văn Miếu, bở vậy dưới triều Lê, thời Cảnh Trị, người ta đã cho xây dựng ở giữa đảo một ngôi đình tựa như lầu Bích Thuỷ nơi giảng dạy của Khổng Tử. Cũng ở thời đó, Đông các đại học sĩ Thiếu Bảo Yên Quận công Phạm Công Trứ đã làm 10 bài thơ có tên “Phán thuỷ thập vịnh” để ca ngợi vẻ đẹp của hồ. Việc này đã được ghi lại trong sách “Hà Nội địa dư” và “Nhĩ hoàng di ái” hiện được bảo quản tại Trường Viễn đông Bác cổ (EFEO).

Năm Tự Đức 18, Bố chánh thành phố Hà Nội là Lê Hữu Khanh cùng với các quan lại cùng thời đã cho sửa sang làm đẹp các bờ xung quanh hồ, đào sâu thêm đáy và tu sửa ngôi đình giữa hồ đặt tên là “Văn Hồ đình” và cho khắc lên gỗ 10 bài thơ của Phạm Công Trứ để lưu truyền mãi mãi vẻ đẹp của hồ.

Tất cả những công việc đó đều được ghi chép lại và khắc lên bia đá có tên là “Văn Hồ đình bi ký” và bia này hiện vẫn còn tồn tại trên đảo giữa hồ. Hiện nay các tấm gỗ khắc 10 bài thơ của Phạm Công Trứ vẫn còn được treo trên tường của Văn Miếu. Vì vậy không một ai có thể nghi ngờ về quyền sở hữu Hồ Văn từ gần 1000 năm nay của Văn Miếu[2].

Với lý lẽ đầy sức thuyết phục và những chứng cứ đi kèm[3], đơn yêu cầu “trả lại Hồ Văn cho Văn Miếu” của các quan lại, thân hào tỉnh Hà Đông và của thành phố Hà Nội đã được Hội đồng thành phố thông qua vào phiên họp thường kỳ ngày 30-5-1940. Kể từ ngày này, việc quản lý Hồ Văn đã chính thức giao cho Ban Hội đồng Trị sự của Văn Miếu đảm nhiệm. Đây chính là lần thay đổi thứ hai của Văn Miếu.

17.1.2019_02

Ảnh chụp tấm bia dựng trên đảo ở giữa Hồ Văn

3. Lần thay đổi thứ ba: mở rộng và bảo vệ cảnh quan Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Năm 1941, nhận thấy khu vườn thuộc phố Soeur Antoine (phố Hàng Bột) ở ngay cạnh Văn Miếu còn đang bị bỏ hoang, Tổng đốc Hà Đông là Vi Văn Định đã thay mặt cho các thân hào của Văn Miếu gửi công văn đề nghị Đốc lý Hà Nội cho phép dọn dẹp khu vườn ấy để làm đẹp cảnh quan của Văn Miếu. Trong phiên họp thường kỳ ngày 27-2-1941, Hội đồng thành phố đã quyết định giao khu vườn hoang đó cho Ban Hội đồng Trị sự của Văn Miếu cải tạo thành một vườn hoa công cộng không có rào chắn, nhằm vừa tăng thêm vẻ đẹp cho Văn Miếu, vừa làm nơi du khách đến tham quan Văn Miếu có chỗ nghỉ chân.     

Từ sau 1941, vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn được trân trọng, giữ gìn. Chính quyền thành phố đã bác bỏ nhiều đơn đề nghị sử dụng đất đai ở xung quanh Văn Miếu vào mục đích xây dựng nhà cửa, trồng trọt, mở chợ, đặt bơm nước ở cạnh Hồ Văn để rửa xe… Tháng 6-1953, cuộc lạc quyên để lấy tiền trùng tu Văn Miếu được Hội Việt Nam Văn hoá tổ chức trong phạm vi toàn quốc đã thu được kết quả tốt đẹp.    

Dưới đây là nguyên văn bản dịch bài “Văn Hồ đình bi ký” được gửi theo đơn ngày 31-7-1939 của các quan lại, thân hào tỉnh Hà Đông và thành phố Hà Nội xin trả lại Hồ Văn cho Văn Miếu:

Trước Văn Miếu có cái hồ lớn, trong hồ có cái gò tròn. Niên hiệu Cảnh Trị đời Lê, quan Tham tụng Phạm Công Trứ vịnh 10 bài thơ “Phán thuỷ” (nhà quốc học) để ghi cảnh hồ ấy. Lâu ngày bùn cát lấp xuống, trang ấu mọc đầy, lòng hồ ngày một nông và hẹp đi. Mùa thu năm Quý Hợi đời Tự Đức, tôi cùng quan Án sát Hà Nội là ông Đặng Lương Phủ dựng đình đề bia Tiến sĩ, nhân sửa hồ này, chỗ nào hẹp thì làm rộng ra, chỗ nào nông thì khai sâu xuống. Trừ hết nhơ bẩn, hiện ra cảnh trong sạch, mặt hồ và gò vì thế mà đẹp ra. Mùa thu năm Ất Sửu, quan Án Đặng xuất của nhà ra xây một cái đình trên gò ấy, gọi là đình Văn hồ, truy khắc 10 bài thơ “Phán thuỷ” của cụ Phạm trước, bảo tôi làm bài ký. Tôi nghĩ rằng Thăng Long là đất danh thắng, Văn Miếu bây giờ tức là nhà thái học đời xưa, thực là nơi văn vật, dù một cái gò một cái ao cũng nên tỏ bầy nó ra, nào có phải để mà chơi đâu. Từ nay trở về sau, ai bước lên đình này, trông thấy cây cỏ um tùm, nước hồ trong sạch, hoặc có tâm thần cảm tưởng, coi như thú vui ở sông Nghi và gió xuân của bậc cao đệ Khổng môn xưa chăng ? Đó là nên ghi lại.

Lê Hữu Khanh (Hoàng giáp, Bố chánh Hà Nội) soạn.

Đặng Tá (Cử nhân, Án sát Hà Nội) duyệt lại.

Phạm Xuân Trạch (Phó bảng lĩnh Tri huyện hai huyện Thọ Vĩnh) kiểm lại.

Hiệp quản Nguyễn Viên.

Thơ lại Nguyễn Xuân Bách đứng làm.

Người viết: Tú tài Trần Quang Luyến (người thôn Yên Ninh, huyện Vĩnh Thuận).

Ngày 15 tháng 8 năm thứ 18 hoàng hiệu Tự Đức

TS. Đào Thị Diến – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

————————————————————-

Chú thích:

[1] Địa hạt của thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc trải qua mấy lần thay đổi khiến cho khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám có lúc thuộc tỉnh Hà Đông.

[2] Tài liệu thuộc phông Sở Địa chính Hà Nội, hồ sơ: 768.

[3] Những chứng cứ kèm theo đơn gồm: 1 ảnh chụp toàn cảnh hồ phía trước Văn Miếu, 1 ảnh chụp tấm bia dựng trên đảo ở giữa hồ Văn, 1 bản sao chữ Hán, 1 bản dịch chữ Quốc ngữ và 1 bản dịch tiếng Pháp của tấm bia.

Liên Hệ Phòng Đọc

891152 truy cập

87 trực tuyến

Liên kết Website